Ở tuổi 12, Luy Lasagna là một đứa trẻ rất sinh động. Những ngày đầu sống với Don Bosco tại Nguyện xá ở Tôrinô, cậu được coi như một sợi chỉ cần phải đem se lại, vì cậu bất kham như một con ngựa tơ; không thể ở yên được. Trước đây, chưa ai dạy dỗ cậu cả, nên cậu rất ghét những ràng buộc của kỷ luật. Don Bosco theo dõi cậu với cặp mắt chăm chú và với lòng kiên nhẫn tột bậc.
Một ngày kia, lúc chập tối, vì quá nhớ nhà, Luy Lasagna trốn khỏi Tôrinô, cậu đi bộ suốt đêm về làng Montemagno. Cha mẹ cậu rất ngạc nhiên, sáng hôm sau liền dẫn cậu trở lại Tôrinô. Don Bosco tươi cười tiếp nhận lại cậu bé; Ngài không nói một lời nào về việc bỏ trốn của cậu, Ngài khích lệ cậu thêm can đảm, cho cậu một cái bánh ngọt. Nét mặt cậu đang hờn dỗi bỗng lóe lên nụ cười đầu tiên. Đó là cách Don Bosco thành công trong việc chinh phục cậu; Ngài đã thấy trước nơi cậu những năng khiếu hiếm có: sinh động, quảng đại, ý chí phi thường, một trái tim đầy lòng thương mến, có khả năng và trí nhớ phong phú. Vào một ngày mùa thu năm 1862, khi đứng giữa đám trẻ, trong đó có cậu Luy, Don Bosco vừa chỉ chung quanh vừa nói thật rõ: “Một người trong các con sẽ là giám mục”. Một lời tiên tri! Về sau, Luy Lasagna, con ngựa bất kham và sinh động ấy, đã trở thành giám mục.
Phạt và tha thứ là vấn đề gai góc. Phạt như thế nào?
* Don Bosco nói: “Đừng lạm dụng các hình phạt. Đối với học sinh hình phạt là bất cứ điều gì ta dùng để phạt: đôi khi chỉ một cái nhìn đã đủ làm trẻ em bật khóc, vì nó cảm thấy không còn ánh mắt cha mẹ âu yếm”. Vì thế, chỉ phạt khi trẻ đáng phạt, nghĩa là khi nó cố ý vi phạm một lệnh truyền đã được ban ra và cắt nghĩa, khi nó phạm một hành vi xấu, và hành động đó đòi hỏi sự sửa chữa. Hình phạt không phải là cách để phản ứng khi uy tín mình bị xúc phạm.
Đây là điển hình của một cuộc đối thoại thảm hại giữa ông bố và đứa con:
– Con phải làm điều này…
Và đứa trẻ cứng đầu:
– Không.
– Ba ra lệnh cho con…
– Không.
– Ba muốn con làm điều đó.
– Không.
– Con phải làm.
– Không.
Quá tức giận, ông bố tát em một cái. Ông được gì? Còn đứa trẻ thì ôm mãi trong lòng một sự oán hờn sâu xa.
* Don Bosco nói: “Hãy điềm tĩnh khi khiển trách hay phạt trẻ em. Không cần phải la mắng”. Ta phạt trẻ em không phải vì em làm ta đau khổ hay làm ta tức giận, cũng không phải vì em chống lại ta, nhưng vì em làm điều xấu. Không nên để trẻ em có cảm tưởng rằng việc sửa lỗi hoặc quở phạt chỉ là do người trên tức giận, hay chỉ là sự trả thù của người trên.
* Don Bosco nói: “Hãy tránh hạ nhục trẻ em”. Đôi khi một sự tiếp đón rất đơn sơ và trìu mến lại có tác dụng hơn, như Don Bosco đã làm với Luy Lasagna khi cha mẹ đưa cậu trở lại Tôrinô sau cuộc bỏ trốn. Điều tốt hơn là chờ đợi cho những cảm xúc đầu tiên nguôi đi và sau đó tiến hành việc chỉ dẫn hay đối thoại thân tình, ngay cả đề nghị một cuộc đi dạo, một việc làm, một trò chơi giúp tâm hồn trẻ em được thư thái.
Đó là cách bậc cha mẹ Kitô giáo tỏ lộ và thông truyền cho con cái tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng tỏ mình cho mỗi người chúng ta bằng một lòng hay thương xót.
“Với trẻ em, hình phạt là bất cứ điều gì ta dùng để phạt. Với một số học sinh, một cái nhìn lạnh nhạt có hiệu quả hơn cả một cái tát. Khen ngợi một công tác được chu toàn tử tế, trách mắng khi chểnh mảng, như thế đã là hình phạt hay phần thưởng rồi. Không bao giờ được sửa lỗi và phạt nơi công cộng, nhưng ở nơi riêng và xa đồng bạn, trừ những trường hợp rất họa hiếm. Nên nhờ lý trí và tôn giáo để giúp học sinh nhận ra lầm lỗi của mình, nhưng phải hết sức khôn ngoan và kiên nhẫn”. (Don Bosco)
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB