CON TIM ĐƯỢC LAY ĐỘNG

Choàng tỉnh dậy sau giấc ngủ thật yên bình sau những ngày học tập căng thẳng. Kha nhi vươn vai thưởng thức một ngày mới đầy nắng và niềm vui rộn rã. Chà, cuộc đi dã ngoại hôm nay chắc là lý thú lắm đây!

Sau một lát, cô xách ba lô chạy vội xuống nhà chào mẹ cho kịp chuyến xe buýt. Kha Nhi bỗng khựng lại. Ôi trời! Hình như mình bước chân trái khi xuất hành hay sao đó. Cái ông giao hàng khó chịu lại ở đây, ngay lúc này, làm phá tan niềm phấn khích cô đang có. Cứ nhìn thái độ nhã nhặn cùng sự quan tâm mẹ cô dành cho ông ấy bấy lâu nay cũng đủ để cô hiểu tất cả.

Đã hơn 6 năm trôi qua kể từ sau cái chết đầy thương tâm của ba, thì cho đến giờ, lòng cô chưa hề cho phép bất cứ ai thay thế chỗ của ông. Vì thế, cô phản ứng như một con sư tử khi thấy người đàn ông nào được mẹ quan tâm hay thân thiện. Cô sợ mất!

“Chào mẹ, con ra ngoài với bạn”.

“À, con đi chơi phải không? Đi chơi vui nhé! Trưa con có về ăn cơm không?”.

“Vui à? Cơm à? Nuốt sao cho nổi! Cứ nhìn thấy cái bản mặt của người lạ là con không vui rồi!”.

“Kha Nhi, con coi chừng kiểu ăn nói hàm hồ của con đi. Nếu con hỗn hào mẹ đánh con đó…!” – Giọng mẹ run run, tay nắm lại.

“Đến lúc này sao mẹ mới nói…? Hả, giờ con mới biết mẹ chẳng còn có con trong lòng. Ông ấy lấy mất chỗ của con rồi…”. Bốp! Mẹ tát một cái như trời giáng.

“Hả… Mẹ, mẹ đánh con à? Mẹ đánh…” – Người đàn ông giao hàng chạy đến can ngăn mẹ. Mẹ thảng thốt nhìn Khả Nhi đang cầm ba-lô chạy vụt đi. “Kha Nhi, Kha Nhi… mẹ xin lỗi…”.

Tiếng của mẹ lọt vào khoảng không. Sự hồn nhiên, lạc quan, yêu đời ban sáng trong Kha Nhi biến mất, còn lại trong đáy lòng của Kha Nhi là một vực thẳm, trống rỗng… Lòng căm giận bùng cháy trong lòng Kha Nhi. Nhưng cô có thể làm gì…? Đi bụi ư? Nhưng đi đâu bây giờ…? Chắc là phải “tìm đồng minh” thôi. Cô lấy điện thoại, bấm nhoay nhoáy: “Anh Hai…”. Vúp… Tiếng báo có tin nhắn. Tò mò, Kha Nhi mở ra xem. À, thì ra đó là tin nhắn của anh Hai: “Em gái. Hẹn ở quán “Chờ” chỗ bờ sông nhé! Lúc 5 giờ”.

Cuộc hẹn là 5 giờ chiều, nhưng mới 4,30 Kha Nhi đã có mặt tại điểm hẹn. Và Anh Kha cũng có mặt sớm hơn một chút so với giờ hẹn. Cả hai chọn bàn xa nhất, sát bờ sông. Nhìn đám lục bình lững thững trôi. Anh Kha lên tiếng:

“Sao thế em gái? Em có chuyện bức xúc lắm phải không?”

“Vâng!…”. Và sau tiếng vâng ấy là một con sóng dữ dội của bất mãn, giận dữ, căm hờn và thương tổn… “… Anh Hai, nhìn xem vết tay của mẹ còn in trên mặt em đây! Em quyết …”.

“Kha Nhi. Em gái nghe anh nói đây – Anh Kha bật tiếng thở dài – Dấu tay ấy không ở trên mặt của em đâu. Nó ở sâu trong lòng tự ái và ích kỷ của em đó”.

“Sao? Anh nói em là tự ái, ích kỷ sao? Em tưởng anh phải là về phe em mới phải chứ…?”.

