CHỌN ĐIỀU TỐT CON NHÉ!

          Tôi là một giáo viên cấp II dạy tại thành phố, làm thêm tại một lưu xá được một giáo xứ lập nên cho các thiếu nữ ở quê lên trọ học. Lưu xá được các phụ huynh tin tưởng và đánh giá vì chất lượng đồng hành rất tốt, vì vậy, con số 80 sinh viên lúc nào cũng được duy trì trong lưu xá này.

          Tôi đảm nhận việc đồng hành với các nữ sinh viên vào buổi chiều, từ 2 giờ chiều tới 7 giờ tối. Công việc chính của tơi là trợ giúp các em trong các sinh hoạt trong lưu xá. Bên cạnh đó cũng có một số chị em nhân viên khác.

           Nghe qua công việc thì rất đơn giản, nhưng thực tế thì không phải thế, bởi không phải thiếu nữ nào cũng thạo việc nhà, thậm chí ngay cả việc phục vụ bản thân cũng không biết. Đó là lý do có nhiều em rất vất vả trong thời gian đầu đến trọ học tại lưu xá. Trong công tác phục vụ, tôi thấy cần rất nhiều kiên nhẫn và sự thông cảm. Điển hình năm trước tôi đồng hành cách đặc biệt hơn với một nữ sinh viên tên là Tâm.

          Tâm có tính tình nhẹ nhàng, nhưng “non” lắm. Em chẳng biết làm gì cả, ngay việc rửa chén, giặt đồ, nấu bữa cơm cũng không biết. Bởi cái gì cũng không biết nên rất nản, vì thấy mình quá chật vật để có thể theo kịp các bạn. Bản thân tôi kiên nhẫn quá cũng hố mệt, muốn gởi trả em về gia đình. Bỗng nghĩ lại: Nếu Tâm mà trưởng thành và hoàn hảo thì đâu cần đến nhà giáo dục! Vậy thì việc đồng hành của mình với các em sinh viên, và nhất là với em có ý nghĩa gì?

          Từ đây, tôi lên hẳn một chương trình để giúp em làm quen với tinh thần tự lập. Tôi chỉ bảo cặn kẽ và cùng làm với Tâm trong mọi việc được phân chia. Từng chút một, và em dần quen. Sau mấy tuần, đứng quan sát từ xa, tôi ngạc nhiên trước sự cố gắng của Tâm. Em trở nên sống động hơn, quán xuyến hơn rất nhiều, cho dù so với người khác thì em còn khá chậm. Trong lòng vui lắm, tôi đến gần và tìm cách nói chuyện với em. Tôi hỏi Tâm: “Em có hài lòng với sự đồng hành của chị khơng? Em thích điều gì nhất trong lưu xá này?”. Tâm nhìn tôi rồi ngập ngừng: “Ở đây cái gì cũng mới mẻ và lạ với em, nên em còn đang khám phá. Tuy nhiên, điều em thích nhất là lời chị chia sẻ”.

          Tôi ngạc nhiên hỏi: “Là lời gì thế?”. Tâm nói: “Chọn làm điều tốt em nhé! Đây là câu chị thường nói em, và nó đã thúc đẩy giúp em vượt qua rất nhiều điều”. Em tâm sự: “Mới đầu em cũng thấy khó, nhưng giờ em quen rồi. Khi ở nhà,  nếu không đi học, con muốn ngủ, muốn ăn lúc nào cũng được. Còn bây giờ phải dậy sớm hơn, ăn đúng giờ, làm đúng giờ, nghỉ đúng giờ… Nói chung phải cố gắng rất nhiều ạ!”.

          Nghe thế, tôi rất vui nên hỏi tiếp: “Thế em có hối tiếc về điều gì không?”. Em phá lên cười: “Trời. Em phải cảm ơn chị không hết nữa là. Chị thấy em tốt lên hơn nhiều chưa? Đó. Mà em nói chị hay: Cái gì mà chẳng có giá của nó? Cứ chọn làm điều tốt như chị dạy cũng phải trả giá lắm đấy!”.

