Don Rua – Tiếp nối Don Bosco như một người con ưu tú

NGƯỜI TÔNG ĐỒ NHIỆT THÀNH

Đức Giêsu đoan hứa những môn đệ nào ở lại trong ngài sẽ sinh nhiều hoa trái và được sai đi. Don Rua là một chứng từ sống động về sự thật được chứa đựng trong Lời của Đức Giêsu. Chiêm niệm TC, Don Rua hiểu được giá trị vô song của các tâm hồn, và ngài cùng với TC làm việc miệt mài cho họ. Don Rua đã hiểu được ý nghĩa “Ta đến cho chúng được sống và sống dồi dào,” hay hạnh phúc chân thật và không hề vơi cạn, nói theo ngôn ngữ hiện đại. Nhìn DB, Rua hiểu đâu là điều cần thiết trước hết để hiện thực được điều trên: một lòng ưu ái dành cho thanh thiếu niên nghèo, hạnh phúc khi ở giữa họ. Như DB, Don Rua cảm nhận “ở đây với các con, cha cảm thấy hạnh phúc. Đời cha là để ở với các con.” Ngỡ ngàng trước vị linh mục làng Becchi hằng đam mê ở giữa thanh thiếu niên, Don Rua cũng học để hộ trực, để ở giữa thanh thiếu niên ngay lúc cậu đang đi học. Quả thế, bằng một ý chí mạnh mẽ, Don Rua ở giữa thanh thiếu niên như một người bạn được tín nhiệm vì yêu mến chúng. Khi Nguyện xá mất dần vẻ gia đình và được thay bằng một thứ kỷ luật của nhà binh, DB yêu cầu Don Rua khôi phục bầu khí gia đình càng sớm càng tốt. Và Rua đã thực hiện cách tuyệt vời; dù không có những nét hấp dẫn bên ngoài như DB, Don Rua minh chứng một đời Sa-lê-diêng  chân thật không cốt yếu hệ ở những điều đó. Nó hệ tại ở điều căn bản hơn, mà thiếu nó, nhưng nét kia chẳng có ích chi cả. Điều này Bề Trên Cả đã nhận ra một cách lý thú, khi viết, “Don Rua là người cha chú tâm và yêu thương, cố gắng thông cảm, khích lệ, nâng đỡ, tha thứ, soi sáng, yêu mến. . . và các thiếu niên tại Valdocco, những thẩm phán không sai lầm như tất cả những người trẻ trong thế giới khi nhận biết ai thật sự chăm sóc chúng, còn ai trái lại chỉ giả bộ chăm sóc, cho thấy bằng việc làm của chúng rằng chúng biết ngài là một người cha và người bạn.”[1] Như DB được thanh thiếu niên đón chào khi thoát cơn bạo bệnh thế nào, thì khi vừa thoáng thấy Don Rua, con người mảnh khảnh, xuất hiện trên hành lang của Nguyện xá, sau những ngày bệnh tật, “làn sóng thanh thiếu niên reo hò vui tươi vây chặt quanh ngài. Và ngay lập tức, vào giờ giải trí ngài trở lại hiện diện giữa thanh thiếu niên, và là người vui tươi sống động nhất giữa các Sa-lê-diêng … Không thể chơi được những trò rượt bắt, ngài thu mình xuống với những thiếu niên nhỏ bé đang chơi bi, muốn nên như chúng, và trong những buổi tối đẹp trời của mùa hè năm đó, dưới bầu trời đầy sao, hòa với những giọng trẻ trung, ngài ca hát với tất cả cõi lòng và vui sướng.”[2] Đấy không phải là lời chú giải thật tuyệt về khoản HL 39: đời Sa-lê-diêng  được ghi đậm bằng một lòng ưu ái đối với thanh thiếu niên; nó được xác nhận bằng một thái độ căn bản: có thiện cảm và ý muốn tiếp xúc với các thanh thiếu niên. Giữa chúng, Don Rua đã nên người cha, người thầy, người bạn. Đó là dấu chứng rất rõ về lòng ưu ái số một dành cho thanh thiếu niên. Có một mối liên hệ chặt chẽ, có thể nói là bất khả chia tách, giữa 1) lòng ưu ái dành cho thanh thiếu niên, 2) niềm hạnh phúc khi ở giữa chúng, 3) và tư cách là cha, thầy và bạn. Đó là hệ thống giáo dục dự phòng vậy.[3]

