Don Rua – Tiếp nối Don Bosco như một người con ưu tú

NGƯỜI MÔN ĐỆ RUA TRONG TIẾN TRÌNH HOÁN CẢI [= ĐÀO LUYỆN] LIÊN TỤC

Vào ngày 06/04, 1910, cha Rua khép lại trang sách cuối cùng của mình; khiêm tốn và thinh lặng, ngài đến trao cuốn sách được đóng bìa cẩn thận, với những chữ mạ vàng tuyệt đẹp, cho Vị Thầy vô cùng khôn ngoan và chí công nhưng lại rất mực nhân từ. Cuốn sách mỏng 72 trang nhưng lại chứa đựng một luận đề thú vị: sự trung thành năng động. Vị Thầy đó tiếp nhận và chăm chú đọc cho đến những giòng cuối cùng với nét chữ nắn nót của người học trò. Sau đó, Vị Thầy cao cả ấy đã sung sướng phê: A+, trên cả tuyệt vời; rồi quay nhìn người môn sinh Rua, vị Thầy cất tiếng đầy an ủi: hỡi Học Trò yêu dấu, chăm chỉ và cần mẫn, hãy vào ngồi dự bàn tiệc khôn ngoan tuyệt vời mà Thầy đã dọn sẵn chờ con. Hãy vào và từ nay con chiêm ngưỡng Sự Khôn Ngoan, Chân Lý và Tình Yêu, diện đối diện. Người môn sinh Rua nhìn lại quãng đời thăng trầm đã qua, nhưng không chút hối tiếc. Ngài đã nỗ lực hết sức sống đức tin trong lòng mến, (x. Gl 5:6) ngay cả giữa những mệt nhọc, khó khăn và thất bại nữa. Vinh quang thuộc về những ai thực thi đức ái trong chân lý.[1]  

Người môn đệ Rua khai mào hành trình hoán cải của mình ngày mồng 9 tháng Sáu, 1837. Ngài được rửa tội chỉ hai ngày sau khi sinh “tại thánh đường giáo xứ được dâng kính Đức Mẹ Xuống Tuyết và cho hai thánh Tông đồ Simon và Giuđa và sau này được đặt tên lại kính thán Gioakim.”[2] Từ đó ngài miệt mài theo học trường của Đức Giêsu, với hai môn học nổi bật: hiền lành và khiêm nhường, qua bậc Đại Tôn Sư là Thánh Thần cùng với hai trợ giảng không thể chê là Đức Maria và Don Bosco. Từ ngày đó, Rua bắt đầu học để trở thành chính mình ngày một hơn, theo như kế hoạch Thiên Chúa đã dành cho mình. Rua chăm chỉ học giáo lý và được rước lễ lần đầu 1845 lúc được 8 tuổi rồi được Tổng Giám mục Lui Fransoni ban bí tích Thêm sức tại giáo xứ Gioakim ngày 25 tháng Tư, 1845.[3] Đây là một năm đầy biến động, năm cha ngài chết (60 tuổi), và gia đình chia đôi. Những đứa con thuộc đời vợ trước của cha ngài là Giovanni Baptista Rua ra ở riêng.

Trong khoảng tuổi niên thiếu, Rua biết đến Don Bosco qua một thiếu niên đã khoe với cậu về chiếc cravate mới từ DB trong một cuộc rút số. Cậu nhỏ đó dẫn Rua đến DB, tiếng sét ái tình thiêng liêng đã xẩy ra cho Rua. Từ nay, Rua đã đi theo DB, không xa lìa nữa, bất chấp những cản trở. Thật vậy, thoạt tiên, mẹ của Rua không muốn cho cậu làm bạn với những đứa trẻ bụi đời, kẻo lây nhiễm thói hư tật xấu; thế nhưng, Rua vẫn thỉnh thoảng xin mẹ đến Nguyện xá. Rồi khi học hành với các sư huynh LaSan từ tháng Mười, 1848 tại trường Porta Palatina, lúc cậu được 12 tuổi, Rua vẫn luôn gắn bó với DB, một cách nào đó. Chứng từ sau đây phản ánh tâm trạng của Rua, được dấu ẩn dưới danh hiệu những học sinh:

