
Năm tôi học lớp 9.
Chúa nhật tuần thứ hai của tháng 5.
Lễ xong, cha tập hợp chúng tôi lại, chưa vội cho về các lớp giáo lý.
– Hôm nay là một ngày đặc biệt – Cha mở đầu – Ngày của Mẹ. Hằng năm, ở một số nước trên thế giới đều dành ngày này để tôn vinh các bà mẹ, cha muốn chúng con cũng làm như thế: Hát một bài hát tặng mẹ, mua một bông hoa tặng mẹ, vẽ một bức tranh tặng me… nói chung là làm bất cứ chuyện gì có thể khiến mẹ bất ngờ. Không phải do cha đã đi đây đi đó rồi “học đòi”, nhưng cha nghĩ, cái gì hay, cái gì đẹp thì mình nên học, nhỉ? Vậy nhé, nay học giáo lý xong thì đừng la cà, làm một điều gì đó bất ngờ cho mẹ của chúng con, ha!
Rồi cha mỉm cười, chào chúng tôi rồi đi vào. Tôi đứng lặng đó. Một nỗi mơ hồ khó tả.
Trưa đó tôi về nhà, vẫn còn lấn cấn những lời dặn của cha. Rồi tôi tập hợp các em tôi lại. Hóa ra đứa nào cũng đang băn khoăn mà không lên tiếng. Một kế hoạch bí mật giữa 6 chị em tôi bắt đầu. Đầu tiên là tôi và bé út sẽ đi chợ mua quà và mua ít bánh ngọt, trái cây, nước giải khát. Kế đó là em kế út của tôi viết thiệp, sau đó cả 6 đứa kí tên vào, em thứ ba và tư của tôi phụ trách phần gói quà. Em thứ 5 của tôi sẽ phụ trách tặng quà cho mẹ và nói lời chúc. Cả chiều đó, mấy chị em cứ đi ra đi vào, úp úp mở mở khiến cha mẹ tôi nhíu mày thắc mắc. Nhưng cho là do mấy chị em lại nghĩ ra trò gì mới nên cũng chẳng ai ý kiến gì.
Tối đó, sau bữa cơm, chị em tôi y như kế hoạch. Mẹ đang ngồi xem tivi thì cả 6 đứa ập ra, chúc mừng rôm rả. Mẹ bất ngờ mất một lúc rồi bật cười, mở quà và thiệp của chúng tôi tặng. Rồi cả nhà ăn “tiệc nhẹ” mà chị em tôi chuẩn bị. Nhìn ánh mắt mẹ, tôi biết mẹ vui lắm. Niềm vui và hạnh phúc của một người phụ nữ tần tảo biết bao nhiêu năm, thu gọn lại trong món quà nho nhỏ và những dòng chữ xiên vẹo mà em tôi viết trên tấm thiệp. Đều đặn những năm sau đó và cho đến tận bây giờ, năm nào chúng tôi cũng tổ chức tiệc nhẹ vào “Ngày của Mẹ”, rồi cả “Ngày của Cha” nữa. Có lần tự nhiên mẹ nói:
– Thôi, bỏ đi, mỗi năm mừng sinh nhật là được rồi, thêm mấy ngày này chi nữa? Hàng xóm lại bảo nhà mình đua đòi, học theo Tây, ngại lắm.
– Ơ sao bỏ? – Tôi ngạc nhiên, rồi xuống giọng – Mẹ ơi, mẹ sống theo lời hàng xóm làm gì nhỉ? Miễn sao cả nhà mình vui, cha mẹ vui là được mà. Cả năm mấy khi có dịp cả nhà đông đủ đâu mà. Kệ lời người ta đi mẹ.
Nghe tôi nói thế, mẹ cũng xuôi. Và trong những cuộc điện thoại của mẹ với những họ hàng ngoài bắc, mẹ tôi vẫn nói với giọng hạnh phúc và tự hào về những đứa con của mình, kiểu như “Vâng, mấy đứa nhỏ nhà con ngoan lắm, năm nào cũng tổ chức này nọ cho hai vợ chồng con”, rồi “Chúng nó tặng con đồng hồ miết, nhà chỗ nào cũng đồng hồ thôi cô ạ”. Lâu lâu tôi nghe lén, tự mỉm cười rồi chảy nước mắt vì xúc động.
Sau hai phim với doanh thu chẳng mấy khả quan, tôi đâm ra chán nản.
Một ngày đẹp trời, tôi dậy thật sớm để đi café với bác diễn viên mà tôi quen. Vu vơ vài câu, rồi tôi cũng nói về thực trạng của công ty mình.
– Nhưng mà, con có vui không? – Bác hỏi.
– Dĩ nhiên là con vui chứ! – Tôi đáp – Còn được làm nghề là còn vui mà bác.
– Vậy thì con chưa đủ “mạnh mẽ” rồi. Người ta làm có khi chục phim không thắng, người ta còn đi tiếp được, con mới đi có hai phim mà đã vậy rồi, dở quá à nha!
