Đứng ủi chiếc áo dài, chuẩn bị cho ngày mai Thủy vào đi học lớp 10, mà lòng tôi bồi hối thấy lạ. Nhanh thật, ngày nào con còn là cô bé bé bỏng, hay khóc nhè nhưng cũng rất mạnh mẽ, mà bây giờ đã trở thành thiếu nữ rồi, trong mắt mẹ, con mãi chỉ là một cô bé…
—
Ngày ấy, ở quê, trẻ con thường đi học mẫu giáo sớm, vì ba mẹ phải đi làm để kiếm tiền, chứ không thể ở nhà chăm con tới lớn được. Nhưng bé Thủy nhà tôi thì tới 5 tuổi mới đi mẫu giáo-kể ra là trễ so với bạn bè cùng xóm.
Trường mẫu giáo thì không có gì quá lớn lao, mà chính là nhà giữ trẻ của các Sơ trong giáo xứ. Vào thời khó khăn, nên các Sơ cũng không thu tiền học theo tháng, đơn giản là mỗi ngày đến trường thì gởi tiền vào một chiếc hộp nhỏ để ở trước cửa. Ngày nào quá khó khăn, có thể…xin thiếu, bữa sau sẽ gởi bù. Thế nhưng, các bé luôn được các Sơ quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ rất chu đáo.
Như bao đứa trẻ khác, ngày đầu đi học, bé Thủy cũng vừa đi vừa khóc, lúc tới lớp, Sơ dỗ mãi mới chịu buông tôi ra. Nhìn con khóc tôi cũng xót lòng lắm, nhưng cũng phải cứng rắn để con còn đi học với các bạn. Vài ngày sau, bé Thủy đã vui vẻ đi học, không còn mè nheo với tôi nữa.
Nhưng khoảng một tuần sau, tôi đến rước con thì thấy bé khóc nhiều, Sơ liền bảo:
- Bé Thủy ngoan nhưng học chữ chậm lắm, một tuần rồi mà chưa học được trang đầu của bài học đánh vần nữa!
Thủy đứng kế bên, nép mình sau chân tôi và lại thút thít.
Tối đó, tôi đã ngồi lại cùng Thủy, mở quyển sách học vần và cùng con học từng chữ một,
“I – đi học
U – cái lu
Ư – cái lư”
(sách học vần ngày xưa!)
Thủy đọc được hai câu đầu, nhưng cứ tới chữ “Ư” thì con lại không học được. Tôi cố gắng dạy bé cả tối nhưng được một lúc bé lại quên.
Sáng hôm sau, Thủy không chịu đi học, chắc là vì nghĩ mình vẫn chưa đọc được chữ, sợ Sơ mắng và bạn bè cười. Tôi liền bảo con:
- Mình không biết mới phải đi học để các Sơ dạy mình, chứ Thủy mà cứ ở nhà là sẽ không bao giờ giỏi được như các bạn đâu!
Nghe thế, Thủy vẫn chưa dừng mếu máo, nhưng đã chịu đến lớp. Lúc đưa con vào lớp rồi, tôi quay về mà lòng vẫn chưa yên. Liền đứng nép lại ở một gốc cây gần đó, lấp ló nhìn vào lớp học của con và im lặng lắng nghe. Một lúc sau, không nghe thấy tiếng khóc nữa tôi mới yên tâm ra về. Cả ngày hôm đấy, tôi đi làm mà lòng vẫn cứ nơm nớp lo cho Thủy, mong sao mau tới chiều để được rước con về. Rồi buổi chiều cũng đến, tôi tranh thủ hoàn thành công việc và đến rước con sớm. Thấy tôi, Thủy vui vẻ nhảy chân sáo ra khỏi lớp, vòng tay chào các Sơ rồi chạy ào về phía tôi với nụ cười tươi rói.
Tôi ôm Thủy vào lòng và hỏi:
- Hôm nay Thủy học có ngoan không nè?
Thủy cười thật tươi và kể:
- Hôm nay Sơ cho con làm cô giáo á! Sơ cho con lên bảng, cầm thước chỉ cho các bạn đánh vần theo!
- Thủy vui không nè?
- Dạ, vui lắm ạ! À! Mẹ nè, con đọc được chữ “Ư – cái lư” rồi đó mẹ! Sơ nhờ bạn Tâm học cùng con á, bạn Tâm chỉ một lúc là con nhớ luôn! – Nói xong, Thủy cười thật tươi với vẻ mặt đầy tự hào.
- Thật không? Thủy của mẹ giỏi quá!
Tôi ôm con vào lòng, mọi lo lắng như tan biến. Tối đó, Thủy mang quyển học vần ra, đánh vần cho tôi nghe từng chữ một. Nhìn con vui tươi học tập và nhất là có thể hòa nhập với lớp, tôi hạnh phúc lắm.
Sau này, khi học viết, Thủy không thể viết chữ “k” vì cái “nghéo ở bụng”. Sau nhiều ngày tập mà không được, tối đó, Thủy tắt đèn đi ngủ, một lúc sau, tôi thấy con bật dậy, mở đèn lên và cầm bút viết, bé tập trung, cố gắng nắn cây viết từng chút một, và cuối cùng con cũng viết được. Con nhảy cẫng lên vui mừng, nhìn con, tôi hiểu, con đang lớn lên từng ngày, và tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa, để có thể đồng hành bên con.
—-
“Ngày mai thôi, con sẽ là học sinh cấp 3, những gì con học sẽ dần vượt ra khỏi tầm hiểu biết của mẹ, và đặc biệt, đây là giai đoạn quan trọng để con định hình tính cách. Nhưng con đừng lo, hai mẹ con mình cùng cố gắng con nhé. Mẹ tin con có thể thích nghi với môi trường mới với thầy cô và bạn bè mới, đặc biệt, con sẽ học được thật nhiều kiến thức và những điều hay. Con của mẹ luôn là cô bé mạnh mẽ và đầy ý chí mà!
Hồng Anh