Ngày thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

ƠN CỨU ĐỘ CHO MUÔN DÂN
Lc 2,22-35

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. Ðược Thần Khí run rủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.

Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.”

SUY NIỆM

Khi tôi suy ngẫm về Tin Mừng hôm nay, tôi đã bị thuyết phục bởi đoạn cuối cùng, khi đó cha mẹ Chúa Giêsu đã “kinh ngạc” về những gì mà họ đã được nghe nói về Người, cùng với lời chúc phúc bí ẩn mà cụ già Simeon đã gửi đến Đức Maria và thánh Giuse.

Bối cảnh này nhắc nhở tôi về hai sự kiện riêng biệt trong cuộc sống của một đứa trẻ với cha mẹ của em: Khi rửa tội và khi rời khỏi nhà, dù là vào đại học hay đi làm. Trong Bí Tích Rửa Tội, cha mẹ chuyển giao đức tin vào cuộc sống của con cái của họ, điều đó sẽ hình thành nên một mối tương quan giữa chúng với gia đình, cộng đoàn và Thiên Chúa. Khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành, cha mẹ đưa chúng vào trường đại học hoặc vào trong thế giới với hy vọng chúng sẽ tiếp tục lớn lớn và thủ đắc kiến ​​thức, có thể kiếm được nghề nghiệp ổn định hoặc có khả năng hướng dẫn cho người khác.

Khi Đức Maria và thánh Giuse đưa Chúa Giêsu tới cụ già Simeon, họ có cùng hy vọng rằng, cha mẹ có ngày hôm nay khi họ mang con cái của họ đến nhà thờ hoặc đưa chúng đến một trường đại học: họ biết rằng, việc sống một cuộc sống tốt đẹp có thể sẽ là thách đố và điều đó chúng ta cần sự hỗ trợ và đó là thách thức của một truyền thống đức tin. Cha mẹ mong muốn những đứa trẻ phải đối diện không chỉ với thành công, nhưng cả những hoàn cảnh khó khăn, và họ nuôi dạy trẻ trong một tôn giáo để hướng dẫn chúng thông qua cả hai.

Từ ngữ “tôn giáo” xuất phát từ gốc La tinh có nghĩa là “liên kết với nhau.” Tôn giáo kết hợp chúng ta với nhau trong một truyền thống đức tin bởi vì chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn với nhau. Tôn giáo cho chúng ta một phương pháp hữu hình để thực hành đức tin của mình, để đưa Thiên Chúa đến gần với người khác, để vượt qua những suy nghĩ hẹp hòi và thay đổi những dục vọng của chính mình.

Giống như cụ già Simeon, mắt chúng ta cũng thấy ơn cứu rỗi của Thiên Chúa: Chúa Giêsu, ánh sáng của thế gian. Ngài đến với chúng ta và mặc khải cho chúng ta qua Kinh Thánh và Thánh Truyền; chúng ta biết ngài trong chính cộng đoàn đức tin của chúng ta.

Kyle Lynne Demeter
Gia Thi, SDB chuyển ngữ


Visited 1 times, 1 visit(s) today