Don Rua – Tiếp nối Don Bosco như một người con ưu tú

NHỮNG NHÂN ĐỨC NỔI BẬT

Nhìn vào Don Rua, chúng ta dễ dàng bị đánh động bởi vẻ nghiêm trang, chiêm niệm của ngài. Bức hình chụp ngài khi cầu nguyện quả để lại ấn tượng: một cảm thức linh thánh, sự thanh thản, sự chú tâm được tỏ lộ vượt bực. Thế nhưng, chúng ta lại thấy sức hoạt động phi thường của Don Rua. Điều ấy khiến chúng ta nhận ra được ơn thống nhất (grace of unity) đã được tỏ lộ sống động và mạnh mẽ trong những ngày đầu của Tu hội. (x. HL 10, 12, 21, 96-98). Nó sinh động đời Sa-lê-diêng  mà không làm họ kiệt lực. Nét độc đáo này, các vị giáo hoàng thời DB đã nói bằng một ngôn ngữ khác: Đây là một tu hội mới, vốn có thể trả cho Xêda những gì của Xêda và trả cho TC những gì thuộc về TC. Cha Rinaldi cũng tóm kết bằng cả một sức năng động được tỏ lộ qua lao nhọc miệt mài được thánh hóa bằng kinh nguyện và lòng mến TC. Chiêm niệm và hành động không còn đứng riêng rẽ nơi Don Rua nữa. Nó đã tạo thành một thể thống nhất. Nhờ nó, Don Rua đã không kiệt sức. Trái lại, không cố gắng đạt được điều này với ơn Chúa sẽ đồng nghĩa với việc biến đời sống Sa-lê-diêng  thành những chuỗi ngày buồn tẻ, hoặc rơi vào nguy cơ náo hoạt hay an phận.[1] Bề Trên Cả cũng nói đến điều này khi trình bày Rua như người môn đệ chân chính và tông đồ nhiệt thành của Don Bosco.

Braido và Motto viết,

Trung thành với giáo huấn của DB vai trò của Don Rua cũng là giúp cho các Sa-lê-diêng  hiểu rằng họ là những tác nhân và diễn xuất của công trình cứu độ giới trẻ. Ngài liên lỷ nhắc nhớ họ rằng công việc Sa-lê-diêng  không phải là công việc của con người, nhưng của TC và chúng ta cần phải tạ ơn TC vì đã được chọn như khí cụ để làm điều này. Những chiến thắng của người Sa-lê-diêng  là những chiến thắng của TC và của DB; công cuộc là Sa-lê-diêng  là công cuộc của TC; đời sống của những người Sa-lê-diêng  ở trong tay TC; họ chỉ là những dụng cụ, những tôi tớ trong công việc của Chúa để TC được vinh quang hơn.[2]

Cha Desramaut cũng chí lý ghi nhận và nhắc nhớ các Sa-lê-diêng :

Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta kết tận chỉ nhìn thấy sự nghiêm khắc và cần cù ở cha Rua mà thôi. Ở cách xa 100 năm cái chết của ngài, ta biết đây là một hình ảnh sai lạc. Như cha Giuse Aubry đã ghi nhận, chúng ta chẳng hiểu gì về khả năng phi thường của ngài đối với công việc và sự nghèo khó tu đức của ngài nếu chúng ta bỏ qua sự mật thiết với TC nơi những tinh thần đó. Ngài có một dáng vẻ luôn thanh thản của người linh mục, một người bừng cháy đam mê như Don Bosco: đam mê yêu mến TC và phần rỗi các linh hồn. Nếu ngài tỏ ra cứng rắn ở bề ngoài, thì thực tế, ngài lại đầy nhân hậu, được lấp đầy với niềm vui mà TC biết cách nào để ban cho những ai yêu mến ngài.[3]

Cả hai đoạn văn được trích dẫn trên gặp nhau ở những nét cơ bản của linh đạo Sa-lê-diêng  nơi Don Rua: một niềm đam mê TC và con người trong niềm tri ân khiêm cung, xác tín chỗ đứng tối thượng của TC trong cuộc sống, cộng sự viên của chương trình cứu độ của TC. Tất cả điều đó dệt thành cuộc đời Don Rua. Ngài nỗ lực thống nhất đời sống mình quanh một trục. Kế hoạch đời sống của ngài là thế.

