PHÚC ĐƯỢC CHỮA LÀNH

Vào tháng 07/2016, dư luận không khỏi bàng hoàng khi hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin: Satoshi Uematsu 26 tuổi, là cựu nhân viên của trung tâm Tsukui Yamayuri-En, một trung tâm chăm sóc người khuyết tật nằm trong thành phố Sagamihara thuộc tỉnh Kanagawa, cách thủ đô Tokyo – Nhật Bản khoảng 40 km phía Tây Nam. Vào rạng sáng ngày 26/7/2016, Satoshi Uematsu đã đột nhập vào trung tâm và dùng dao sát hại dã man 19 người và làm bị thương 26 người khác. Đây được xem là vụ thảm sát khủng khiếp nhất tại đất nước mặt trời mọc kể từ thời Thế giới thứ hai. Tờ Asahi Shimbun cũng cho biết tên sát thủ này đã nói với cảnh sát rằng: “Tôi muốn loại bỏ hết những người tàn tật khỏi thế giới này”. Thế nhưng liệu người ta có thể loại bỏ bệnh tật vốn là một phần tất yếu của phận người như người ta thường nói đến: Sinh, Bệnh, Lão, Tử?

Hẳn rằng bệnh tật và đau khổ luôn là nỗi lo âu, khắc khoải triền miên của con người. Khi phải đối diện với những chứng bệnh nan y, hiểm nghèo, người ta cảm thấy cuộc đời họ dường như đi vào ngõ cụt, đứng bên bờ tuyệt vọng. Thế nhưng trong lối nhìn của người Ki-tô hữu, bệnh tật cũng là cơ hội để con người đi đến một niềm xác tín rằng: Họ được thông dự vào những đau khổ của mầu nhiệm thập giá Đức Kitô, một lối đường đưa họ tới gặp gỡ Thiên Chúa và chạm vào lòng thương xót của Ngài.

Tại buổi triều yết chung vào ngày 26 tháng 2 năm 2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô dạy giáo lý về Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Ngài nói: Bí tích này cho chúng ta chạm tay vào lòng thương xót của Chúa. Tuy nhiên trong quá khứ, bí tích này được gọi là “Xức dầu lần cuối” để có được sự an ủi tinh thần trong giờ lâm tử. Thực ra, bí tích “Xức dầu bệnh nhân” còn giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn và đặt việc trải nghiệm bệnh tật vào trong chân trời của lòng thương xót Chúa.

Khi đến trần gian và thực thi sứ mệnh cứu thế, Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương trước những đau khổ thuộc mọi dạng thức của con người. Ngài đã ra tay chữa lành hết mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng như chữa lành bà mẹ vợ ông Simon, mười người phong hủi, anh què hay người phụ nữ bị bệnh băng huyết… Chính Ngài đã thiết lập Bí tích Xức dầu Bệnh nhân và mời gọi các môn đệ của Ngài chia sẻ thừa tác vụ cảm thương và chữa lành của Ngài: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ôm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 12-13). Và sau khi phục sinh, Chúa Kitô vẫn lập lại: “Nhân danh Thầy, họ sẽ đặt tay trên các bệnh nhân, và những người này được chữa lành” (Mc 16, 17-18).

Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân mang lại những ân sủng, giúp bệnh nhân kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, để sinh ơn ích cho chính bệnh nhân và cho Giáo Hội, đem lại niềm an ủi, sự bình an và lòng can đảm, để giúp bệnh nhân chịu đựng những đau khổ của bệnh tật hoặc của tuổi già với tinh thần Kitô giáo. Hơn nữa, bệnh nhân đươc ơn tha thứ tội lỗi, nếu như chưa nhận được ơn tha thứ nhờ Bí tích Hòa giải. Rồi bệnh nhân còn được phục hồi sức khỏe, nếu điều này phù hợp với ơn cứu độ cho linh hồn họ.

Cùng với việc cử hành Bí tích Xức dầu, vị chủ chăn cũng trao cho bệnh nhân Mình Thánh Chúa như của ăn đàng. Thật ý nghĩa khi bệnh nhân kết hợp với Chúa Kitô nhờ việc rước Mình Máu Thánh, qua đó họ được thông truyền sự sống cũng như sức mạnh phục sinh, đưa bệnh nhân từ cõi chết đến cõi sống.

