NHỮNG LỜI CẦN NÓI

“Những người trẻ không chỉ được yêu mà chính họ phải cảm thấy mình được yêu”. Đây là một trong những trực giác mãnh liệt của Don Bosco, được diễn tả trong lá thư gửi từ Roma vào năm 1884, mà ngài vui mừng gọi nó như là “Thi ca của tình yêu giáo dục”.

Tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một giáo sư nổi tiếng tên là Buscaglia, trước ngày nghỉ cuối tuần đã cho các học sinh của trường đại học một bài tập lạ đời: Họ phải về gia đình và ôm hôn người cha của mình. Như thường lệ, tại lớp đã nổ ra một làn gió phản kháng mạnh mẽ. Họ nói: “Ba tôi ư, thế nào ông cũng cho tôi ăn một cú đập!”, hoặc “Ôi, trò này để làm gì chứ. Ba luôn biết rằng tôi yêu mến ông ấy”. Lúc này vị giáo sư lên tiếng: “Đây là một điều dễ dàng có phải không. Vậy tại sao các trò lại không muốn làm?”.

Ngày thứ hai tuần sau, thật đáng ngạc nhiên khi mọi sinh viên đều hào hứng kể về những kinh nghiệm làm thỏa lòng người: “Ba của tôi đã bật khóc”, “Lạ thật đấy. Ba đã cám ơn tôi thật nhiều”.

“Nhận ra” mình được yêu. Đây là bí mật của niềm hạnh phúc. Trong gia đình, mọi người đều phải bao bọc quanh mình bằng một tấm giấy tưởng tượng trên ngực: “Với tôi, bạn không thể thay thế”, ngược lại với những thông điệp thông thường diễn ra giữa cha mẹ và con cái. Đó thường là những lời quá nghiêm nghị, lời khiển trách, nhục mạ, đe dọa, giảng giải, hoặc kích động mà chúng ta thường được nghe, chẳng hạn: “Mau lên, cố lên, vui lên, đừng đụng vào, chú ý vào, ăn hết đi, đừng làm bẩn, im đi, ba mẹ đã nói rồi mà, xin lỗi đi, chào mau, đến đây xem, đừng quậy phá, không được chạy, mồ hôi mồ kê đầm đìa rồi kìa, coi chừng té, ba mẹ đã nói coi chừng ngã rồi mà, khốn cho con, con chẳng bao giờ để ý cả, con thật vô tích sự, đi ngủ đi, dậy mau, trễ rồi, ba mẹ có bao điều phải làm…”.

Ngay cả khi có đức tin tốt lành đi nữa thì các bậc cha mẹ thường hay sốt ruột và điều này khiến họ cứ luẩn quẩn quanh con cái giống như tiếng kêu vo vo của chiếc trực thăng. Và rồi tiếng “vo vo” ấy trở thành âm thanh quen thuộc của gia đình. Những đứa trẻ tự bảo vệ mình cách đơn sơ bằng việc không lắng nghe. Trong sự nhập nhằng giữa mệnh lệnh và sự đối kháng lại mệnh lệnh, những lời nói quan trọng của ba mẹ nói với con cái trở nên vô nghĩa. Ngay lập tức bầu khí gia đình bị tổn hại, tất cả bị ô nhiễm bởi các cuộc kích động được gây ra không ngừng giữa các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, có những lời nói có sức làm thay đổi bầu khí gia đình, nhất là khi nó làm nền để tạo nên hình ảnh tích cực về bản thân đứa trẻ, về sự tăng trưởng chính yếu và bình thường của con cái. Những lời ấy có thể là:

