Don Rua – Tiếp nối Don Bosco như một người con ưu tú

Tóm tắt: Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Don Rua qua đời, Bề Trên Cả mong muốn những người Sa-lê-diêng  tìm hiểu về Don Rua. Bài khảo cứu này muốn đáp lại lời mời gọi ấy. Nó muốn quảng diễn Don Rua như một sự tiếp nối linh động của Don Bosco, theo tư tưởng của Đức Phaolô VI. Đó là một nối tiếp một đoàn sủng với một sức năng động hội nhập vào bất kỳ nền văn hóa nào của giới trẻ và người bình dân, theo một phương pháp, vì hạnh phúc đời đời và chân thật của họ. Điều này chỉ xẩy ra được khi người môn đệ luôn trong một tiến trình hoán cải, hiểu theo nghĩa đào luyện liên tục mà ngày nay ta nói tới. Đoàn sủng chỉ được hội nhập vào văn hóa giới trẻ khi người Sa-lê-diêng  thực sự cam kết cho tiến trình hoán cải liên tục. Bài này được viết trong bối cảnh của những sinh viên thần học nên đã sử dụng một vài hình ảnh quen thuộc với đời sinh viên: sự khôn ngoan, luận đề, cuốn sách,v.v.

NHẬP ĐỀ

Con xin cám ơn cha Giám đốc và mọi người trong cộng thể Rinaldi đã cho con cơ hội trình bày bài nói chuyện về Don Rua nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngài qua đời. Qua đó, con được dịp đào sâu hơn về Tu hội chúng ta. Đây là nhân vật mà truyền thống Sa-lê-diêng  và Cha Ziggiotti đã từng gọi là người cha thứ hai của gia đình chúng ta, trong lá thư kỷ niệm 100 năm ngày Don Rua thụ phong linh mục.[1]

Bài trình bày của tôi gồm những phần như sau: sau khi phân chia giai đoạn đời sống của Don Rua, tôi muốn nhìn vào đời sống của người môn đệ ấy dưới lăng kính hoán cải, hay đào luyện liên tục, theo lối nói hôm nay – Rồi một khi được hoán cải, người môn đệ tỏ lộ là tông đồ thắp sáng thế giới. Người môn đệ trở thành lửa – Sau đó, tôi dành một chút rất gọn nói về những nhân đức nổi bật của Don Rua trong tiến trình nhập thể tin mừng – và cuối cùng, tôi muốn rút ra một sứ điệp của con người Rua hôm nay cho SDBVN.

NHỮNG GIAI ĐOẠN ĐỜI SỐNG CỦA DON RUA

Có nhiều lối phân chia các giai đoạn của đời sống Don Rua, theo các học giả. Mỗi học giả mỗi cách. Tôi ưa thích chọn lối phân chia của cha Pietro Braido và Francesco Motto mà uy tín của họ không thể nào chối bỏ được. Họ phân chia cuộc đời của Don Rua thành năm giai đoạn

– 15 năm đầu đời tại gia đình không mấy dễ dàng (1837-1852): được sinh ra trong một gia đình nghèo, giới cần lao, công nhân, Rua được đi học với các tu sĩ Lasalle, thỉnh thoảng đến với DB tại cơ sở của bà Bá tước Barolo. 1847 Rua gia nhập hội lành thánh Lui và chọn DB làm cha giải tội cũng như tham dự tĩnh tâm dành cho thanh thiếu niên tại Giaveno mà DB qui tụ.

– 11 năm được đào luyện bên cạnh DB(1852-1863): 1852 Rua đến Nguyện xá Valdocco, tiếp tục học hành như một chủng sinh ngoại trú với hai năm triết học và 4 năm thần học (1853-1855; 1855-1860) và được chịu chức linh mục ngày 29 tháng Bẩy, 1860. Trong thời gian này, tư giáo Rua nhận áo giáo sĩ tại nhà nguyện tại Becchi, Castelnuovo (3 tháng Mười, 1852) Tư giáo Rua cũng tham gia vào phục vụ bệnh nhân dịch tả năm 1854. Rua rất tích cực giữa các bạn, cùng với Savio lập hội Vô Nhiễm và được bầu làm trưởng hội (1856). Ngày 25 tháng Ba, 1855 cậu tuyên khấn như một Sa-lê-diêng  đầu tiên trong tay DB và dĩ nhiên Rua đã có mặt trong ngày thành lập Tu hội 18 tháng Mười Hai, 1859 và được chọn làm vị linh hướng (Giám linh).