Giám mục hay linh mục mới có quyền ban Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Việc cử hành này luôn mang tính cộng đoàn, dù được cử hành tại tư gia, bệnh viện hay tại các trung tâm an dưỡng. Yếu tố chính của Bí tích này là: Việc đặt tay, cầu nguyện, xức dầu  thánh hiến cho bệnh nhân trong niềm tin của Hội Thánh. 

Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân không chỉ là bí tích cho những người sắp chết do bệnh tật hay vì tuổi già, mà còn dành cho bất cứ người công giáo nào khi sức khỏe bị suy yếu nặng. Bệnh nhân đã được xức dầu, rồi khỏe lại, sau đó bị bệnh nặng trở lại, họ có thể lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân lần nữa. Hay những bệnh nhân dù già hay trẻ trước khi chịu cuộc giải phẫu nặng, cũng nên nhận phép Xức Dầu.

Trong Năm thánh Lòng Thương Xót Chúa, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, ngoài ngày 11/2 kính Đức Mẹ Lộ Đức là ngày Quốc tế Bệnh nhân do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập, ngày 12/6/2016 cũng được dành để cầu nguyện đặc biệt cho những người bệnh tật và tật nguyền. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô kêu gọi hãy quan tâm đến tuổi già và bệnh tật của chính mình cũng như của người khác. Ngài cho rằng đôi khi chúng ta cần phải “va chạm” với bệnh tật để hiểu và trải nghiệm những đau khổ của phận người, biết cảm thông với những đau khổ vì bệnh tật của các bệnh nhân và để hiểu hơn ý nghĩa cuộc sống.

Bạn thân mến! Thế giới sẽ không trở nên tốt hơn nếu chỉ có những con người với vẻ “hoàn hảo” bên ngoài. Thế giới chỉ trở nên tốt hơn khi mọi người nỗ lực sống tình liên đới, yêu thương, đón nhận và tôn trọng lẫn nhau. Chẳng bao lâu nữa sẽ kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, bạn hãy tiếp tục tập luyện phong cách sống lòng nhân từ:

  • Gửi thiệp, tặng hoa, quà tặng, lời chia sẻ đến những ai có người thân mới qua đời trong vòng 6 tháng. Bằng cách đó để giúp họ bớt đau buồn trong cuộc sống. 
  • Tình nguyện đọc thư hay đọc sách cho một người bệnh hay một người đang có chuyện buồn phiền.
  • Xin Thần Khí trợ giúp để cầu nguyện thật lòng cho những ai làm tổn thương bạn.
  • Bạn có thể chơi một nhạc cụ nào không? Hát? Đọc thơ? Hãy làm một buổi giải trí nho nhỏ dành cho những người bị bỏ rơi trong Viện dưỡng lão và trợ giúp các Trung tâm mồ côi.
  • Đi thăm mộ ông bà tổ tiên, hoặc đi viếng nghĩa trang địa phương, lần hạt cầu nguyện cho các linh hồn nằm yên nghỉ ở đó.
  • Chia sẻ của cải với những người đang túng thiếu.
  • Tình nguyện đi chợ giùm cho người không thể nào đi ra khỏi nhà.
  • Bớt nói chuyện điện thoại, để ý đến những người ở bên cạnh mình.
  • Làm một cử chỉ nhỏ cuối ngày để xin những người chung quanh mình tha thứ cho mình.
  • Cầu nguyện cho người quá cố, cho các linh hồn nơi luyện ngục.
  • Hạn chế quyền sở hữu: chia sẻ những gì mình có cho những ai đang cần tới.
  • Thăm hỏi những người đơn chiếc, ngay cả những người trong họ hàng bà con thân thuộc, bạn bè, lối xóm… Có thể có những người mình đã xúc phạm họ.

(Trích trong 56 Cách Sống Nhân Từ Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót và 35 điều để sống Lòng Thương Xót 2015)

Chúc Bạn luôn sống vui và thăng hoa cuộc sống bởi những cử chỉ và hành động yêu thương này!

Diễm Hương, FMA


Visited 23 times, 1 visit(s) today