Don Bosco : Một Sự Hoà Hợp Tuyệt Diệu Giữa Tự Nhiên Và Ân Sủng

     Don Bosco được xem như một trong những vị thánh hoàn hảo nhất trong lịch sử Giáo hội, hiểu theo nghĩa, là nơi ngài có một sự hoà hợp tuyệt diệu giữa tự nhiên và ân sủng. Không phải chúng ta ca tụng Don Bosco theo kiểu ‘mèo khen mèo dài đuôi’, nhưng chúng ta dựa vào một số những ý kiến khách quan. Ví dụ:

     – Joergensen, một học giả đã nhận định : ‘Don Bosco là một trong những người hoàn thiện nhất mà lịch sử từng biết đến’.

     – Herting cũng nhận xét : ‘Augustinô, Phanxicô, Cararina de Siena và Don Bosco được kể vào số những tinh hoa tột đỉnh của nhân loại’.

     – Đức Pi-ô XI đã nói : ‘Ta đã nhìn gần sát dung mạo này, với một sự quan sát kỹ lưỡng, với một sự chiêm ngắm lâu dài. Đó thực là một dung mạo thánh thiện sáng chói mà cho dù có khiêm cung sâu thẳm đến mấy cũng không thể che dấu được. Nơi Don Bosco hàm ẩn một sự thánh thiện luôn hấp dẫn và tồn tại lâu dài trong lịch sử, toát ra từ một tâm hồn mà ở bất cứ nơi đâu cũng để lại những dấu ấn đậm nét. Ngài được hình thành cách tuyệt vời và lớn lao biết mấy cho cuộc sống chúng ta hôm nay.’

     – Wackenhiem đã viết : ‘Thánh tông đồ Phaolô, Augustinô, Hippona, Phanxicô Assisi, Vincent de Paul và Gioan Bosco hiển nhiên là những tạo vật phi thường, xét về tiềm năng và các đức tính con người.

     Là những con cái, chúng ta không cần nói lên lời ca tụng đối với vị Tổ phụ đáng kính của mình, nhưng chúng ta hãy nhìn ngắm dung mạo sáng chói của Don Bosco như một hình mẫu biểu trưng, một prototype cho cuộc sống chúng ta ngày hôm nay. Hình mẫu đó ‘là sự tổng hoà tuyệt vời giữa bản năng thâm sâu của đời sống con người và sự mở rộng cho mầu nhiệm Thiên Chúa’. Ngài là một con người rất con người và cũng là một vị thánh rất là thánh. Ngài tỏ lộ mình ‘thật sâu xa là người của Thiên Chúa’ (HL 21) với đầy tràn ân huệ của Thánh Thần. Ngài sống ‘như thể thấy Đấng không thể thấy (invisible)’, nghĩa là ngài có thể đọc được những biến cố lịch sử của đời thường giữa chúng ta bằng con mắt đức tin rất phi thường.

     Cha Vecchi gọi đây là một sự viên toàn tuyệt diệu trong một trò chơi đầy căng thẳng: một bên là con người của đời thường, một bên là thế giới siêu thường ; một bên là con người của lịch sử, một bên là con người của đức tin; một bên là tự nhiên, một bên là ân sủng, không có yếu tố nào hy sinh vì yếu tố nào, song trái lại vẫn có sự hoà điệu trong tĩnh lặng, một sự quân bình nội tâm cách hoàn hảo. Bản tính nhân loại nhạy cảm và đầy yêu thương của Don Bosco rất nhạy bén với tình yêu thương con người, đã trở thành Bí tích đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tới lượt mình, Thánh Thần giúp kiện toàn nơi ngài những phẩm tính nhân bản ưu việt : lòng nhân ái, sự quảng đại, tính sẵn sàng trong phục vụ và hiến thân (availability), để mở thông cho tha nhân. Sự tổng hoà đó tạo nên nhân cách đặc thù nơi con người của Don Bosco: vừa dịu dàng vừa nghiêm minh, vừa thông minh vừa thực tiễn, vừa thánh thiện vừa khôn ngoan, vừa ngây ngất đắm chìm trong thế giới siêu phàm vừa tỉnh táo với những dấu chỉ của đời thường trong xã hội hằng ngày. Sự hài hoà đó đã trở thành dung mạo thiêng liêng của Don Bosco và tỏ hiện cách rõ nét trong phong cách giáo dục của ngài giữa các thanh thiếu niên.