“Phe à? Em muốn phân rẽ nhà chúng ta hay sao mà phe này với phe kia! Anh nói em đang tự ái là đúng mà! Phải thế không?”. Vừa nói, anh vừa nắm tay Kha Nhi qua cùng bên ghế. Cái đầu cúi thấp, giọng trầm buồn khác hẳn với vẻ bất cần thường ngày. Tính cách này làm Kha Nhi mất hứng.

“Kha Nhi này, em đang đau lòng lắm phải không? Nỗi đau này anh đã từng nếm trải. Cách đây hai năm, anh nhìn thấy ba của bạn anh cô đơn cảnh gà trống nuôi con. Ông cũng từng bị các con cấm đoán không cho đi bước nữa. Đêm ngày ông buồn phiền và cuối cùng, chết trong cô đơn vì các con đã có gia đình riêng mình… Anh cảm thương ông cụ và chợt nghĩ đến mẹ. Sáu năm rồi…”.

‘Ý của anh là…anh đã nghĩ lại sao?”.

“Chúng ta quá ích kỷ rồi. Kha Nhi à. Có lẽ chúng ta phải nghĩ lại thôi. Em à, chúng ta như con nhím. Nhẵn nhụi khi không có gì xảy ra, nhưng mớ lông nhím ấy sẵn sàng xù lên, đâm thẳng vào bất cứ ai đụng đến chúng ta, đến lợi ích của chúng ta. Nhưng em thử nghĩ lại đi… “

“Em không muốn nghĩ. Mẹ vì người khác đã đánh em!”.

“Mẹ tự nhiên đánh em sao? Cho dù ông ấy là ai đi nữa, thì cách đối đáp của em là vô lễ. Em có bao giờ đặt mình vào vị trí của mẹ chưa?” – Nói rồi, Anh Kha chỉ tay vào đám lục bình.

“Em hãy nhìn đám lục bình kia đi. Hết ngày nay qua ngày khác nó cứ thế trôi dạt khắp phương trời, nhưng cuối cùng, nó cũng tìm được cho mình bến đỗ để dựa dẫm. Nó đâu thể trôi mãi được, đúng không nào? Mẹ chúng ta cũng vậy, em ạ. Từ khi ba mất, mẹ phải vất vả bôn ba khắp nơi nuôi anh em ta khôn lớn. giờ mẹ cũng cần được nghỉ ngơi, cần một chỗ dựa vững chắc yên bình để quay về. Em có cả anh lẫn mẹ ở bên yêu thương, che chở, lẽ nào em lại nhẫn tâm nhìn mẹ đơn côi trước sóng gió. Cả ngày anh đi làm, em đi học. Ngày nghỉ, chúng ta có bạn bè, đi chơi mà không hề nghĩ đến mẹ đang một mình ở nhà. Như thế không là ích kỷ sao? Nếu em thấy tình yêu em dành cho mẹ vậy đã đủ, em cứ tiếp tục giữ mẹ lại riêng em. Còn không, em hãy cùng người khác bù đắp lại những gì mẹ dành cho chúng ta. Em với mẹ cứ như thế, chỉ có em tổn thương còn mẹ thì không cảm thấy sao?!”

Sau cuộc nói chuyện hôm đó, Nhi suy nghĩ rất nhiều. Cô đỡ cực đoan và lối cư xử cũng dịu hơn. Lúc đầu, cô sợ mẹ giận, nhưng cô nhận ra đúng là lòng người mẹ: Như biển Thái Bình, ôm trọn lấy cô với cả tính xấu lẫn tính tốt, ôm trọn cả tình yêu hờn ghen mù quáng và ích kỷ của cô.

“Mẹ ơi, tha lỗi cho con nhé! Hôm nay, mẹ mời chú Hoan đến ăn chơi và dùng cơm nhé. Con và Anh Kha đãi!”.

Dù mẹ gạt đi nhưng Kha Nhi cố thuyết phục, cho đến lúc mẹ bằng lòng mới thôi. Và kết quả thì khỏi nói. Chưa bao giờ hai anh em lại hạnh phúc đến thế: Bởi đã nhìn thấy nụ cười trong đôi mắt mẹ! 

Bài viết: Song Lê


Visited 4 times, 1 visit(s) today