SIÊU NHÂN LÀ ANH HÙNG RƠM – GIÁO DỤC VỀ ĐAU KHỔ

       Nữ văn sĩ Eleanor Roosevelt phát biểu: “Khi tạo ra càng nhiều sự dễ dàng cho con cái, thì lại là lúc chúng ta đang tạo ra nhiều khó khăn cho chúng”. Câu nói nổi tiếng này thu tóm lại thực tế của thời đại chúng ta. Đó là thời của một nền giáo dục không chắc chắn, mơ hồ, ân hận vì quá dễ dãi, lơ là (tận bên trong), dửng dưng với thế hệ đàn em. Khi phụ huynh cố gắng ban tặng cho con cái một cuộc sống “hoàn hảo”, thì họ lại đang thu hẹp khả năng và đánh cắp trí thông minh của chúng, khiến chúng khó mà lớn lên, do không được kích thích, thách đố. Cha mẹ thường mong muốn cho con cái mình đi trên một con đường trơn tru êm ái, không có gai góc nhọc nhằn. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, đau khổ là điều không thể tránh và ngay từ phút đầu sinh ra, con người đã bắt đầu chịu khổ đau.

       Đau khổ gắn liền với phận người như hình với bóng, như nóng với lạnh, như nỗi sợ hãi và niềm khao khát, như sự tăng trưởng và suy thoái. Một cuộc sống không đau khổ có thể cũng là một đời sống thiếu vắng niềm vui. Ngày nay, vấn đề lớn mà nhiều người trẻ đang gặp phải chính là sự buồn chán do không có những thử thách. Trẻ em và thanh thiếu niên thường quen với việc liên tục lướt trong thực tại hàng ngày: Chúng chọn lựa những gì mình muốn, và mong muốn ấy dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất: “Tôi thích hay tôi không thích”.  

       Tiêu chuẩn “thích hay không thích” này cũng là thước đo của rất nhiều người lớn. Câu nói thường xuyên của họ là “mọi sự và ngay lập tức”, tức là vẫn có thể có được cái gì đó mà không phải cố gắng gì. Thần tượng là những ai “đạt thành công”: Giàu có, nổi tiếng, đẹp, quyền lực…  Giá trị “thích” kéo theo những đặc tính mới: Phù phiếm và phô trương, giầu sang và thành đạt, bạo lực và cạnh tranh.

       Với hiện trạng này, “giáo dục về đau khổ” là một điều cần thiết. Sự đau khổ cả về mặt thể lý lẫn tinh thần. 

       Con cái phải học biết và làm chủ trên đau khổ thể lý. Trẻ em thời nay được chăm chút và bảo bọc kỹ lưỡng đến độ chỉ cần chúng bị một vết trầy xước nhỏ, thì cũng giống như thể xảy ra một động đất vậy. Không chỉ có nỗi đau thực sự mà cả sự khó chịu nơi thân xác cũng đang ngày càng trở nên đáng sợ cần phải né tránh. Quảng cáo cũng là nguyên nhân gây nỗi sợ này khi nhấn mạnh đến thể lý và ngoại hình, đến nhu cầu của “cảm thấy thoải mái”, đến sự hoạt bát nhanh nhẹn rắn chắc của cơ thể, của việc thể dục thể thao. Tủ thuốc của gia đình đầy ngắc dược phẩm đủ loại và những “dược phẩm hỗ trợ” được quảng cáo như những thứ thần diệu: “Chỉ một ngụm si-rô và một viên thuốc, ngay lập tức bạn cảm thấy tốt hơn và dáng cũng đẹp hơn”. Với sự trợ giúp này, chúng ta đang rơi dần vào nguy cơ tạo nên một giống người bị tước bỏ mọi nỗ lực về thể lý, dần mất hết sức đề kháng và sức chịu đựng sự vất vả. Dĩ nhiên, khi nói điều này phải trừ trường hợp người ta phải biểu diễn thời trang, mà ngay cả việc này cũng không đòi quá nhiều sức khỏe. Cách duy nhất để ngăn chặn sự yếu nhược của con cái hẳn không đến từ sự công kích và lời khích lệ, mà chỉ từ đến gương sáng của cha mẹ.

       Con cái phải học đương đầu để giải quyết vấn đề. Một trong những giúp đỡ lớn nhất mà cha mẹ có thể làm cho con cái của mình là kiện cường khả năng đối diện với mọi hoàn cảnh khó khăn đòi phải cố gắng (mỗi lần một chút, phù hợp với mức độ trưởng thành của từng em). Đối với thanh thiếu niên ngày nay, việc phản ứng trước các vấn đề có nguy cơ khiến chúng rơi vào thế mất cân bằng: Buồn bã trốn chạy hay gây hấn vô lối. Để giải quyết các vấn đề của cuộc sống, người trẻ cần sự giúp đỡ của cha mẹ, những người có bổn phận hướng dẫn con cái nhận ra vấn đề, đón nhận nó như một thử thách trí tuệ và đo lường nghị lực. Để đương đầu với một vấn đề, người thiếu niên cần có một hình ảnh đẹp về bản thân, về một mục tiêu cụ thể cần đạt tới, một khả năng nhận dạng được những công việc phải hoàn thành với những chiến lược phù hợp khác nhau.

       Tuy nhiên, chúng ta phải biết rõ rằng cuộc sống có đủ hương vị của lao nhọc, kiên nhẫn, bền tâm, hy sinh. Nếu trong gia đình có vấn đề, thì con cái cần phải biết vấn đề đó. Chúng cũng được mời gọi tham gia vào việc đưa ra những giải pháp, ý kiến.

       “Rèn luyện trẻ biết chấp nhận thất bại, thì quan trọng hơn rèn luyện để chiến thắng”. Đó là một khẩu hiệu trong chiến dịch cai nghiện ma túy và là một lời khuyên khôn ngoan. Chịu đựng nỗi đau tinh thần do sự mất mát một người thân yêu, một tình cảm, hay thứ gì đó là điều hết sức khó khăn. Yêu thương nghĩa là một đau khổ không thể tránh. Nhưng sống cũng có nghĩa là biết phản ứng và hành động.

       Ba mẹ không thể bảo vệ con suốt đời. Khi lớn lên, con cái có thể đương đầu với những bất hạnh trong thái độ dứt khoát và can đảm hay không, là nhờ được cha mẹ dạy dỗ ngay từ tuổi ấu thơ. Nếu cha mẹ có ý định giúp con cái can đảm chấp nhận cuộc đời, nếu họ muốn dạy chúng sống mãn nguyện khi vượt qua được những trở ngại, kiện cường khả năng thi hành và chu toàn bổn phận, thì cha mẹ phải học biết để tránh xa cạm bẫy của lòng thương hại thái quá. Việc dạy con cái điều này không có nghĩa là cha mẹ bỏ mặc chúng tự vùng vẫy trong cơn khốn khó.

       Trẻ em phải được giúp đỡ để nhận biết thực tại và phân biệt thực tế với mơ mộng. Các trẻ em thường hay nghĩ chúng là những siêu nhân tí hon, dũng mãnh và bất khả chiến bại bay lượn trên các tầng mây. Cần lưu ý rằng, nếu không được chuẩn bị, các em có thể bị chấn thương tâm lý khi tiếp xúc với một thực tế phũ phàng.

       Tôi sẽ cùng con cái khắc phục một khó khăn nào đó của chúng.

Tác giả: Ban Truyền thông Sdb

Visited 12 times, 1 visit(s) today