CẦN MỘT CHỖ DỰA

  • Suỵt, đây là bí mật của em, chỉ nói cho cô thôi đấy. Nhớ giữ bí mật cho em!

Lan Nhung ngả đầu vào tai tôi nói khẽ, vẻ bí mật, rồi lí lắc rút lui. Thực sự, chẳng biết từ bao giờ tôi đã trở thành cái thùng tố-nô để đựng những chia sẻ kiểu này của tuổi teen. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi lướt nhanh về những “gói tâm sự” mà các em đã đổ vào lòng tôi, đầu tôi. Ôi, nhiều lắm!

Có những câu chuyện vui nhẹ như một áng mây mà không nên thổ lộ: đó là chuyện tình cảm của tuổi mới lớn. Có những câu chuyện mang màu xám của lỗi lầm: cũng to đấy, so với tuổi của em. Có những chuyện đầy mùi gây hấn: tất cả đều từ lời qua tiếng lại trên “phây” mà ra. Tuy có chút mệt vì tự nhiên ôm chuyện người vào làm chuyện mình, nhưng tôi vui vì ít nhất được các em tin tưởng, giãi bày, nên tự nguyện làm bầu tâm sự cho các em.

Nhu cầu giãi bày và được hiểu

Trong suốt hành trình dài của đời sống, con người dù ý thức hay không, đều tìm cho mình một nơi nương tựa, một chỗ dựa tinh thần. Cố nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn thật rất thâm hiểu về điều này khi viết “… sỏi đá cũng cần có nhau”. Tính liên đới và tính xã hội này nằm sâu trong chính bản chất người của chúng ta. Và tâm lý học đã dùng từ “gắn bó” để diễn tả nó.

Từ lúc mới chỉ là một hợp tử tí hon, mỗi con người đã được bảo vệ và nuôi dưỡng cách nhiệm mầu trong cung lòng người mẹ. Khi chào đời, chúng ta là một hữu thể độc lập về cơ thể với người sinh ra ta. Nhưng để sống và phát triển, chúng ta vẫn lệ thuộc vào tình thương và sự chăm sóc của người khác. Một đứa trẻ dù non nớt vẫn tiếp nhận cách năng động tất cả những gì được cung ứng. Em dùng rất nhiều ngôn ngữ của cơ thể để diễn tả về nhu cầu em cần được đáp ứng. Em cũng dùng chính ngôn ngữ ấy để từ chối những gì em không thích. Những người quanh em phải cố tìm cách để hiểu những tín hiệu không lời của em.

Khi lớn hơn, em biết dùng lời nói để diễn tả những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Nhưng có phải em sẽ nói hết mọi điều với bất cứ ai em gặp? Không đâu. Em chỉ chọn những ai em tin tưởng, những ai cho em một khoảng trong cuộc đời họ, để em có thể gởi gấm những tâm sự, mà em tin đó là “mồ chôn” những bí mật mà em muốn giữ kín. Thế nên, chỉ ai sẵn sàng lắng nghe và ước muốn lắng nghe những tâm tư cảm xúc của em mới được nghe em tâm sự.

Và không chỉ có em, tất cả chúng ta đều có nhu cầu giãi bày và nhu cầu được thấu hiểu. Chúng ta hạnh phúc khi tìm được một người luôn sẵn lòng lắng nghe chúng ta nói, và cho dù không gặp, chúng ta vẫn có trăm nghìn cách để “giãi bày” với họ về mọi niềm vui nỗi buồn. Người ấy trở thành kho chứa, thành thùng tố-nô, thành một container để ta hồn nhiên và chân thành đổ vào mọi sự trong khoảng trời xanh của mình. Đúng hơn, người ấy thành một chỗ dựa tinh thần cho chúng ta. Chỗ dựa vững chắc này được xây dựng trên tình thương và sự tín nhiệm.

Trong công tác giáo dục, việc trở thành một chỗ dựa là rất quan trọng để có thể đồng hành với người được giáo dục. Chợt phân vân khi nghĩ đến những bậc cha mẹ, thày cô, nhà giáo dục là những người có bổn phận đồng hành với người trẻ, chúng ta có thực sự là chỗ dựa tinh thần cho những người mà chúng ta có trách nhiệm chưa?

Từ suy nghĩ này, Nhật Tâm xin chia sẻ vài ý tưởng về việc làm thế nào để trở thành chỗ dựa tinh thần cho ai đó.

Một câu chuyện thực tế

Trong những giai thoại kể về cuộc đời thánh nữ Pakhita người Sudan, chúng ta bắt gặp câu chuyện về một cậu bé mồ côi. Sau khi mẹ cậu qua đời, cậu quyết định không nói gì với ai. Sự im lặng hoàn toàn của cậu đã khiến cho tất cả những người coi sóc cậu đều nhận định rằng cậu đã mất khả năng nói.