– 2 năm làm giám đốc tại nhà Mirabello (1863-1865): DB bắt đầu để Rua tăng trưởng khi sai ngài đi tới đó với những lời khuyên của người cha dành cho đứa con thân yêu. DB tin tưởng Don Rua, và kết quả thật tuyệt vời. Mirabello đúng là một bản trắc nghiệm cho cái mà sau này TTNĐB gọi là “Tiêu chuẩn trường tồn” của nguyện xá phải được áp dụng trong mọi công cuộc của chúng ta. Nơi đây ta thấy hai yếu tố được nổi bật: vị giám đốc cai quản với tinh thần đạo đức và đức tin sâu xa đi kèm với sự ly thoát, và sự đóng góp của chính thanh thiếu niên tốt được qui tụ như hạt nhân sinh động.

– 23 năm như một DB khác (1865-1888): Thời gian này Don Rua hành sử như cánh tay phải đắc lực của DB: từ chuyện giảng đến chuyện xây cất thánh đường, từ chuyện sách báo đến việc tiếp đón các ân nhân, từ các Sa-lê-diêng  đến FMAs và Cộng tác viên. Đây là thời gian cho thấy một Don Rua hấp thụ châm ngôn “làm việc không mệt mỏi” là thế nào. Vai trò cộng tác với DB như cánh tay phải của ngài đạt đến tột đỉnh khi DB đã giới thiệu Don Rua với Đức Lêô XIII như người đại diện của mình với đầy đủ quyền hành và có quyền kế vị. Đức Lêô chấp nhận ngày 27 tháng Mười Một, 1884. Và đến ngày 8 tháng Mười Hai, 1885, sự chỉ định này được công khai.

– 20 năm như đấng kế vị đầu tiên của DB (1888-1910): thời gian này, Don Rua làm kiên vững và mở rộng Tu hội. Ngài tạo cho Tu hội một diện mạo riêng, sánh vai bên những Dòng tu lâu đời khác.[2] Một đàng thời gian này Don Rua đẩy mạnh sức năng động của Tu hội vào xã hội, giáo dục, dân nghèo. Một đàng khác, ngài đi khắp nơi để gặp gỡ các hội viên, tạo nên mối hiệp thông, bất chấp sự nhọc mệt thể lý; mà khi gặp họ, ngài thông tin Tu hội và khởi hứng họ yêu mến DB một cách mới mẻ và theo đức tin. Nhưng đây cũng là thời gian trên thập giá của ngài, với những biến cố như vụ việc Varazze (1907), chỉ thị của Tòa thánh về việc giải tội của các bề trên cho những người thuộc quyền (1901), chỉ thị của Tòa thánh liên quan đến mối tương giao giữa Tu hội Sa-lê-diêng  và FMA (1906). Trong mọi sự đó, Don Rua học được bài học về mối tương quan sống động giữa đức vâng phục như lõi tủy của tinh thần Sa-lê-diêng  và sự trung thành với đoàn sủng Sa-lê-diêng . Nhưng cũng trong thời gian này, Don Rua kinh nghiệm được niềm vui lớn lao trong ngày DB được tuyên phong Đáng Kính, bước đầu của tiến trình được phong Chân phước (1929) và phong thánh. (1934) Ngài viết như sau vào ngày 24 tháng Bẩy 1907 (khi DB được tuyên phong Đáng Kính): “Khi run tay buộc phải viết tin cho Gia đình Sa-lê-diêng  biết DB đã qua đời, cha đã viết rằng đó là nỗi u buồn nhất đời cha; còn nay, thông tin rằng DB được nên Đấng Đáng Kính là điều ngọt ngào nhất cha có thể gởi đến anh em trước khi xuống mồ.” (Lá thư ngày 6 tháng Tám, 1907).[3]

Những chặng đường đời ấy xoay quanh một mục đích duy nhất và tối hậu: TC. Và điều ấy đã làm cho cuộc đời này trở thành một lời chứng hùng hồn rằng “ơn gọi là đào luyện”, đào luyện để có tâm hồn, tư tưởng, tâm tình của Chúa Giêsu, nhà Giáo Dục Mục Tử, một công việc trải dài suốt đời. Đó là ý nghĩa tối hậu của đào luyện vậy.

______________________________

[1] Ziggiotti, Công báo 212, trg. 2.

[2] Paul VI, bài giảng ngày phong chân phước; Bề trên cả, Công báo 405.

[3] X. P. Braido và F. Motto, Don Rua, Historical Profile.

Visited 58 times, 1 visit(s) today