     Nhân cách tuyệt vời của Don Bosco được thể hiện bằng một khả năng yêu thương cách mãnh liệt và mang tính nhân vị. Điều đó đã trở thành quy chuẩn trong các mối liên hệ của ngài đối với mọi hạng người, nhất là đối với các thanh thiếu niên. Nó được bộc lộ ở nguyện xá, trên đường phố, trong các cuộc tiếp xúc, trong các cuộc hành trình của ngài. Don Bosco không bao giờ chuộng tính hình thức, tính bàn giấy, tính phân biệt đối xử hay tính quan liêu. Trái lại ngài luôn luôn bao phủ những con người mà ngài gặp gỡ hằng ngày bằng lòng kính trọng và với tấm lòng nhân ái của một người cha, một người thầy và của một người bạn.

     Có một giai thoại trong thời niên thiếu của Don Bosco. Ngài nuôi một con sáo, rất thương mến nó. Con sáo chết, Don Bosco buồn thảm vô cùng. Nhưng rồi cậu bé Gioan Bosco rất can đảm đã vượt qua những tình cảm nhỏ bé đó và cậu quyết tâm: ‘Tôi sẽ không bao giờ ràng buộc cõi lòng tôi với bất cứ một tạo vật nào’. Cha Vecchi bình luận: ‘Rất may là Don Bosco đã không giữ trọn quyết định này’.

     Lối giao tiếp thân tình của Don Bosco là một bí quyết đắc nhân tâm rất thành công. Gastaldi, vị thủ tướng nước Ý lúc bấy giờ, là một con người rất khó tính nhưng đã cảm phục trước Don Bosco và đã ký quyết định ủng hộ Don Bosco và các công việc của ngài. Bởi lẽ, vị thủ tướng khó chịu này đã được gặp Don Bosco và nghe ngài nói: ‘Thưa ngài thủ tướng, tôi chỉ là một linh mục nghèo, nhưng tôi thực sự thương mến ngài vô vàn, nếu một ngày kia tôi chỉ có một mẩu bánh mì tôi sẽ chia cho ngài một nửa’.

     Cha Albera đã nói về Don Bosco như sau: ‘Phải nói rằng Don Bosco yêu thương chúng tôi cách hoàn toàn, và duy nhất chỉ có ngài làm được điều đó thôi. Chúng tôi cảm nghiệm sự hấp dẫn không thể nào cưỡng lại được. Tôi cảm thấy như mình là tù nhân do một hấp lực yêu thương từ Don Bosco. Tôi cảm thấy mình được yêu thương bằng một cách thức mà tôi chưa bao giờ cảm nghiệm, một tình yêu thánh thiện vượt xa hơn bất cứ tình yêu nào. Mọi sự nơi Ngài có khả năng thu hút, tác động trên những con tim tuổi trẻ của chúng tôi như một nam châm cuốn hút, không thể chạy thoát được. Chúng tôi thật hạnh phúc. Tình yêu ngài dành cho chúng tôi rất tự nhiên, không gò ép, không khách sáo, bởi vì mỗi lời ngài nói, mỗi hành động của ngài đều lan truyền sự thánh thiện của mối kết hợp cùng Thiên Chúa, Đấng là trọn cả tình yêu thương. Don Bosco đã lôi kéo chúng tôi đến với ngài bằng sự viên mãn của tình yêu siêu nhiên vốn đã xâm chiếm trọn vẹn con tim ngài. Nơi ngài, vô số các khả năng tự nhiên đã trở thành siêu nhiên bằng sự thánh thiện và đời sống của ngài» (Brocardo, Uomo e Santo, trang 41 – 42).

     Sự hoàn hảo của các đức tính nhân bản chính là hoa quả và ân sủng của Thánh Thần: sự khôn ngoan, tính cẩn trọng, sự mạnh bạo cương quyết, lòng ưu ái dịu hiền… Hiến luật Salêdiêng đã sánh ví Don Bosco với gương mặt của Môi-sen, khi trích dẫn lời miêu tả trong thư Do thái: ‘Ngài sống như thấy Đấng vô hình’. Đấng Vô hình mà Môisen nhìn thấy trong bụi gai cháy xém đã trở nên hữu hình và nhập thể nơi con người của Don Bosco, một cách gián tiếp qua lối sống thánh thiến của ngài. Đó cũng là sự nhập thể, một sự tổng hoà tuyệt diệu giữa tự nhiên và ân sủng, mà thánh Phaolô đã diễn tả: «Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Đức Ki-tô sống trong tôi».

