PHÚC HAY HỌA

Người xưa thường nói: Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Trong cuộc sống, người ta thường hay nói tới may rủi. May là không đi trên chuyến xe đò Long An đó, nên không bị tông xe chết. Rủi là người đó lên phải chiếc xe định mệnh đó. Phúc-họa nói đây không phải là chuyện may rủi trúng Vietlot hay “vớ được 5000 đô”!

Kín múc từ sự khôn ngoan của mạc khải trong Đức Kitô, Đức Phan-xi-cô nhân dịp kỷ niệm 50 năm thông điệp Progressio populorum (phát triển các dân tộc) đem lại những hướng dẫn quan trọng. Có một sự khác biệt lớn lao giữa phúc-họa và may-rủi, ta vừa nói. Phúc-họa mà chính Đức Giêsu nói đến thuộc bình diện khác hẳn. Đó là chuyện “được ăn cả, ngả về không”, có thể nói như thế. Phúc-họa hệ tại ở việc nên người cách sung mãn, hay đánh mất chính mình mãi mãi. Cái phúc-họa mà Đức Giêsu cho thấy liên hệ đến được Thiên Chúa khen thưởng hay khước từ xuyên qua một đời sống thường nhật của kiếp người được sống tròn đầy hay tầm thường. “Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc”, “Quân bị nguyền rủa kia” (Mt 25); “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín” hay “Hỡi đầy tớ biếng nhác”. Phúc-họa liên quan đến Chúa Giêsu là hạnh phúc của đời sống ta hay đến những thỏa mãn với số lượng nhỏ để rồi chẳng thể tồn tại. Đây là chuyện sống sung mãn phận người của tôi cùng với ơn Chúa, là chuyện mà Đức Giêsu nói: “được ích gì nếu được cả thế gian mà lại thiệt thân”. Rốt cục, phúc-họa đây liên quan đến việc sống sung mãn ơn gọi làm người hay không.

Nếu thế, phúc-họa ở đây chạm đến việc phát triển toàn diện của từng người và toàn vẹn con người. Nó tương quan đến mọi góc cạnh của đời sống song lại không cho phép một góc cạnh nào trở thành tuyệt đối và loại bỏ mọi góc cạnh khác. Trước tiên, sự phát triển sung mãn ơn gọi làm người “nhập hiệp những con người khác nhau của trái đất. Bổn phận tình liên đới đòi hỏi chúng ta tìm kiếm những cách thức công bằng để chia sẻ hầu không còn sự bất bình đẳng bi thương giữa những người có mọi sự và những người chẳng có gì.”

Rồi, sự phát triển sung mãn của nhân vị cũng có nghĩa “cống hiến những khuôn mẫu có thể tồn tại được hầu mọi người có thể đóng góp phần mình vào xã hội, làm chúng ta có thể cùng nhau sống và không ai bị loại trừ khỏi việc đóng góp một điều gì đó cho sự thiện của mọi người”.

Phúc-họa đây cũng có nghĩa là làm thế nào để những hệ thống khác nhau về kinh tế, tài chánh, lao động, văn hóa, đời sống gia đình và tôn giáo, mỗi cái theo cách của mình, là những cấu tố thiết yếu cho sự tăng trưởng này. Không yếu tố nào trở nên tuyệt đối và không bị loại trừ khỏi sự phát triển toàn diện của con người được coi như một ban hòa tấu khi từng nhạc khí là chính mình trong một hòa điệu chung. Phúc-họa của cuộc sống phận người cách sung mãn liên kết những chiều kích cá nhân và cộng đoàn. Tác động của ích kỷ nêu cao cá nhân tới độ biến nó thành một ốc đảo như thể ta chỉ có thể hạnh phúc khi cô đơn, một mình. Ích kỷ ấy cũng tỏ lộ nơi khóe nhìn ý thức hệ hay chính trị đè bẹp nhân vị, nhân danh một thứ toàn cầu hóa lợi nhuận đến mức tối đa. Ích kỷ làm cho sự thiện hảo của chia sẻ hơn nữa giữa người với người không thể tồn tại hay được chấp nhận.

Cuối cùng, phát triển con người cách sung mãn có nghĩa là nhập hiệp hồn xác. Nó không thể giản lược vào phát triển  kinh tế, có thật nhiều của cải, chỉ thật sung túc vật chất mà thôi. Sự nhập hiệp hồn xác này cũng có nghĩa rằng không việc phát triển nào thực sự đạt được mục đích nếu nó không kính trọng chỗ đứng ở đó Thiên Chúa hiện diện với chúng ta và nói cho tâm hồn chúng ta. Chỉ một mình TC mới có khả năng biến những cái “rủi” theo nhãn quan thuần nhân trở thành phúc lành. Chỉ mình Thiên Chúa mới biến đổi những “bệnh tật” của An-rê Beltrami trở thành triều thiên.

Nhìn phúc-họa theo ánh sáng sống sung mãn phận người như thế đưa chúng ta chiêm ngắm và trải nghiệm rõ Thiên Chúa thật sự là ai. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa quyết định không bao giờ tách rời con người. Nơi ngài, Thiên Chúa và con người không chia tách, không lẫn lộn, song lại cùng nhau tỏa sáng. Thiên Chúa đã nên người để làm cho đời sống con người, cá nhân và xã hội, thành con đường cụ thể đến ơn cứu độ. Vì thế Thiên Chúa tỏ lộ nơi Đức Kitô – bao gồm hành vi chữa lành, giải phóng, giao hòa mà ngày nay ta được kêu gọi để đến lượt mình cống hiến cho nhiều người bị thương nằm bên vệ đường – cho thấy con đường và hình thức phục vụ mà Gíao hội muốn cống hiến cho thế giới: Theo ánh sáng này, sự phát triển “toàn diện” chẳng thể phương hại Thiên Chúa cũng như con người, vì nó mặc lấy sự nhất quán của cả hai. Như thế, chính khái niệm nhân vị, được sinh ra và chín muồi trong Ki-tô giáo, giúp ích cho việc theo đuổi một sự phát triển con người toàn diện. Bởi vì “ngôi vị” có nghĩa là tương giao, chứ không phải là cá nhân chủ nghĩa; nó xác quyết sự bao gồm (xen nhập), chứ không loại trừ; phẩm giá độc đáo và không thể vi phạm hơn là sự khai thác; tự do chứ không cưỡng bức.

Phúc-họa đúng là thế đấy: thành công hay thất bại, dĩ nhiên với ơn Chúa, việc sống kiếp người cách sung mãn trong từng khoảnh khắc bình thường với một cách thức phi thường của trách nhiệm, quảng đại vui tươi, nói tắt, của đức tin, cậy, mến.

Tác giả: Ban truyền thông Sd
Visited 8 times, 1 visit(s) today