Hãy Nghĩ Đến Tương Lai

Cô Loan là giáo viên chủ nhiệm lớp mười hai. Đó là một cô giáo tận tâm với nghề nghiệp, được học sinh quý mến. Trong buổi học cuối cùng, cô nhắn nhủ học sinh trong lớp:
– Các em thân mến, trong năm học vừa qua, các em thấy cô hay khuyên các em nên nghĩ đến tương lai của mình phải không? Và cho đến bây giờ cô vẫn nói thế vì đó là vấn đề hết sức thiết yếu cho mỗi người. Ai cũng biết rằng có nhiều bạn trẻ chỉ lo hưởng thụ trong hiện tại mà không nghĩ đến tương lai. Thế là đánh hỏng cả cuộc đời. Các em nên nhớ, theo quy luật của dòng chảy thời gian, thì cái đang là hiện tại sẽ phải biến chuyển thành quá khứ và không còn ảnh hưởng nhiều đến sự sống. Lúc bấy giờ tương lai lại trở thành hiện tại, tức là quãng thời gian cần quan tâm của cuộc đời. Vì lý do đó, các em hãy thực sự lo cho tương lai của mình. Việc học tập và rèn luyện ngày nay phải nhằm mục đích vun đắp cho ngày mai. Đây là chân lý vô cùng quan trọng.
Cô Loan ngừng lại, nhìn thấy đám học trò chăm chú, cô hiểu các em thực sự coi đây là vấn đề hệ trọng. Bạn Hường lớp trưởng nói:
o Thưa cô, lúc này chúng em thật băn khoăn. Chẳng biết phải lựa chọn ngành học nào!
o Vâng, đúng đó thưa cô. Cả năm nay em cũng lo thử chọn cho mình một hướng đi nhưng thật là khó. Cái ngành em thích thì mọi người đều cản, còn cái em không thích thì ba mẹ cứ thúc ép. Riết rồi em thấy mình chẳng hợp với ngành nghề nào – Sơn phát biểu.
o Cô ơi, cô hướng dẫn chúng em đi, chúng em rất cần cô – Cả nhóm nhao nhao.
o Chiều nay, ai có thể thì đến nhà cô lúc 5 giờ. Chúng ta cùng thảo luận và nói chuyện tương lai nhé!
o Yeh! – Những cánh tay giơ lên, úp vào nhau như lời cam kết. Chẳng khi nào cô Loan lại thấy mình và đám học trò thân thiện với nhau đến thế. Tiếng cười rộn rã sau lời chào tạm biệt, cả lớp ra về.
***
Đúng giờ hẹn, có khoảng hai mươi em đến nhà cô ngồi chật phòng tiếp khách. Sau khi mời dùng nước, cô lên tiếng:
– Bây giờ cô đề nghị các em hãy lần lượt thành thật nói cho cô biết đã suy nghĩ cặn kẽ hay chưa về vấn đề tương lai mà cô đã nói ban sáng, cùng việc chọn ngành học mà các em sắp thi vào.
Cô nhìn quanh thấy tất cả đều có vẻ chú ý nhưng không ai lên tiếng, có lẽ ngại phát biểu vấn đề ngoài sách giáo khoa này. Cô hướng mắt về một em học giỏi nhất lớp:
– Hùng, em cho biết trước đi.
Cậu Hùng đứng lên, lưỡng lự vài giây rồi nói:
– Thưa cô, theo em thì đúng như cô nói, việc chọn ngành học hôm nay là điều rất cần thiết. Ngành được chọn không chỉ tùy thuộc sở thích mà còn phải phù hợp với khả năng, hoàn cảnh và nhất là có thể bảo đảm một cách tốt đẹp tương lai của mình. Vì suy nghĩ như vậy nên em có ý định học ngành “quàn trị kinh doanh”.
Cô Loan nghe nói, gật đầu mỉm cười:
– Phải rồi. Ngành quản trị kinh doanh sau này dễ kiếm tiền, bảo đảm được đời sống tương lai của chính mình và của vợ con. Được lắm. Còn em Nguyễn văn Sĩ, em nghĩ thế nào về tương lai của em?
