Nghĩ gì về ơn gọi Salêdiêng Sư huynh ngày nay?

     Ngày 15/08/2022, Tỉnh dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam đã mừng vui vì hồng ân vĩnh khấn mà Chúa đã ban 9 thầy. Trong đó có 2 thầy theo ơn gọi Sư huynh là thầy Đaminh Đinh Trung Hiếu và thầy Giuse Hà Đức Luyện. Hình ảnh của 2 thầy gợi lên trong tôi những suy tư về ơn gọi Salêdiêng Sư huynh – một ơn gọi không làm linh mục trong Tu hội Salêdiêng Don Bosco.

     Có một lần trong buổi gặp gỡ với các tập sinh, một bề trên trung ương hỏi tôi: “Nếu con là linh mục, hay tư giáo, con có thể nói cho người khác nghe về ơn gọi sư huynh không?” Dĩ nhiên rằng, chỉ khi nào chúng ta sống ơn gọi của mình thì mới có thể nói một cách tốt nhất cho người khác mà thôi; thế nhưng quả là một sự thiếu sót lớn nếu một Salêdiêng không hiểu được những gì căn bản và đặc biệt nơi chiều kích ơn gọi sư huynh. Các sư huynh có ngay trong ý định ban đầu của Don Bosco khi thành lập Tu hội; và ngày nay, sư huynh lại trình bày cho thế giới hiểu rằng, chính màu sắc đặc biệt của họ đã làm nên vườn hoa của Giáo Hội. Màu sắc đó rất đặc biệt và có tính quyết định quan trọng mà ngày nay toàn thể Giáo Hội đang hướng đến đó chính là sống Hiệp hành.

     Hình ảnh của sư huynh Đaminh Đinh Trung Hiếu và sư huynh Giuse Hà Đức Luyện tiến lên bàn thờ để đọc lời tuyên khấn trọn đời là tu sĩ Salêdiêng trong chiều kích sư huynh đã làm cho nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao hai thầy lại dám chọn con đường này?” Chính điều này cũng đã là một chứng tá lớn lao cho chúng ta. Ở đó, vẫn có những con người xác tín về chính mầu nhiệm ơn gọi của mình; hai thầy đã nhận ra được tiếng Thiên Chúa đã thầm thì kêu mời và hai thầy đã đáp trả.

     Chúng ta biết rằng, sự phong phú trong Tu Hội đã có trong ước muốn của Don Bosco ngay từ những ngày đầu khai sinh Tu Hội. Chiều ngày 19/3/1876, Don Bosco nói rằng: “… tất cả những ai làm việc để cứu rỗi các linh hồn đều được gọi là những người thợ tông đồ, cũng như tất cả những ai giúp vào việc thu hoạch mùa màng cũng được gọi là những thợ gặt vậy…Làm thế nào các linh mục có thể hoàn toàn cống hiến toàn bộ thời gian cho tác vụ nếu không có ai làm bánh và nấu nướng…; cha không lầm khi nói rằng tất cả chúng con ở đây – linh mục, học sinh học chữ và thợ thủ công, và các Sư huynh đều có thể trở thành những người thợ Tin Mừng chân chính trong vườn nho của Chúa”. Chúng ta hãy nhớ rằng kinh nghiệm làm việc chân tay của Don Bosco khiến ngài không bao giờ coi thường giá trị công việc trần thế, ngài thường lập đi lặp lại với các Sư huynh, các con sẽ có thể làm những việc mà các linh mục không thể làm được. Don Bosco ao ước sẽ có những con người giúp đỡ ngài để chăm lo cho các thanh thiếu niên, để đồng hành với chúng, để làm gương sáng cho chúng; đó là những người có những phẩm chất luân lý tốt trong các xưởng thợ và sân chơi. Chính qua lao động, Don Bosco muốn giáo dục thanh thiếu niên nhiều giá trị ẩn tàng trong đó; từ đây chúng ta mới nhận thấy được rằng, vai trò của những người Sư huynh đó chính là sự gần gũi, thân thiện, và tràn đầy tình thương mến khi tận tình chỉ dạy cho các thanh thiếu niên qua những việc làm trần thế, qua việc dạy nghề, qua việc quản lý cơ sở vật chất hay trên sân chơi.