Tôi nhớ rằng, vào Chúa Nhật, khi DB đến cử hành Thánh lễ và cũng thường giảng cho chúng tôi, ngy khi ngài vào nhà nguyện, thì một cái gì như một dòng điện dường như chạy qua các thiếu niên. Chúng nhẩy cẫng lên và rời khỏi chỗ để xoay quanh ngài cho đến khi chúng hôn được tay ngài. Phải mất một ít thời gian trước khi ngài có thể đi vào phòng áo. Các sư huynh không thể làm gì để ngăn cản việc rối trật tự này, vì thế chúng tôi làm theo ý của mình…[4]

Từ đó, người môn đệ Rua học bằng cách nhìn xem, quan sát cách thức Don Bosco làm việc, hành sử, nghĩ suy và yêu mến. Có lẽ trong đầu của thiếu niên Rua ấy vang lên “câu hỏi tại sao và làm thế nào DB lại hấp dẫn thanh thiếu niên đến thế?” Và cả đời cậu đã đi tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi ấy, không phải bằng bút mực, nhưng bằng cách cùng sống với ngài. Nếu Aristote nói rằng ngạc nhiên là cội nguồn của khôn ngoan thì quả là đúng trong trường hợp của Rua. Đức tin non trẻ nhưng chân thành của Rua qua nền giáo dục gia đình và của các sư huynh đã trực giác được sự diệu kỳ của TC nơi DB mà từ nay sẽ là người cha của mình. Ngạc nhiên trước khuôn mẫu mới để sống đức tin Kitô hữu nơi DB đã mở đường soi lối cho sự chọn lựa của Rua: DB trở thành cha giải tội của Rua từ ngày đó.[5]

Duyên kỳ ngộ của Thầy-trò được đánh dấu bằng một biến cố lạ thường. Có lẽ vào một ngày nào đó tại trường của các sư huynh, khi DB đang phân phát ảnh cho các thiếu niên. Rua cũng đến, chìa tay xin. DB đã làm một cử chỉ tiên tri: như thể cắt cho cậu nửa bàn tay với lời mời ‘hãy lấy đi, hãy lấy đi’. Cậu nhỏ tròn xoe mắt, chẳng hiểu gì, chỉ ngạc nhiên hỏi lại, ‘lấy gì’. Mãi sau này cậu hiểu, trong ngày cậu mặc áo giáo sĩ tháng Mười, 1852.[6] Duyên kỳ ngộ này không hề phai nhạt theo năm tháng, vì Rua ngày một năng lui tới hơn với Nguyện xá; đang khi đó, DB tìm được cách thuyết phục mẹ của Rua, cũng như đã tổ chức cho Rua một vài ngày tĩnh tâm cùng với một nhóm thiếu niên và kết thúc bằng những ngày dạo chơi ở Castenuovo. Chặng đường của tình thầy trò còn xa, nhưng có thể nói mọi sự đã ổn định vào ngày 3 tháng Mười, 1852. “Rua thân yêu của cha, con nay đã bắt đầu một cuộc đời mới. Con cũng lên đường tới Đất Hứa, nhưng chúng ta trước tiên sẽ phải qua Biển Đỏ và sa mạc. Tuy nhiên, nếu con giúp cha, cả hai chúng ta sẽ cùng vượt qua và đạt đến đích.” Chính vì thế, Bề Trên Cả đã có thể viết rằng đang khi một số thiếu niên, ngay cả Cagliero, phải phấn đấu chọn ở lại với DB khi được đề nghị làm thế vào 8/12, 1859, thì Rua an tâm đi tĩnh tâm để dọn mình chịu chức phụ phó tế. Rua đã chọn cho mình lối đi từ lâu rồi, và không bao giờ ngoái đầu lại nữa.