Cho đến một ngày kia, Thánh nữ Pakhita đến phục vụ tại nơi cậu đang được nuôi dưỡng. Cậu bé này đã gây nhiều chú ý cho thánh nữ. Với cõi lòng thương mến và tình mẫu tử, thánh nữ đã kiên nhẫn hỏi chuyện em, lắng nghe và đi vào tâm hồn của em. Cuối cùng thánh nữ đã không chỉ mở được miệng em mà còn mở lòng em nữa, một cõi lòng tuy bé nhỏ nhưng đã bị những tổn thương khép chặt lại.

Với sự đồng hành của thánh nữ em lớn lên và thành công trong cuộc sống. Với em, nữ tu Pakhita là một người mẹ, một chỗ dựa tinh thần vững chắc để em có thể tin tưởng giãi bày, để em được chắp đôi cánh và bay cao bay xa vào xã hội rộng lớn.

Vậy đâu là những phẩm chất quan trọng của một chỗ dựa tinh thần?

Lòng thương mến chân thành

Là cha mẹ, thầy cô, nhà giáo dục, chúng ta có thể trao ban rất nhiều kiến thức, chúng ta có sáng kiến và áp dụng nhiều phương pháp vào việc giáo dục. Thậm chí ta có thể thức khuya dậy sớm để lo lắng cho ai đó. Nhưng điều đó không đảm bảo cho việc ta có trở nên chỗ dựa tinh thần cho họ.

Việc là chỗ dựa tinh thần cho người khác không hệ tại ở việc ta phải ở sát bên cạnh họ về phương diện thể lý, cũng không hệ tại ở việc ta chỉ vẽ mọi đường đi nước bước cho ai. Nhưng nó hệ tại ở việc ta có khả năng thương mến chân thành hay không.

Sau một đời dấn thân cho sứ mệnh giáo dục, Don Bosco đã thốt lên đầy xác tín “Giáo dục là chuyện của con tim”. Từ kinh nghiệm thực tế cá nhân ta thấy, khi chia sẻ tâm tư với một người mà ta biết họ thương mến và trân trọng mình, thì một cách rất tự nhiên, ta bộc bạch tất cả những gì ta suy nghĩ và cảm thấy. Em H. A trong lần tâm sự với tôi đã chia sẻ rằng: Em rất quýcủa em, bởi Dì là người hiểu em hơn ai hết. Bây giờ em đã lớn, đi học xa nhà, không thường xuyên có cơ hội gặp Dì, nhưng em có cảm giác Dì vẫn sống rất gần em. Mỗi khi có chuyện vui buồn em đều nghĩ đến Dì và tự nhắc lại trong trí những lời nói động viên quen thuộc của Dì.

Luôn sẵn lòng lắng nghe và khả năng thấu hiểu suy tư và cảm xúc của người khác là phẩm chất cốt yếu của một chỗ dựa tinh thần. Nét độc đáo của việc lắng nghe cách cụ thể là biết đặt mình vào tâm trạng, tư thế của người khác để thấu hiểu những suy nghĩ, những tâm trạng của người đó.

Một số lưu ý

Để trở nên người biết lắng nghe hơn, bạn cần tránh một số thái độ và cách thức sau:

  • Khi người khác ước muốn chúng ta nghe họ nói, thì trước hết, chúng ta không nên vội vàng tìm cách đưa ra lời khuyên cho vấn đề của họ.
  • Khi người khác ước muốn ta nghe họ thì ta không nên nhảy vào miệng họ ngay lập tức, tức là tiếp lời ngay.
  • Khi người khác ước muốn ta nghe họ, thì chúng ta đừng nên tìm cách giải quyết vấn đề của họ.
  • Khi người khác đang ước muốn ta lắng nghe họ, chúng ta không nên nói: bạn không được nghĩ, không được suy ra như thế!

Những điều lưu ý trên xem qua rất thường, nhưng nó lại là điều chúng ta hay mắc phải. Chính những điều này “đóng nắp” chúng ta lại, khiến cánh cửa thông thường mà ta kiến tạo với người giáo dục bị chặn. Họ chẳng còn hào hứng và niềm tin để đổ vào nỗi niềm riêng, mà cả ta nữa, chúng ta chẳng còn ở tâm thế tiếp nhận, cho vào. Chúng ta đóng cái container lại rồi!

Rất nhiều người mong ước gặp được một người luôn sẵn lòng lắng nghe họ. Chúc các nhà giáo dục trở nên chỗ dựa tinh thần cho ai đó, trở thành chiếc thùng tố-nô, một container chất chứa những nỗi niềm người khác giãi bày, để với sự thấu hiểu, các bạn trở thành một cột trụ – một chỗ dựa tinh thần cho những người đang còn loay hoay tìm một con đường, một nhịp cầu vững chắc để bước tới phía trước.

Bài viết: Nhật Tâm


Visited 2 times, 1 visit(s) today