Vinh Sơn CIMATTI (1879-1965)

Một gia đình thánh – người chị được phong chân phước


Vinh Sơn Cimatti sinh ngày 15.07.1879 tại Faenza. Cậu là con út trong số 7 người con của gia đình ông James và bà Rosa Pasi. Trong số 3 người anh em còn sống và một người chị gái, thì sơ Raffaella thuộc Tu hội các Nữ Tu Bệnh viện của Lòng thương xót Chúa đã được phong Chân Phước; anh Luy là một Sa-lê-diêng sư huynh truyền giáo tại Châu Mỹ Latinh và đã chết lành thánh; còn ngài là Vinh Sơn thì đã được tuyên phong đáng kính.

“Xem kìa, Don Bosco đấy!”

Cha cậu đã qua đời khi cậu chỉ mới chỉ lên 3 tuổi. Mẹ cậu đã dẫn cậu đi nhà thờ vào hôm Don Bosco đang giảng. Mẹ nói với cậu: “Vinh Sơn, nhìn kìa, nhìn kìa, Don Bosco đấy!”. Cậu nhớ mãi khuôn mặt dịu hiền của vị linh mục già đó trong suốt cả cuộc đời mình.

Người Sa-lê-diêng trẻ dạy học tại Valsalice

Năm 17 tuổi, Vinh sơn đã trở thành một tu sĩ Sa-lê-diêng và được gởi tới cộng đoàn Torinô – Valsalice. Nơi đây, thầy vừa dạy học vừa hoàn tất một chương trình học cao hơn: nhận được chứng chỉ biên soạn nhạc từ nhạc viện Parma, văn bằng về nông nghiệp, triết học và sư phạm của Tôrinô.

Nhạc sỹ tài ba

Năm 24 tuổi, thày đã lãnh nhận thiên chức linh mục. Cha đã dạy học suốt 20 năm và là một nhà biên soạn xuất chúng ở Valsalice. Các thế hệ tu sĩ sau đều tự hào về cha giáo của họ. Trong khi đó, cha lại tha thiết xin cha Bề trên Cả: “Xin cha sai con đến nơi truyền giáo nghèo nhất, khó khăn nhất, và bị bỏ rơi nhất. Con không muốn tìm nơi dễ dãi để làm việc”.

Dẫn đầu đoàn truyền giáo sa-lê-diêng tới Nhật Bản

Cha Vinh sơn đã được toại nguyện khi bước sang tuổi 46! Cha Rinaldi sai ngài dẫn đầu đoàn truyền giáo tới Nhật Bản để mở công cuộc Sa-lê-diêng tại đó. Ngài đã làm việc ở đó trong suốt 40 năm. Như Don Bosco, ngài đã chinh phục được cảm tình của người Nhật bằng sự dịu hiền, nhiệt tình dấn thân trong công việc tông đồ về báo chí và âm nhạc. Ngài cũng đã chuyển dịch tập sách cuộc đời thánh Đaminh Savio sang tiếng Nhật.

Âm Nhạc của Ngài còn mang nét Nhật hơn cả những bản nhạc Nhật

Nhân dịp kỷ niệm 2.600 năm thành lập nước Nhật, cha được mời biên soạn một bản sonat để phát thanh trên radio. Tờ nhật báo chính của Nhật bản đã đánh giá bản sonat này còn “mang đậm nét Nhật Bản hơn cả những bản nhạc Nhật” nữa. Ngài cũng đã thành lập ban nhạc giới trẻ lưu diễn trên toàn quốc.

Giám đốc cộng đoàn Miyazaki, Bề trên Á tỉnh đầu tiên

Ngài đã đảm nhận trách nhiệm giám đốc cộng đoàn sa-lê-diêng đầu tiên tại Miyazaki, và 3 năm sau, Ngài cũng trở thành bề trên á tỉnh mới. Ngài luôn đi tới thăm viếng để động viên những anh em Sa-lê-diêng đầu tiên đến làm việc tại Nhật cũng như mở các công cuộc cho những người nghèo và bị bỏ rơi.

Được Bổ Nhiệm làm Phủ Doãn Tông Tòa

Năm 1935, ngài được bổ nhiệm làm Phủ Doãn Tông Tòa. Sau những năm chiến tranh đầy khó khăn, và với muôn vàn lao nhọc, ngài đã thành lập được một “Boys Town” ở Tokyo để cung ứng chỗ ở cho 260 trẻ mồ côi, cũng như giúp họ theo học các chương trình cấp I, cấp II,  và học nghề. Năm 1949, dầu đã tới tuổi 70 tuổi, ngài vẫn tiếp tục đảm trách vai trò giám đốc của học viện triết học và thần học ở Chofu hơn 9 năm nữa.

An nghỉ ở Chofu

Ngài được coi như tổ phụ của Sa-lê-diêng tại Nhật Bản và qua đời vào ngày 06.10.1965. Cả chính quyền dân sự của Ý và Nhật Bản đều ngưỡng mộ ngài . Thi hài của ngài được cải táng lại vào năm 1977 và người ta thấy vẫn còn nguyên vẹn . Hiện giờ, ngài đang an nghỉ trong hầm mộ ở Chofu.

Trung Hoàn, SDB chuyển ngữ


 

Visited 8 times, 1 visit(s) today