
(ANS – Rome) – Vào đầu tháng 10, tháng truyền giáo, chu kỳ phỏng vấn các nhà truyền giáo thuộc Đoàn Truyền giáo Salêdiêng lần thứ 154 kết thúc với người cuối cùng là một linh mục Salêdiêng trẻ người Việt, ngài hy vọng một ngày nào đó sẽ được nhớ đến như một người tôi tớ cho những người mà ngài sẽ phục vụ.
Cha có thể tự giới thiệu bản thân?
Tôi là Giuse Phạm Văn Thông, tôi mới được thụ phong linh mục ở Việt Nam và điểm đến truyền giáo của tôi là Nam Phi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi bắt đầu cuộc đời truyền giáo của mình.
Điều gì đã thúc đẩy cha đưa ra lựa chọn trở thành một nhà truyền giáo?
Ơn gọi truyền giáo của tôi phát sinh từ lời mời gọi của Thiên Chúa. Tôi nói điều này vì tôi cảm thấy Chúa Giêsu Kitô nói với tôi mỗi ngày: “Ta sẽ sai ai đi?”, do đó việc chọn ơn gọi truyền giáo là một sự đáp lại ý muốn của Thiên Chúa. Tôi tin chắc rằng đây là con đường thánh thiện mà Thiên Chúa kêu gọi tôi đi theo.
Cha có hài lòng với nơi mà cha sẽ đến không? Cha có sợ hay lo lắng về nơi ở, văn hóa và con người mới không?
Tôi cảm thấy phấn khởi và rất vui khi biết mình sắp được đi Nam Phi. Tuy nhiên, dù ở đâu, điều khiến tôi lo lắng nhất chính là ngôn ngữ. Bởi vì nếu không rành ngôn ngữ, bạn không thể “chạm” được vào những người bạn được cử đi phục vụ, cho dù bạn có ngồi trước mặt họ đi chăng nữa.
Theo tôi, “KHÔNG CÓ NGÔN NGỮ, ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO LÀ KHÔNG THỂ”.
Gia đình, bạn bè và anh em phản ứng thế nào khi cha nói với họ về ơn gọi truyền giáo của mình?
Tôi vẫn còn nhớ phản ứng của nhiều người khi biết quyết định trở thành nhà truyền giáo của tôi. Một số người động viên tôi, nhưng nhiều người khác lại thẳng thắn nói với tôi: “Hãy đi, và vài năm cha sẽ quay lại. Cha sẽ thấy rằng cha bị vỡ mộng.”
Kế hoạch và ước mơ của bạn cho cuộc đời truyền giáo là gì?
Đầu tiên, tôi cần một năm để học tiếng Anh. Và trong tương lai, tôi nghĩ rằng không ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nếu ước mong một điều gì đó thì tôi muốn được chết ở vùng đất mà tôi được gửi đến, Nam Phi. Lúc đó, tôi muốn khắc tên mình và những dòng chữ này lên bia mộ của mình: “Đây là vị mục tử sống yêu thương anh em và cầu nguyện rất nhiều cho người dân; ngài đã hiến mạng sống mình cho Nam Phi, như một môn đệ trung thành của Chúa Kitô.” Nếu Chúa muốn, tôi hy vọng điều đó sẽ trở thành sự thật.
Cha có hình mẫu nào của một nhà truyền giáo vĩ đại mà cha muốn noi theo không?
Tôi muốn trở thành một nhà truyền giáo như Thánh Phaolô, một nhà truyền giáo vĩ đại mà lòng tôi yêu quý.
Sứ điệp của cha gửi đến giới trẻ về ơn gọi và ơn gọi truyền giáo là gì?
Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng có một Thiên Chúa luôn yêu thương họ. Đây là những gì họ cần biết và đáp lại.
Chuyển ngữ: Ban Truyền thông SDB Việt Nam