Suy niệm Lời Chúa: Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Tinh thần công lý

“Tôi rửa các anh bằng nước, nhưng Ngài sẽ rửa anh em bằng Thần Khí” (Mc 1,8).

Trong những “bài ca người tôi tớ” nơi sách ngôn sứ Isaia, tác giả có đề cập đến một nhân vật huyền bí, có khi là hình tượng biểu thị nước Israel, có lúc lại được hiểu là hình ảnh nói về Đức Giêsu (như các Kitô hữu  sau này vẫn nghĩ như thế). Trong Isaia chương 42, nhân vật này được nói tới với danh xưng “người tôi tớ của ta” (Tiếng Do Thái là ebed) trong khi bản dịch 70, lại gọi là “con của ta”  (hạn từ Hy Lạp là pais). Nhưng cho dù khi nhìn vào người “tôi tớ của ta”, được hiểu như là con Thiên Chúa, hay nói về nước Israel, hoặc mô phỏng chính Đức Giêsu, thì sứ mạng của nhân vật mà Isaia nói tới chính là Đấng “sẽ đem lại công lý” cho nhân loại. Isaia viết “Ngài sẽ không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ngài sẽ trung thành thực thi công lý. Công lý sẽ được bảo tồn, nhưng qua sự hiền lành và qua dáng vẻ khiêm nhu của Ngài.

Người tôi tớ ấy được Thiên Chúa thánh hiến để thi hành phần vụ này. Đó là sứ mạng trở nên “giao ước cho muôn dân, trở nên ánh sáng cho mọi người, mọi nước. Ngài mở mắt cho người mù, phóng thích những kẻ bị cầm tù, và giải cứu những ai ngồi nơi tối tăm”. Ngày nay, như tại nước Mỹ, con số tù nhân tính theo tỷ lệ dân số, cao hơn nhiều nước khác. Những vết sẹo gây ra do tình trạng nô lệ trước đây cùng với sự bất công xã hội, tưởng đã lành, nay lại được khơi dậy do nạn kỳ thị chủng tộc và các hành xử bất công mà các nhân viên công quyền gây ra. Mặc dù họ nhân danh bảo vệ quyền lợi của dân chúng, nhưng trong thực tế, họ lại đối xử rất hà khắc với chính đồng bào của họ. Trong một xã hội như thế, đòi hỏi chính phủ phải thi hành quyền bính với tinh thần của “Người Công Lý, Đấng Chính Trực” như được nói trong Tin Mừng hôm nay. Tinh thần đó phải được ứng dụng và được canh tân luôn mãi.

Marcô và các sách Tin mừng khác vạch dẫn cho ta thấy, phép rửa của Đức Giêsu là thời điểm khai mở sứ vụ người tôi tớ, người con của Thiên Chúa, và sứ vụ đó đã được Thần khí khơi dậy. Thần khí đậu xuống trên Ngài, dưới hình một con chim câu. Tuy nhiên, những lời của Gioan tiền hô chỉ dẫn cho ta thấy rằng, phép rửa của Đức Giêsu không phải chỉ là sự khởi đầu của hoạt động Thánh Thần trên Ngài. Gioan nói với dân chúng “Tôi làm phép rửa cho các anh bằng nước, nhưng chính Ngài sẽ rửa cho anh em  trong Thần Khí”. Đức Giêsu chịu thanh tẩy, trở nên như một khuôn mẫu cho các môn sinh, những con người sẽ hình thành nên Giáo hội, sẽ tiếp bước dấu chân của Ngài, sẽ sẻ chia sự thống hối không phải bằng nước, nhưng là sự hối cải chân thực trong  Thần khí mà Đức Giêsu đem đến.

