TRUNG THU NÀY BẠN Ở ĐÂU?

Giuse Nguyễn Xuân Quang, sdb

     Bạn thân mến, những ngày vui Trăm Rằm Tháng Tám đang chuẩn bị ùa về với những làn gió thoảng của tiếng trống lân, với sự chào mời quảng cáo của những chiếc bánh Trung Thu ngon đẹp cùng những chiếc lồng đèn điện tử, lồng đèn công nghệ… mang một bầu khí nhộn nhịp trong những ngày cuối hè này. Thế nhưng,

Có lẽ với nhiều người, tết Trung Thu chỉ có một ngày (rằm tháng tám âm lịch), nhưng với tôi Trung Thu là cả một mùa dài. Mùa vui trung thu thường bắt đầu vào khoảng cuối dịp nghỉ hè. Khoảng từ tháng sáu âm lịch, chúng tôi những đứa trẻ đã phân công nhóm để chuẩn bị cho lễ Tết của chúng tôi. Kế hoạch đầu tiên là gây quỹ: bỏ heo tiết kiệm, gom ve chai … Quỹ này dành cho những phần chuẩn bị tiếp theo sau. Đến đầu tháng bảy âm lịch, chúng tôi bắt đầu tiến hành làm đầu lân, kèm theo đó là tre nứa có sẵn để làm lồng đèn; và rồi mỗi tối bắt đầu kế hoạch tập múa lân… Đứa nào mạnh khỏe thì trách nhiệm phần đầu, bạn nào linh hoạt, nhanh nhẹn, có chút hài hước thì đảm nhận vai trò ông địa… Cứ thế chúng tôi sống mùa Trung Thu trong suốt một tháng dài với đầy niềm vui, sự háo hức và cả những thử thách tranh tài trong các khung lồng đèn, đầu lân, trang trí.

Với ký ức tuổi thơ trong tôi như thế, nên có lẽ mỗi mùa Trung Thu đến, trong lòng tôi bỗng sống lại những ký ức ngày nào: đón trung thu này, tôi lại nhớ đến trung thu xưa… Tuy vậy, có mấy ai trong chúng ta có thể biết được nguồn gốc và ý nghĩa của lễ tết này đến từ đâu và có từ khi nào không?1

 1. Tết Trung Thu có nguồn gốc và mang ý nghĩa gì?

Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam. Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam.

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu. Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà… Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Thế còn các nước quanh ta họ đón Trung Thu ra sao?

Tại Nhật Bản, Tết Trung thu người dân Nhật thường gọi là Lễ hội ngắm trăng. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất. Vào lễ hội này, người Nhật thường tổ chức ngắm trăng tại những nơi có thể nhìn thấy trăng tròn, sáng rõ nhất và ăn những món ăn cổ truyền. Người Nhật không ăn bánh trung thu, bánh dẻo mà chọn thưởng thức Tsukimi Dango – một loại bánh nếp hình tròn, màu trắng như tuyết.

Tết Trung Thu ở “xứ củ sâm” có tên gọi là tết Chuseok (lễ tạ ơn). Đây là lễ hội mừng vụ mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên của người Hàn Quốc. Vào dịp này, những người đi xa đều quay trở về quê hương để đoàn tụ và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon (bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm) và uống rượu sindoju. Vào ngày này, người Hàn thường sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo… để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên.

Người Singapore thường tặng bánh Trung thu cho người thân, bạn bè, đối tác thay cho lời chúc phúc và hỏi thăm. Tuy nhiên, họ không đoàn tụ với gia đình trong ngày này mà chọn cách du lịch, thư giãn tinh thần.

Ở Malaysia ngoài lễ hội Bánh Trung thu (19-21/9) còn có lễ hội đèn lồng vào ngày 16/9. Dịp này, phố phường đều được trang trí bởi hàng trăm, hàng ngàn chiếc đèn lồng sặc sỡ.

Tại Campuchia, lễ hội này có tên là “Bái nguyệt tiết”, tức “Lễ hội vái lạy mặt trăng” để cầu nguyện phước lành đến với mọi người. Khi ánh trăng vừa nhô lên khỏi những tán cây, người dân nước này sẽ bái nguyệt với tất cả lòng thành của mình.

Tết Trung Thu của Trung Quốc được gọi với nhiều cái tên như Thu tiết, Bát Nguyệt tiết, Bát Nguyệt Hội, Nguyệt tiết… Người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp, đoàn viên của gia đình trong dịp Tết Trung Thu. Họ thường tổ chức múa rồng lửa để cầu mong sự may mắn, thịnh vượng.

