Ích kỷ không đợi tuổi
Tôi coi một lớp học sinh bán trú cấp I. Sau khi tan học ở trường, các em đến lớp của tôi để ăn trưa, nghỉ ngơi và học kèm buổi chiều. Bởi số lượng các em ít nên tôi có thể chăm sóc từng em một. Một ngày nọ, khi ra ngoài mua thêm đồ ăn trở về, tôi thấy điều khác với mọi khi là tự nhiên cánh cổng đóng kín mít. Sau một hồi chuông, cánh cửa sổ nhỏ ở cổng mở ra. Có một cái đầu nhô lên, một đôi mắt nhìn tôi rồi a lên một tiếng: “Cô à?”. Em nhanh nhẹn mở cổng, phía bên trong là mấy em học sinh của tôi đang tụ lại để thì thầm to nhỏ.
Bất chợt tôi hỏi: “Sao, có chuyện gì mà hôm nay các em lại đóng cổng vậy”. Bọn trẻ im thít, sau đó Lan – một học sinh lớn nhất nhóm tiến đến hỏi: “Cô ơi, có phải hôm nay có bạn mới đến lớp mình không?”. À ra thế! Không trực tiếp trả lời câu hỏi của các em, tôi hướng các em về câu hỏi: “Sao? Cô muốn hỏi là vì sao các em lại đóng cổng lại thế?”. Một em khá đanh đá trả lời: “Chúng em đóng cửa lại vì không muốn bạn vào lớp chúng em”. Tôi tấn công: “Có phải các em sợ phải chia phần cơm, chia phần đồ chơi với bạn mới không?”. Không ai trả lời, thay vào đó là sự yên lặng đồng tình, và sự yên lặng đó còn nói lên cả nguyên do khác nữa.
Tôi đến chỗ em Nguyên, một học sinh trước đây rất nhút nhát. Tôi hỏi: “Nguyên còn nhớ bữa đầu tiên em đến lớp này không? Em đã nói với cô là em thích gì nhất nhỉ?”. Nguyên chớp chớp mắt trả lời: “Bởi vì em rất nhát, nên khi được cô cho giới thiệu tên của mình, em sợ. Nhưng tràng pháo tay của các bạn làm em quên cả sợ hãi. Em thích nhất là sự vui tươi hồn nhiên của các bạn”. Tôi tiếp lời: “Nhờ có sự hiện diện của Nguyên mà lớp chúng ta lúc nào cũng sạch sẽ ngăn nắp. Đấy, có thêm bạn thì nhóm mình càng phong phú có phải vậy không?”.
Bầu khí trở nên dễ chịu hơn, các em đến bàn ăn và tôi giới thiệu học sinh mới. Xem như mọi chuyện đã ổn, nhưng tôi biết đó chỉ là mặt nổi. Phần thái độ chìm ở phía sâu còn cần nhiều thời gian để giáo dục nữa, mới mong các em thực sự bình yên.
Và tôi bắt tay ngay vào hành trình giáo dục ấy với điểm nhấn rõ ràng: Lòng vị tha.
Lòng vị tha: viên ngọc quý cần được đánh bóng
Ngược lại với tính ích kỷ là vị tha, tức là sống cho người khác. Nếu người ích kỷ chỉ tìm cách vun vén và tranh dành cho quyền lợi cho cá nhân mình, thì người có lòng vị tha biết làm những hành động cao thượng cho người khác với con tim vô vị lợi. Người nào có lòng vị tha cũng được quý mến, vì sự hiện diện của họ đem lại sự bình an và hạnh phúc cho người khác. Ở gần họ, không ai sợ mình bị lợi dụng, nhưng dù có xảy ra điều gì, chúng ta đều tin rằng đó là điều tốt nhất họ đang làm cho chúng ta.
Lòng vị tha không hoàn toàn là bản chất tự nhiên được phú bẩm cho một số người ưu tú nào đó, cũng không hẳn là cứ tương quan với người khác là có lòng vị tha. Nhưng lòng vị tha là kết quả của một giáo dục có định hướng, làm phát triển bản chất tốt này trong mỗi con người. Chính trong những va chạm hàng ngày, khởi đi từ việc đón nhận và đánh giá sự hiện diện của từng thành viên trong gia đình, sẽ mở đầu cho kinh nghiệm đón nhận tha nhân như quà tặng cho đời sống. Xa hơn, gương sáng của cha mẹ trong việc đối đãi với hàng xóm, với việc chung cũng là trường dạy về lòng vị tha. Tuy nhiên, kinh nghiệm thiết thực nhất có tính thuyết phục mà chính đứa trẻ sẽ thực hiện là kinh nghiệm về tình bạn trong lớp, trong nhóm. Từ đó, trẻ sẽ rút ra xác tín: giúp cho người khác là giúp cho chính mình. Giúp người khác phát triển là phát triển chính bản thân.
