Hiệp Hội Đức Mẹ Phù Hộ (ADMA): Lòng Sùng Kính Của Don Bosco “Giấc Mơ Hai Cột Trụ”

Hiệp hội “Đức Mẹ Phù Hộ” (ADMA)

GẶP GỠ 2

LÒNG SÙNG KÍNH CỦA DON BOSCO 

Giấc mơ hai cột trụ

  1. Giấc mơ hai cột trụ

Ngày 30 tháng 5 năm 1862, Don Bosco kể cho các thanh thiếu niên giấc mơ hai cột trụ:

“Các con hãy tưởng tượng rằng các con đang đi dạo trên bãi biển với cha, hay đúng hơn là trên một tảng đá giữa lòng biển và như thế các con chỉ nhìn thấy xung quanh không có gì ngoài nước biển. Trên mặt biển bao la như thế có vô số những con tàu đang di chuyển chuẩn bị cho một trận chiến. Những con tàu này được trang bị với các loại vũ khí khác nhau, nào là pháo, đại bác và súng ống. Chúng ồ ạt tấn công một con tàu lớn nhất và cao nhất, cố gắng dùng tất cả sức mạnh hỏa lực để đánh bại chiếc tàu lớn nhất này. Một cơn bão lớn nổi lên, và trong tình trạng như thế chiếc tàu hùng vĩ tự bảo vệ mình bằng nhiều cách khác nhau, nhưng biển động dường như ủng hộ kẻ thù.

Cùng với những ngọn sóng biển dâng cao, xuất hiện hai cột trụ to lớn, không cách nhau xa lắm. Trên cột trụ thứ nhất có tượng Đức Mẹ với hàng chữ: Auxilium Christianorum (phù hộ các giáo hữu). Trên đỉnh cột trụ kia, lớn và cao hơn, có một Bánh Lễ rất lớn, cùng với dòng chữ: Salus credentium (ơn cứu rỗi của người tín hữu).

Mặc dù bị quân thù hết sức đánh phá, chiếc tàu vĩ đại này do Đức Giáo Hoàng hướng dẫn, khắc phục mọi trở ngại, tiến vào giữa hai cột trụ đó, neo một sợi xích vào cột trụ Bánh Thánh và một dây xích khác vào cột trụ Mẹ Phù Hộ”.[1]

  1. Tôn thờ Thánh Thể

Thánh Thể là trung tâm của đời sống thiêng liêng của Don Bosco và của những công cuộc ngài đảm nhận. “Mỗi ngày Don Bosco đối thoại với Đức Giêsu trong những lần ngài viếng Thánh Thể vào lúc sau trưa trong nhà thờ; cũng chính Đức Giêsu Thánh Thể mà Don Bosco cầu nguyện cho các thanh thiếu niên khi ngài đi vào thành phố để xin đồ cho chúng. Vào những năm cuối đời, Don Bosco cho thấy tình cảm sâu xa với Thánh Thể và những Thánh Lễ của ngài thấm đượm nước mắt”.[2]

Bí tích Thánh Thể là lương thực cho linh hồn. “Chúa Giêsu Kitô lập bí tích Thánh Thể để ban một dấu chỉ của tình yêu cao cả mà Ngài ban cho loài người, và để ban lương thực thiêng liêng cho linh hồn chúng ta”.[3] Vì thế, Don Bosco mời gọi chúng ta đến với Thánh Thể để nuôi sống linh hồn chúng ta và để thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. “Anh chị em thân mến, anh chị em có muốn lớn lên trong đời sống ân sủng và trong sự tốt lành, để sống hiệp nhất với Thiên Chúa, và để mỗi ngày trở nên xứng đáng hơn với sự sống đời đời không? Hãy thường xuyên đến với bàn tiệc Thánh Thể và chuẩn bị tâm hồn mình cách xứng đáng. Bởi vì Chúa Giêsu Kitô thiết lập bí tích Thánh Thể để nuôi sống linh hồn chúng ta, để giúp củng cố và thăng tiến đời sống thiêng liêng. Điều này bắt nguồn từ lời của Chúa Giêsu Kitô: Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống (Ga 6,51). Nếu chúng ta không ăn uống, thì thân xác chúng ta sẽ trở nên yếu ớt, yếu dần yếu dần và sẽ chết; linh hồn của chúng ta cũng thế. Nếu chúng ta không đón nhận Bánh sự sống này, đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ trở nên yếu ớt, không có sức để làm điều thiện, và ngày càng hướng đến điều xấu”.[4] Khi chúng ta đọc trong kinh Lạy Cha: Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, chúng ta “hãy hết lòng cầu nguyện để Chúa Cha trên trời ban cho chúng ta Bánh hằng sống từ trời xuống, là chính Chúa Giêsu Kitô, vì ơn cứu độ thế gian”.[5]

Truyền thống Salêdiêng mời gọi các Kitô hữu, đặc biệt là giới trẻ tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ, viếng Thánh Thể, chầu Thánh Thể, để kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Qua việc Chầu Thánh Thể, chúng ta tôn thờ Thánh Thể và dành nhiều chỗ hơn cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu. Thinh lặng tôn thờ: khoảnh khắc trung tâm của việc Chầu Thánh Thể phải là thời gian đặc biệt dành cho việc thinh lặng cầu nguyện, cho cuộc đối thoại đặc biệt với Chúa Giêsu, trong đó trái tim Thiên Chúa nói với trái tim con người – cor ad cor loquitur – như thánh John Henry Newman dạy chúng ta. Lúc này, chúng ta có thể dâng lên Chúa những ý nguyện đặc biệt mà buổi Chầu Thánh Thể này hướng tới: chẳng hạn, cầu cho ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, cầu cho các bệnh nhân, cho các gia đình, v.v…

Một trong những yếu tố đặc trưng cho lòng yêu mến và tôn thờ Thánh Thể theo phong thái Salêdiêng là Viếng Thánh Thể.

Việc thực hành đạo đức này mời gọi các học sinh trong Nguyện xá viếng Thánh Thể một cách ngắn gọn sau các giờ cơm (sáng trưa chiều). Một số nhà Salêdiêng mở cửa nhà thờ, nhà nguyện, để cho mọi người, cách đặc biệt giới trẻ, mỗi khi đến nơi đây có thể bước vào nhà thờ, nhà nguyện chào Chúa. “Sự hiện diện của Thánh Thể trong các nhà chúng ta là động lực thôi thúc chúng ta năng gặp gỡ Đức Kitô”.[6]

Chúng ta được mời gọi viếng Thánh Thể thường xuyên, chỉ cần một ít phút bên Chúa. “Nếu thời giờ giới hạn, chúng ta ít nhất hãy đến trước nhà tạm và đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh. Chỉ điều này thôi sẽ giúp chúng ta chống lại cám dỗ”.[7]

 3. Năm Thánh và Thánh Thể

Chúng ta đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa đích thực của Thánh Thể. Để cảm nghiệm đầy đủ mầu nhiệm lớn lao này, cần phải có ý hướng và thái độ thích hợp trong tâm trí mỗi khi chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể. Những quyết định lớn nhỏ hằng ngày giúp các tín hữu nhận thức rõ hơn về điều được cử hành trong Thánh Lễ, và do đó, sự ý thức và sự tham dự tốt hơn vào bàn tiệc Thánh Thể sẽ giúp họ lớn lên bằng cách làm cho họ ngày càng trở nên chứng nhân chân thực và đáng tin cậy hơn, trở nên “muối đất và ánh sáng thế gian” (Mt 5,13-16) cách hữu hiệu hơn.

Bộ loan báo Tin Mừng đề xuất một chương trình cầu nguyện có thể giúp các tín hữu nhận thức sâu sắc hơn và tham gia trọn vẹn hơn vào việc sống ân ban cao trọng là Bí tích Thánh Thể.[8]

Chuẩn bị tốt cho Thánh lễ: Hãy đến với khoảnh khắc cử hành Thánh Thể chung trong cộng đoàn bằng một sự chuẩn bị cá nhân ngắn gọn trong thinh lặng, điều này sẽ giúp bạn bước ra khỏi nhịp độ bận rộn của cuộc sống hằng ngày, để suy ngẫm về mầu nhiệm bạn sắp cảm nghiệm. Bạn có thể dừng lại vài phút trước Nhà Tạm, nơi có Bí tích Thánh Thể, ý thức rằng Chúa sắp hiện diện trên bàn thờ, trao ban chính Người cho chúng ta trong Thân Mình thật sự của Người. Cũng sẽ rất hữu ích việc đọc trước những bản văn Lời Chúa sẽ được công bố trong phụng vụ.

Làm Dấu Thánh Giá thật sốt sắng: những lời và cử chỉ được thực hiện trong các nghi thức đầu tiên giúp chúng ta, ngay từ đầu, có thể tham gia cả thể xác, linh hồn và tâm trí vào việc cử hành. Thật vậy, dấu Thánh Giá tóm tắt toàn bộ đức tin Kitô giáo của chúng ta. Khi làm dấu thánh giá, chúng ta nhớ lại sự nhập thể, cứu chuộc và phục sinh của Chúa, và khi nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta nhớ lại Mầu nhiệm Ba Ngôi cao cả.

Chăm chú lắng nghe Lời Chúa: Hãy giữ tâm thế đăm chiêu đón nhận, điều này sẽ soi sáng tâm trí mọi Kitô hữu vì Lời Chúa luôn “sống động”. Bằng cách lắng nghe và hồi tâm cá nhân, người ta có thể chuyển dịch Lời Chúa vào đời sống hằng ngày, nhận được sự trợ giúp và an ủi. Vì vậy, đặc biệt khi đứng dậy vào lúc công bố Tin Mừng, chúng ta được mời gọi nhận ra sự hiện diện của Chúa, Đấng vẫn nói với chúng ta hôm nay trong cử hành Thánh Thể, xuyên qua thừa tác viên.

Chăm chú đọc Kinh Lạy Cha: Hãy suy niệm lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy bằng cách cảm nhận ý nghĩa của những lời được đọc lên. Ngay cả khi cầu nguyện riêng, ta cũng không nên đọc quá nhanh những lời này, mà hãy suy ngẫm chăm chú và cung kính về từng lời trò chuyện với Chúa Cha ở đây.

Đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể: tấm bánh được bẻ ra trở thành lương thực sự sống và là sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng củng cố và nâng đỡ chúng ta. Cần cảm nghiệm khoảnh khắc quan trọng này với ý thức rõ ràng hơn về sự chắc chắn rằng Chúa bước vào đời sống mỗi người, và Chúa mong muốn được đón rước vào một trái tim quảng đại và quan tâm. Khi sắp rước lễ, bạn có thể đọc thầm trong lòng vài lời cầu nguyện để chuẩn bị rước Chúa với ý thức và lòng biết ơn sâu sắc hơn.

“Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an”: Sau khi được nuôi dưỡng tại bàn tiệc bánh và rượu, với lời chào cuối cùng, chúng ta được mời gọi trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của Chúa Kitô và những người mang hòa bình cho thế giới.

Tạ ơn: Trước khi rời nhà thờ, nên dừng lại (ít nhất năm phút) để tạ ơn về ân ban nhận được khi rước lễ, ý thức rằng Chúa đã đến thăm chúng ta. Bằng cách này, chúng ta có thể trân trọng ân phúc trong lòng mình một cách chú tâm hơn, và có thể đối mặt với đời trong sự trợ giúp của Chúa.

———–

Ý cầu nguyện tuần chín ngày tháng 1:

1) Cầu bình an cho năm mới

2) Cầu nguyện cho việc giáo dục; và cho các công cuộc Miền Tây (Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vĩnh Hiệp [Rạch Giá], Tắc Vân)

[1] MB VII, 169-172. Năm 1863, Don Bosco kể cho các thanh thiếu niên về giấc mơ hai cột trụ. “Hãy tưởng tượng rằng các con nhìn thấy một quả cầu lớn bay lơ lửng giữa hai cột trụ. Trên một cột trụ khắc hàng chữ Regina mundi (Nữ vương trên trần gian), và trên cột trụ kia khắc Panis vitae (Bánh hằng sống). Trên quả cầu này có rất nhiều người bước đi theo mọi hướng khác nhau. Những người ở gần hai cột trụ được chiếu sáng, trong khi những người khác ở xa hai cột trụ, nghĩa là những người ở giữa quả cầu, đang chìm trong bóng tối. Quả cầu là hình ảnh của thế giới. Hai cột trụ là Thánh Thể và Mẹ Maria. Đây là nguồn nâng đỡ thế giới, vì nếu không phải là Thánh Thể và Mẹ Maria thì thế giới đã bị hủy hoại. Con người muốn bước đi trong ánh sáng, nghĩa là trên đường hướng về thiên đàng, phải tiếp cận hai nguồn ánh sáng này, hoặc ít nhất là một. Những ai rời xa hai cột trụ này thì đang bước đi trong nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (MB VII, 585-586).

[2] Pietro Stella, Don Bosco nella Storia della Religiosità Cattolica. Vol II: Mentalità religiosa e Spiritualità, LAS, Roma 19812, 105. 107.

[3] Giovanni Bosco, Maniera facile per imparare la Storia sacra, 51.

[4] Giovanni Bosco, Cattolico provveduto, 349-340.

[5] Giovanni Bosco, Cattolico provveduto, 486.

[6] Pascual Chavez Villanueva SDB, Đời sống thánh hiến. Chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa (Biên dịch: FX. Phạm Đình Phước SDB), UPS, Roma 20202, 315.

[7] Don Bosco mời gọi các hội viên của mình trong một cuộc tĩnh tâm tại Trofarello năm 1868 rằng viếng Thánh Thể là việc đạo đức hằng ngày (x. MB IX, 167).

Trong huấn từ tối vào ngày 15 tháng 12 năm 1859, Don Bosco nói với các thanh thiếu niên: “Để biểu lộ lòng biết ơn Đức Giêsu, chúng ta phải thường xuyên viếng thăm Ngài, gọi là viếng Thánh Thể. Và làm thế nào để viếng thăm Ngài? Điều trước tiên là thường xuyên Rước Lễ. Tại Nguyện xá, đặc biệt trong tuần chín ngày này, luôn có một quyết định mạnh mẽ, một sự nhiệt thành tuyệt vời cho việc Rước Lễ và cha hy vọng rằng các con sẽ làm như vậy trong năm nay. Thứ đến là Viếng Thánh Thể, nghĩa là đến nhà thờ một vài lần trong ngày, ngay cả chỉ trong một vài phút, thinh lặng hoặc để đọc một Kinh Lạy Cha” (MB VI, 351).

[8] Bộ loan báo Tin Mừng, Tài liệu Sống năm cầu nguyện chuẩn bị cho năm thánh 2025, bản dịch của Lm. Giuse Lê Công Đức.

Fx. Phạm Đình Phước, SDB 

Visited 16 times, 1 visit(s) today