
(ANS – Turin) – Thứ Sáu, ngày 28 tháng 2 năm 2025, đã đánh dấu ngày làm việc thứ hai liên tiếp của Tổng Tu Nghị 29 (TTN29), trong đó các thành viên của Tổng Tu Nghị đóng vai trò quyết định trong việc xác định các chủ đề sẽ được thảo luận trong hội nghị. Như đã nhiều lần được nhấn mạnh bởi chủ tọa, Cha Stefano Martoglio, những câu hỏi và suy xét được nêu lên là một đóng góp quý giá cho việc phân tích hiện trạng và xác định các định hướng cho hành trình tương lai của Tu hội.
Sau một buổi sáng dành cho các cuộc thảo luận trong sáu Ủy ban, buổi chiều chứng kiến phần phản hồi của các thành viên của Ban Tổng Cố Vấn đối với những ý kiến được nêu lên bởi hội nghị, theo thứ tự sau:
- Cha Joan Lluís Playà, Ủy viên Trung Ương của Bề Trên Cả phụ trách Ban Thư Ký Gia Đình Salêdiêng
- Cha Roman Jachimowicz, Cố Vấn Vùng Bắc và Trung Âu
- Cha Alphonse Owoudou, Cố Vấn Vùng Phi Châu – Madagascar và Điều Hành Viên TTN29
- Sh. Jean Paul Muller, Tổng Quản Lý
- Cha Stefano Martoglio, Phó Bề Trên Cả
Mỗi diễn giả đã trình bày các điểm thuộc lĩnh vực phục vụ của mình với sự am tường và rõ ràng, cung cấp các giải pháp và suy tư cho tương lai. Những ý kiến và đề xuất được đưa ra trong các phiên làm việc sẽ tiếp tục được nghiên cứu thêm và sẽ được đưa vào các văn kiện chính thức của Tổng Tu Nghị, một dấu hiệu cụ thể cho tinh thần sẵn sàng lắng nghe mọi tiếng nói và trân trọng mọi đóng góp. Trong số nhiều chủ đề được thảo luận, có hai chủ đề trọng tâm thu hút sự chú ý của hội nghị. Chủ đề đầu tiên liên quan đến việc bao gồm, trong Gia đình Salêdiêng, những người mặc dù tham gia tích cực vào sứ mệnh giáo dục nhưng không chia sẻ đức tin Kitô giáo hoặc truyền thống Công giáo. Hiện tượng này, vốn đã xuất hiện trong phong trào cựu học sinh các trường Salêdiêng, cũng liên quan đến hàng ngàn cộng tác viên – dù là tình nguyện viên hay nhân viên được trả lương – những người trong nhiều công cuộc Salêdiêng hiện chiếm đa số nhân sự hoạt động. Thách đố trong tương lai là đào sâu hơn suy tư này và giải quyết hiện tượng này với sự cởi mở và thận trọng, vì nó sẽ có một tác động quyết định đối với tương lai của Tu hội.
Chủ đề thứ hai được đề cập là sự suy giảm số lượng các Salêdiêng Sư huynh. Sự giảm sút này không nên được xem xét chỉ dưới góc độ thống kê mà cần có một cái nhìn mang tính đoàn sủng và mục vụ. Việc tái cấu trúc Tu hội, vốn đang nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong Tổng Tu Nghị, đòi hỏi một thái độ vâng phục thực tế và sự cộng tác chân thành, không bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân.
Cái cuộc gặp gỡ có chủ đích giữa các hội viên, ngay cả ngoài các bối cảnh chính thức, cũng đã được xác định như là một công cụ quan trọng để củng cố sự tin tưởng lẫn nhau. Một điểm cốt yếu khác được nêu lên là sự cần thiết xem xét các khác biệt giữa các bối cảnh vùng miền khác nhau. Sự đang dạng của các hoàn cảnh đòi hỏi những phản ứng tương xứng với khả năng và nguồn lực của từng cộng thể, nhằm đảm bảo rằng Tu hội có thể tiếp tục phát triển một cách hài hòa và thực tiễn.
Ngày làm việc này đánh dấu một thời điểm quan trọng của sự chia sẻ và lắng nghe, với một cam kết mạnh mẽ trong việc đối diện với các thách đố hiện tại và xây dựng một tương lai của sự bao gồm, cộng tác và trung thành với đoàn sủng Salêdiêng. Các suy tư được nêu lên là bằng chứng cho sức sống và chiều sâu của Tổng Tu Nghị này, vốn tiếp tục hướng dẫn hành trình của Tu hội Salêdiêng dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.