Sinh ra như một con người mỗi chúng ta đều mang trong mình nhân tố của sự thiện và của sự vị tha nhưng chúng ta cũng rất cần có ai đó giúp chúng ta xác tín rằng khi trao ban cho người khác một cách vô vị lợi chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm hạnh phúc sâu xa trong tâm hồn.
Con đường học để biết về người khác
Rất nhiều nhà tâm lý đã nhận xét rằng đối với một trẻ sơ sinh, mẹ là người khác đầu tiên mà em biết. Khi mẹ cho bú sữa, cho ăn, hớt chuyện, em bé nhìn mẹ như muốn khám phá một thế giới mới quanh mình, một con người khác trong tương quan với mình. Dần dần bé đi vào tương quan với những người thân trong gia đình và mở rộng ra hơn với môi trường xã hội. Một cách vô thức cuộc sống và tương quan hằng ngày giúp hình thành trong em khái niệm người khác là ai.
Là các bậc cha mẹ, nhà giáo dục chúng ta cần ý thức rằng chúng ta có tầm ảnh hưởng rất lớn trên việc hình thành ý niệm về người khác của trẻ. Một người bạn đã chia sẻ: “Nhớ ngày xưa khi còn nhỏ, mẹ tôi luôn căn dặn tôi là nếu có gặp người ăn xin, nhớ cho họ một cái gì đó bởi ông ngoại đã nói với mẹ rằng người đó có thể là chính Chúa. Nếu họ giả vờ cũng không sao, thà rằng cho lầm còn hơn bỏ sót. Ý niệm đó về người khác đã được gieo vào tâm trí mẹ tôi như thế và mẹ đã truyền lại nó cho tôi với tất cả niềm xác tín. Dẫu cho bây giờ tôi đã lớn, không còn sống dưới cặp mặt của mẹ tôi nữa nhưng mỗi lần gặp một người ăn xin tôi lại nghe tiếng vọng của câu nói này trong tâm hồn mình”.
Từ kinh nghiệm trên, chúng ta thấy những câu nói, những nhận định tích cực có sức tác động và khắc ghi vào tâm hồn chúng ta như thế, thì những lời nói tiêu cực, ích kỷ cũng có sức công phá nơi tâm hồn người trẻ như vậy. Nếu như một cậu bé thường xuyên nghe cha mẹ dặn: “Con không được cho bạn bè cái gì hết. Con đừng giúp bạn vì bạn có thể sẽ vượt con đó”…, thì ngay lập tức trong lòng em hình thành ý niệm rằng người khác rất nguy hiểm và là đối thủ để cạnh tranh với em.
Chắc hẳn chẳng ai cố ý dạy con em mình điều xấu, nhưng do vô tình, chúng ta lại tạo cho thế hệ tương lai bản năng sinh tồn tự nhiên: muốn phát triển thì phải loại trừ người khác.
Một số lưu ý cho các phụ huynh và nhà giáo dục
- Khi đứng trước thái độ hoặc hành động ích kỷ của trẻ, chúng ta không nên tỏ ra khinh khi hay không nên chê trách tức thời. Hãy ghi nhận suy nghĩ và cảm xúc và tìm cách thấu hiểu ý niệm mà các em có về người khác để dần điều chỉnh.
- Cha mẹ và các nhà giáo dục cần phải ý thức lại về niềm xác tín mà chúng ta có về những người khác ở quanh ta. Bởi một cách vô thức, có thể ta đang truyền cho những người mà ta giáo dục những trò mánh khóe và ích kỷ của ta.
- Muốn người trẻ thực sự tin rằng giúp người khác là giúp chính bản thân ,và khi sống tốt với tha nhân họ sẽ trở nên phong phú và hạnh phúc hơn thì ta phải giúp họ sống kinh nghiệm này một cách thực tế: tổ chức những công việc chung đòi hỏi sự cộng tác năng động của mọi người, làm kinh nghiệm chạm tới những người nghèo khổ hơn…
Xin kết lại bài chia sẻ này với suy tư của Jeremy Bentham: “Hãy kiến tạo hạnh phúc khi bạn có thể, hãy xóa đi tất cả những bất hạnh mà bạn có khả năng tẩy trừ: mỗi ngày bạn đều có cơ hội đem đến cho người khác một chút niềm vui cũng như giúp họ giảm nhẹ một chút đau khổ. Mỗi hạt giống của niềm vui mà bạn gieo vào lòng người khác, bạn sẽ gặp thấy nó trong chính cung lòng bạn, trong khi bạn gỡ đi những phiền toái trong suy nghĩ và cảm xúc của người khác, thì sẽ được thế vào đó là sự bình an và niềm vui kỳ diệu trong đền thánh của tâm hồn bạn”.