Sĩ có nét mặt biểu lộ tình cảm và đạo đức. Em đứng lên nói một cách trịnh trọng:
– Em sẽ thi vào ngành y khoa vì trong tương lai, em muốn kéo dài cuộc sống của bệnh nhân và đem đến nguồn vui cho gia đình họ.
Cô Loan lại vui vẻ gật đầu:
– Hay lắm, một tương lai rất hợp với đạo lý làm người
Một giọng nói oang oang tiếp theo, kèm theo một nụ cười:
– Thưa cô, tương lai của bạn Sĩ hợp với đạo lý mà cũng dễ làm giầu nữa ạ. Ngoài lương bổng chính thức, bác sĩ còn mở phòng mạch tư để hốt bạc.
Nhiều tiếng cười nổi lên phụ họa lời nhận xét dí dỏm, hợp với khuynh hướng chạy thao đồng tiền của nhiều người trẻ hiện nay. Buổi sinh hoạt trở nên sôi nổi, các bạn khác lần lượt cho biết ý kiến. Đa số đều hướng đến tương lai vào mục đích tạo đời sống ổn định về vật chất cùng giúp ích cho xã hội. Nãy giờ, em Trần thị Hường, trưởng lớp, ngồi yên chăm chú nghe ý kiến của các bạn. Cô Loan nhìn em:
– Còn em Hường, ý kiến em thế nào?
Hường đứng dậy, với vẻ nghiêm trang:
– Thưa cô, trong năm học, được cô khuyên bảo, em cũng thường nghĩ đến tương lai và đã quyết định chọn ngành sư phạm.
Một bạn trai liền nói theo một cách vui vẻ:
– Thua cô, Hường nó muốn trong tương lai, theo nghề giáo để nối nghiệp cô đó.
Một người khác phát biểu tiếp với giọng đùa bỡn:
– Học xong sư phạm, Hường trở thành giáo viên, sẽ “mở cua” dạy thêm có khối tiền để bảo đảm tương lai sung túc cho mình! Bây giờ “giáo chức” không “dức cháo” nữa đâu!
Cả bọn cười ồ. Cô Loan cũng mỉm cười thân mật:
– Có phải ý nguyện của em đúng như vậy không Hường?
Hường lắc đầu:
– Thưa cô, không phải thế. Em đã suy nghĩ nhiều khi thấy cô tỏ ra quan tâm đến tương lai của tất cả học trò chứ không riêng tương lai của chính mình. Mỗi người chỉ có một tương lai để hướng đến, còn cô thì phải cùng lúc lo lắng cho tương lai của nhiều người. Vì thế, trong khía cạnh này thì em không có nghề nào cao quý và ích lợi cho xã hội bằng nghề giáo. Thày cô giáo có nhiệm vụ giáo dục học sinh trở thành công dân tốt trong tương lai để phục vụ tổ quốc, tức là thực hiện phương ngôn “lương sư hưng quốc” mà ông cha mình để lại. Trước đây, em đã rất cảm động khi nghe ông nội em nói và giải thích bốn chữ“lương sư hưng quốc”, và em còn giữ mãi tâm tình đó cho đến ngày nay. Vì vậy, em muốn trở thành nhà giáo như cô là vì lý do như vậy.
Nghe Hường giải thích tương lai với hướng chọn lựa sâu sắc như thế, các bạn đều tỏ vẻ ngạc nhiên lẫn thán phục. Riêng cô Loan cũng rất cảm kích vì tư tưởng đầy lòng nhân ái và sắc sảo của cô trò cưng. Phát biểu của Hường còn làm giật mình vì chính bản thân cô cũng chưa nhận ra chiều cao, sâu, rộng của sứ mệnh mình đang thực hiện.
Cuộc thảo luận về tương lai còn tiếp tục sôi nổi mãi đến hơn 8 giờ tối. Các em xin phép từ giã ra về. Cô Loan cảm thấy thật hạnh phúc. Cô tiễn các em mà lòng vẫn dạt dào niềm cảm xúc.

Tác giả: Võ Phá

Visited 1 times, 1 visit(s) today