CÁI GIÁ CỦA HẠNH PHÚC

Năm 5 tuổi, tôi gặp một cú sốc lớn.
Năm đó tôi học mẫu giáo, bình thường thì tầm 11 giờ trưa cha hoặc mẹ sẽ ra trường đón tôi về, nhưng hôm đó, người đón tôi lại là chị họ.
Về đến nhà, tôi chứng kiến cảnh mẹ nằm chết giấc trên giường, tay chân lạnh ngắt, mặt nhợt nhạt, tái xanh. Tôi hoảng loạn, gọi mẹ mãi mà mẹ không trả lời. Cha tôi thì ngồi ở bàn, uống rượu và lầm bầm gì đó tôi nghe không rõ. Bà nội thì lấy dầu gió, xoa và làm nóng người mẹ lại.
Tôi khóc khản cả cổ họng, rồi thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi tỉnh dậy, thì thấy vài cô chú hàng xóm ra vào, xì xào.
– Đã nói rồi, cưới nhau chi cho khổ không biết!
– Nghe nói có bầu rồi mới cưới đó chứ!?
– Con nhỏ đó có máu xấu, hở giận là chết giấc à!
Tôi ngơ ngác, rồi vội chạy sang chỗ mẹ. Mẹ tôi đã tỉnh, tôi lại ôm mẹ, khóc nức nở. Lúc đó, tôi chỉ mơ hồ hiểu rằng, mọi người nói cha mẹ tôi không hạnh phúc là do tôi, vì sự có mặt của tôi mà cha mẹ phải cưới nhau, rồi sống trong cảnh nghèo khó, dễ nảy sinh mâu thuẫn.
Sau ngày đó, cuộc sống gia đình quay lại bình thường, các em tôi lần lượt chào đời. Tuy thế, chuyện xảy ra hồi tôi 5 tuổi vẫn thỉnh thoảng tiếp diễn, và thay vì gào khóc như hồi đó, tôi trở thành chỗ dựa cho các em, nhận thức được rằng gia đình nào cũng có mâu thuẫn, ít nhiều đều phải trải qua những lúc thăng trầm trong cuộc sống. Cũng có năm, nhà tôi ăn tết trong nước mắt của 6 chị em tôi, mọi sự ấm cúng sum họp ngày tết dường như không còn chỗ.
Năm lớp 10, tôi dự lễ Chúa nhật đúng dịp lễ Ngày của Mẹ (tôi chưa từng biết đến ngày này). Cha xứ mới được chuyển đến xứ tôi tuần rồi, và giảng lễ với giọng trầm ấm khác thường. Kết lễ, Cha hạ giọng:
– Hôm nay là Ngày của Mẹ, ngày để chúng ta biết ơn các bà mẹ của mình. Ngày lễ này xuất phát từ phương Tây, nhưng Cha nghĩ, cái gì hay thì chúng ta nên học. Vậy thì, sau buổi lễ này, chúng con về lớp học giáo lý như bình thường, nhờ các anh chị giáo lý viên hướng dẫn nhé, mỗi chúng con hãy làm một tấm thiệp, đơn sơ thôi, viết lên đó vài dòng và lúc trở về nhà, trao tấm thiệp đó trao cho mẹ của mình. Cha nghĩ, đây sẽ là một cách, dù là nhỏ bé thôi, tạo thêm sự gắn kết và hạnh phúc cho gia đình đó.
Tôi nghe những lời đó, trong đầu miên man những ý tưởng và lúc đó, chỉ mong sao mau chóng về đến nhà, để chia sẻ ý tưởng cùng các em của tôi. Nguyên buổi chiều hôm đó, chúng tôi cứ thậm thà thậm thụt, khi thì chạy đi mua cái này, lúc lại cắt cắt dán dán cái kia. Cha mẹ tôi thấy, nhưng chắc cũng nghĩ rằng đó lại là trò mới gì đó của mấy chị em. Tối đến, ăn tối xong, lúc cha mẹ ngồi coi tivi, chúng tôi bất ngờ ùa ra. Tấm thiệp nho nhỏ viết lời chúc mừng mẹ và chữ kí của 6 chị em, 1 gói quà vụng về đựng 1 cái kẹp tóc, và 1 bữa tiệc ngọt chúng tôi gom góp tiền mua bánh kẹo. Tất cả khiến mẹ tôi ngỡ ngàng, còn cha thì cười cười, “Mẹ sướng nhá!”.
Từ đó, một quy tắc ngầm giữa 6 chị em chúng tôi được hình thành: Những ngày quan trọng trong năm như Phục sinh, Giáng sinh, Ngày của Cha, Ngày của Mẹ, sinh nhật cha, sinh nhật mẹ, không cần biết đang ở đâu hay làm gì, chúng tôi đều sẽ cố gắng sắp xếp và có mặt đầy đủ. Tới giờ vẫn thế, mỗi năm, chúng tôi đều thực hiện quy tắc đó, và số thành viên càng đông thêm khi các em tôi có bạn trai, những ngày này đều có sự hiện diện của “những chàng rể tương lai này”, có khi chỉ là một bữa ăn, một vài phút nói chuyện, nhưng quan trọng là gia đình tôi đầy đủ. Những cuộc cãi vã của cha mẹ không phải không còn, những màn giận dỗi có những lúc vẫn xảy ra, nhưng sau đó, tất cả lại được hóa giải.