Sự thiện có sức lây lan, thánh Tôma đã nói thế. Nhiệt tình tông đồ DB đã truyền sang cho Don Rua thật rõ ràng qua một ngày sống đầy tận tụy và cần mẫn. Có những thời gian, Don Rua không ngủ quá bốn tiếng một đêm.[4] Ngài không né tránh bất kỳ công việc nào mang lại vinh quang cho TC và Tu hội: từ sửa bản thảo cho tờ báo Sa-lê-diêng  đến viết lại các bản nháp của DB, từ du hành mọi chỗ để thăm hỏi các hội viên xa xôi đến việc quản trị, từ vai trò tuyên úy cho các FMA đến giao tiếp với các ân nhân hay gặp gỡ các học sinh ngỗ nghịch. Rua không nề hà việc nào cả. Ngài đã chu toàn với một nhiệt tâm, theo đúng như bức hình Logo của Tu hội. Lòng của Rua là cả một lò lửa cháy rực. Ghi nhận của cha Braido và Motto như sau:

Khi năm tháng dần trôi, Don Rua càng cộng tác với DB: ngài thay DB giải tội cho các Sa-lê-diêng , cho các thiếu niên lớn tuổi hơn, cho các nữ tu Sa-lê-diêng . Ngài được trao trọng trách về mua bán, điều hành tài sản, những di chúc.. . . Suốt năm năm từ 1869-1874, ngài là tập sư mà thực tế không mang tước hiệu đó một cách chính thức vì lý do thận trọng. Từ 1873, ngài đảm trách việc phân công nhân sự, và từ tháng Ba 1874 đến tháng Ba 1876, ngài kinh lý các nhà Sa-lê-diêng  như được vạch ra trong HL.. . Vào năm 1876, ngài nhường vai trò Phó Giám đốc của Valdocco cho những người khác hầu có nhiều giờ hơn để hành sử như cánh tay phải đắc lực của DB. DB giao cho ngài vô số công việc cả khi ngài ở bên hay khi vắng mặt mà chỉ có thể liên lạc qua thư từ. .. Với việc phát triển truyền giáo trong những năm 1878-1883, ngài liên lỷ được đòi hỏi phải ứng sử với những vấn đề quản trị, luật lệ, tài chánh và nhân sự. Ngài cũng thế chỗ DB để sai cử những người đi tới các miền truyền giáo.[5]

Điều ấy hoàn toàn phù hợp với những gì Francesia nói tới. Khi cha Francesia hỏi DB tại sao lại để Don Rua gánh vác quá mức như vậy, DB chỉ ôn tồn trả lời: “Bởi vì chỉ có một Don Rua.”[6]Cũng như khi được hỏi: “Có đúng là một vài Sa-lê-diêng  đã chết vì làm nhiều quá phải không”, DB trả lời: “Nếu đúng thế, không phải Tu hội đã chịu tổn thất đâu; trái lại mới đúng. Nhưng không phải vậy. Người mà đáng được tước hiệu là nạn nhân của làm việc, ấy là Don Rua. Và con thấy đó, ngài mạnh khỏe lắm mà. May cho chúng ta lắm. Chúa gìn giữ Don Rua mạnh mẽ và khỏe mạnh.”[7]

Không thể chu toàn khối lượng công việc như thế với thái độ lãnh cảm, một thái độ mà sách Khải huyền mô tả là “không nóng không lạnh”. Cũng chẳng thể làm được các việc đó như một công chức, nệ luật và giờ giấc. Cả hai đều đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần của Don Bosco. Rua hiến mình cho Tu hội bất kể giờ giấc. Don Rua chứng nhận sự thật này trong ơn gọi Sa-lê-diêng : Không có lửa, người Sa-lê-diêng  chẳng thể làm được gì. Lửa, có thể nói, nằm tận trong cốt lõi căn tính đoàn sủng của họ vậy. Lò lửa trong huy hiệu của Tu hội hẳn phải khiến ta suy nghĩ.

Lòng nhiệt tình đã khiến Don Rua quyết liệt đưa Tu hội tới những chân trời thật xa, mở ra những thảo nguyên bát ngát của Tin mừng cho giới trẻ và người bình dân mà một ai đó có thể cho là liều lĩnh và không khôn ngoan. Nhưng không phải vậy. Don Rua không phải là người náo hoạt mà là vị tông đồ bừng cháy lửa mến với một đầu óc có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng. Trong thư luân lưu đầu tiên đề ngày 19 tháng Ba, 1888, ngài phác họa một chương trình rõ ràng:

Chúng ta phải thấy mình rất hạnh phúc vì là con cái của một người Cha như thế. Vậy chúng ta phải quan tâm gìn giữ và phát triển thậm chí còn hơn trong thời gian những công cuộc ngài đã khởi sự, trung thành tuân theo những phương pháp ngài thực thi và dạy dỗ, và trong cách nói và làm việc mình tìm cách bắt chước khuôn mẫu Chúa nhân từ đã ban cho chúng ta nơi Don Bosco.[8]  

Đoạn văn cho thấy rõ chương trình mà ngài nỗ lực vươn đến: 1) gìn giữ và phát triển các công cuộc Sa-lê-diêng ; 2) trung thành tuân theo những lối tiếp cận thực tiễn được DB dạy dỗ, triển khai và cải thiện chúng; 3) tìm cách bắt chước khuôn mẫu đời sống thiêng liêng của DB. Thật vậy, đằng sau những công cuộc đa dạng truyền giáo tới tận các vùng Ấn độ, Trung hoa, Ai cập, Nam Phi, Paraguay, đằng sau những con số tăng vọt của những người Sa-lê-diêng  (đến độ là 520% theo Braido và Motto), FMAs, Cộng tác viên, đằng sau những biên cương mới được thúc đẩy do thời cuộc, là cả một chương trình phong phú, cả về quản trị, điều hành, lẫn thiêng liêng và đào luyện. Rua đã học được từ Don Bosco một nhãn quan để ý mọi sự, không coi thường điều gì có lợi cho thanh thiếu niên, nhưng lại theo một bậc thang giá trị rõ rệt. Ngài đã học được từ vị Thầy và người Cha đó nét toàn diện của một con người: từ nhu cầu vui chơi, đến giá trị của bữa ăn, qua thực tiễn của công ăn việc làm tốt đẹp, đến tình bạn chân thành, và một khát vọng TC với đời sống bí tích và đạo đức. Ngài in sâu hơn nữa tính toàn diện nơi đoàn sủng Sa-lê-diêng , vì lẽ họ là những người thực tiễn (realists) (x. HL 19). Don Rua cho thấy rằng sự khôn ngoan sáng tạo của tinh thần mà DB để lại đi liền với sự thách đố, hay nói đúng hơn, với dấu chỉ, của thời đại, vì chính Đấng Sáng lập đã hiểu thế giới của tuổi trẻ nghèo của thành phố Turin bằng cách đi vào từng ngõ ngách của thành phố ấy với tấm lòng của Vị Mục Tử Nhân Lành. Ngài không tạo ra một công cuộc trước, rồi uốn nhu cầu theo đó. Trái lại, ngài tìm hiểu những thiếu niên bị bỏ rơi đó cần gì để chiếm được một chỗ đứng trong xã hội, rồi động não và nhiệt tình tìm ra công cuộc nào đáp ứng với chúng, cho dù lúc đầu chỉ mới là một tia sáng. Ngài biết rõ, “cái hoàn hảo là kẻ thù của cái tốt.” Đồng thời, trong mọi sự ích lợi cho thanh thiếu niên nghèo, ngài luôn mời gọi sự hiệp lực của những người khác. Ngài không bao giờ làm một mình, có thể nói như thế. Tình thần mềm dẻo đó, Don Rua đã thấu hiểu. Ngài không bao giờ cố gắng nhét đôi chân cho vừa vào đôi giầy đã “làm sẵn” thật đẹp và bóng.

Sau đây là một thí dụ. Khi thấy những công nhân xây dựng đường hầm Simplon và con cái của họ bị bỏ rơi, Don Rua đã không ngần ngại gởi các Sa-lê-diêng  và FMA tới để gúp họ trong bẩy năm! Có lẽ ngày nay ta không đồng ý chăng: một công cuộc kéo dài không tới 10 năm?  Thế nhưng, tiếng vang của nó lại vượt xa những gì ta tưởng nghĩ: tiếng vang của đời sống chứng tá. Ngay cả một nhân vật chính trị cũng phải thừa nhận: “Chúng ta vừa nói nhiều về những điều kiện của công nhân chúng ta tại Simplon, chúng ta vừa viết vừa phàn nàn nhiều điều. Nhưng cho tới nay chẳng có gì thực tiễn được làm cho họ cả. Cho tới giờ, điều ít ỏi được làm lại do các linh mục thực hiện. Trong mọi dịp họ là người đầu tiên làm một điều gì đó, giúp đỡ, làm vơi đi những đau khổ của người khác. Tại Simplon cũng như ở mọi nơi khác.”[9] Một nhận định từ một nhà chính trị lại cho thấy lối đường của Rua gần gũi biết bao với điều Vatican II nói sau này: Không có gì của con người mà lại không gieo âm hưởng trên những người tín hữu của Đức Kitô.[10] Rõ ràng có một điều gì khác hơn là thời gian ngắn hay dài đã khiến cho Rua làm như thế.

______________________________

[1] Bề trên Cả, công báo 405, trg 15.

[2] Bề Trên Cả, như trên.

[3] X. Bề Trên Cả, Công báo 405, trg 14-16.

[4] X. Auffray, được trích trong Bề Trên Cả, công báo 405, trg.13.

[5] P. Braido và F. Motto, ibid., trg. 9.

[6] X. Bề Trên Cả, công báo 405, trg. 9.

[7] X. Bề Trên Cả, công báo 405, trg. 14.

[8] D. Rua, được trích trong Braido và Motto, ibid., trg. 10.

[9] Bề Trên Cả, Công báo 405, trg. 40-41.

[10] X. GS I.

Visited 117 times, 1 visit(s) today