GHEN TƯƠNG CÓ Ở TRONG NHÀ

Yêu, ghét, buồn, vui… là những tâm trạng rất người và là điều không thể thiếu. Người ta có thể cảm nhận tất cả những điều này trong ngày sống. Tuy nhiên, có một loại cảm xúc tiêu cực và có sức phá hủy mãnh liệt tương đương với bom nguyên tử đó chính là “ghen tương”. Cảm xúc này đã từng gây ra những hậu quả đau thương. Nó không ở xa xôi nhưng có khi ngay trong chính gia đình, ngay trong chính cái mà người ta thường định nghĩa là tổ ấm yêu thương. Khi chia sẻ đề tài này tôi không có ý phủ nhận những giá trị nhân văn tốt đẹp của mái ấm gia đình, lại càng không muốn phủ lên nó màu sắc u ám tiêu cực. Nhưng vì nó hiện hữu nơi con người, là nguyên nhân làm người ta phiền não, phá huỷ sự an bình, vì thế theo tôi, nhận diện loại cảm xúc tiêu cực này là hết sức cần thiết để có thể tạo nên một tương quan hài hòa và bình an giữa các phần tử trong gia đình, trong nhóm, và trong các tổ chức lớn nhỏ trong xã hội.

Ghen tương hay ghen tị? 

Đôi khi chúng ta hay lẫn lộn giữa ghen tương và ghen tị. Tuy cùng có chung một chữ ghen (trạng thái cảm xúc tâm lý, phản ánh suy nghĩ tiêu cực được biểu lộ bằng những cảm xúc bất an, sợ hãi, tức giận, lo lắng, cảm giác mất mát), nhưng ghen tỵ (lòng đố kỵ) là cảm xúc thiên về sự không bằng lòng về một con người, về kết quả, sự thành công, hạnh phúc nơi người khác. Triệu chứng của ghen tỵ là cảm giác hậm hực, khó chịu, tức tối, bất mãn… Trong khi đó, ghen tương thiên về tình cảm, thường xảy ra trong hôn nhân, gia đình.

Tìm một định nghĩa về: Ghen tương được định nghĩa là một loại cảm xúc tiêu cực làm người ta khó chịu, buồn khổ, chán nản, tủi thân, coi thường chính mình, bực dọc và tức giận… Cảm xúc ấy xuất phát từ việc tin và cho rằng người mình rất thương mến lại đang thương yêu, quý chuộng và quan tâm đến người khác hơn mình.

Chuyện từ cuộc sống

Câu chuyện nhỏ sau có thể giúp chúng ta nhận diện cảm xúc ghen tương hiện diện và ẩn tàng trong cuộc sống như thế nào. Chị H.A. rất băn khoăn khi trút bầu tâm sự với tôi về hai đứa con mới lớn của chị. Vẫn biết rằng ở tuổi này đứa trẻ mới lớn nào cũng có vấn đề nhưng chị vẫn cảm thấy rất lo cho G. H, đứa con trai thứ hai của chị. Càng thương càng lo cho con bao nhiêu chị càng hay cảm thấy sốt ruột, bận tâm và dễ dàng than phiền bấy nhiêu. Chị chỉ ước mơ G. H chỉ bằng một góc đứa con thứ nhất của chị thôi cũng được. Vì suy nghĩ này cứ luẩn quẩn trong đầu nên nhiều lần chị nói thẳng với G. H rằng: “Con học anh con đấy, con chỉ cần cố một góc của anh con thôi cho mẹ đỡ khổ, đỡ lo”.  Chị cũng đã nhiều lần lặp lại câu nói này nhưng G. H. chỉ phản ứng bằng cách sụ mặt xuống và lủi đi để khỏi nghe mẹ so sánh, càm ràm. Một ngày kia, G.H. đang có sẵn một chuyện không mấy vui trong lòng, khi nghe mẹ lặp lại câu nói quen thuộc ấy, cậu nhỏ đã mặt đỏ hừng hực, nghiến răng giận dữ thét lên: “Vâng, con biết rồi, trong trái tim của mẹ chỉ có anh hai là nhất thôi, con chỉ làm phiền mẹ thôi, con chẳng có nghĩa gì với mẹ cả, chỉ thêm gánh nặng và buồn phiền cho mẹ”. Vừa dứt lời cậu nấc lên, chạy một mạch vào phòng riêng, đóng sầm cửa lại. Chị H. A đuổi theo con nhưng cậu bé không chịu mở cửa và cho đến bây giờ cậu vẫn không muốn nói gì với chị. Chị cảm thấy bối rối và lo lắng, không hiểu điều gì đang diễn ra trong cái đầu và con tim của cậu con trai nhỏ.

