HÃY DẠY CON SỐNG CÓ TỔ CHỨC

Trong thời đại bùng nổ thông tin, con người như bị nhận chìm trong đống thông tin khổng lồ khiến đôi lúc ta cảm thấy ngột ngạt, không “thở” được. Điều này tác động mạnh hơn trên thành phần trẻ, mà hiện tượng dễ nhận thấy là lối sống “không biết đến ngày mai” nơi họ. Vấn đề không nằm ở chỗ nhiều thông tin, nhưng ở chỗ các bạn trẻ không có kỹ năng tổ chức cuộc sống, họ loay hoay, sống lộn xộn vô tổ chức. Không ít lần chúng ta được xem những hình ảnh “căn phòng dơ hơn ổ chuột” của sinh viên, những “hotgirl phóng khoáng” được post lên mạng.

Triệu chứng nào giúp phát hiện?

Dấu hiệu nào để bạn phát hiện ra con cái đang sống thiếu tổ chức? Nếu con của bạn luôn luôn đi trễ. Nếu con cái bạn không đúng hẹn hoặc luôn trễ hạn định đối với một công việc nào đó. Hoặc nếu chúng bắt đầu lẫn lộn khi được giao cho hơn hai điều cùng một lần. Trong trường hợp này, con của bạn có thể sẽ gặp rắc rối trong một thế giới chồng chất những thông tin, mà trong đó em phải nhớ, phải tận dụng nó theo một trật tự đã ấn định.

Mà cụ thể hơn, trong cuộc sống thường ngày, nếu em không có cảm thức về sự trật tự và về định hướng, sẽ bị lẫn lộn bên trái – bên phải, bỏ quên đồ dùng cá nhân chỗ này chỗ nọ, hoặc không biết sắp xếp không gian riêng của mình một cách thứ tự… Và như thế, quý phụ huynh có thể tưởng tượng ra tương lai của con em của quý vị thế nào, khi chúng trưởng thành, sống với gia đình riêng của họ?!!!

Sống có tổ chức: Bẩm sinh hay do luyện tập?

Sống có tổ chức chưa bao giờ là một hoạt động bẩm sinh và nó không hề đơn giản. Bạn cứ thử nghĩ đến việc nhỏ nhất: Cột dây giầy. Bạn phải nhớ cách cột nó thế nào, để đến bước phức tạp hơn, bạn biết cách thắt cà-vạt. Tất cả những việc này đòi bạn phải có khả năng nhớ và về sau, thao tác này được nhớ cách tự động. Việc nhớ ngày sinh nhật, cách thức làm bánh bông lan kem, hay một câu chuyện hài hước dài… đều ẩn giấu một đòi hỏi về khả năng ghi nhớ, và nhớ nó theo một trình tự nhất định nào đó.

Ngay từ những lớp đầu tiên, đứa trẻ được dẫn dắt vào thế giới của thời gian và sự trình tự. Trước hết, nó thuộc bảng chữ cái theo thứ tự; hiểu được các dẫy số, đọc được những số lớn hơn, nhỏ hơn; biết các mùa xuân, hạ, thu, đông; hiểu được tháng nào đứng trước, tháng nào đứng sau. Các trẻ dần làm quen với lối diễn tả bằng các thuật ngữ như “Trước hết”, “Sau đó”, “Cho đến khi”, “Khi mà…”. Kỹ năng hiểu và sử dụng những thuật ngữ này phụ thuộc vào cảm nhận về tính liên tục, trình tự trước sau của thời gian. Kỹ năng này liên quan nhiều đến toán học, rồi với thời gian, các em phải sử dụng được kỹ năng này vào việc kể chuyện, tường thuật sự kiện, viết những bài văn ngắn theo một trình tự logic nhất định.

Trong những năm kế tiếp, với lượng kiến thức và bài học ngày càng gia tăng, các học sinh còn phải biết quản lý thời gian của mình. Chúng phải để ý đến kỳ hạn nộp bài, những bổn phận phải hoàn thành theo thời gian biểu đề ra. Các em phải ý thức về thời gian đang qua nhanh và những gì phải kết thúc, sao cho mọi sự luôn được nằm trong sự sắp xếp: Không bị “vắt giò lên cổ” trong khi có thể làm nó cách bình tĩnh nếu biết dự liệu trước. Các em cũng phải học biết để tìm cách dung hoà giữa tốc độ và chất lượng công việc mình thực hiện.

