Ở cái tuổi đang lớn, cha mẹ vất vả làm thuê từ sáng đến tối mịt mới về, không có thời gian và kiến thức hướng dẫn con khi sống trong xã hội tiến bộ từng ngày, em như cây hoang dại không được chăm sóc, ngu ngơ hòa mình vào đám bạn nghỉ học. Em hay kéo bè lũ đánh nhau, uy hiếp những bạn cùng trang lứa, trở thành thiếu nhi cá biệt trong nhà thờ: Lầm lì, nói tục, trốn học Giáo lý, đi lễ không vào nhà thờ. Tuổi ấy mà vẫn chưa lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
Một lần kia đang giờ lễ thiếu nhi, thấy em đang đi lang thang ngoài đường gần khu vực nhà thờ, tôi đến hỏi han. Em tỏ bày bất mãn với môi trường gia đình, cha mẹ mải làm không gần gũi chuyện trò, bị anh chị Giáo lý viên xem như thành phần bỏ đi, không còn giá trị con người…và em không có bất cứ niềm tin hay cơ hội nào để được sửa đổi. Chán, và buông.
Em chơi vơi trên lối nhỏ cuộc đời, thiếu săn sóc từ gia đình, chịu sự khinh khi, xem thường của mọi người. Dường như em biết lỗi, nhưng không có điểm tựa để vươn lên. Là Giáo lý viên, thỉnh thoảng tôi cũng gặp vài thiếu nhi chưa ngoan, nhưng với em thật khác. Tôi nghĩ phải “kết bạn” động viên em sửa mình, dự lễ và trở lại lớp Giáo lý; kiên nhẫn lắng nghe em trải lòng những ưu tư vụn vặt. Mấy tháng sau, em đổi thay rõ rệt, trở lại tham dự các sinh hoạt của đoàn thiếu nhi, nên ngoan ngoãn hơn. Có lần em nói: “Con nghe lời vì cảm nhận tình thương chân thành. Nói chuyện với cô, con thấy bình an, vui tươi. Con không bị coi thường khinh chê….”
Một trải nghiệm trong vai trò huấn giáo. Thật vậy, giáo dục luôn ưu tiên hiện diện song hành để khơi dậy những nhân tố tốt lành nơi người trẻ, nhất là trẻ lứa tuổi thiếu niên, ngoài việc chăm sóc thể lý, các em cần nâng đỡ tinh thần. Do đó, cách giáo dục nên uyển chuyển phù hợp, thích ứng với thời đại và có những nguyên tắc nhất định.
❤Giáo dục trong tâm tình bao dung, yêu thương
Xã hội tiến bộ, văn hóa mở rộng nối kết con người khắp thế giới, trong đó ưu – nhược có đủ, những cái hay, cái hữu ích gia nhập, đồng thời cả cái xấu, độc hại cũng theo vào tiêm nhiễm. Giới trẻ ngày nay chơi vơi trước những mời gọi hấp dẫn, nhưng không được trang bị kiến thức phân định tốt xấu để học, hay tránh. Là những người mang trách nhiệm giáo dục: Cha mẹ, thầy cô, anh chị Giáo lý viên cần trau dồi kiến thức, kỹ năng tâm lý lứa tuổi để tham gia giáo dục. Hãy học theo gương Đức Giê-su, chỉ bằng sự bao dung: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11) mà cảm hóa đâu chỉ riêng người phụ nữ ngoại tình ngày ấy, mà cho biết bao phận người tội lỗi có niềm tin được “hồi sinh nhân phẩm” mà sám hối, ăn năn.
❤Giáo dục với tinh thần tôn trọng
Thiếu niên tuổi nhỏ nhưng vẫn cần được tôn trọng và động viên kịp thời. Sự tôn trọng là đòn bẩy giúp em nhận ra bản thân còn giá trị và có động lực sửa mình. Người làm giáo dục đừng nản lòng, thất vọng khi trẻ chưa ngoan và nghĩ các em không còn khả năng uốn nắn. Đừng nhìn vào khuyết điểm, lỗi phạm, giới hạn của một thiếu niên mà dè dặt niềm tin đổi thay chúng, nhưng hãy tìm điểm tích cực, điều tốt lành để tác động, khích lệ em vươn lên tốt hơn. Như cây non sẽ hồi sinh khi chúng ta nỗ lực vun vén.
❤Hãy là điểm tựa khi các em cần nâng đỡ
Thiếu niên mang thể lý người lớn nhưng tâm hồn chưa thật trưởng thành. Cha mẹ, thầy cô, anh chị Giáo lý viên nhẫn nại, dành thời gian trò chuyện, lắng nghe các em tâm sự, khi đó mới biết điều đang xảy đến với chúng, và hướng dẫn các em sống đúng, không mắc sai lầm đáng tiếc. Tâm lý lứa tuổi dễ dao động, các em lầm tưởng và muốn khẳng định mình nên liều lĩnh sống, bất chấp hậu quả việc làm, hoặc chán chường thất vọng buông bỏ khi gặp tình huống không giải quyết được. Chúng ta quan tâm, gần gũi, kịp thời nâng đỡ em cân bằng tinh thần và sống tích cực.
❤Nêu gương sáng
Các em đâu cần kiến thức gói trong trong sách vở, hay mỹ từ huấn giáo, nhưng chính người hướng dẫn là những nhà sư phạm đầu tiên, tốt nhất. Không bài học, lời dạy nào hiệu quả bằng lối sống đạo đức, lời nói chuẩn mực của chúng ta để các em cảm nhận bắt chước, noi gương. Hãy xem, thời Chúa Giêsu, với những con người đơn sơ, mộc mạc, chỉ duy nhất bằng thái độ yêu thương tận tình, Chúa đã nên một hấp lực lôi cuốn bao người tin theo, vì họ cảm nhận niềm vui và hạnh phúc khi ở bên Chúa. Mẹ Teresa Calcutta chỉ âm thầm phục vụ người nghèo, bệnh nhân, nhưng các trường đại học mời đến thuyết trình như là một chính khách, vĩ nhân.
Tóm lại, nhà giáo dục cần xác định điều cơ bản này là giáo dục phải xuất phát tận con tim. Uốn nắn, rèn giũa con người bằng gương sáng. Lấy tình yêu chân thành, bao dung để cảm hóa, huấn luyện. Trên nền tảng đó, chắc chắn chúng ta sẽ thu được thành quả là những thế hệ người trẻ lớn lên với một nhân cách trưởng thành.
Dung Nguyễn