Người môn đệ Rua đã nhất tâm theo DB. Như thế, DB đã truyền thụ cho Rua điều cốt yếu. Con người mà được TTNĐB mệnh danh là người chỉ có một lý tưởng.[7] đã dạy cho học trò thân yêu của mình bài học đó: một lòng cho TC và các linh hồn.[8] Đó là bài học đầu tiên và cốt yếu mà TC đòi hỏi. Đó cũng là bài học đầu tiên và cốt yếu của tinh thần Sa-lê-diêng . Có nó, ta có tất cả; thiếu nó, ta mất tất cả.[9] Thật vậy, tinh thần và nhiệt tình của trời cao ngập lút vị linh mục trẻ Rua.[10] Và rồi câu nói cuối cùng của Rua cũng lại là; “Lạy Mẹ Maria xin cứu rỗi linh hồn con. . . cứu rỗi linh hồn là mọi sự, phải, là mọi sự.” Cha Renato Ziggiotti bình luận giây phút và những lời cuối cùng đó của vị chân phước: “Cứu các linh hồn phải là muối ướp tất cả mọi hoạt động của người Sa-lê-diêng  và toàn thể việc tông đồ chúng ta trong một thế giới vốn không hiểu biết tội lỗi là gì và nguy hiểm bị trầm luân đời đời là gì.”[11] Tất cả những cơ sở, dạy dỗ văn hóa của Sa-lê-diêng  chúng ta sẽ chẳng ích chi nếu không nhằm đến cứu rỗi các linh hồn.[12]

Nhưng “sống với chỉ một lý tưởng ấy” đã được chuyển thành một chương trình cụ thể nơi Don Rua. Chương trình đó là học hỏi DB ngay cả đến từng chi tiết nhỏ bé.[13] Thật vậy, mọi nơi mọi lúc, trong học hành, trong bệnh tật, trong du hành, v.v. Rua quả quyết: “nhìn DB làm, tôi học được nhiều hơn là đọc bất kỳ cuốn sách đạo đức nào.” Từng ngày, Rua đã trở thành bản sao sống động của Don Bosco. Các chứng nhân đương thời như cha Phaolo Albera, Francesia đều nhìn nhận Don Rua là một DB thứ hai.[14] Tư giáo Francesco Vaschetti ghi nhận:

Cha [Rua] được mọi người thán phục và yêu mến. Cha mang nơi chính mình chính trái tim của một DB khác, và mọi người đều chỉ cha là một đấng kế vị xứng đáng của ngài. Từ nay trở đi, cha sẽ là một cộng sự viên không mệt mỏi trong vườn nho mà Ch1a đã trao phó cho cha để chăm sóc.[15]

Nhưng nên một DB khác có nghĩa là gì? Người ta nói rằng DB từng nói Don Rua là cuốn luật sống động. Hẳn chắc ở đây DB không nói đến một bộ luật khô khẳng. Chúng ta biết rằng khi sai các nhà truyền giáo đầu tiên đi Mỹ châu, DB đã cho họ cuốn HL với những lời “Chính cha muốn đích thân đi với các con. Nhưng điều cha không thể làm thì HL sẽ làm thay cha.” Don Rua đã thấy HL “nhập thể” vị Bề trên và người Cha yêu dấu của mình. Lối nhìn này đã ghi đậm trong truyền thống chúng ta. Chính cha Viganò đã không ít lần nêu lên rằng DB phản ánh trung thực nhân vật trong giấc mơ “Qualis esse debet.” TTN26 cũng nói như thế trong chủ đề I: trở về với DB và giới trẻ. Lối thiêng Sa-lê-diêng  khẳng định: không thể yêu mến DB một cách chân chính mà không yêu mến HL. Chính DB xác quyết: hãy tiếp tục yêu mến cha trong tương lai bằng cách tuân giữ HL chúng ta.[16] Đó là tiêu chuẩn để lượng giá các công cuộc Sa-lê-diêng  cũng như những người Sa-lê-diêng . Ta khó mà bắt gặp được một niềm xác tín sâu xa về giá trị của HL được Don Rua nói lên: “HL là cuốn sách sự sống, là con đường của Tin mừng, là hy vọng của sự cứu rỗi chúng ta, là thước đo sự hoàn thiện chúng ta, là chìa khóa thiên đàng.” Nếu thế, ta hiểu ngay Rua là bộ luật sống động có nghĩa là gì. Thật thế, khi DB sai Don Rua đến Mirabello, ngài cho Rua những lời khuyên phát xuất từ lòng của người cha. Don Rua đã nghiền ngẫm, và hiểu rõ ý nghĩa tối hậu của nó. Rồi chính ngài tóm lại trong vài chữ “tại Mirabello, tôi sẽ là Don Bosco.” Một bản tóm đầy sức mạnh! Một chương trình thật sống động! Rồi sau khi nhận lệnh phải trở về Nguyện xá Valdocco và phải tức tốc khôi phục lại bầu khí thuở ban đầu, Don Rua cũng lập lại một khẩu hiệu: “Tại đây tôi sẽ là Don Bosco.” Don Rua quả đã hiểu rõ mối tương quan sống động và mật thiết giữa DB và HL mà sau này TTNĐB cũng xác quyết.[17] Đó cũng là tiêu chuẩn thiết yếu cho một cuộc khôi phục lại tinh thần của Don Bosco.

