VIẾT VỀ THA NHÂN – ÂN NHÂN CỦA TÔI

Từ những mẩu chuyện tại xứ Hoa Anh đào

Giai thoại 1. Tại bãi biển

  • Này, hai con đang tắm mà đi đâu đấy?
  • Dạ, chúng con đi tiểu!
  • Trời đất. Đi ở dưới nước chứ lên bờ làm gì?
  • Không được mẹ ạ! Đi ở đó lỡ người khác uống vào thì sao…?

Giai thoại 2. Tại gia đình

  • Mẹ, sao mẹ lại đổ dầu chiên xuống cống?
  • Chứ đổ đi đâu? Lát nữa mẹ xối nước là nó chảy đi hết thôi chứ có sao!
  • Không, mẹ phải lấy giấy chùi hết dầu dư đi rồi mới rửa. Mẹ đổ dầu xuống cống nó đóng lại rồi chính phủ lại phải thông cống!

Giai thoại 3. Tại công viên

  • Ủa, Tokyô là thành phố đông người nhất thế giới mà lại không có thùng rác nhỉ?
  • Tại sao lại phải có thùng rác?
  • Thì để bỏ rác chứ sao? Cô muốn bỏ rác mà không kiếm đâu ra thùng rác cả.
  • Rác của mình tại sao lại bắt chính phủ lo thùng rác? Cô cho vào bịch này, chúng ta đem nó về nhà và bỏ vào thùng rác tại nhà.
  • Mà này cháu, ở trường người ta dậy thế nào mà cháu có thể phân tích để bỏ các thứ rác vào gần 10 thùng khác nhau?
  • Dạ, phải cảm thấy chứ!…

Những giai thoại trên đây là chuyện thực tế trong rất nhiều mẩu chuyện giáo dục tôi thu lượm được tại Nhật Bản, trong chuyến du lịch tháng 11 vừa rồi. Tôi cảm phục trước một nền giáo dục đặt lên hàng đầu trách nhiệm cá nhân và thái độ tôn trọng người khác của xứ sở hoa anh đào này.

Đến một câu chuyện…

Chuyện kể về một sinh vật hết sức lạ. Nó lạ vì tính bị sát thương cao: Một cơn gió, một chút mưa, một âm thanh, một cảm xúc tế nhị cho dù rung nhẹ cách xa hàng ki-lô-mét cũng làm nó đau đớn. Và không chỉ thế, vết thương sẽ loang lổ, tấy lên trong cả thời gian dài sau đó. Chính vì đặc điểm nhạy cảm này mà sinh vật lạ khổ sở hơn bất kỳ sinh vật này trên trái đất. Khổ hơn nữa là Tạo Hoá lại đặt trong nó cái định mệnh oái oăm là chỉ được hạnh phúc và an toàn khi sống chung với nhau. Sinh vật lạ dường như dở sống dở chết giữa hai nghịch lý này. Nó đã than thân trách phận, rên rỉ cầu khẩn Thượng Đế đến nỗi Ngài đã phải tìm cách giải quyết: ó là từ đây, mỗi cá thể sinh vật lạ này sẽ được bao bởi một cái màng bảo vệ, để quá trình sống chung nó không bị cọ xát, không bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài.

Vậy sinh vật đó là gì thế? Và giải pháp của Thượng Đế có khả thi?

Tôi chỉ tạm dùng hình ảnh này để nói về con người, về người khác và cuộc sống giữa họ với nhau trong xã hội. Vâng, sinh vật lạ muốn nói ấy chính là con người, rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Còn cái màng bọc ấy là gì? Xin được dùng để biểu trưng cho quyền con người. Chính “quyền con người” hay còn gọi là “nhân quyền” được xem như là “màng bọc” để bảo vệ con người, và thái độ tôn trọng người khác và quyền lợi của họ trở thành nguyên tắc bảo vệ cho đời sống chung trong xã hội.

Và những hiện tượng thực tế…

Một cách chủ quan tôi cho rằng ngày hôm nay thái độ tôn trọng người khác cần phải được chú trọng hơn trong việc giáo dục tại các gia đình và nhà trường, xã hội chúng ta. Lý do là vì những câu chuyện thực tế như cảnh báo về thực phẩm bẩn, việc xô lấn tranh giành, nạn xả rác, các va chạm, những vụ giết người dễ dàng và dã man … đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phá huỷ “lớp màng bảo vệ” của tha nhân, phát xuất bởi sự ích kỷ và quyền lợi cá nhân của một số người nào đó.

Điều quan trọng là “một số nào đó” đang trở nên phổ biến và cảm thức về người khác bị coi nhẹ, đến nỗi người ta chỉ còn thấy chính mình và không còn chỗ cho người khác, hệ luỵ là tha nhân không phải là người anh em chung sống với tôi nữa mà là người đang tranh giành sự sống còn với tôi. Hiện tượng này càng thấy rõ nơi người trẻ: thiếu nhiệt tình với đời sống cộng đồng, ít quan tâm và thiếu tôn trọng tha nhân.