 2. Các bạn trẻ công giáo đón Trung Thu ra sao?

Nói đến trung thu không ai không nhắc đến những điều này: mặt trăng, đèn lồng và chiếc bánh trung thu. Những điều này có ý nghĩa gì với đức tin người kitô hữu chúng ta? Các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu và sống ý nghĩa mùa Trung Thu nhé.

    a. Ánh Trăng Rằm:

Dưới ánh trăng các em nhỏ rủ nhau xếp thành từng hàng, rồng rắn nhau rước đèn, múa sư tử. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ tụ nhau lại vừa ngắm trăng vừa phá cỗ. Người lớn thì tổ chức bày cỗ, ngắm trăng kiếm tìm hy vọng cơm, áo, gạo, tiền cho mùa vụ của năm sau. Bằng kinh nghiệm dõi theo chu kỳ của tạo hóa, người xưa đoán định mùa vụ qua ánh trăng đêm Trung Thu: trăng màu vàng trúng mùa tằm tơ, trăng xanh lục báo hiệu thiên tai, trăng màu cam đất nước thái bình thịnh trị hay “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”…

Theo trình thuật của sách Sáng Thế, mặt trăng là hành tinh do Thiên Chúa tạo dựng trên nền trời vào ngày sáng tạo trời đất thứ tư, để chiếu soi ánh sáng vào ban đêm. “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao”. (St 1,15). Mặt trời và mặt trăng là hai hành tinh do Thiên Chúa tạo thành ngay từ thuở sáng tạo vũ trụ trời đất. Cả hai có hình thể to lớn khác nhau và vị trí làm việc cũng như hoạt động không giống nhau: mặt trời rực lửa chiếu ánh sáng ban ngày và mặt trăng thanh thoát tỏa sáng ban đêm.

Từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng mặt trăng và mặt trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm mặt trăng chỉ sum họp với mặt trời mỗi tháng một lần vào cuối tuần trăng. Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang – trở thành trăng non, trăng khuyết, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Ở Châu Âu, thần mặt trăng “Artemis” trong thần thoại Hy-lạp và “Lucina” trong thần thoại Rôma là quan thầy bổn mạng của sinh sản, đồng thời cũng là nữ thần của các trinh nữ.

Theo Phương Tây, ánh sáng phát chiếu ra từ mặt trăng, theo khoa học khảo cứu là ánh phản chiếu lại ánh sáng mặt trời. Vì tự mặt trăng không có ánh sáng. Mặt trăng chiếu lại ánh sáng của mặt trời vào ban đêm theo như chu kỳ di chuyển xoay vần của vũ trụ một ngày có một nửa thời gian 12 tiếng là ban ngày được mặt trời chiếu sáng, và một nửa thời gian 12 tiếng là ban đêm được mặt Trăng chiếu sáng.

Điều này cũng nói lên đời sống con người lệ thuộc vào Thiên Chúa, như mặt trăng lệ thuộc vào mặt trời để tiếp nhận có ánh sáng. Ánh sáng mặt trăng dịu mát hơn ánh sáng mặt trời nóng gay gắt. Vì thế có thể ngước mắt ngắm nhìn thẳng lên mặt trăng, nhưng lên mặt trời thì không thể được. Mặt trăng di chuyển trong chu kỳ mỗi tháng tròn đầy rồi lại khuyết nhỏ như hình vòng lưỡi liềm. Điều này nói lên sự hay thay đổi không có gì là bền vững. Như mặt Trăng có lúc tròn đầy, có lúc khuyết chỉ còn một nửa hay một phần nhỏ, có lúc bị hành tinh khác chạy ngang che lấp tối mù mịt. Lịch sử đời sống xã hội vào mọi không gian thời đại cũng thế đều có tiến triển, có luân chuyển thay đổi, có bóng tối có ánh sáng, có lúc thăng trầm, có thịnh vượng cũng như lúc khủng hoảng trì trệ…

Và cũng như mặt trăng thay đổi hình dạng khi đầy tròn khi khuyết thu nhỏ lại và chìm dần trong khoảng không gian bao la. Đời sống con người cũng trải qua những giai đoạn sinh ra, tuổi thơ bé, tuổi thanh thiếu niên, tuổi trưởng thành, tuổi cao niên và giai đoạn đi trở về với lòng đất mẹ ngày sau cùng. Dòng sông, con đường đời sống mỗi người cũng lên xuống thay đổi như chu kỳ mặt trăng luân chuyển thay đổi theo trật của Đấng Tạo Hóa đã sắp đặt ấn định, mà không ai biết trước cùng chưa hay không sao khám phá ra được. Dẫu vậy, Đấng Tạo Hóa đã nhìn thấy trước, nên Ngài đã đựng nên Mặt Trời chiếu tỏa ánh sáng hơi nồng ấm cho sự sống được gìn giữ phát triển vào ban ngày. Và ban đêm có mặt Trăng cùng các Tinh Tú chiếu soi ánh sáng dịu mát thanh bình cho mọi loài sinh sống trên mặt đất. Ánh sáng mặt Trời và ánh sáng mặt Trăng là ánh sáng chiếu tỏa niềm vui, niềm hy vọng cho con người cùng cây cỏ và thú vật trên trần gian.  