******

          Câu nói của Tâm đưa tôi về với cả một trời kỷ niệm. Câu “Chọn điều tốt con nhé!” gợi nhắc trong tơi hình ảnh của mẹ đã theo tôi suốt cả chuỗi đời nhiều cố gắng. Mẹ là người đạo đức, bình dân. Trong nhà, mẹ dạy anh chị em chúng tôi với chỉ một lời nhắc: Chọn điều tốt các con nhé!

          Chẳng biết từ khi nào, lời này đã đi vào trong lòng tôi và giúp tôi biết cân nhắc để chọn điều tốt dẫu cho bản thân mình có phải trả giá, từ những điều rất nhỏ. Chọn điều tốt dường như đã trở thành châm ngôn sống và giá trị cá nhân của tôi.

           Nhớ lần đầu xa gia đình để luyện thi đại học trên thành phố. Năm đứa là bạn thân học chung cấp III, ở cùng một phòng trọ sát cạnh nhà thờ. Chỉ có một tháng để chuẩn bị cho kỳ thi đại học nên đứa nào cũng cắm cúi lo chuyên tâm mài dùi kinh sử. Cả ngày ở trung tâm luyện thi, chiều về, tôi luôn có thói quen ghé qua nhà thờ đi lễ. Bốn bạn kia lo tất tả về luyện bài ở nhà.

          Vài lần lên tiếng mời bạn đi lễ, họ nói: Tuần đi một lần là đủ. Có một tháng để luyện thi thôi, đừng để lỡ rồi mai mốt ngồi đấy mà khóc! – Thế là tôi lại đèo đẽo một mình ghé vào nhà thờ. Giá phải trả là mất chút thời gian, nhưng thực sự thời gian này tôi cảm thất rất bình an và thư thái.

           Rồi tôi đậu đại học. Vào những ngày cuối tuần chúng tôi thường hẹn nhau đi ăn, uống trà sữa để xả stress. Không chỉ dừng ở đó, bạn bè tôi đi “làm thêm”, nghe đâu việc nhàn nhã mà lại nhiều tiền, nghe đâu là nghề uống rượu thuê, còn gọi với cái tên mỹ miều là “PG dự tiệc”. Mà quả thật, các bạn tôi cứ ngày càng nhiều tiền, hàng hiệu mát trời, xinh đẹp ra, khiến tôi phải chạnh lòng mỗi lần đi chơi chung. Có mấy bạn chép miệng chê tôi cổ hủ, và nó tiếc vì tôi cũng có chút hấp dẫn mà không biết tận dụng!

          Có lúc tôi gần như xiêu lòng, định thử tham dự gói “over night” với số tiền đề nghị hậu hĩnh, nhưng rồi tôi không thể làm được, vì lời mẹ dạy “Chọn điều tốt nghe con” cứ như tấm biển chữ, như âm thanh dội vang quanh mình.

           Tôi thầm cảm ơn mẹ vì lời dạy, khi nghe “Hội bạn thân” này than thở. Thì ra đa phần các bạn ấy chẳng được vui, có bao trục trặc mà các bạn ấy chẳng hề lường trước được, cho đến khi phải đối diện: Đứa thì có thai, đứa thì trầm cảm, đứa chai lỳ tình cảm, đứa mất lòng tin vào cuộc sống…

***

           Thế đấy, cuộc sống là của riêng mình, mỗi người đều phải trả giá cho sự lựa chọn của chính mình. Tôi tự nhắc bản thân phải luyện mình để ngày càng trở thành người tử tế, hữu ích. Tôi cũng hiểu ra, mỗi biến cố lớn nhỏ trôi qua đều mang giá trị tất yếu của nó. Chắc hẳn không ít lần chúng ta đắn đo, băn khoăn, trăn trở trước những chọn lựa: Can đảm trả giá để chọn lựa điều tốt hay buông xuôi theo định mệnh.

            Hy vọng tất cả các bạn trẻ thực sự cân nhắc và suy nghĩ chín chắn cho những chọn lựa của mình. Hãy xác tín những điều tốt lành mà Thiên Chúa đang mời gọi và can đảm đáp trả!

          Tác giả: Viết Ân

Visited 1 times, 1 visit(s) today