Suy niệm Lời Chúa – CN31 TNA – Khiêm tốn trong phục vụ

    Ngày 19/05/1997 ông Kofi Anan, tổng thư ký Liên hiệp quốc lúc bấy giờ, đã gửi đi một bản cáo phó đến các quốc gia thành viên của tổ chức với nội dung ‘Một người giàu quyền lực nhất thế giới vừa mới vĩnh viễn ra đi rời bỏ chúng ta’. Nhưng người giàu quyền lực đó là ai? Thưa, đó chỉ là một phụ nữ nhỏ bé, yếu ớt, đã 87 tuổi đời, và gia sản chẳng có một xu dính túi. Người giàu quyền lực ấy cho dầu đã phải ngửa tay xin từng chiếc giường cũ của những người nhà giàu, để giúp những thân phận sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ, nhưng đã được cả thế giới nể trọng. Người phụ nữ giầu quyền lực ấy chính là Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta.

Mẹ thánh được mọi người mến phục không bằng sức mạnh của vũ khí hay bom đạn, cũng không phải bằng đô-la hay dầu hỏa. Sự cuốn hút và uy tín Mẹ tạo ra chỉ với một phương thế duy nhất, đó là trải rộng tình yêu thương cho đến vô tận, ngang qua lối sống khiêm tốn và phục vụ.

Khiêm tốn để phục vụ chính là sứ điệp nòng cốt Chúa Giêsu nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay. “Trong anh em, ai làm lớn hơn cả, phải trở nên tôi tớ phục vụ mọi người. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).

Gương mù nơi các vị lãnh đạo tôn giáo

Giáo huấn Chúa Giêsu nói tới hôm nay trước hết nhằm đả kích thái độ tự tôn và trịch thượng nơi các đầu mục Do Thái giáo thời bấy giờ. Họ là những kinh sư và nhóm biệt phái, những bậc ‘phụ mẫu chi dân’ nắm trọn quyền hành trong sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu bắn thẳng vào lối sống giả hình của họ, những con người bề ngoài cứ hay lên mặt dạy đời, nhưng trong tâm hồn thì hoàn toàn rỗng tuếch. Trong bài đọc 1, tiên tri Malaki cũng nặng lời khiển trách các tư tế với những lời lẽ răn đe khá cứng cỏi : “Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh danh ta, ta sẽ khiến các ngươi mắc tai họa. Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên con đường luật dạy’ (Mal 1, 4-8). Cũng vậy trong bài Tin Mừng, Chúa không những kết án sự kiêu căng nơi các lãnh đạo tôn giáo, nhưng còn khuyên bảo dân chúng rằng ‘Những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, nhưng những việc họ làm thì đừng có khuôn rập theo, vì họ nói mà không làm’ (Mt 23,3).

Chúa kết án sự giả dối

Sự giả dối nơi các đầu mục Do Thái giáo là điều Chúa kinh tởm nhất. Họ đánh lừa được người khác với dáng vẻ đạo đức oai phong bề ngoài, như đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài (c 5), nhưng không thể nào đánh lừa nổi Thiên Chúa, là Đấng thấu biết mọi sự ẩn kín bên trong tâm hồn. Những người biệt phái thời xưa xét bề ngoài không thể chê trách. Họ ăn chay tự nguyện còn hơn những gì đòi buộc. Họ đóng góp vào hội đường và đền thờ rất nhiều bằng những đồng tiền dư thừa của họ, và gom tất cả những việc ấy lại như một cuốn sổ chấm công để khoe khoang. “Lạy Chúa, con không như bao người khác: Trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con (Lc 18,11-12). Chúa đã vạch mặt sự giả dối nơi họ và nói một cách thẳng thừng : ‘Họ giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài thì sơn phết, nhưng bên trong đầy những thối tha”. Nhiều khi trong lối sống hằng ngày, chúng ta cũng rơi vào sự giả dối và chuộng hình thức giống như thế. Chúng ta vẫn thường tổ chức các buổi lễ rất hoành tráng bề ngoài với những cuộc rước sách linh đình, nào kèn nào trống, nào cờ xí bay rập trời.., nhưng trong nội bộ lại có nhiều hiềm khích, chia rẽ hoặc nghi kỵ lẫn nhau. Tình trạng này khá phổ biến nơi các giáo xứ tại Việt Nam, và chúng ta cần phải nhìn lại cách sống đạo mà Chúa nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay. Một vị Giám mục bên Hoa Kỳ đã nhận xét : “Người Việt Nam rất thông minh và giỏi giang. Họ làm việc cá nhân rất hiệu quả, nhưng khi làm việc chung lại hay chia bè chia phái vì ai cũng muốn cho mình là nhất”. Lời nhận xét đó cũng tương hợp với những lời kết án Chúa nói hôm nay khi nhắm vào các đầu mục tôn giáo thời xưa.