Có thể làm gì để khắc phục?

Với tôi, tha nhân là ân nhân. Khái niệm này hình thành nơi tôi từ khi còn nhỏ qua những bài học, mà bây giờ vẫn còn nhớ, chẳng hạn: “Đêm qua em nằm mơ/ thấy thợ gặt lại gần bảo/ liềm đây em gặt lúa lấy mà ăn/ Người thợ dệt lại khuyên răn/ em ơi dệt lấy áo quần từ nay/ Người thợ hồ này bay đây nhé/ nhà cửa em xây để mà dùng/ Nghe xong em rất hãi hùng/ bơ vơ thân phận giữa vùng trời nam/ Em vội vã cầu trời cứu mạng/ thì mãnh sứ đứng ngang đường rồi/ Giật mình mở mắt trông đời/ ngờ đâu đã thấy mặt trời đỏ hoe/ Nào thợ cấy thợ cưa nhộn nhịp/… thấy mình sung sướng biết bao…”.

Thực sự, không ai sinh ra một mình và không ai sống một mình; chúng ta lớn lên và sống cùng sống với và sống cho người khác: Mỗi người không phải là một hòn đảo. Mỗi con người cần phải gặp gỡ người khác, để xây dựng những mối tương quan trìu mến và huynh đệ. Lớn lên và sống như “anh chị em” là một giá trị vượt khỏi tương quan huyết nhục: đây là một đòi hỏi nổi bật ngay cả trong tương quan nam nữ, bạn bè, và cách chung trong sự liên hệ với người khác.

Cuộc sống sẽ vô cùng buồn tẻ nếu không có ai để chúng ta có thể làm bạn, chia sẻ, quý mến, tha thứ. “Việc mở ra với người khác” phải dẫn ta đến xác tín rằng cần phải có niềm hạnh phúc trong việc sống cùng với người khác chứ không phải một mình cô độc. Một gia đình nếu sống trong bầu khí cởi mở, quan tâm, thân tình với người khác, sẽ hình thành nơi con cái cho một lối ứng xử cởi mở vượt qua những căng thẳng thường có trong các tương quan.

Các bậc cha mẹ cần phải làm gương sáng cách cụ thể cho con cái về tính xã hội, từ đó mà các đứa trẻ học cách trao ban mà không chờ đợi được ân thưởng, nhưng vui vì được là anh em, vì được học biết ý nghĩa của việc kính trọng lẫn nhau, chú ý đến những nhu cầu chung.

Khi hai cha mẹ thương yêu nhau và yêu thương con cái với một tình yêu không ghen tương hay chiếm hữu, sẽ dẫn đưa con cái đến việc nhân bội những mối tương quan của chúng với người khác và không cảm thấy chúng là trung tâm của đời sống. Gia đình trở thành “mẫu thức” cho mối tương quan rộng lớn, nơi mà sự cô độc, tranh giành, ghen tương, sự đối lập và cạnh tranh phải được thay thế bằng tình huynh đệ. Chính tương quan huynh đệ sẽ đặt đứa trẻ vào “trường thao luyện” để có thể đi vào mối tương quan với người khác, coi tha nhân như một đồng loại mà không sợ hãi sự hiện diện của họ.

Từ chỗ này mà nảy sinh thái độ lưu tâm, kính trọng, phục vụ người khác. Sự hiện diện của cha mẹ giúp trẻ tự đối diện với những khó khăn trong tương quan, bình thản trước những điểm bất đồng, khích lệ để vượt qua từ thái độ thù địch đến tình bạn, từ chống đối đến liên đới, từ đối lập đến xã hội tính.

Việc tiếp xúc với người khác giúp đứa trẻ học biết từ bỏ những nhu cầu đầu tiên để vượt qua phần ích kỷ của bản thân để vui hưởng niềm vui của tha nhân, của bạn bè đong đầy trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự mệt nhọc này luôn được cân bằng từ sự hiện diện chú tâm của cha mẹ và từ niềm vui sống chung, dần tạo được nơi đứa trẻ. Chúng sẽ hiểu được việc có nhiều người, có sự khác biệt thì thật là tuyệt. Các em sẽ dần thử nghiệm cảm xúc về lòng tốt và tình yêu, giúp đỡ lẫn nhau, về niềm vui “khi người anh em của vui thì chính bạn cũng được vui”.

Cảm thức này trở thành mối liên kết huynh đệ ngày càng sâu xa hơn, và như thế tha nhân trở thành bạn, thành ân nhân cho chính đời sống của các em.

Bài viết: Ngọc Yến, FMA


Visited 74 times, 1 visit(s) today