1. MỘT CUỘC GẶP GỠ KHÔNG THỂ ĐỂ CHÚNG TA Ù LÌ
Khởi điểm cho suy tư chúng ta phải là việc đọc đoạn Tin mừng đó cách thanh thản và suy niệm, đoạn Tin mừng mà chúng ta biết đến như là “cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với phụ nữ Samari” (Ga 4,3-42); một cuộc gặp gỡ trở thành bức tranh phải qui chiếu tới để xem Chúa tương giao như thế nào với chị, loại tương giao mà ngài thiết lập nên… những kết quả, và những hệ quả mà cuộc gặp gỡ với ngài để lại trong cuộc sống của chị.
Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Samari. (Ga 4,7-9).
Đức Giêsu ở trong một tình trạng xem ra bất lực và bị thương khi đối diện với nhu cầu thực tiễn. Đối với phụ nữ Samari ấy, ngài là một kẻ ngoại quốc, đang khát. Ngài không có gầu để kín nước, và nước trong giếng sâu đó ngoài tầm với của ngài.
Đàng khác, theo tất cả những gì ta có thể kể từ câu chuyện ấy, người phụ nữ, không chút phóng đại, có một tiếng tăm đáng ngờ, sống trong một tình trạng “bất thường”.
Hơn nữa, giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari có một rào cản gồm những tập tục thâm căn cố đế theo sắc tộc và tôn giáo; theo những phong tục của thời đó, một trường hợp về một thái độ đáng chê trách đối với ngài khi xin nước từ người phụ nữ này.
Trong tình trạng này, từ quan điểm chúng ta, chúng ta có thể quan sát một điều rất thú vị: một nơi chốn trần tục, một cái giếng giữa thôn quê thanh thiên bạch nhật, trở thành nơi để gặp gỡ Thiên Chúa.
Đức Giêsu, vai chính thật sự và người hướng đạo trong cuộc gặp gỡ đó, trong việc lắng nghe và đối thoại cởi mở, “có một kế hoạch” để dẫn dắt cuộc gặp gỡ này, khởi đầu bằng việc lắng nghe người khác và tình trạng, mà ngài biết một cách trực giác.
Đối với chúng ta ngày nay, tiến trình LẮNG NGHE này là một nghệ thuật thực sự. “Chúng ta cần thực thi nghệ thuật lắng nghe, vốn hơn hẳn việc nghe xuông mà thôi. Lắng nghe, khi thông giao, là rộng mở cõi lòng để có thể tạo nên sự gần gũi; không có sự gần gũi đó không thể xảy ra sự gặp gỡ thiêng liêng chân thật” [1].
Tiến trình lắng nghe này bắt đầu với cuộc gặp gỡ vốn trở thành một dịp để mối tương giao nhân loại tự do đi vào, “với cái nhìn thương cảm kính trọng song cũng chữa lành, giải phóng và khích lệ tăng trưởng trong đời sống Kitô hữu”. [2]