HÌNH PHẠT PHẢI HỢP LÝ

Năm 1884, bốn năm trước khi qua đời, Don Bosco tới Lanzo. Trong một buổi đi dạo, có những học sinh vô kỷ luật bắt được một tổ sáo. Chúng đem về trường, giấu ở một ngăn tủ trong nhà ngủ. Tiếc thay những con sáo nhỏ ấy chết dần. Khi con cuối cùng chết, chúng quyết định đem chôn trong giờ giải trí; chúng cử hành theo các nghi thức an táng trong phụng vụ. Chúng hát những bài thánh ca, rẩy nước thánh, sau cùng là bài điếu văn.

Từ cửa sổ, Don Bosco theo dõi cảnh tượng đó; sau khi chúng trở lại phòng học, Ngài cho gọi em đứng đầu nhóm khó dạy đến. Với vẻ mặt nghiêm nghị, Ngài cho em hiểu em đã làm một điều không tốt: một sự xúc phạm không được phép tái diễn. Em rơi lệ. Lúc ấy Don Bosco đổi giọng: Ngài nói Ngài tha thứ cho em và cho các bạn nữa. Và trước khi để em đi, Ngài đưa cho em một hộp kẹo nhỏ và dặn: “Con cầm lấy đem chia cho các bạn nữa”. Điều này khiến em quá đỗi ngạc nhiên.

Don Bosco dạy: “Đôi khi phải phạt. Thật đáng tiếc! Nhưng hãy hoãn lại bao lâu có thể. Hãy làm cho các hình phạt được hợp lý. Điều cần là làm cho trẻ em biết tiếp nhận các hình phạt đó. Vì thế, hãy làm sao để nói với cõi lòng em. Trước hết đừng hạ nhục trẻ em, vì như thế sẽ làm phát sinh những phản ứng xấu…Không được tức giận, cho dù chính đáng! Không nói lời lạnh lùng hay cứng rắn. Hãy đơn sơ nói với em có lỗi: “Tôi không hài lòng về em”. Làm được điều này đã là thành công chín phần mười rồi.  

* Khoa sư phạm ngày nay đề cao những thái độ trên của Don Bosco và nhấn mạnh rằng trẻ em càng quý chuộng ta và ta càng yêu mến chúng thì việc ta không tán thành chúng hoặc tỏ ra bớt tin tưởng, bớt thân thiện, bớt tình bạn đối với chúng đã là một hình phạt đáng sợ và do đó đủ có hiệu quả cần thiết.

* Hình phạt có tính giáo dục nhằm cải hóa người làm điều xấu trở nên tốt hơn, chớ không nhằm bộc lộ những bực dọc và cáu kỉnh. Vì thế nó cần được trẻ em hiểu và tiếp nhận. Không được hạ nhục hoặc ức hiếp đứa trẻ. Khi ra hình phạt ta cũng phải tỏ cho em biết rằng ta lấy làm tiếc và không thích phạt.

* Ngày nay người ta tranh luận xem đánh đập có còn được coi là hình phạt nữa hay không. Có người nại tới việc đánh đập, có người tuyệt đối loại bỏ. Một nhà giáo dục tức là người ngoài gia đình, không bao giờ được quyền đánh đập, vì đánh đập là xúc phạm tới học sinh và như thế là sai lầm.

* Ngay cả cha mẹ hay họ hàng cũng không được đánh đập một cách tàn nhẫn hay gây đau đớn cho trẻ em. Một nhéo tai, một cú tát, đứa trẻ có thể chấp nhận: đó là một luật trừ, nhất là khi thấy cha mẹ em đau khổ vì phải phạt em và sở dĩ phạt em là chỉ vì muốn em nên tốt hơn. Khi nhận ra rằng cha mẹ miễn cưỡng phải dùng những phương thế ấy, đứa trẻ sẽ xúc động và được cảm hóa. Theo tâm lý tự nhiên, trẻ em nên được cư xử khoan dung hơn.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


Visited 2 times, 1 visit(s) today