Sự thật này, Hồng Y Jose Calasanz Vives y Tuto, ngoài Sa-lê-diêng  cũng quả quyết:

Tôi rất hạnh phúc có bổn phận phải học hỏi đời sống DB thật sâu xa, bởi vì tôi biết ngài là một vị thánh lớn. Ngài thật phi thường trong những điều bình thường… Càng học biết DB, tôi càng học kính trọng Don Rua: tôi đã thấy TC quan phòng đặc biệt theo cái nhìn của Ngài trước hết bằng cách kêu gọi ngài [Don Rua], chuẩn bị ngài, làm ngài theo DB từng bước, hầu ngài là Don Bosco khác. Don Rua liên hệ mật thiết với DB đến nỗi chúng ta có thể nói ngài là “di tích sống động (living relic) của DB.[18]

Một vị khác nói:

Tôi đã thấy một phép lạ: DB đã sống lại! Don Rua không chỉ là người kế vị của DB, ngài lập lại DB, cùng một sự nhân hậu, khiêm nhường, đơn giản, tâm hồn vĩ đại, tỏa chiếu cùng một niềm vui quanh mình. Mọi sự trong đời sống và công việc của DB là một phép lạ, nhưng sự vĩnh tồn của chính ngài nơi Don Rua dường như là một phép lạ lớn nhất. Có con người vĩ đại nào hay vị thánh nào có thể mang lại được một đấng kế vị quá giống với chính mình như thế?[19]

Góc cạnh này, cha Pietro Braido và Francesco Motto đã nhận định:

Nếu không thể chối cãi DB là đấng sáng lập độc nhất của Tu hội Sa-lê-diêng , thì phần của Don Rua lại là thế này và đúng là thế này: như một Don Bosco sống động, quá thường Don Rua đã chia sẻ trách nhiệm, công việc, niềm vui, nỗi buồn với ngài, khả năng của Don Rua như đấng kế vị đầu tiên là quá lớn trong việc đem Tu hội này đến trưởng thành, đến nỗi chúng ta có thể nói lịch sử rằng Don Rua một cách nào đó là “đồng sáng lập.[20]

Theo ánh sáng mà chân phước Rua mang lại cho tất cả những Tổng Tu Nghị sau TTNĐB thì sự thánh thiện của người Sa-lê-diêng  không thể nào có được mà không trở lại với DB. Đó cũng là chương trình của TTN26: trở về với DB để làm cho DB trở về. “Đối với Don Rua, DB trở thành một cuốn sách luôn mở sẵn trước mặt, từ đó ngài học được những qui luật vốn hướng dẫn ngài và qua ngài, công cuộc Sa-lê-diêng .”