     Một hình ảnh Sư huynh quen thuộc mà nhiều người thường nghe biết đó chính là chân phước Artemide Zatti. Ngài sẽ sớm được phong hiển thánh trong thời gian sắp tới. Thầy đã sống một cuộc đời đầy tình yêu thương trắc ẩn, ân cần, chu đáo và dành cho tất cả mọi người qua công việc y sĩ của mình. Thầy kiêm bao nhiêu công việc trong bệnh viện như: xây cất, trả tiền công thợ, đi chợ… Thầy thắp đèn trong nhà thờ rồi thầy quỳ xuống cầu nguyện; thầy cùng cộng thể nguyện ngắm, tham dự thánh lễ để kín múc nguồn sinh lực cho trọn ngày làm việc. Cứ sau thánh lễ, thầy rảo quanh bệnh viện hỏi thăm với những lời dí dỏm, tự nhiên: “Ai cũng khỏe chứ?” Nếu không có bệnh nhân thì thầy lại kiếm việc sửa chữa bàn ghế hay đi mua các dược liệu cần thiết. Có lần một bệnh nhân ngáy quá nhiều làm cho thầy không sao ngủ được, sáng hôm sau thầy nói là: “Không sao, tôi thích nghe tiếng ngáy của họ. Mỗi lần tôi nghe họ ngáy, tôi lại cám ơn Chúa vì biết chắc bệnh nhân con sống”.

     Nhiều người đặt câu hỏi cho các sư huynh rằng: “Tại sao thầy dám chọn bậc sống này?” “Tại sao thầy không chọn con đường làm linh mục để có thể phục vụ Chúa cách thuận lợi hơn?” “Tại sao thầy không chọn làm linh mục vì thầy có khả năng mà?”… Và đó cũng chính là những câu hỏi thường đi kèm với sự so sánh giữa linh mục và sư huynh; giữa cái thiệt, cái hơn; giữa cái thuận lợi và bất lợi… Thế nhưng, tôi tin chắc rằng, nếu một người Sư huynh xác tín thì họ sẽ có câu trả lời thật dứt khoát và cương quyết về chính con đường của mình đã chọn. Và họ sẽ không trả lời cho người khác bằng môi miệng nhưng bằng chính cuộc đời của mình.

     Ơn gọi của mỗi người cơ bản đâu phải là sự tính toán thiệt hơn của con người nhưng đúng hơn đó chính là lời mời gọi tình yêu của Thiên Chúa thốt lên trong sâu thẳm cõi lòng của mỗi người. Có thể Thiên Chúa, qua Don Bosco đã ươm mầm hạt giống ơn gọi của từng người qua các biến cố, qua chính những gì vừa nhân bản nhưng cũng vừa là linh thiêng trong cuộc đời của họ để rồi chính họ nhận ra và đáp lại tiếng Chúa muốn nói một cách rất riêng với họ.

     Chúng ta phải thừa nhận rằng, ơn gọi sư huynh Salêdiêng không phải là một sự chọn lựa thấp kém; nhưng đây là một đặc nét nổi bật mà Don Bosco đã chấm phá cho bức tranh sứ mệnh Salêdiêng của ngài. Chúng ta hãy nhớ lại câu nói của Don Bosco ngay từ đầu: “Các sư huynh có thể làm những công việc mà các linh mục không thể nào làm được?” Chính điều này là ý định mà Don Bosco muốn nơi các sư huynh.