Tôi có công việc phải ra Đà Nẵng tận 3 tháng.
Nửa đêm, cô bạn thân của tôi gọi.
– Tao quyết định chia tay rồi mày ạ. Thôi coi như 5 năm thanh xuân mất toi, ha ha!
– Sao vậy?
– Thì chẳng đứa nào chịu nhường đứa nào chứ sao? Tao muốn ảnh về Việt Nam, còn ảnh thì muốn cưới xong lại tiếp tục đi làm ở Nhật thêm 2 năm nữa. 2 năm đó. Trong 2 năm đó tao phải làm sao?
– Uhm…
Bạn tôi không khóc, chỉ buồn. Mối tình lâu nhất của nó. Người mà nó đặt hết niềm tin và hi vọng. Người mà nó tin rằng có thể đem lại cho nó hạnh phúc.
– Biết sao được giờ? Tao không muốn rơi vào cái vòng lẩn quẩn, cưới nhau chỉ vì gia đình muốn tao cưới, rồi cãi nhau vì bất đồng quan điểm, rồi đổ lỗi cho nhau vì hồi đó tôi cưới anh hồi đó tôi cưới cô…. Thế thì còn gì là hạnh phúc. Biết rằng mỗi gia đình đều có những cãi vã, những bất đồng, nhưng nếu phải rơi vào những cuộc cãi vã và bất đồng không hồi kết và có khả năng lặp đi lặp lại này thì tao không muốn mày ạ. Tao chẳng muốn tao sinh con ra trong hoàn cảnh thế đâu. Cuộc sống gia đình luôn cần sự hi sinh, mà cả tao và ảnh chẳng ai chịu hi sinh thế này thì thôi, chia tay là cách “hy sinh” tốt nhất.
Nó nói lời chia tay nhẹ như cơn gió. Anh cũng đồng ý với nó. Cả hai lại tiếp tục trên hai đường thẳng song song. Tôi hỏi nó có hối hận không, nó bảo không. Chẳng việc gì phải hối hận cả. Nó chẳng muốn đánh đổi cả đời với thứ hạnh phúc có nhìn kiểu gì cũng không ra đó. Nó còn có thể tìm những người khác mà, có thể mang lại hạnh phúc cho nó.
Tôi hay nghe mọi nguời kháo nhau rằng ừ bạn đó anh đó chị đó gia đình đó lúc nào cũng hạnh phúc, có cuộc sống đáng mơ ước…Nhưng mọi người lại chẳng nghe rằng để có được hạnh phúc như thế, họ phải đánh đổi đến mức nào.
Gia đình tôi cũng phải trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc hết nước mắt, những lúc cáu bẳn, những lúc tưởng chừng cha mẹ tôi sẽ ly hôn tới nơi, để rồi mới bình tĩnh nhìn lại chặng đường đã qua, những biến cố từng trải, những cố gắng của cả nhà để cùng gìn giữ thứ gọi là “hạnh phúc, đáng mơ ước” mà mọi người trong xóm hay bàn tán.
Bạn tôi cũng phải quyết tâm lắm mới đi đến quyết định chia tay. Với nó, đó là điều đúng đắn. Khi mà muốn xây dựng hạnh phúc chung mà đối phương chẳng ai chịu nhường ai, ai cũng mải mê theo đuổi đam mê và khát vọng của riêng mình thì sao có được tiếng nói chung trong cuộc sống?
Nhớ có lần hồi ôn thi môn văn, khi bàn về chủ đề tình yêu và hạnh phúc trong thơ ca, cô dạy tôi bỗng chia sẻ: “Hạnh phúc của cô và thầy cũng giống như pha lê vậy, đẹp, nhưng cực kì mong manh, dễ vỡ, chỉ cần có một tác động mạnh, thì mọi thứ xây dựng bấy lâu sẽ tan tành. Thế nên, giữ mới khó, phá dễ lắm. Nhưng có cố gắng giữ gìn, thì mình mới càng trân quý nó, không muốn dễ dàng mất nó.”
Vậy đó, mọi người hay chia sẻ với nhau về hạnh phúc, nhưng cái giá phải trả để có được hạnh phúc, lại chẳng mấy người chia sẻ. Có người mất cả thanh xuân, có người chấp nhận lùi vài bước, có người chọn ở ẩn, rời xa cuộc sống mình mong muốn, có người lại chấp nhận tan vỡ vài lần. Nhưng dù cho nhu cầu hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình có thế nào, thì chung quy lại, hạnh phúc vẫn cần được xây dựng trên những mất mát, hi sinh, gian khổ, và biết suy nghĩ vì nhau, sống vì nhau.
Suy cho cùng, mỗi cá nhân là một cá thể độc lập, mang trong mình một cái tôi khác, một ý muốn khác, nếu muốn xây dựng cuộc sống chung hạnh phúc mà không chịu nhún nhường, chỉ đề cao cái tôi của mình, thì mãi chẳng bao giờ với tới được cái gọi là hạnh phúc, nhỉ?
-Tùy Phong-

Visited 112 times, 1 visit(s) today