THÁNG 11: NGHĨ VỀ NỖI SỢ TRƯỚC CÁI CHẾT

Tháng 11 là thời gian Giáo Hội dành để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục. Nhìn vào những nấm mồ cô quạnh, lạnh lẽo, có ai không sợ hãi trước cái chết? Đã là con người thì không ai lại không mang nỗi sợ này; cái chết đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa nơi con người là sự sống; chết cũng là một bí ẩn tột cùng của thân phận con người. Khi cái chết đến, chỉ có một mình người đó phải băng qua một cánh rừng u ám có tên là “chết”; chỉ có người đó từ giã cõi trần để đối diện với chính Chúa.

Chết là một quy luật mà con người ta phải chấp nhận trong thân phận nhân sinh. Con người ta có ngày sinh ra thì cũng có ngày chết đi; không ai có thể chọn cho mình ngày sinh và ngày chết… Dù biết là như vậy, nhưng không phải ai cũng có thể đón nhận cái chết bình thản được. Có nhiều nỗi sợ trước cái chết. Có người tiếc nuối, day dứt khi cuộc đời của mình quá ngắn ngủi đã phải chia tay những người thân yêu mà không bao giờ có thể gặp lại, không bao giờ có thể ngồi chung bàn cơm, chơi thể thao, cùng đọc kinh, đùa giỡn hay họp hành với nhau thêm một lần nào nữa; có người thất vọng não nuột khi muốn phá vỡ quy luật tự nhiên này mà không thể nào phá được. Có người không đủ sức mạnh để chịu được những cơn đau quằn quại nơi thể xác và họ đã chết trong đau đớn tột cùng.

Tôi còn nhớ một kinh nghiệm thật buồn cười khi còn nhỏ, tôi đã có một giấc mơ về đám tang của mình. Tôi nhìn thấy những người thân quen của tôi đang bên cạnh tôi, đang đọc những câu kinh để cầu nguyện cho tôi; họ cũng khóc thương tôi vì sự ra đi của tôi làm cho họ hụt hẫng; họ kể lại những gì mà tôi đã làm tốt cho họ khi còn sống. Lúc ấy, cảm giác của tôi vẫn bình thường như không có chuyện gì, thậm chí còn vui nữa vì khi đó tôi đang được người ta nhớ đến; mà nếu giấc mơ kết thúc ở chỗ này thì tôi phải gọi đây là giấc mơ đẹp. Thế nhưng, nỗi sợ hãi đã đến với tôi ngay tức khắc dù đó là trong giấc mơ đi nữa; sự thật là tôi phải đổ mồ hôi hột khi tôi nhìn thấy cảnh tượng họ vừa khóc thương tôi và họ cũng vừa đưa tôi xuống lòng đất. Tôi thấy được chiếc hòm đặt vào sợi dây để thả xuống lòng đất từ từ với những tiếng gào thét thảm thương; tôi cảm thấy hụt hẫng bởi những người thân quen đã bỏ về trước mà không đoái hoài gì đến tôi; rồi từng lớp đất từ từ phủ lên tôi, họ cứ hì hục để lấp để chôn. Rồi khi đã hoàn thành việc chôn cất, cảm giác hụt hẫng lại tăng thêm bội phần khi tôi nhìn thấy họ ra về; mỗi người một hướng và họ phải tiếp tục cho cuộc sống của họ. Đó là sự cay đắng tột cùng mà giấc mơ mang lại! Và đó cũng là sự cô đơn, lạnh lùng và bi thảm mà cái chết mang lại!

Cái chết làm cho nhiều người phải “rợn tóc gáy” dù là ở trong giấc mơ hay là trong đời sống thật; nhưng tại sao phải “rợn tóc gáy”? Đó là bởi vì sự đau khổ mà cái chết mang lại: sự chia ly, sự tiếc nuối, sự hụt hẫng… và cuối cùng là sự tàn rữa của thân xác con người; mà thân xác đó cũng chính là con người đó. Tuy nhiên, vẫn còn một thứ đáng sợ kinh khủng hơn nữa xảy đến với cái chết mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã diễn tả, ngài nói rằng: “một khi đã thực sự một mình giữa bóng đêm và cảm nghiệm nỗi cô đơn cùng cực, thì bấy giờ mới đúng là nỗi sợ hãi của phận người, không phải là sợ một điều gì đó cho bằng là một nỗi sợ bao trùm.” Đúng là nếu sợ một điều gì đó, chỉ cần đơn giản lấy cái đó đi thì sẽ hết sợ; nhưng vấn đề ở đây đó chính là cả một màn đêm mù mịt, tối tăm phủ kín con người trước cái chết thì con người có có phương cách nào để thoát ra khỏi nỗi sợ.

Tuy nhiên, trước nỗi sợ hãi, khốn khổ, cùng quẫn nhất đó thì chính Chúa lại ban cho con người niềm hạnh phúc trọn vẹn nhất. Quả vậy, đức tin Kitô giáo luôn mang đến cho chúng ta niềm hy vọng vững chắc về sự sống nơi một Người đã đi vào màn đêm u tối nhất để rồi kéo tất cả trở về lại với sự sống. Sự chết là sự dữ kinh khủng nhất thì giờ đây lại là một con đường để dẫn tới sự sống.

Thiên Chúa thật sự đã dành cho con người chúng ta những món quà quá lớn; món quà mà có thể biến chết thành sự sống. Có Đấng nào đủ thân thiết để cho chúng ta nhớ đến khi bước vào cõi chết nếu không phải là Đức Kitô? Có Đấng nào đủ thẩm quyền để chúng ta bám víu vào sau khi nhắm mắt lìa đời nếu không phải là Đức Kitô? Vậy là nếu có sự hiệp thông với Đức Kitô thì làm sao có thể có cái chết được; vì Đức Kitô chính là sự sống bao trùm và thông ban cho con người. Sự cô đơn của cái chết sẽ bị đánh đuổi vì có sức mạnh nơi sự sống và tình yêu Đức Kitô. Chúng ta có thể sống sau khi chết là bởi vì chúng ta sống nhờ vào Chúa, nhờ vào ký ức của Chúa luôn ôm ấp chúng ta. Chúng ta sống là bởi vì chúng ta bám vào cây sự sống của Chúa, chất dinh dưỡng từ Chúa cũng trở nên của chúng ta; chúng ta được sống là vì chính Chúa luôn nhớ đến chúng ta và mãi mãi Chúa sẽ nhớ đến chúng ta.

Chân lý đó cũng làm cho chúng ta liên tưởng đến giây phút cuộc sống hiện tại. Chỉ có tương quan hiệp thông mới làm cho sống. Thiên Chúa là sự sống, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu; con người được sống cũng là vì con người lãnh nhận được sự sống tình yêu từ Chúa; để rồi con người có được tương quan với Chúa, với tha nhân và mọi loài thụ tạo. Giáo Hội sống, Tu hội Salêdiêng sống, hay một đoàn thể nào còn sống cũng là vì trong đó còn có tình yêu nuôi dưỡng và tạo nên sức sống. Không thể nào chúng ta có được sự sống thật nếu không nối kết với chính nguồn mạch sự sống từ Thiên Chúa; cũng không thể nào có sự sống thật nếu tình yêu giữa chúng ta mỗi ngày một phai nhạt. Không thể có sự sống khi chúng ta đánh mất đi sợi dây liên kết với mọi loại thụ tạo. Và một điều thật ý nghĩa trong tháng 11 này, sự sống trong Đức Kitô lại được tươi mới hơn, mạnh mẽ hơn khi chúng ta đang ở trong Giáo Hội lữ hành lại dâng lên những của lễ hy sinh cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Cái chết mang đến cho chúng ta sự huỷ hoại; nhưng Chúa Giêsu lại biến sự huỷ hoại đó thành thân xác mới của Chúa. Cái chết đưa chúng ta vào sự cô đơn tuyệt đối, nhưng giữa khoảng không trống vắng đó thì vòng tay của Chúa lại mang đến cho chúng ta sự bao bọc chở che tuyệt diệu. Cái chết mang đến cho chúng con nỗi sợ hãi tột cùng nhưng Chúa lại biến nỗi sợ hãi đó thành niềm hạnh phúc vô biên cho chúng ta.

Cùng với những lời đầy xác tín của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: “kẻ cầu nguyện có được xác tín, là việc kết hợp với Thiên Chúa còn mạnh hơn cả sự phân huỷ của thân xác; đấy mới là thực tại thật, một thực tại đẩy lùi mọi thực tại to lớn khác” ; chúng ta hãy tin vào “Thiên Chúa của kẻ sống” và khẩn khoản nài xin Ngài thông ban chính tình yêu và sự sống của Ngài cho chúng ta để chúng ta luôn luôn ở lại trong Chúa, được hiệp thông với sự sống của Chúa, được hiệp thông với tha nhân và mọi loại thụ tạo; xin cho chúng ta được sống trong Chúa và cũng được chết trong Chúa vì khi ở trong Chúa là chúng ta luôn luôn được sống. Xin cho các linh hồn nơi luyện ngục đang thanh luyện cũng tiếp tục được ở trong ký ức sống động của Chúa và sớm được hưởng nếm hạnh phúc Thiên Đàng.

Đaminh Trường Sơn, SDB

 

Visited 194 times, 1 visit(s) today