ZÉRO LOẠI

Trước năm 1975, kỳ thi tú tài là quyết định cho sự nghiệp học tập của học sinh sau nhiều năm mài đũng quần trên ghế nhà trường. Trong kỳ thi có môn chính và môn phụ, tuy nhiên, mỗi môn, dù là phụ, đều có thể là điểm loại cho cả kỳ thi. Khi ai đó được cho số zéro, đóng khung rồi đề thêm chữ ‘loại’, viết lý do, thế là xong đời. Các thí sinh bị loại hầu hết là vì góp giấy trắng, hoặc chỉ chép đề rồi ra về. Một ít viết nhảm nhí trong bài thi cũng bi loại luôn.

Đối với tôi, việc cho số zérô rồi đóng khung là việc quá thông thường, kỳ thi nào cũng có. Tất cả lý do đều là: “giấy trắng”. Chỉ một lần duy nhất, bài được điểm zérô không phải là “giấy trắng” mà là một bài dài lượt thượt, có chút kiến thức đúng với đáp án. Tôi nhớ mãi lần đó đến độ về sau, điểm ‘zéro loại’ của bài này vẫn ám ảnh tôi mãi và trở thành nỗi ray rứt, mấy chục năm rồi cũng vẫn còn.

Lúc ấy tôi chỉ thực sự mới đi dạy, câu chuyện xảy ra lúc tôi còn trẻ lắm, vẫn còn tính nông nổi và tự cao tự đại. Thông thường, khi lãnh một xấp bài thi do tổ trưởng trao, giám khảo cầm trong tay, đưa lên, đưa xuống để ước lượng sức nặng của nó. Xấp bài nhẹ thì lòng giám khảo cũng nhẹ vì mỗi thí sinh chỉ làm bài trên một tờ giấy, trong đó có những tờ giấy trắng, vèo một cái là chấm xong. Xấp bài nặng thì lòng giám khảo cũng nặng theo vì ngay trước mắt là những giờ dài cắm cúi trên những trang giấy dầy đặc chữ viết.

Tuy ngao ngán vì xấp bài nặng trĩu nhưng khi cầm cây bút đỏ trên tay, tình cảm thầy trò vẫn bàng bạc trong lòng. Gặp những bài làm đúng, nét chữ rõ ràng dễ đọc, trình bày mạch lạc thì vui thích lắm. Giám khảo thường nắn nót một số điểm khả quan vào ô điểm và câu khen ngợi không tiếc lời trong ô lời phê. Trái lại, gặp những bài chữ nguệch ngoạc, căng mắt ra để đoán suốt cả hơn mười trang giấy, quả thực là cực hình. Nỗi bực tức khó lòng mà kiềm chế được.

Dạy ở các lớp thi, tôi luôn luôn nhắc nhở học sinh nhiều lần trong năm học về việc trình bày bài thi của mình. Tôi biết học sinh ít để tâm đến lời khuyên của thầy nên tôi thường mô tả tâm trạng của giám khảo bằng hình tượng so sánh như thế nầy:

“Khi bắt gặp một truyện ngắn hay nhất thế giới, các em có thể đọc đi đọc lại bao nhiêu lần? Ba lần? Sáu lần? Mười lần? Không thể hơn được nữa. Thế mà trong kỳ thi, chúng tôi, mỗi người phải đọc chuyện ngắn dở nhất thế giới, liên tiếp hàng trăm lần mỗi ngày”. Ngao ngán không biết chừng nào mà kể. Hơn nữa, đâu phải đọc suông như đọc tiểu thuyết giải trí mà phải căng óc ra để suy nghĩ và nhận xét đúng sai. Trong tâm trạng đó, nếu gặp bài trình bày lôi thôi, bực mình là điều dễ hiểu.

Nhiều em lại viết chữ quá xấu, cẩu thả, đá móc lung tung, có khi đọc không nổi, phải đoán mò từng chữ. Khổ nỗi, những bài như thế thường rất dài, có khi đến hơn năm tờ giấy đôi tức là hơn hai mươi trang lớn tất cả. Tôi cam đoan, có nhiều thầy cô, không đủ kiên nhẫn, đã bỏ qua một số đoạn của bài làm, nhất là vào giờ cuối cùng của buổi chấm thi, khi đã mệt mỏi rã rời. Vì vậy, có nhiều học sinh rớt tú tài, không phải vì thiếu kiến thức mà vì chữ quá xấu.

Tôi biết, lỗi không hoàn toàn do các em, mà chính yếu là do các thầy cô ở bậc tiểu học. Viết chữ xấu là khuyết điểm trầm trọng nhất trong những năm học đầu đời của các em; đến lớp mười trở đi, khuyết điểm đó trở thành nhược điểm, không thể nào sửa được nữa. Tôi cũng nhắc nhở các em rằng không chỉ trong thi cử mà chữ viết tròn trịa và dễ thương trong các lá thư, trong những đơn xin việc sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp đầu tiên nơi người nhận và góp phần không nhỏ cho sự thành công trong cuộc đời mình. Tôi xem trọng chữ viết của các em như thế đó, và tôi cũng ước mong cha mẹ học sinh và các thầy cô dạy tiểu học cùng chia sẻ quan niệm của tôi.

Bây giờ, tôi xin trở lại bài thi mà tôi đánh rớt. Đó là một bài thi gồm bốn tờ đôi, đủ mười sáu trang giấy thi khổ lớn, đầy những dòng chữ khó coi vô cùng, phải vừa đọc vừa đoán ý người viết. Thí sinh trả lời đủ năm câu hỏi của đề thi, cũng có trúng phần nào đó với đáp án, nhưng ít thôi còn phần lớn thì sai hoặc tôi đọc mà chẳng hiểu gì. Mỗi phần trong bài làm chỉ gồm một câu duy nhất kéo dài, có khi đến năm trang giấy, không một dấu chấm, không một dấu phết.