Hiển nhiên, Rua đã phải phấn đấu như thế nào để là DB ở bất kỳ nơi nào ngài đến. Việc đó hoàn toàn đi ngược lại với tính tình của một người thiên về chiêm niệm, nghiêm khắc, đòi hỏi. Theo tôi, câu nói đùa có phần nào “ác ý” của các hội viên rằng “tiếng không của DB còn dễ chịu hơn tiếng được của Don Rua” phản ảnh rất rõ sự khác biệt quá hiển nhiên này. Thế nhưng, cũng chính các hội viên đó đã ký vào lá thư thỉnh nguyện Đức Leo XIII xin đặt Don Rua làm Đấng kế vị Don Bosco. Họ đã chứng nhận Don Rua “ngày qua ngày trở nên Don Bosco” như thế nào.[21]Họ thấy rõ trở thành Don Bosco đâu hệ ở cái bề ngoài, cái ngoại vi. Don Bosco cũng kiên nhẫn chỉ dẫn Don Rua, người con của mình. Một ngày kia, DB cần đến một số tiền để trang trải cho học sinh. Trong nhà có một bức tranh quí. Don Rua không muốn bán, vì nghĩ rằng Tu hội sẽ có được một món hời hơn, nếu để thêm một thời gian nữa. Nghe vậy, Don Bosco bảo từ nay vào nhà cơm mỗi người hãy ngắm bức tranh thôi và như vậy đã đủ no rồi. Nếu cứ tính toán như vậy thì Chúa Quan phòng ở đâu. Don Rua đã hiểu bài học đó và bức tranh đã được bán ngay. Rồi ta biết Don Rua có thiên hướng mạnh về đời sống linh mục. Cộng thêm phải lo nhiều cho các tư giáo. Từ đó, ngài có vẻ “chểnh mảng”, nếu không nói là “coi thường” sư huynh. Điều này lộ rõ hơn trong Tổng Tu Nghị III, có những đề xuất coi sư huynh thuộc địa vị thấp hơn, hạng hai, Don Bosco đã phản đối kịch liệt: “Không, không, không. Sư huynh là như nhau với mọi người.” Chưa hết, vì có một số sư huynh có học hành, một số học hành ít hơn, và lo những việc thông thường trong nhà, nên vào tháng Chín, 1884, Rua đề nghị là phải có hai loại sư huynh rõ rệt, vì không lý nào một dược sĩ, luật sư hay thầy giáo lại sánh bên được với một người thợ thông thường. Don Bosco lại la lớn: cha không thể nào chấp nhận có hai loại sư huynh được. Rồi DB cho thấy rõ một người ngớ ngẩn, thô lỗ (hoang dã, kỳ cục, uncouth) không thể là thành viên của Tu hội Sa-lê-diêng  chuyên lo giáo dục. Cha Rua lại hỏi xem không thể tạo nên một thứ như trong dòng Phansinh sao. Nhưng DB không thay đổi lập trường.[22] Chúng ta thấy rõ Don Rua đã phải phấn đấu như thế nào để bỏ đi não trạng của mình và học suy nghĩ, có thể nói như thế, theo não trạng, đúng hơn, theo đoàn sủng, của Don Bosco.

Như đã rõ, DB muốn Don Rua ở bên mình. DB đào luyện Don Rua qua con đường chứng nhânhơn là qua sách vở. Trong những chuyến du hành qua Roma và những nơi khác, Don Rua sát cánh với ngài. DB chia sẻ cho Rua mọi chuyện, lớn nhỏ. Từ đó, biến Don Rua không chỉ là đôi tay mà còn là lòng trí của mình, theo nhận xét của cha Cagliero.[23] DB tín cẩn Rua, cho ngài cả tâm trí và cõi lòng. Bề Trên cả viết:

Bằng việc làm hơn lời nói, DB chuyển giao cho Don Rua tư tưởng, sự hướng dẫn và cách thức xử lý công việc của mình, sự tin tưởng hoàn toàn và bình thản vào TC và Đức Maria Phù hộ. . . DB rất tín cẩn bàn thảo với ngài, nói với ngài về hiện tại và tương lai, về Tu hội Sa-lê-diêng  vốn là công trình của Đức Mẹ. Cả hai đều không nghĩ về nó như là công trình của mình, nhưng chỉ yêu mến và giữ cho Tu hội khỏi hư hoại và suy tàn, thân cận với các hội viên và khích lệ họ tuân giữ HL như con đường dẫn tới sự cứu rỗi và sự thánh thiện. Tắt một lời, DB chia sẻ với ngài tâm trí và cõi lòng của mình. Don Rua tìm thấy lối đường thiêng liêng của mình trong việc chiêm ngắm DB.[24]

