Muối và ánh sáng
Muối và ánh sáng là hai vật thể rất quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của mọi người. Người ta dùng muối để ướp cho thịt cá khỏi ươn thối. Cũng vậy, ai nấy đều cần tới ánh sáng. Nếu không có ánh sáng, chúng ta sẽ bị chìm ngập trong bóng tối và gặp nhiều khó khăn trong mọi sinh hoạt. Chúa Giêsu đã dùng hai hình ảnh dung dị này để khải thị sứ mệnh của mọi Kitô hữu. Ngài nói: “Anh em là muối ướp mặn cho đời… Anh em là ánh sáng cho trần gian”. Những học trò của Đức Giêsu được mời gọi hãy thực hiện hai tính năng căn bản này để quảng bá mầu nhiệm Nước Trời cho mọi người chung quanh.
Trở nên muối
Có một câu chuyện ngụ ngôn được kể lại như sau. Muối đến bên bờ biển và cất tiếng hỏi: “Biển ơi, biển là gì ?” Biển trả lời : “Muốn biết ta là ai, ngươi hãy xích lại gần ta”. Muối tiến lại gần biển. Một làn sóng ập đến, đống muối bị cuốn trôi và tan dần giữa biển khơi. Việc trở nên muối luôn hàm ngậm mầu nhiệm tự hủy. Cũng như những hạt muối tan chảy giữa lòng biển mênh mông, người Kitô hữu cũng phải biến tan trong Đức Kitô như lời tâm niệm của Thánh Phaolô : “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi (Gl 3,20).”
Trở nên ánh sáng
Nguồn sáng vĩnh hằng chính là Thiên Chúa. Chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin kính : “Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Ngôn sứ Isaia đã từng tiên báo về kỷ nguyên Thiên Sai : “Dân đi trong bóng tối đã thấy ánh sáng huy hoàng (Is 9,1)”. Chính Đức Giêsu là ánh sáng ơn cứu độ và Ngài cũng đã công bố : “Tôi là sự sáng cho trần gian (Ga 7,12)”. Những học trò của Đức Giêsu cũng phải tiếp nối sứ mệnh cứu thế của Ngài bằng việc trở nên ánh sáng. Thuộc tính này chính là căn tính của mọi Kitô hữu, những người mang danh Kitô.
Công đồng Vat II đã ban hành Hiến chế ‘Ánh sáng muôn dân’ để nói về bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa Giêsu phải trở nên ánh sáng soi chiếu cho muôn dân tộc, bằng chính đời sống cụ thể hằng ngày. Có một lần, Mẹ Têrêsa Calcutta đến thăm một cụ già sống ở ven một khu rừng vắng bên Úc Châu. Nhà của cụ tăm tối và rất bẩn thỉu. Cụ không buồn thắp đèn lên và cũng chẳng quét dọn căn phòng bao giờ. Cụ sống cô đơn một mình và hầu như không có ai đến thăm cụ. Mẹ Têrêsa đã vén tay áo lên quét dọn nhà cửa cho cụ, và mở toang cánh cửa sổ để ánh sáng dọi vào. Cảm nhận được tình yêu ấm ấp từ mẹ Têrêsa, cụ già thốt lên: “Bây giờ tôi đã thấy rồi.” Ánh sáng từ bên ngoài đã lọt vào căn nhà tăm tối của cụ. Nhưng chính ánh sáng từ ngọn lửa yêu thương của tình người đã làm sáng lên những chỗ âm u nơi tâm hồn cụ. Cụ đã thấy, không phải chỉ thấy bằng đôi mắt thân xác, nhưng đã cảm nghiệm những ngọt ngào của tình yêu và sự đồng cảm. Ngạn ngữ phương tây có câu: “Hãy thắp lên một ngọn nến sáng còn hơn ngồi mãi trong bóng tối mà nguyền rủa cuộc đời”. Cho dầu cuộc sống chúng ta có nghiệt ngã hay bầm dập đến mấy, chúng ta vẫn có thể thắp lên một ngọn nến sáng của tia hy vọng cho chính mình cũng như giúp soi chiếu những người khác.
Làm cách nào để trở nên muối và ánh sáng
Nhà văn Leon Tolstoi có viết một câu chuyện ngắn với tựa đề ‘Con người ta sống bằng gì?’. Trong phần kết luận, đại văn hào đã trả lời : “Con người chúng ta sống bằng tình yêu”. Đúng vậy, nếu không có tình yêu, con người chúng ta sẽ chết dần chết mòn trong bóng tối của sợ hãi và thất vọng. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma cũng đã viết : “Yêu mến là chu toàn lề luật (Rm 13,10b).” Luật lệ mà Chúa Giêsu đặt làm khung căn bản cho cuộc sống Kitô hữu chính là luật tình yêu : “Cứ dấu này, người ta nhận biết anh em là môn đệ thầy, là anh em hãy thương yêu nhau’ (Ga 13,35).
Như vậy, để trở nên muối và ánh sáng theo lời khuyến mời của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải quảng diễn tình yêu giống như Chúa Giêsu đã nêu gương. “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34b). Chúng ta đã nghe rất nhiều về lời trăn trối này. Đó là bản di chúc thiêng liêng Đức Giêsu đã để lại trước khi Ngài đi thụ nạn. Nhưng chúng ta cần tra vấn lương tâm và xét mình mỗi ngày xem chúng ta đã thực hành giới răn đó như thế nào. Tình yêu chân thật đòi hỏi phải biết quảng đại cho đi. Muối muốn trở nên hữu dụng cần phải tan chảy. Đó chính là mầu nhiệm của sự tự hủy. Ánh sáng muốn được thắp lên, phải tiêu hao nhiên liệu. Định luận đơn giản ấy cũng phải được áp dụng cho mọi Kitô hữu.
Kết luận
Tạp chí Times có thuật lại chứng từ của một cựu quân nhân Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Ông ta tên là Avares, một phi công của không lực Hoa Kỳ, bị bắt vào năm 1964, bị giam tại trại tù Hòa lò và được phóng thích trong đợt trao trả tù binh vào năm 1972.
Năm 1990, trong lần trở lại Việt Nam với phái đoàn làm phim tài liệu, ông đã đến thăm Hòa lò, nơi ông bị giam giữ suốt 8 năm trời. Avares đến ngay căn phòng cũ chỗ ông bị giam và lấy tay cạy lớp vôi trên bức tường vừa mới được sơn phết lại. Hình một cây Thánh giá mờ mờ dần lộ ra. Ông chỉ vào cây Thánh giá và nói với mọi người : “Tôi vẫn nhìn lên cây Thánh giá này và cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ vậy, tôi có được sức mạnh vượt qua những tháng ngày đen tối nhất. Chung quanh tôi là cả một bóng đêm dày đặc. Nhưng Thánh giá của Chúa Giêsu đã trở nên nguồn sáng vô tận soi dẫn giúp tôi tiến bước giữa bóng tối của tuyệt vọng và chán chường”.
Chúa Giêsu là ánh sáng cho trần gian. Là những học trò của Ngài, chúng ta cũng phải trở nên ngọn đèn sáng soi dẫn cho mọi người.
Văn Hào, SDB