Bác nửa đùa nửa thật, rồi kể cho tôi nghe giai đoạn khó khăn của những năm đầu của điện ảnh nước nhà. Tôi gật gù, chợt thấy những gì mình đã trải qua chẳng thấm vào đâu so với khó khăn của các bác cả.
Tối đó tôi về, lần lượt xem lại tất cả những tấm ảnh tôi đã chụp trong quá trình quay phim. Này là tấm phiếu ăn. Này là tấm bé Linh bị vấp ngã. Này là lúc xuống thác Pa Sỹ quay, mọi người lạnh cóng. Này là lúc mưa gió bão bùng trên đỉnh Chư Đăng Ya. Này là lúc trời mưa quá phải mua củi lót đường ở làng Kon Bring. Này là lúc nắng chói chang ở cầu Kon K’lor. Và còn bao la khoảnh khắc khác nữa, mà mỗi lần nhìn tới, tôi đều biết chính xác ngày hôm đó chúng tôi đã ở đâu, đã xảy ra những chuyện gì.
Tôi chợt bật khóc. Đúng vậy. Là do tôi quá yếu đuối rồi. Cái thành công đâu phải đánh giá qua doanh thu hay giải thưởng gì đâu. Nhìn những tấm ảnh này, tôi thấy chúng tôi đã thành công quá rồi đấy chứ. Vất vả, khó khăn trong suốt 1,5 tháng ở Tây Nguyên, chiến đấu với thời tiết bất thường và khắc nghiệt, chúng tôi vẫn cười nói suốt đấy thôi, vẫn í ới trà sữa bánh tráng trộn những ngày được nghỉ, hay ngủ quên trời đất vào những lúc di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm kia. Cái cảm giác cực kì hạnh phúc khi quay xong một cảnh khó, hay ôm nhau khóc vào lúc vừa quay xong cảnh cuối cùng, tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim tôi, vậy mà tôi lại để cho những tác động bên ngoài xóa nhòa đi mất. Hâm thật!
Hạnh phúc là một từ có muôn hình muôn vẻ. Nhưng đa phần những trường hợp mà tôi chứng kiến, thì hạnh phúc lại mang một trạng thái hết sức đơn giản: được ở cùng gia đình, được bên cạnh những người mà mình yêu thương. Thầy dạy văn cấp hai của tôi đã sấp xỉ 50, có hai con còn nhỏ, mỗi lần nhắn tin với thầy, thầy đều kể về hai bé, về những việc mà hai bé đã làm với niềm tự hào thấy rõ. Ngay cả khi về quê thăm thầy, tất cả chúng tôi lại cùng ngồi ăn trưa, chia sẻ với nhau những điều vụn vặn như em Cún đã tập làm mưa theo chương trình “Em yêu khoa học” nhưng lại bí xị vì kết quả không như mong muốn, hay một cuốn sách mà các em đang đọc. Một anh diễn viên nổi tiếng mà tôi quen cũng vậy, tất bật ở phim trường, ngày nào về sớm là anh lại tranh thủ đưa mẹ đi đây đó, hoặc cùng mẹ nấu ăn tại nhà rồi hai mẹ con vừa thưởng thức vừa chuyện vãn. Không có gì là khoa trương, cầu kì, chỉ là những món ăn giản dị, những câu chuyện vụn vặt thường ngày, nhưng cả hai đều vui và hạnh phúc.
Hồi nhỏ, thấy người ta hay đi đông đi tây, tôi cũng mơ ước mình mau mau lớn để được đi giống họ, không phải ở nhà để nghe cha mẹ càm ràm hay đi phải xin phép. Nhưng đến khi đã lớn, đã đi được nhiều nơi, tôi lại chỉ muốn quay về nhà. Vì chỉ có gia đình mới là nơi yêu thương mình vô điều kiện, là nơi dù có thế nào đi nữa vẫn khiến mình vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất. Bữa tôi có đọc một bài báo, một chị lớn hơn tôi 5 tuổi, từng đi du học Úc, rồi qua Mỹ, qua Pháp làm việc, lấy chồng sinh con nơi xứ người, rốt cuộc sau từng ấy năm lăn lộn, quyết định trở về “nhà”, sống cùng bố mẹ, ngày ngày ông bà bố mẹ con cháu quây quần bên nhau, thế là quá hạnh phúc rồi. Chị nói đơn giản “Đây là nơi chị thuộc về, là cội nguồn của chị, chẳng thể nào sống thiếu tình cảm của bố mẹ được, nên thôi, đủ rồi, về nhà thôi. Gia đình thì mãi là gia đình, chẳng có nền văn hóa nào thay đổi được điều đó cả”.
Thế đấy, gia đình luôn là nơi ẩn chứa và tạo ra niềm hạnh phúc cho mọi người. Có người may mắn nắm bắt được từ thuở ban đầu, cũng có người, phải đi loanh quanh, lòng vòng, có khi đi gần hết cả đời người mới thấm ra được cái giản đơn vốn dĩ luôn hiện hữu đó. Vì gia đình, vừa là hữu hình, vừa là vô hình mà nhỉ, để “cảm” được, “nghiệm” được, đâu phải một sớm một chiều đâu.
Tác giả: Tùy Phong