Trên Miền đất HỒI GIÁO

Sau 5 năm chờ đợi, ngày 25.06.2015, tôi đã đặt chân đến Pakistan, đất nước truyền giáo mà tôi được sai đến. Pakistan là một quốc gia rộng lớn với diện tích là 796.096 km2, nằm ở khu vực Nam Á, được tách ra từ Ấn Độ vào năm 1957, với tên gọi là Cộng Hòa Hồi Giáo Pakistan. Phía đông giáp Ấn Độ, phía tây bắc giáp Afghanistan, phía tây nam giáp Iran, phía nam giáp biển Ả Rập, phía đông bắc giáp Trung Quốc. Pakistan có dân số đông gấp hai lần Việt nam, với 95-98% là người Hồi giáo, còn lại là các tôn giáo khác như Công giáo, Hindu và Phật giáo.

Vì sống trong một đất nước đa phần là Hồi giáo, nên người Công giáo chỉ được xem là thiểu số và thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội, họ luôn bị áp bức về đức tin, giáo dục và nghề nghiệp. Từ những thực trạng nói trên, người Công giáo rơi vào vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói, bần cùng, thiếu giáo dục, do vậy, phần lớn họ phải sống dựa vào sự trợ cấp của các tổ chức quốc tế và dòng tu.

Sự hiện diện của anh em Salêdiêng và các công cuộc

Vào năm 1998, nhận lời mời của Giám Mục sở tại, các anh em Sa-lê-diêng đã đến và thiết lập các công cuộc tại Pakistan. Sau 18 năm, Dòng Don Bosco đã có hai điểm Hiện diện.

Điểm Hiện diện thứ nhất được thiết lập tại Quetta, giáp biên giới Afghanistan. Đây là vùng đất gần giống như sa mạc, khí hậu hai mùa rất khắc nghiệt. Mùa nóng nhiệt độ có thể lên tới 45 độ C, kèm thêm những cơn lốc xoáy, mang theo những lớp khí bụi của vùng sa mạc. Vào mùa đông, nhiệt độ âm 14 độ C.

Tại đây, anh em Sa-lê-diêng có một trường phổ thông với gần 1.000 học sinh nghèo. Các em đến từ bảy bộ tộc khác nhau: Balochi, Pashtoon, Hazarah, Brahavl, Uzbuk, Panjabl, Sindhi, kéo theo  những truyền thống, tập tục, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Chính sự khác biệt này đã gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động của trường. Mặc dù là trường Công giáo, nhưng chúng tôi không bao giờ được giảng dạy hay nói về tôn giáo của mình cho người Hồi giáo, mà chỉ nói về cách sống của Don Bosco và lồng vào đó các giá trị nhân bản. Ngoài trường học, Dòng Don Bosco còn có 2 nhà nội trú cho 100 em có hoàn cảnh đặc biệt và nhiều căn hộ trong khuôn viên nhà trường, dành cho các gia đình Công giáo không có nhà cửa.

Điểm Hiện diện thứ hai được thành lập tại Lahore, giáp ranh biên giới Ấn Độ. Nơi đây, các Sa-lê-diêng có một trường nghề với 500 học viên và một nhà nội trú cho hơn 200 học sinh, được điều hành bởi một linh mục người Ý, 82 tuổi và một linh mục người Pakistan vừa mới chịu chức vào ngày 24-05-2016. Cuộc sống ở đây văn minh và tiến bộ hơn tại Quetta, nên việc giáo dục và các hoạt động tôn giáo cũng dễ dàng hơn.

Sự hiện diện của anh em Sa-lê-diêng trên đất nước Pakistan đã mang lại niềm hy vọng cho nhiều người, đặc biệt các trẻ em nghèo có cơ hội đến trường, mở ra cho các em một chân trời tươi sáng, qua phương pháp giáo dục của Don Bosco.

Những Khó khăn và Thách đố

Thật không dễ để sống và làm việc trên một đất nước Hồi giáo, vì nơi đây, các anh em truyền giáo luôn phải đối diện với nhiều thách thức và khó khăn đến từ mọi mặt. Chính quyền luôn gây áp lực cho các nhà truyền giáo khi làm các thủ tục giấy tờ, visa và đi lại. Bên cạnh đó, sự đấu tranh và bắn giết lẫn nhau giữa các bộ tộc, cũng như các tôn giáo, luôn đe dọa mạng sống các nhà truyền giáo. Đặc biệt, các phần tử Hồi giáo quá khích và các nhóm Taliban luôn rình rập để tìm cách bắt cóc các nhà truyền giáo, nhằm tống tiền và gây áp lực cho chính phủ. Chẳng hạn sáng nay, ngày 09-08-2016, trong lúc tôi đang ngồi viết bài này, thì bọn khủng bố đã tấn công một bệnh viện, cách trường học của tôi hơn 1km, khiến 54 người chết và nhiều kẻ khác bị thương. Các khó khăn chưa dừng lại ở đó, các nhà truyền giáo còn phải đối diện với những khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa và khí hậu. Vì quá nhiều khó khăn và thách đố như thế, nên đã có 16 anh em truyền giáo Sa-lê-diêng được gửi đến và đã ra đi sau một thời gian ngắn phục vụ tại đây. Hiện nay chỉ còn lại 4 người, đó là cha Peter Zago đã 82 tuối, đến từ Ý, Cha Julio đến từ Argentina, Cha Joel đến từ Philippines và tôi từ Việt Nam.

Những Trải nghiệm khi được sai đến và làm việc tại Pakistan

Thiên Chúa là vị mục tử nhân lành, Người đã dẫn tôi đến nguồn sống dồi dào trong ơn gọi Sa-lê-diêng. Những gì tôi đang có và đang làm hôm nay đều do bởi Thiên Chúa. Thế nên, bước đường truyền giáo của tôi chính là một hành trình kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, cũng như không ngừng tìm kiếm Ngài qua những con người, những biến cố mà tôi gặp hằng ngày, nhằm khám phá ra sự hiện diện của Ngài và những điều kì diệu mà Chúa đã ban nơi mỗi người anh em.

Tất cả những hình ảnh tốt – xấu về con người và đất nước Pakistan mà tôi có được, là những món quà mà Thiên Chúa dành riêng cho tôi trong hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Ngài. Tôi như một người thợ săn luôn ra đi tìm kiếm hình ảnh Thiên Chúa qua những người anh em, các bạn trẻ, những người giàu – nghèo, kể cả những điều diệu kỳ trên đất nước Pakistan. Ngay cả những khó khăn và thách thức lại là cơ hội dẫn tôi đến gần Thiên Chúa hơn. Sau thời gian làm việc tại Pakistan, tôi cảm nghiệm được rằng, nơi nào khó khăn càng nhiều thì nơi đó ân sủng của Thiên Chúa càng dồi dào phong phú. Tôi tin rằng chính Thiên Chúa đã dẫn tôi đến đất nước Hồi giáo này; vì thế, Ngài sẽ bảo vệ, chở che và ban cho tôi sự bình an của Ngài. Tôi hiểu hơn câu nói trong thư Phao-lô: “Ơn Ta đủ cho con”.

Sư huynh Fx. Nguyễn Minh Nhật, SDB


Visited 2 times, 1 visit(s) today