 b. Chiếc lồng đèn:

Chiếc lồng đèn các em bé cầm đi rước thường làm bằng giấy bóng kiếng , giấy mỏng có vẽ hay cắt khắc dán hình các con vật như con cá, con tôm, con chó, con bươm bướm cả hình người trẻ con nữa ở chung quanh đèn. Bên trong chiếc lồng đèn là ngọn nến cháy sáng hay ngọn đèn điện cũng được bật lên. Ngoài trời tối, ánh sáng trong chiếc lồng đèn tỏa ra chiếu rỏ nét hình vẽ cắt dán chung quanh lồng đèn. Ánh sáng tỏa ra từ lồng đèn không mạnh , không chiếu sáng ra xa. Nhưng đủ cho hình chung quanh chiếc lồng đèn hiện nổi lên, cùng đủ chiếu sáng gương mặt em bé đang cầm trong tay chiếc lồng đèn.

Nhìn chiếc lồng đèn có ánh sáng chiếu tỏa gợi nhớ đến cây nến Rửa tội, mà em bé cũng như những người Công Giáo đã nhận ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa tội lúc còn thơ bé. Ánh sáng cây nến rửa tội được đốt thắp lên từ cây nến Chúa Giêsu phục sinh, Đấng là ánh sáng niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu mến cho con người trên trần gian. Ánh sáng cây nến rửa tội không sáng mạnh như ánh sáng ngọn đèn điện. Nhưng đủ tỏa sức sáng cùng hơi nóng cho tâm hồn đức tin giúp nhận ra mình là con Thiên Chúa, giúp trí khôn tinh thần nhận biết giới hạn tâm trí con người, và cần sự trợ giúp từ Trời cao, nhất là trong những khi gặp đau khổ, khó khăn bối rối.

Ánh sáng yếu ớt của ngọn nến chiếc lồng đèn tuy vậy chiếu rõ nét hình dán vẽ chung quanh chiếc đèn. Điều này khích lệ giúp ta thêm phấn khởi tin tưởng, dù là những việc nhỏ ta làm giúp người khác cũng mang đến hiệu qủa ích lợi, mà không sợ là chuyện nhỏ bé không có gía trị gì. Điều này cũng nói lên ánh sáng cây nến rửa tội trong tâm hồn ta, dù yếu bé nhỏ, nhưng đủ sức soi chiếu giúp sống nhận ra điều ngay chính tốt lành là người con của Chúa. Và qua đời sống như thế, dù âm thầm, cũng chiếu tỏa tình yêu của Chúa, vẻ nét đẹp của Đấng Tạo Hóa nơi con người và trong thiên nhiên hòa lẫn dưới ánh trăng lung linh.

 c. Chiếc bánh trung thu:

Về ý nghĩa, những chiếc bánh trung thu với ý nghĩa sẽ đem đến cho mọi người một cuộc sống tròn đầy, viên mãn. Do đó, từ lâu chiếc bánh là món ăn tinh thần có giá trị không thể thiếu vào ngày Tết Trung thu ở Viêt Nam. Với hình dáng tròn đầy thể hiên sự sung túc, đoàn viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau. Để cùng như thưởng thức những chiếc bánh nướng, bánh dẻo sau bao ngày xa cách.

