TRẺ EM NÓI DỐI

Một nhà giáo dục đương thời với Don Bosco đã viết: “Ở Torinô trong ngôi nhà số 32, trên đường Cottolengô, có một căn phòng độc nhất vô nhị trên thế giới có thể có được, vì từ căn phòng đó một em bé đã bước ra với niềm vui rạng rỡ trên mặt, mặc dù trước đó em đã bước vào với tâm hồn đầy u sầu và nhục nhã. Đó là căn phòng của Don Bosco. Chính ở đó Don Bosco đã làm vơi nhẹ và chữa lành biết bao vết thương lòng cho các học sinh của ngài, nhất là qua phép Giải tội.

Cha Francesia đã viết: “Vào buổi tối dọn mừng một lễ trọng nọ, chúng tôi cầm nến soi cho Don Bosco về phòng sau khi ngài đã giải tội suốt chín giờ liền. Chính lúc đó, một thiếu niên tới xin xưng tội. Chúng tôi nhìn nhau khó chịu: thật không phải lúc để chất thêm mệt mỏi cho Don Bosco nữa. Tất cả chúng tôi đều thốt lên: “Đừng nài nỉ nữa; mai hãy trở lại”. Nhưng Don Bosco mau mắn đón lấy cây nến từ tay chúng tôi và với nụ cười đầy tình phụ tử, ngài nói với cậu bé ấy: “Con hãy đợi cha trong phòng một chút. Cha sẽ trở lại ngay”.

Don Bosco biết (và ngài thường nhắc lại) rằng chỉ có cách tín nhiệm vào trẻ em và làm cho chúng mở rộng cõi lòng, người ta mới có thể chữa chúng khỏi những khuynh hướng xấu của chúng, nhất là khỏi tật nói dối.

* Một trong những nết xấu nổi bật nơi trẻ em là nói dối. Tật nói dối thường làm cho cha mẹ và nhà giáo dục lo lắng hơn cả là nói dối để lường gạt, nhằm giấu diếm một sự bất chính nào đó. Thông thường, trẻ em muốn che đậy một hành vi xấu hay một lời quở trách của nhà trường; hoặc muốn giấu cha mẹ một điều thô bỉ, một lần trốn học hay một người bạn mà em biết chắc sẽ không được cha mẹ ưng thuận.

Một em bé 13 tuổi đã thú nhận rằng em luôn cảm thấy áy náy mỗi khi giấu cha mẹ một điều xấu ở lớp. Nhưng em không bao giờ có đủ can đảm để thú nhận vì sợ cha mẹ quở trách và phạt. Vì thế em đành chọn giải pháp lừa dối và chờ đợi một dịp nào đó sẽ thú nhận tất cả để chỉ bị khiển trách một lần thôi.

* Trong gia đình, người anh, người chị thường được các em tin tưởng bộc lộ tâm sự và nhờ đó họ có thể giúp đỡ chúng. Trong một số trường hợp linh mục cũng có thể trở nên người tâm phúc và cố vấn. Điều khiến đứa trẻ bị dằn vặt khổ sở là lo lắng một hôm nào đó, không sớm thì muộn em sẽ phải thú nhận về sự ngu xuẩn đã trót phạm. Một điều khác cũng làm cho trẻ em áy náy là phải xưng thú cả tội nói dối của em. Đó là vòng luẩn quẩn đứa trẻ rơi vào và càng ngày càng bị giày vò hơn. Thực ra, trẻ em nói dối vì muốn tránh hình phạt, hoặc vì muốn tránh lời kết tội của cha mẹ hay nhà giáo. Chính hình phạt khiến em không dám nói sự thật. Trẻ em có thói quen nói dối do yếu đuối, vì em không muốn trả giá đắt. Trẻ em lẩn tránh sự thật, trốn khỏi lời kết án của xã hội, theo cách thế của nó. Như đã thấy, công việc của cha giải tội và nhà giáo dục rất cần thiết để giúp trẻ em được vơi nhẹ sự căng thẳng hay đúng hơn “sự thúc đẩy” bên trong khiến em nói dối.

Trẻ em thường nói dối khi rơi vào một hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Cần phải giúp trẻ em tiếp xúc với thực tại. Đó là một công tác cam go, nhưng không thể làm khác được, bởi lẽ khi đứa trẻ vì một lý do nào đó mà từ chối thực tại, thì càng lúc nó sẽ càng chạy trốn và biến mình thành một thế giới bất khả xâm phạm, không chấp nhận một sự dòm ngó từ bên ngoài, với một hệ thống giá trị và một chuẩn mực phán đoán riêng mà bất cứ ai muốn tới gần cũng không sao tới được. Xin nêu một trường hợp điển hình mà trong đó đứa trẻ được giúp tiếp xúc lại với thực tại. Trong một lớp tám, học sinh phải làm một đề luận mô tả những tiếng động trong nhà vào buổi sáng. Một em đã vận dụng trí tưởng để khai triển đề tài. Bà mẹ nhận xét: “Còn nhiều tiếng động khác có thể nghe thấy được vào ban sáng. Con chưa kể hết những tiếng động ấy!” nhưng em nói: “Thưa mẹ, con đã tưởng tượng tất cả”. Sáng hôm sau, bà mẹ mời em cùng lắng nghe với mình. Và đúng vậy, lúc ấy em mới tin rằng có thể nghe được rất nhiều tiếng động. Thực tại vượt quá trí tưởng tượng. Thế rồi, ngày này qua ngày khác, mỗi buổi sáng, em lại reo lên: “Mẹ ơi, mẹ biết không, con nghe được nhiều tiếng động mới rất thích thú”.

Nhờ công việc giáo dục nhân bản và kitô giáo đầy kiên nhẫn đó, ta có thể chữa được tật nói dối của trẻ em và giúp chúng tiếp xúc lại với thực tại, sẵn sàng tiếp nhận một cuộc sống vui tươi và thanh thản.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


Visited 1 times, 1 visit(s) today