Mọi thanh thiếu niên phải được giúp đỡ để biết quản lý thời gian, công việc

Trong tuổi này, thật quan trọng việc cha mẹ đồng hành với con cái để khích lệ các em luyện tập khả năng tổ chức đời sống, nỗ lực giúp các em khắc phục những điểm yếu trong lãnh vực này. Những học sinh nào không học để có một não trạng “tổ chức” có thể rơi vào tình trạng thất đảm và cảm thấy chán nản trên con đường học vấn.

Những hoạt động cụ thể thì rất nhiều, chẳng hạn cha mẹ quan tâm giúp con cái phân chia thời gian học và làm bài ở nhà. Cùng bàn với trẻ: Vẽ ra một mặt đồng hồ, trên đó vạch rõ các hoạt động theo thời gian như giờ chơi – thư giãn, giờ học và làm bài, giờ phụ công việc nhà, giờ vệ sinh cá nhân, giờ với bạn bè, giờ cầu nguyện. Hoặc công việc cần thiết khác là soạn cặp đi học cho ngày hôm sau: Đề ra chương trình sinh hoạt ngắn gọn, có những điều gì cần lưu ý, việc nào phải hoàn thành trước. Hoặc trong buổi đi dã ngoại: Cùng con thảo luận xem phải chuẩn bị những gì, cho biết thời gian và diễn tiến để trẻ học cách tổ chức đời sống mình, trong những điều nhỏ.

Tôi còn nhớ lần đến thăm gia đình người Việt tại Yokohama, nước Nhật. Buổi tối, bà mẹ ngồi thảo luận với con về cuộc đi chơi ngày hôm sau, bà mẹ nói: “Ngày mai chúng ta sẽ đi chơi với cô đến từ Việt Nam. Buổi sáng, chúng ta đi thuyền dạo trên hồ, trưa ăn cơm ở Phố Tàu, buổi chiều đi siêu thị tại Tokyo. Hai đứa muốn đem đồ chơi gì đi thì tự sắp. Mẹ chuẩn bị bánh cho tụi con. Quần áo thì cần phải mang theo dù và áo ấm, trên hồ sẽ lạnh và có khi gặp mưa”. Ngay tối hôm ấy, hai bé gái: một em 6 tuổi, một em 8 tuổi tự sắp một giỏ đồ chơi, một ba-lô nhỏ quần áo, dù và một cái chăn lớn. Sáng hôm sau, ba mẹ các em chỉ giúp con mang đồ và trải chăn ở phía sau xe. Cả ngày, hai đứa trẻ vui vẻ chơi với nhau, và chúng không hề làm phiền gì đến ba mẹ hoặc những người đi cùng.

Giáo viên và cha mẹ phải nhận ra ngay các trẻ mất định hướng, lơ đãng… khi học tập

Hoặc cả trẻ bị khủng hoảng khi nhận được những yêu cầu phức tạp. Trong trường hợp này, cần có những biện pháp để theo dõi và giúp đỡ. Chẳng hạn, khích lệ trẻ dõi theo một nhật trình và kiểm tra bằng việc đối chiếu với các trẻ cùng lớp về những gì chúng phải làm.

Nếu là những trẻ nhỏ, tuổi mẫu giáo, thì việc học thuộc một bài thơ, bài hát ngắn, kể một câu chuyện đơn sơ và quen thuộc cũng là cách để củng cố nơi các em khả năng ghi nhớ theo trình tự diễn tiến. Việc thao luyện về thứ tự năm tháng và các mùa, số thứ tự theo cách nhớ xuôi hay ngược đều có tác dụng lớn đối với các em.

Những đòi hỏi được theo dõi từ nhà trường có thể là một liệu pháp sốc thực sự để giúp các em có được khả năng quản lý đồ dùng và công việc. Tại gia đình, một môi trường làm việc thứ tự, gọn gàng là một trợ giúp lớn. Cha mẹ cần phải giúp trẻ, nhất là những trẻ có vấn đề về việc tổ chức, biết sắp xếp không gian của mình trở nên thứ tự và gọn gàng, hợp lý và sạch sẽ, có khoa học.

Hãy nhớ rằng mọi sự than vãn và đòi hỏi mà không bắt tay vào một việc cụ thể, đều là vô ích. Tốt hơn, hãy giúp con cái lập một “bản đồ” các vật dụng, cá nhân hay đồ chung, và giúp chúng biết sử dụng những miếng dán nhãn cho các ngăn kéo.

Với những hy sinh và lòng kiên nhẫn, chúc quý phụ huynh từng bước hình thành nơi các con cái não trạng “sống có tổ chức”, để thực sự các em có khả năng sắp xếp đời sống, công việc của mình và đem lại những thành công chắc chắn trong cuộc sống.


Visited 1 times, 1 visit(s) today