Tác giả sách Tông đồ công vụ diễn tả rất rõ nét, cho thấy Thần khí ngự xuống trên Đức Giêsu khi Ngài thụ tẩy tại sông Giođan, là mô hình diễn đạt sự tuôn đổ Thần khí xuống trên toàn thể Hội Thánh. Thánh Phêrô thuật lại, sứ điệp mời gọi thống hối và thực thi công lý bắt đầu được ban bố ở Galilêa, sau khi Đức Giêsu lãnh nhận phép rửa. Sứ điệp này do chính Gioan tiền hô loan báo “ Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong Đức Giêsu Nazaret trong Thần khí và quyền lực”. Giáo hội cũng được phú trao quyền lực để thực thi và tiếp nối sứ vụ của người tôi tớ, là chính Đức Giêsu Kitô. Hội thánh được chuyển giao sứ mệnh để đem công lý và ánh sáng cho mọi dân mọi nước. Trong bài huấn từ của thánh Phêrô, Ngài nói cho thính giả biết rằng, nơi mọi dân tộc, những ai biết kính sợ Thiên Chúa và thực thi công lý, sẽ được Thiên Chúa đón nhận. Lời công bố này được ngỏ trao ngay sau khi Cornêliô và gia đình ông lãnh nhận phép rửa.

Nhưng, Cornêliô là ai? Ông là vị quan bách quản Rôma, một biểu tượng diễn bày sự thể hiện quyền  bính cách khắc nghiệt của đế quốc Lamã đè nặng trên người Do thái  suốt cả hàng thế kỷ. Tuy nhiên sự hối cải của Cornêliô cho ta thấy rõ, Thánh thần có thể làm lay chuyển cả những con tim chai đá, và khơi dậy nơi họ sự hoán cải. Còn chúng ta, những con người bình thường, hoặc là những Kitô hữu, nhiều khi chúng ta hay tỏ ra thiên vị, dễ nhìn người khác bằng những định kiến khó thay đổi. Đối với Thiên Chúa, thì  khác, Ngài tuyệt đối không thiên vị ai bao giờ. Con Thiên Chúa đã đến trần gian, chung hòa kiếp sống làm người với chúng ta, Ngài không thiên vị bất cứ ai về màu da, về sắc tộc, về những khả năng và ngay cả về những tội lỗi nơi họ. Ngài không từ khước và thiên vị  người nào. Chúa biết rất rõ từng người trong chúng ta, và Ngài luôn trải rộng tình yêu đến tất cả, không loại trừ ai. Thiên Chúa yêu bạn, yêu tôi cũng như Ngài đã yêu thương Cornêliô, bất kể bạn hay bất kể tôi là con người như thế nào. Ngài yêu thương cả những cảnh sát ở nước Mỹ, những con người đã nhân danh công lý, nhưng lại chà đạp công lý và làm tiêu tán mọi hy vọng nơi đồng bào mình. Phép rửa của Đức Giêsu đã hình thành nên một khuôn mẫu để chúng ta soi dọi và sao chép chính cuộc sống của Ngài, “một con người của công lý” vào trong chính cuộc sống chúng ta. Cũng như Đức Giêsu gọi mời chúng ta tiếp nhận phép rửa để thông dự vào nền công lý mà Ngài đã vạch dẫn, chúng ta cũng mời gọi anh chị em chúng ta đến trong bàn tiệc của Chúa, để họ có thể cảm thấu tình yêu nơi Thiên Chúa, Đấng luôn giang rộng vòng tay đón nhận mọi người. Lời hứa của Đức Giêsu, người con đích thực của Thiên Chúa, Đấng được trao ban cho chúng ta, gọi mời chúng ta hãy khấn xin Ngài, đồng thời cũng khơi dậy nơi tất cả mọi người ước muốn phải thực thi công lý theo gương mẫu của Ngài. Chúng ta hãy xin Thần khí biến đổi, giúp chúng ta hoán cải, giúp chúng ta can đảm loại trừ những định kiến sai lạc và những tội lỗi trong tâm hồn chúng ta. Xin Thần khí cắm rễ sâu vào nơi tâm hồn mỗi người, để không phải chúng ta mong muốn có thể đổi thay xã hội, đổi thay những định chế đầy gian ác và bất công như hiện nay, nhưng là đổi thay chính trái tim của từng người trong chúng ta.

John W. Martens

Chuyển ngữ : Văn Hào SDB

Visited 2 times, 1 visit(s) today