Nhận diện cảm xúc

Lắng nghe những tâm sự của chị H. A tôi có cảm nhận thực sự cậu con thứ hai của chị đang phải tranh đấu rất nhiều với cảm xúc ghen tương với anh hai của mình. Cậu cảm thấy mình chẳng có giá trị gì so với anh. Chuyện của chị H.A. hôm nay vẫn là chuyện của biết bao gia đình. Cảm xúc ghen tương đến khi người ta cảm thấy người mình thương lại thương và đánh giá người khác hơn mình. Cảm xúc này phát xuất từ một nhu cầu chính yếu và căn bản, đó là nhu cầu yêu và được yêu. Thật vậy, từ khi mới sinh ra cho đến hết cuộc đời ai cũng cảm thấy cần đến ánh mắt thân thương và trân trọng của người khác, nhất là của người mà mình thương mến. Không ai muốn mình bị người khác so sánh với một ai đó. Điều này có thể gây ra những tổn thương lớn, làm cho người ta mất tự tin và bất hạnh trong các tương quan.

Một vài lưu ý cho các bậc cha mẹ

Về bản chất, ghen tuông hay ghen tỵ là một dạng tình cảm ích kỷ xuất hiện khi cảm thấy mình bị người khác bỏ rơi, bị coi thường, phớt lờ, bị đánh giá thấp hơn người khác. Nên quý phụ huynh cần:

  • Phải xác tín rằng mỗi người là duy nhất với nhân cách và những khả năng riêng của họ. Một con người sẽ hạnh phúc hơn, bình an hơn khi họ được là chính họ và được đón nhận như chính họ là. Một khuyết điểm mà chúng ta có thể thường xuyên mắc phải đó là đem người này so sánh hơn kém với người kia. Để tránh gây ra sự ghen tương thì tốt nhất chúng ta cần phải tránh so sánh. Như trong trường hợp của chị H.A và của biết bao bậc cha mẹ khác, một thói quen vô tình nhưng cũng có thể đã làm cho một vài thành viên trong gia đình cảm thấy bị người khác tước đi chỗ đứng vững chắc và hạnh phúc.
  • Khi thấy anh em trong nhà cạnh tranh và ghen tương với nhau vì cảm thấy người khác được yêu thương và quan tâm hơn mình, thì điều cần làm là phải tìm cách khích lệ sự phát triển những nét riêng của từng người (không phải tất cả mọi người con phải giỏi toán và viết đẹp giống nhau, không phải tất cả đều biết đàn nhạc như nhau…). Cần phải nhìn và chân nhận mỗi người trong cả khả năng và giới hạn của họ. Giải thích cho con hiểu là mỗi người có nhu cầu khác nhau, trong cuộc sống thương yêu không có nghĩa là phải san bằng tất cả và làm cho mọi nhu cầu trở nên giống nhau (sinh nhật của anh mẹ nấu phở, sinh nhật của con mẹ nấu bún…).
  • Cha mẹ hãy dành giờ riêng cho từng người. Dành giờ riêng để lắng nghe nhau nhiều khi còn quan trọng hơn việc mua tặng cho nhau đủ thứ vật dụng.
  • Nếu trong gia đình các anh chị em cùng dùng chung một phương tiện (máy vi tính, đồ chơi…) thì cần phải dạy con biết thỏa thuận và trao đổi với nhau.

Bầu khí yêu thương và thuận hòa không phải tự nhiên mà có nhưng cần phải cùng nhau xây dựng từng ngày.  

Bài viết: Nhật Tâm


Visited 4 times, 1 visit(s) today