     Ngày nay, Giáo Hội đang cùng nhau để hướng đến một lối sống Hiệp hành, một lối sống của sự hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Ơn gọi sư huynh không phải là một bằng chứng hùng hồn về lối sống Hiệp hành hay sao! Những gì mà các sư huynh có thể làm không phải là những công việc đến từ Thánh Thần đó sao! Ơn gọi sư huynh không phải là một bằng chứng rõ ràng về mầu nhiệm Hội Thánh hiệp thông đó sao! “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cr 12, 4-6). Ơn gọi sư huynh không phải là một bằng chứng hùng hồn về mầu nhiệm Hội Thánh cùng tham gia đó sao! “Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe ? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?” (1Cr 12, 17). Và ơn gọi sư huynh không phải là một bằng chứng thuyết phục về mầu nhiệm Hội Thánh cùng thực thi sứ vụ đó sao! “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri ; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.” (1Cr 12, 7-11)

     Chúng ta không thể nào lý giải được tất cả mầu nhiệm ơn gọi nếu chúng ta quên đi tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang thì thầm nơi cõi lòng của chúng ta. Nếu chỉ chú trọng vào những gì được và mất trong khi phân định ơn gọi thì có lẽ chúng ta mới chỉ nhìn ơn gọi ở khía cạnh hiệu quả mà thôi. Chắc chắn rằng, chỉ có những người sư huynh mới có thể là bằng chứng xác thực và tin cậy về ơn gọi đặc biệt và độc đáo của mình mà thôi; chỉ các sư huynh mới có thể hoàn thành được những gì mà Don Bosco đã ao ước và trao phó riêng biệt cho họ mà thôi; và chỉ có các sư huynh với đời sống thực tế mới chứng minh được rằng, họ là những đường nét độc đáo mà Giáo Hội, Tu hội đang sử dụng để làm nên một bức tranh tuyệt đẹp.

     Xã hội ngày nay đang tiến đến những thành công rực rỡ về khoa học kỹ thuật; giới trẻ ngày nay cũng đang sống trong thời đại văn minh hiện đại. Có biết bao nhiêu người trẻ đang lạc mất phương hướng và xa rời Giáo Hội; có biết bao nhiều người trẻ đang không biết về tương lai nghề nghiệp của mình. Có biết bao nhiêu người trẻ đang cần lắm những người tận tình giáo dục họ và dẫn họ đến với Chúa. Và cũng còn những lời của Chúa Giêsu đang thì thầm bên tai chúng ta trong từng giây từng phút: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”. (Mt 25,40).

     Chúng ta hãy nhắc lại những lời của Don Bosco trong bài nói chuyện dành cho 22 tập sinh Sư huynh ngày 19/10/1883 để thay phần kết thúc. “Sáng nay, Phúc âm nói cho chúng ta: hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ hãi, đừng có sợ là các con không tăng trưởng…Các con hãy chăm nom và coi sóc để mọi sự được tiến hành tốt đẹp…Cha cần có một ai đó trong nhà mà cha có thể ủy thác những công việc đầy tín nhiệm hơn như việc quản trị tiền bạc, quan hệ những công việc pháp luật, đại diện cho nhà với những người bên ngoài…Chúng con phải là những chủ nhân chứ không là người giúp việc, không phải là người thuộc quyền mà là những bề trên…Bởi vì các con sẽ phải giúp cha như thế trong các cơ sở lớn lao; vì thế các con phải thủ đắc nhiều nhân đức, và bởi vì chúng con phải coi sóc những người khác, nên các con trước tiên phải làm gương sáng…Đừng sợ, chúng con sẽ tăng thêm số, nhưng cách riêng chúng con phải tăng thêm sự tốt lành và sức mạnh. Và rồi, chúng con sẽ trở thành như những con cọp không gì thắng nổi, và sẽ có thể làm được rất nhiều điều tốt lành. Một vương quốc chứ không phải là sự nô lệ, đặc biệt là các con sẽ có được Vương quốc vĩnh cửu…”

Đaminh Trường Sơn SDB

Visited 59 times, 1 visit(s) today