Chúa kết án sự kiêu ngạo và hay khoe khoang

Tội mà Chúa ghét nhất, đó là sự kiêu ngạo. “Họ ưa ngồi chỗ nhất trong hội đường, thích được chào bái nơi đường phố” (c, 6,7). Kiêu ngạo là tội đầu tiên đã du nhập vào trần gian, khiến con người đánh mất đặc phúc ban đầu và phải nếm trải sự chết. Kiêu ngạo là đưa cái tôi to đùng của mình làm chuẩn mẫu để đánh giá người khác, mà quên mất điều Chúa đã nói : ‘Không có Ta, chúng con không làm được gì”. Kiêu ngạo khiến chúng ta chỉ nhìn thấy cái rác nơi mắt cận nhân mà không thấy được cái đà to đùng nơi con mắt của mình. Con người chúng ta ai cũng có cái tôi ích kỷ và chỉ khi chúng ta xuôi tay nhắm mắt nằm xuống, cái tôi đó mới biến mất hoàn toàn. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở tất cả mọi người, đặc ‘biệt các đấng các bậc’ trong Hội thánh để chúng ta luôn biết thực hành sự khiếm tốn. “Ai trong các ngươi làm lớn, phải làm đầy tớ phục vụ mọi người. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c, 11.12).

Tại kỳ họp Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu năm 1992 tại Philippines, vài Giám mục Việt Nam đã rất ngạc nhiên và phần nào bị sốc khi được phân về các tổ để thảo luận. Vị tổ trưởng không phải là một Giám mục hay một linh mục, nhưng chỉ là một gíao dân bình thường, song có chuyên môn và kinh nghiệm dày dạn. Điều này xem ra hơi đặc biệt. Một giáo dân đứng ra làm tổ trưởng, còn các tổ viên lại là các Giám mục hay các linh mục. Đối với não trạng ‘giáo sỹ trị’ (clericalism) rất phổ biến tại Việt Nam, chúng ta thấy rất khó chấp nhận, nhưng điều đó lại rất bình thường trong các xã hội ở Tây Phương. Tại nhiều đại học, giáo sư đứng lớp chỉ là một giáo dân thậm chí là một nữ gỉang viên, còn sinh viên ngồi phía dưới để thụ giáo không thiếu gì các linh mục hay tu sĩ.

Kết luận

Thời xưa ở chợ Bến Thành Sài Gòn, có một người phong hủi đi ăn xin. Anh này rất dữ tợn. Không vừa ý ai là anh ta nhào tới để cắn. Bảo vệ cũng chịu thua. Riết dần ai cũng sợ và không dám đến gần. Thấy vậy cảnh sát khu vực báo cho trạm da liễu gần đó. Nhận được tin, có một phụ nữ đến tận nơi và nhận ra anh chàng hành khất là một trại viên thuộc trại phong Bến Sắn. Người đàn bà nhẹ nhàng đến nắm tay anh ta và nói nhỏ nhẹ “Ôi, sao con lại ở đây, thôi lên xe về với dì đi con”. Người thanh niên xưa nay vốn hung hãn bỗng trở nên hiền lành như một chú chiên non. Anh ta ngoan ngoãn làm theo những gì người phụ nữ truyền khiến. Mọi người thấy vậy bảo nhau “Người đàn bà ấy là ai mà lại khuất phục được trái tim của một tên côn đồ hung hãn đến như vậy ?”. Thưa, đó là nữ tu Phạm Thị Ngọc Loan, người đàn bà được các trại viên rất quý mến và gọi bằng cái tên rất thân thương ‘Dì Hai Bến Sắn’. Người phụ nữ yếu ớt này đã biến cả những trái tim sỏi đá nhờ vào một chiêu thức duy nhất, đó là yêu thương trong khiêm tốn và phục vụ. Chúng ta nhớ lại lời giáo huấn của thánh Phaolô : ‘Anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhu, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho những ai sống khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa để Người cất nhắc anh em khi tới thời Người viếng thăm’ (1 P 5, 5-6).

Văn Hào, SDB

Visited 7 times, 1 visit(s) today