Madagascar – Trong nhà tù dành cho các em vị thành niên ở Anjanamasina, các Salêdiêng áp dụng lời dạy của Don Bosco: làm cho các em cảm thấy được yêu thương

       “Trano zaza maditra”, hay còn được gọi là “Ngôi nhà dành cho những thanh thiếu niên ngỗ nghịch”: đây là trung tâm cải tạo của nhà nước, nơi giam giữ hơn một trăm trẻ em và thanh thiếu niên ở Anjanamasina, một vùng ngoại ô của thủ đô Antananarivo. Tại đây, trong nhiều năm, các tu sỹ Salêdiêng Don Bosco đã phân phát các bữa ăn vào mỗi Chúa nhật và trong các ngày lễ trong tuần và họ cũng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí với các em.

       Cha Giovanni Corselli, một nhà truyền giáo Salêdiêng ở Madagascar trong gần 40 năm, Giám đốc nhà Ankililoaka, đã nói với Agenzia Fides về kinh nghiệm cá nhân của ngài khi phục vụ nhà tù vị thành niên Anjanamasina: “Âm nhạc, sân khấu, thể thao, cũng như giáo dục đời sống thiêng liên thông qua việc cử hành Thánh lễ, dạy giáo lý, chiếu các bộ phim về tôn giáo và giáo dục là một số hoạt động mà chúng tôi cố gắng thu hút trẻ vị thành niên tham gia vào các giai đoạn khác nhau của quá trình giam giữ.”

       Cha chia sẻ: “Cộng thể ở Ambohitratrimo, nơi có tập viện Salêdiêng, cách nhà tù 15 phút lái xe. Trước đây, những người tiền nhiệm của tôi, sau đó tới tôi, và bây giờ người kế nhiệm tôi, dấn thân rất nhiều với mục đích làm cho các tù nhân trẻ cảm thấy thoải mái bao có thể. Để gần gũi với các em, chúng tôi đã tặng một ít quà cho các giám đốc và quan chức khác nhau, cũng như các cai tù. Vào dịp Giáng sinh và Phục sinh chúng tôi luôn mời họ dùng bữa với chúng tôi và với các em.”

       Nhà truyền giáo giải thích: “Trung bình có khoảng một trăm em trong độ tuổi từ 9 đến 17, nhưng số lượng trẻ vị thành niên bị giam giữ thay đổi tùy theo các cuộc vây bắt của cảnh sát, họ tìm bắt những em lang thang tìm cách ăn trộm. Nhiều khi chính người thân của các em đã đưa các em vào tù vì họ không biết phải làm gì với các em.”

       Mục tiêu của những người Salêdiêng là làm cho các em cảm thấy họ được yêu thương và họ quan trọng đối với ai đó chứ không phải là gánh nặng cần được giải thoát, khiến các em hiểu rằng mình không bị bỏ rơi. “Thật không may, trong tuần, các em phải tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt của nhà tù, họ không để ý đến quyền vui chơi và thời gian rảnh của các em; nhưng vào Chủ nhật, các em có thể tham gia các hoạt động thể thao và giải trí. Trò chơi và xổ số được tổ chức bên trong Trung tâm hai hoặc ba lần một năm, đây cũng là dịp để phân phát một số thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Phần thưởng là quần áo, đồ dùng học tập, sôcôla… Hơn nữa, do chính quyền không thể cung cấp bữa ăn đều đặn và cân đối cho các trẻ tù nhân. Các Salêdiêng, cụ thể là các thầy Tập sinh,  đã đảm nhận việc phân phát bữa ăn đầy đủ cho các em và cùng dùng bữa với họ.”

       Cha Corselli kết luận: “Đây là một thực tại tế nhị và phức tạp để điều hành nó, những người phạm tội sống cạnh nhau, có những em chỉ vì có ‘cái tội’ là sống trên đường phố không có sự chăm sóc của gia đình, cũng có cả trẻ em và thanh thiếu niên mà gia đình họ không có khả năng giúp đỡ. Đó là lý do tại sao người ta thường gọi là “Trano zaza maditra”, hay còn được gọi là “Ngôi nhà dành cho những thanh thiếu niên ngỗ nghịch.” Chúng tôi đã cố gắng cứu giúp một số em trong số họ, nhưng chúng tôi đã không thành công với một số em, bởi vì họ cần phải được trợ giúp liên tục trong khi không phải lúc nào chúng tôi cũng có điều kiện.”

       Ở một số nước trên thế giới, trẻ vị thành niên bị bắt và giam giữ vì những lý do vặt vãnh như bỏ nhà đi, ngủ ngoài đường, trốn học… Đôi khi các em bị xét xử như người lớn, bị kết án trong các nhà tù dành cho người lớn và bị cảnh sát đối xử  như người lớn.

       Dữ liệu do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc công bố cho thấy hơn 1 triệu trẻ em gái và trẻ em trai trên khắp thế giới bị tước đoạt tự do trong các nhà tù. Human Right Watch, một tổ chức chuyên bảo vệ nhân quyền, tuyên bố rằng nhiều trẻ vị thành niên đang ngồi tù đã nhận những bản án quá mức và không tương xứng, vi phạm luật pháp quốc tế. Ngược đãi, lạm dụng, cấm tiếp xúc với gia đình, sử dụng biện pháp cách ly và thiếu các nhân viên được đào tạo tốt, đấy là một số các cáo buộc của Defense For Children, một tổ chức phi chính phủ chuyên lo bảo vệ các quyền lợi của trẻ vị thành niên trên thế giới liên quan đến các điều kiện sống và cách đối xử với trẻ em trong các nhà tù ở các quốc gia khác nhau.

       Nguồn : Agenzia Fides

       Quốc Kỳ SDB chuyển ngữ

Visited 9 times, 1 visit(s) today