Trung ương – “Vai trò của những Salêdiêng cao niên trong nền văn hóa kỹ thuật số là gì?”

☘Những câu hỏi phỏng vấn cha Tổng Cố vấn Truyền thông Xã hội liên quan đến lá thư “Chia sẻ sự khôn ngoan và hy vọng trong văn hóa kỹ thuật số” của ngài.

(ANS – Rome) – Khi xem xét về thực tế kỹ thuật số hiện nay, và do sự hiện diện, đặc biệt ở một số khu vực của thế giới Salêdiêng, của một số lượng lớn các Salêdiêng lớn tuổi, Tổng Cố vấn Truyền thông Xã hội, Cha Gildasio Mendes, đã quyết định viết một bức thư đặc biệt với tựa đề: “Chia sẻ sự khôn ngoan và niềm hy vọng trong nền văn hóa kỹ thuật số”.

☘Cha Gildasio, trước hết ngài có thể cho chúng tôi biết điểm khởi đầu để viết lá thư này là gì không?

Điểm khởi đầu là việc chúng ta thấy rằng cuộc sống trong thế giới kỹ thuật số ngày nay đòi hỏi sự khôn ngoan và niềm hy vọng: đây là những yếu tố mà mọi người có thể làm chứng và loan báo Tin Mừng trong thế giới kỹ thuật số. Do đó, vấn đề không phải là đưa ra những cam kết mới trong việc truyền thông cho những tu sĩ Salêdiêng lớn tuổi hoặc bệnh tật; cũng không yêu cầu những người Salêdiêng lớn tuổi trở thành “chuyên gia” trên mạng xã hội. Ngược lại, điều quan trọng là ý thức rằng chứng tá của những người biết cách sống trong thế giới đang thay đổi này tự nó là một cách làm tông đồ.

☘Tại sao cha cảm thấy cần phải viết tài liệu này?

Nhu cầu nảy sinh từ các cuộc họp chung mà chúng tôi đã tổ chức tại 7 Vùng Salêdiêng giữa các Cố vấn tỉnh về Đào luyện và Truyền thông xã hội. Hơn nữa, một số Giám tỉnh cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về sự cần thiết phải đưa ra một tài liệu theo nghĩa này; và tôi cũng nhận được sự khích lệ từ một số anh em Salêdiêng cao niên.

☘Trong thư ngài viết: “Ai bước đi với sự khôn ngoan và niềm hy vọng Tin Mừng thì luôn trẻ trung”. Cha có thể giải thích điểm này rõ hơn được không?

Nó đơn giản có nghĩa là, để sống trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, một người Salêdiêng cao niên không đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn đặc biệt, mà chỉ cần hai điều: sống và chia sẻ sự khôn ngoan và niềm hy vọng trong môi trường của chính mình; nghĩa là sống đời sống Salêdiêng của mình, dù già nua hay bệnh tật, với sự khôn ngoan và hy vọng. Bởi vì đây đã là một cách sống tốt trong thế giới kỹ thuật số.
Do đó, điểm khởi đầu luôn là kinh nghiệm, sau đó được chia sẻ với người khác: như vậy đã là làm chứng tá rồi.

☘Kể cả khi họ không trực tiếp thể hiện bản thân trên mạng xã hội hay các kênh của thế giới kỹ thuật số?

Chính xác. Tôi sẽ cho anh một số ví dụ: một người Salêdiêng cao niên dành thời gian ở sân giữa với bọn trẻ; giải tội cho chúng; hoặc cử hành Thánh Lễ hằng ngày; người đọc kinh Mân Côi ở hành lang ngôi nhà; hoặc ngay cả khi bị bệnh, họ vẫn tiếp tục công việc của mình trong giới hạn tình trạng của mình… Tất cả những điều này là chứng tá, là kinh nghiệm, là cuộc sống thực sự truyền bá phúc âm tới các cộng tác viên, giáo dân, giới trẻ, trẻ em, gia đình của họ… Và khi họ nói chuyện với những người cùng lứa tuổi, bạn bè, người quen khác hoặc khi họ chia sẻ cuộc sống của mình trên mạng xã hội, thì việc đó trở thành việc loan báo Tin Mừng.