     MẪU GƯƠNG DON BOSCO : KẾ HOẠCH ĐỜI SỐNG THỐNG NHẤT CHẶT CHẼ ĐỂ PHỤC VỤ CÁC THANH THIẾU NIÊN

     Tất cả những ân huệ tự nhiên và ân sủng siêu nhiên của Don Bosco không phải là những nhân đức chỉ để trang trí nơi ngài cho ta chiêm ngưỡng, nhưng chúng đã hình thành nên một sự tổng hoà duy nhất trong ‘một kế hoạch đời sống thống nhất và chặt chẽ để phục vụ các thanh thiếu niên’.

     Ngài vừa là một vị thánh với những phẩm tính ưu việt, vừa là một nhà giáo dục tài ba. Nói cách khác, sự hoàn thiện của Don Bosco gắn kết với một sứ mệnh, đó là phục vụ những người trẻ. Các nhân đức thánh thiện của ngài nhằm phục vụ giới trẻ và việc phục vụ giới trẻ là cách thức giúp ngài nên thánh.

     Kế hoạch giáo dục được định hình từ giấc mơ 9 tuổi. Lý tưởng này đã trở thành hiện thực trong suốt cuộc đời của Don Bosco. ‘Ngài không hề đi một bước, nói một lời, làm một việc mà không vì cứu giúp giới trẻ’.

     Việc phục vụ này thúc đẩy ngài can đảm khai phá và đảm nhận các công cuộc. Ngài thực hiện chúng với sự cương quyết, kiên trì và nhạy bén của một tâm hồn quảng đại giữa biết bao khó khăn và mỏi mệt. Don Rua đã nói về Don Bosco: ‘Thật sự ngài không chú tâm vào điều gì khác ngoài các linh hồn» (Lá thư của Don Rua, 24/8/1894).

     Ân sủng của Chúa Thánh Thần đã giúp ngài có được một sự kiên trì và sáng tạo giữa bao khó khăn và thách đố. Ngài can đảm vượt qua những hạn chế của truyền thống và thành kiến xã hội để dấn thân trong những công việc gian khổ, đến độ phải kiệt sức. Các linh mục cùng thời đã không chấp nhận kiểu làm việc đột phá ngoại thường ấy nên cho rằng ngài điên. Nhưng đó là một sự điên rồ của thập giá mà thánh Phaolô đã diễn tả, một sự điên rồ thánh thiện, là một tổng hợp của lòng quảng đại, sự nhẫn nại, tính sáng tạo và vẻ cương nghị không chịu lùi bước trước bất cứ một khó khăn nào, ngay cả cái chết. Cho dù ngài cương nghị, ngài cũng không làm mất đi vẻ dịu dàng tế nhị phát xuất từ con tim của một người cha, một người thầy và của một người bạn trước các thanh thiếu niên nghèo khổ. Cho dù nhẫn nại, nhưng ngài vẫn luôn động não để khám phá và cùng cộng tác với ơn Chúa để tìm ra những dấu chỉ. Cho dù sôi nổi xốc vác trong các công việc thường ngày, nhưng Don Bosco cũng không bao giờ đánh mất đi tính chiêm niệm và đời sống cầu nguyện, vốn là nền tảng xây dựng công trình giáo dục của ngài. Có được những phẩm tính này vì Don Bosco vẫn luôn giữ được một tâm hồn trẻ thơ, theo tinh thần của Tin Mừng, tín thác vui tươi trước một Thiên Chúa nhân ái, dễ dạy và khiêm cung trước những sự chỉ dạy của Đức Maria, hiền mẫu và tôn sư của ngài.

     KẾT LUẬN

     Cuộc đời của Don Bosco quả là một quyển từ điển bách khoa toàn thư để từ đó chúng ta học hỏi nơi ngài như một kho tàng bất tận. Nhưng việc học hỏi ấy không phải là một sự sao chép máy móc, một sự lượm nhặt chắp vá để chúng ta rút tỉa từ đó những thứ hàng hóa trang trí cho đời sống của chúng ta. Điều thiết yếu là chúng ta hãy sống lại chính con người của ngài như lời Thánh Phaolô đã nói : “ Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô”. Hay nếu như Thánh Phaolô nói: “ Không phải tôi sống mà là đức Kitô sống trong tôi”, thì chúng ta cũng sẽ nghe Don Bosco nói với chúng ta: “Anh em hãy sống lại chính đời sống của Đức Kitô như tôi đã sống chính đời sống của Ngài”.

     Chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Don Bosco như một người cha và một người thầy. Chớ gì Cha Thánh luôn đồng hành với chúng ta mỗi ngày, đặc biệt với những ai đang thực hiện sứ mạng giáo dục theo gương mẫu thánh thiện mà Ngài đã để lại.

Văn Hào, SDB

Visited 91 times, 1 visit(s) today