Ơn thống nhất ấy được biểu lộ qua một lối sống mà Rua học được từ Don Bosco: Làm việc và tiết độ. Nói Rua là người “nghiện công việc” quả không sai, nhưng là nghiện công việc của vương quốc TC.[4] Với Rua, “làm việc và tiết độ” của DB được chuyển dịch thành “đặt mình phục vụ người khác, hoạt động tông đồ mãnh liệt được làm thành có thể bằng cách từ khước tìm kiếm lợi ích của cá nhân mình trong mọi lãnh vực.” Cha Rua đã trung thành với chương trình này với sự xác đáng và hoàn toàn phi thường. Ngài “nghiện công việc, theo nghĩa chân thật của hạn từ. Mọi ngày đều đầy ắp, không phút nghỉ ngơi, như thể ngài khấn không phí phạm một giây nào. Ngài không bao giờ có ngày nghỉ. Một trong những con cái đã nói đùa nhưng đủ cho thấy Don Rua làm việc liên lỷ như thế nào: “Vừa lên thiên đàng, sau khi đã chào thăm DB, có lẽ ngài sẽ hỏi DB: “Cha có việc gì cho con ở đây không?” và “mấy giờ thì nguyện ngắm vậy?”[5] Đang khi đó, tiết độ, một điểm mạnh khác của chương trình của DB, được diễn đạt nơi Don Rua qua “sự tôn kính HL”. Nó khiến Don Rua tỉnh thức liên lỷ với chính mình. Người ta nói rằng DB đã nói ‘Don Rua là cuốn luật sống.”[6] Thật ra, Don Rua “đã học từ bé không lo cho mình, không phải bởi vì ngài có một nếm cảm để hãm mình, nhưng để làm cho thân xác của mình nên uyển chuyển hơn trong việc phục vụ tinh thần yêu mến. Thực sự, ngài thích sống trong đức ái, như vị thầy của mình.”[7]

Trong ánh sáng này, Don Rua “kết bạn với” nghèo khó và khiêm nhường. Tình yêu chân chính luôn đi kèm với khiêm nhường và ly thoát. Khiêm nhường luôn là chiếc dù che của Rua. Ngài luôn để cho Don Bosco nổi lên. Khi người ta nói về ngài, Don Rua thốt lên: “dân chúng yêu mến Don Bosco biết bao.” Hay “Mẹ Maria quyền phép biết bao.” Tấm ảnh chụp Don Rua cúi mình bên Don Bosco nói lên rõ con người của Don Rua. Nó là lời chú giải Sa-lê-diêng  về căn tính của người môn đệ được Tin mừng Gioan nói lên: “Ngài phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3:30) Cũng thế, Don Rua luôn để ý đến nghèo khó, như bảo chứng cho một tình yêu mãnh liệt và chân thật. Trong thư luân lưu nổi tiếng của ngài về nghèo khó, ngài đã nêu dẫn sự nghèo khó của các tông đồ, của các thánh là điều kiện thiết yếu của đức ái hoàn hảo. Và từ đó ngài dẫn đến một đức nghèo khó Sa-lê-diêng  trong giáo dục. Ngài cho thấy rằng các công cuộc của Don Bosco là kết quả của đức ái được nuôi dưỡng bằng đức nghèo khó tự nguyện, của các ân nhân, các cộng tác viên mà phần đa lấy những của độ thân để giúp đỡ chúng ta.”[8]

Chính ngài bàn đến nghèo khó trong tất cả sức mạnh và cụ thể của nó: vừa dựa trên tin mừng, vừa dựa trên truyền thống GH, dựa trên chính Don Bosco, người cha thân yêu vừa qua đời, và dựa trên những cam kết thực hành. Ngài viết:

Có thể khi thấy không ai trong chúng ta đã từng thiếu những nhu yếu của đời sống, nhiều Sa-lê-diêng  nghĩ rằng các công việc của chúng ta tăng triển ngày qua ngày, rằng trong thế giới thương mại chúng ta có được một vị trí danh dự, rằng Tu hội có nhiều phương tiện tùy ý sử dụng, và vì thế những lời khuyên của cha phải tiết kiệm và giữ nghèo khó là không cần thiết. Ồ, thật sai lầm biết sao! . . . Nhân đức này không hệ tại ở chỗ viết lên những câu nói đẹp, song đúng hơn ở việc đem ra thực hành và thu lượm điều tốt từ đó. . . Phương dược thần kỳ nhất cho tình trạng trên [tệ hại] là đời sống chung được HL vạch ra và được Tòa thánh khích lệ. Nhờ đó người Sa-lê-diêng  trở nên một với cộng thể. Nó phá hủy mọi tinh thần ích kỷ, và làm cho mọi ảo tưởng trong việc thực thi khó nghèo thành không thể được, cũng như hủy ra không mọi cớ rút mình khỏi tuân giữ HL.[9]

Đoạn văn thật sống động và thuyết phục, vì sức mạnh của nó đến từ Don Rua, người môn đệ nghèo khó và trung thành. Nó cho ta chìa khóa để sống nghèo khó: tinh thần tông đồ, gắn bó trong đời sống cộng thể. Lời ấy có thể cho chúng ta một hướng đi.


Visited 20 times, 1 visit(s) today