Khi thấy người môn đệ đã trưởng thành, TC gọi người Thầy trở về. Vào cái ngày không thể quên đó, người môn đệ Rua đã nâng tay của DB lên để chúc lành cho toàn Tu hội. Trong giây phút đó, chính Rua đã thú nhận trong tất cả sự khiêm tốn và can trường rằng quyền lực thánh thần, quyền lực và sự khôn ngoan mà TC đã ban cho DB nay được chuyển giao cho mình để gìn giữ, bảo tồn và phát triển như một gia sản cao quí. Tinh thần của vị thầy đã được nhập thể hoàn toàn nơi người môn đệ, với một sự sáng tạo năng động. Nó không làm tha hóa người môn đệ, nhưng rõ ràng biến người môn đệ Rua thành một Don Bosco khác, theo đúng nghĩa của nó.[25]

Con đường hoán cải của người môn đệ Rua chưa kết thúc, ngay cả khi ngài đã đến mức trưởng thành. Vào ngày 5 tháng Bẩy, 1899 Tòa Thánh ra sắc lệnh không cho các bề trên giải tội cho học sinh, nếu chính họ không xin. Trung thành với những thực hành của quá khứ, Don Rua đã phải học để vâng lời GH. Rồi vào năm 1906 một sắc lệnh khác qui định các tu hội “nữ giới với lời khấn đơn không chút lệ thuộc vào một tu hội dành cho nam giới có cùng một bản chất.” Don Rua đã vâng phục trọn vẹn giữa biết bao đấu tranh, đau khổ, nước mắt, cho đến khi được Đức Pio X mở ra những hướng để hiểu những sắc lệnh ấy.[26]

______________________________

[1] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate.

[2] X. Arthur Lenti, “Father Michael Rua: Early Years, Education and Commitment to Don Bosco (1837-1854)”, trong On-going Formation Bulletin, p. 2.

[3] Như trên.

[4] Amadei, Rua I, 19, được trích lại trong A. Lenti, Father Michael Rua, Early Years. . ., trg 4.

[5] X. A. Lenti, trg 4.

[6] Chavez, Công báo 405; A. Lenti, ibid., trg 4; F. Desramaut, Rua-Cahiers, trg 27tt.

[7] X. TTNĐB, Tài liệu I.

[8] X. HL 1 do DB soạn.

[9] TTN26, chủ đề I; Bề Trên Cả, Công báo 394; 400.

[10] Ziggiotti, trg 3.

[11] Ziggiotti, trg. 6.

[12] Ziggiotti, trg. 6.

[13] Ziggiotti, trg. 7-8.

[14] Ziggiotti, trg. 9.

[15] Được trích trong Braido và Motto, Don Michael Rua, historical Profile, trg. 4.

[16] Zigotti, trg. 10-11; J. Aubry, Con đường dẫn tới tình yêu, Lời giới thiệu; Vigano, A Guide to the Constitutions.

[17] X. Aubry, Con Đường Dẫn Đến Tình Yêu, Lời giới thiệu.

[18] Được trích trong P. Braido và F. Motto, trg. 4.

[19] Được trích trong Braido và Motto, trg. 4.

[20] Ibid.,

[21] Bề Trên Cả, Công báo 405, trg. 15.

[22] Desramaut, ibid., trg. 83-84.

[23] Desramaut, ibid., trg. 84.

[24] Bề Trên Cả, Công báo 405, trg 14-15.

[25] X. P. Braido và F. Motto, Don Rua, Historical Profile; F. Motto, sự khác biệt giữa DB và Rua; A. Lenti, Desramaut, Epilogue.

[26] Bề Trên Cả, Công báo 405.

Visited 117 times, 1 visit(s) today