☘Thế giới kỹ thuật số, theo truyền thống được coi là địa bàn dành riêng cho giới trẻ, giờ đây cũng đang mở ra cho người cao niên…

Ngày nay chúng ta phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta đang bị xâm chiếm bởi một nền văn hóa lãng phí và thờ ơ đối với người già. Thay vào đó, mục đích của tôi chính là nâng cao chứng từ của họ, như một thông điệp mạnh mẽ dành cho giới trẻ. Bởi vì cư dân kỹ thuật số có rất nhiều điều để học hỏi từ những người lớn tuổi – họ cũng là những người chứng kiến và tạo ra những phát triển công nghệ đầu tiên. Vì vậy, chúng tôi chỉ muốn đề cao “vẻ đẹp của con người”, coi người già là “bậc thầy về ý nghĩa làm người”. Đừng quên rằng đã có người lớn tuổi hiện diện trên mạng xã hội và điều này rõ ràng là ổn. Thật vậy, nhiệm vụ của cộng đồng là nhận ra điều gì và bằng cách nào họ có thể làm được nhiều hơn và tốt hơn.

☘Bức thư có sự hòa hợp với Giáo hội: chúng ta hãy nghĩ đến sự quan tâm sâu sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với người cao niên và cuộc đối thoại giữa các thế hệ.

Đúng rồi. Chúng ta đồng tình với sự nhạy cảm của ĐTC, bởi vì ngài là người đầu tiên tố cáo nền văn hóa vứt bỏ và kêu gọi nhân đạo hóa các mối quan hệ trong thế giới kỹ thuật số; cũng như nó phù hợp với đề xuất của Bề Trên Cả về vấn đề đặc biệt liên quan đến sự hiệp thông huynh đệ trong các cộng đoàn. Đó là một đề xuất hoàn toàn phù hợp với nền nhân học hiện đại của Giáo hội, đồng thời là một điều gì đó mới mẻ, bởi vì đây là lần đầu tiên một Tu hội đưa ra một tài liệu liên quan đến người cao niên và thế giới kỹ thuật số, đề cao quyền và trách nhiệm giao tiếp của người cao tuổi.

☘Cha cũng nói rằng: “Không gian kỹ thuật số là một vùng đất rộng lớn của lúa mì và cỏ dại”. Người cao niên có nên được cảnh báo?

Hơn cả cảnh báo, bạn cần ý thức. Nhiều lần khi trò chuyện với những người trẻ, tôi nhận ra rằng chúng ta không được lúc nào cũng coi Mạng xã hội là một vấn đề: đây không phải là công việc của chúng ta. Ngược lại, chúng ta phải đặt ra các câu hỏi, thúc đẩy sự trưởng thành trong các phương pháp tiếp cận việc sử dụng nó một cách có phê phán thay vì sử dụng một cách buông thả.

☘Cuối cùng, các cộng đồng giáo dục và mục vụ có thể làm gì để thu hút những người Salêdiêng cao niên vào thế giới kỹ thuật số?

Tôi trả lời bằng cách đưa ra ba gợi ý: Thứ nhất, phải ý thức rằng kinh nghiệm được chia sẻ đã là việc loan báo Tin Mừng; thứ hai, phải có khả năng và sự nhạy cảm để “đặt mình vào hoàn cảnh” của những người cao niên, cũng biết cách chấp nhận nhịp sống của họ; cuối cùng là biết học hỏi từ những vị cao niên, ý thức được rằng một ngày nào đó người trẻ cũng sẽ trở thành người già.

☘Tài liệu:  infoans.org/…/391_2f5fc956c00d2660d59f9015a741147a   (sẽ được dịch sang tiếng Việt sau)

Nguồn:infoans.org/…/20978-rmg-do-elderly-salesians-have-a-role-in-the-digital-culture

Chuyển ngữ: Ban Truyền Thông SDB Việt Nam

Visited 226 times, 1 visit(s) today