Bạn bè thường khen tôi tận tâm với bài thi vì khi chấm thi, tôi cố gắng nhắc nhủ mình không được bỏ sót một chữ nào trong bài thi vì mỗi chữ đều là một công sức trí tuệ của các em. Do đó, với bài thi nầy, tôi lặn ngụp trong một vũng lầy hay đúng hơn một sa mạc mênh mông đầy cát nóng bỏng, không một bóng cây, không một ốc đảo. Nỗi bực tức cứ tăng lên dần thành sự phẫn nộ.

Đến khi tôi thoát ra khỏi sa mạc đó, tôi không còn tự kiềm chế được nữa. Tôi quất ngay hai con số không và đóng khung lại, mạnh tay cho đến đỗi gần rách giấy. Còn lý do để loại, tôi ghi vào: “Không viết được Việt ngữ, không xứng đáng đậu tú tài!”. Dĩ nhiên, đây chỉ là lý do thứ yếu. Tuy nhiên, lý do này không phải là bịa đặt, vì ngoài lỗi không chấm câu, thí sinh còn phạm vô số lỗi về chính tả và văn phạm trong bài.

Khi anh tổ trưởng kiểm tra lại, lúc đầu anh ngạc nhiên vì bài mười sáu trang mà bị loại. Nhưng chỉ cần nhìn trang đầu thôi, anh cũng không có can đảm đọc cho biết bài đúng hay sai. Anh liếc sơ mấy trang sau và nhanh chóng thông qua và ghi vào biên bản, hay đúng hơn, ghi vào bảng danh sách các bài bị loại và số mật mã của bài thi. Đến đó là xong vì kỳ thi thường kéo dài, mọi người đều mệt mỏi, lại có hàng núi công việc phải giải quyết cho đúng quy chế để kết thúc hội đồng cho gọn gàng, nên một việc nhỏ mọn như thế thì chẳng ai quan tâm sau đó.

Người quan tâm duy nhất là tôi. Lúc đầu, tôi cũng hiu hiu tự đắc lắm vì nghĩ rằng đã chứng tỏ mình là người rất yêu tiếng Việt, rất tha thiết với ngôn ngữ của Tổ quốc mình.

Dần dần, tôi cảm thấy lờ mờ, có một cái gì đó có vẻ không ổn trong quyết định bốc đồng này, vì bằng Tú tài rất quan trọng và có tính quyết định khá cao trong bước ngoặt của một đời người. Cụ thể, mới chỉ cách đây không lâu, khi tôi đậu Tú tài thì cả làng đều biết mặc dù làng tôi cách Sài Gòn, nơi tôi sống, đến hơn một ngàn ki lô mét. Hè năm đó, khi đậu xong, cha tôi bảo tôi về thăm làng. Ngay hôm tôi về, tối đến, có ba cụ lớn tuổi trong làng, áo dài khăn đống đến thăm, mang theo một cái gói to và nhẹ. Các cụ trịnh trọng đặt gói lên bàn và dở ra. Bên trong là một tấm hoành phi có tua vàng. Trên nền vải đỏ, có bốn chữ Hán viết kiểu đại tự màu hoàng kim rực rỡ. Hai cụ đứng hai đầu căng tấm hoành ra. Cha tôi đứng yên nghiêm giọng đọc to: “Tam đại khoa bảng” (ba đời thi đậu). Ông nội tôi đang ngự trên bàn thờ, cha tôi thì đứng đó một cách kính cẩn, còn tôi lặng người đi vì kinh hoảng. Sống trong bầu khí này, trong lòng tôi càng thêm áy náy về con số ‘zéro loại’ mà mình đã cho. Chắc chắn thí sinh nọ đã rớt ở khóa đó rồi.

Có lúc tôi tự an ủi rằng, nếu tôi không loại thì thí sinh ấy cũng rớt vì các môn khác do chữ viết cua bò. Lúc khác, tôi lại tự trách mình là nguyên nhân làm cho em rớt và biết đâu đó là đứa học sinh nghèo mà bằng tú tài cần thiết cho việc kiếm sống của em. Tôi cứ lẩn quẩn với nhiều câu hỏi trong đầu. Tại sao tôi lại cho zéro loại để đánh rớt em? Quả thật, tôi có lòng yêu tiếng Việt từ thuở nhỏ, nhưng tôi có quyền nhân danh tình yêu tiếng Việt đến đánh rớt một thí sinh hay không? Rồi tôi lại tự an ủi: “Mỗi kỳ thi có hàng chục ngàn đứa rớt, loại một thí sinh thì có nghĩa gì đâu”…

Tuy nhiên, sau khi kỳ thi đó chấm dứt, với sự áy náy dâng cao tôi thành tâm cầu mong thí sinh đó được đậu vào khóa sau. Cầu mong như thế để hi vọng giảm bớt sự cắn rứt của lương tâm mình.

Trong cuộc đời, thường ai cũng có ít nhất một lần lầm lỗi để mà hối hận. Đối với tôi thì việc đánh rớt thí sinh đó gây cho tôi sự hối hận kéo dài nhiều năm và cho đến bây giờ một chút dư âm của niềm hối hận xưa kia vẫn còn phảng phất trong lòng. Để kết thúc câu chuyện buồn nầy, tôi xin nhắn nhủ đến các thầy cô trẻ tuổi rằng phải suy nghĩ hết sức cẩn thận mỗi khi đặt bút xuống để đánh giá học sinh của mình.

Bài viết: Gs Võ Phá


Visited 3 times, 1 visit(s) today