  1. “Ba mẹ yêu con”. Một câu nói được phát biểu tràn lan trên tivi, trong những bài hát, nhưng lại bị quên lãng giữa cha mẹ và con cái. Lời nói này có một quyền lực vô song đến nỗi mỗi ngày, mỗi đứa trẻ đều phải được nghe từ miệng của người cha hay người mẹ lời này: “Ba mẹ yêu con”.
  2. “Con thật là xinh đẹp!”. Con cái chúng cần được khen ngợi. Có những người vừa khi ra khỏi nhà là có thể cho lời khen đến mọi người: Từ anh bán sữa đến nhà báo, người lính cứu hỏa, người bảo vệ, và vị trưởng phòng; nhưng tại gia đình thì tuyệt nhiên họ chẳng bao giờ họ nói lời này với bất cứ ai. Một phụ nữ vừa vần vò chiếc bóp trong tay vừa thú nhận: “Chồng của tôi, anh ấy biết trở nên dịu dàng, nhẹ nhàng và trìu mến. Với con chó anh ấy cũng cư xử như thế”. Làm thế nào để một đứa trẻ có thể tự tin vào chính mình nếu chưa bao giờ nó nhận được một lời khen ngợi từ ba mẹ mình (cả và nhất là về ngoại hình)?
  3. “Có con, ba mẹ hạnh phúc!”. Đây là một sứ điệp nhất thiết phải được công bố và diễn tả. Không ít thanh thiếu niên có ấn tượng rằng chúng là chỉ là một gánh nặng gây phiền não và vướng víu cho cha mẹ, hay tệ hơn, chúng coi mình như tai nạn trong suốt cuộc sống của cha mẹ.
  4. “Hãy tin tưởng vào ba và mẹ”. Một đứa trẻ cần biết rằng, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, thì người cha người mẹ ấy sẽ bảo vệ chúng, sẽ cứu giúp chúng. Trong xã hội chúng ta hôm nay, các con trẻ không thể tin tưởng vào ai khác ngoài cha mẹ của chúng.
  5. “Con nghĩ về chuyện này?”. Chúng ta biết rằng, cha mẹ là những người mà con cái yêu mến hơn cả. Khi họ tỏ ra muốn nghe ý kiến của con cái, họ đang đong đầy nơi lòng đứa trẻ niềm tự hào, làm cho nó thực sự cảm thấy là thành phần quan trọng ở trong gia đình. Cứ thế, ba mẹ cũng có thể nhận ra con cái của họ thật khôn ngoan.
  6. “Con cứ khóc nếu con muốn”. Mỗi người sống trên đời đều cần có một ai đó để có thể tâm sự, biết chắc họ lắng nghe mình, không xét đoán mình. Một ai đó mà mình không cần phải cất giấu điều gì cả. Có một ai đó để mình có thể nói: «Đây là những cảm nhận thật sự của tôi », và họ trả lời : « Tốt. Mọi sự đều tốt đẹp», thì người này thực sự có hai cánh tay ôm biết ôm ấp, một con tim và sự thấu hiểu sâu xa.
  7. «Cha/ mẹ mong được lắng nghe con». Câu nói này có nghĩa là ba mẹ không hề dửng dưng trước những gì xảy ra trong đời sống con cái. Nhiều lần, một lời “kể cho ba/mẹ nghe” được nói đúng lúc đã phá tan bức tường của im lặng, một sự im lặng luôn có nguy cơ phóng dọi cái bóng tiêu cực trên mối tương quan giữa cha mẹ và con cái.
  8. “Tại sao con lại không muốn điều đó?”. Những cảm xúc của trẻ thật quan trọng và đáng tôn trọng như những cảm xúc của người lớn. Tuy nhiên, do sự lơ đãng, những cảm xúc này thường bị chà đạp và bỏ qua như những điều không đáng kể.
  9. “Ba mẹ tin tưởng nơi con”. Những trẻ em có muôn vàn lý do để ngờ vực về bản thân. Sự khích lệ của cha mẹ là thứ nhiên liệu duy nhất thật, có sức khơi nguồn sáng tạo nơi con cái.
  10. “Được ở với nhau thật là tuyệt vời”. Chẳng có đứa trẻ nào có thể lớn lên cách tốt đẹp mà không cảm thấy bản thân mình là một phần không thể thay thế của niềm hạnh phúc trong gia đình.

Một thiếu nữ nọ mang tâm trạng rối bời. Với cô có quá nhiều điều: bài tập, khó khăn, mọi sự đều quá  nhiều… Người mẹ thì luôn lặp lại với cô những lời quen thuộc, những mệnh lệnh, những giải thích và những lời động viên. Tâm trạng cô con gái càng trở nên tệ hơn. Sau cùng, cô nhìn thẳng vào mắt người mẹ và nói: “Mẹ ơi, tại sao mẹ không ôm con vào lòng, siết chặt con như mẹ đã từng làm với con khi con còn thơ bé? Thực sự, chẳng có lời khuyên nào của mẹ có thể làm cho con trở nên tốt hơn thế”. Thế là, người mẹ và cô con gái ôm nhau, bao nhiêu tâm trạng buồn chán chợt tan biến. Chỉ cần một cái ôm hôn chặt và mạnh mẽ cũng đã đủ.

Ngọc Yến: Chuyển dịch từ “I genitori felici con il sistema di Don Bosco”


Visited 1 times, 1 visit(s) today