Chiếc Bánh Thánh Thể hiện diện trên bàn thờ trong thánh lễ Trung Thu mang lại cho chúng ta sự sống tròn đầy và niềm hạnh phúc viên mãn cho những ai đón nhận. Trong chiếc bánh ấy, Chúa Giêsu hiện diện với các bạn, sự hiện diện này là bằng chứng của tình yêu thương, một tình yêu thương cao cả đến nỗi tự hiến chính bản thân mình. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là điều khẳng định chắc chắn của Mạc Khải. Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến điều này. Khi yêu mến ai, người ta sẵn sàng hiến thân vì người đó, giống như người mẹ sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu con, chấp nhận những nguy hiểm đến tính mạng. Qua mầu nhiệm thập giá, Thiên Chúa hiến thân cho con người, vì yêu thương con người và vì hạnh phúc của con người. Thiên Chúa chấp nhận đau khổ cho con người hạnh phúc, chấp nhận chết cho con người được sống. Nơi Thánh Thể, tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện. Nếu qua mầu nhiệm nhập thể, Đức Giêsu Kitô đã “tự hủy thành hư không”, thì nơi bí tích này, Người vẫn tiếp tục khiêm tốn tự hủy. Về phương diện vật chất bề ngoài, Bánh Thánh Thể hoàn toàn giống một tấm bánh thông thường; nhưng về phương diện đức tin, tấm Bánh này chất chứa sự hiện diện huyền nhiệm của Đấng Tối Cao. Một sự hiện diện chỉ có thể cảm nghiệm bằng đức tin và tình yêu mến. Sự hiện diện của Chúa Giêsu còn được cảm nhận trong sự thinh lặng và cung kính tôn thờ. Chính trong thinh lặng, Chúa Giêsu ngỏ lời với chúng ta và vẫn đang chờ đợi chúng ta trở về “đoàn viên” trong Gia Đình Nước Trời.

Bạn thân mến, Trung Thu là Tết Đoàn Viên đó, bạn có hiểu và cảm nghiệm được hai chữ “Đoàn Viên” không? Thật vậy, khi những con phố lớn dường như bị nuốt chửng bởi những gian hàng bánh trung thu, lồng đèn, các loại quà biếu, những tiếng trống lân tập dượt văng vẳng khắp nơi, khi ấy báo hiệu một mùa Tết Trung Thu nữa lại về. Mỗi một người sẽ mang cho mình một ý niệm khác nhau về Trung Thu. Nhưng khái niệm về trung thu là để đoàn viên trong bạn và trong tôi dường như đã bị nuốt chửng cùng với nhịp sống hối hả và đầy bon chen ở thành phố phồn hoa này. Thay vào đó, Tết Trung Thu chỉ là những cuộc điện thoại ngắn ngủi để hỏi thăm. Một bạn trẻ đã chia sẻ thật lòng mình: Sau bữa trưa ngắn ngủi, tôi vội vàng gọi cuộc điện thoại báo cho mẹ “Trung Thu này con không về được, con gởi biếu bà và ba mẹ hộp bánh Trung Thu, có hạt sen mà mẹ thích ăn, còn có bánh dẻo xanh cho người bị tiểu đường như bà, còn có trà Oolong cho ba nữa…” Đang mải miết nói về những chiếc bánh thơm ngon, tôi bỗng nghe lòng chông chênh khó tả khi cảm nhận được giọng mẹ chùng xuống “Ừ, mẹ biết rồi. Thế Trung Thu nay lại không về à!”. Ngẫm ra mới thấy, đã bao năm rồi tôi chẳng về nhà dịp Tết Trung thu. Bỗng nhớ da diết cái cảm giác được quây quần cùng bố mẹ bên mâm cơm giản đơn mà chứa đựng đầy tình yêu của mẹ, nhớ mấy trò nghịch tinh quái mà những đứa em nhỏ hay trêu mình, rồi nhớ cả cái không khí nhộn nhịp khắp các ngõ ngách đường quê đêm Rằm Trung thu nữa…Thiết nghĩ, con người ta trưởng thành bao nhiêu, đương đầu với sóng gió cuộc đời đến thế nào, rồi cuối cùng, nơi muốn trở về vẫn là Gia Đình.

Để kết thúc, tôi muốn cùng các bạn nghe lại lời dặn dò của ĐGH Phanxicô:

‘‘Các con hãy yêu thương ngôi nhà của các con! Ngôi nhà gia đình và ngôi nhà Tổ Quốc của các con. Các con hãy yêu thương dân tộc Việt Nam, hãy yêu đất nước của các con ! Các con hãy là những người Việt Nam đích thực, với tình yêu Tổ Quốc.”

Ước gì trong những ngày gần kề với Tết Trung Thu này, tất cả chúng ta, nhất là người trẻ thấy được rằng ngôi nhà mình cần được chăm sóc, người thân yêu cần được  yêu thương. Bên cạnh đó, làng xóm cũng cần được mình quan tâm, đất nước mình cần được bảo vệ, và dân tộc này cần tương thân tương ái. Được như thế, chúng ta mới có thể có được một mùa trung thu thật ý nghĩa và giá trị.

Bạn thân mến, chính niềm tin, lời cầu nguyện, lòng tín thác, đồng sức, đồng lòng và tình người sẽ chiến thắng. Hãy vượt qua mọi ngăn trở vì nhiều lý do không chính đáng bằng cách lập tức quay trở về ngôi nhà yêu thương của mình để ở với nhau và với Chúa trong đêm Trung Thu Đoàn Viên này bạn nhé.

Visited 1 times, 1 visit(s) today