Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô dưới hình thức “Tự Sắc” về việc Bảo vệ Trẻ em và Những người dễ bị tổn thương

Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô
dưới hình thức “Tự Sắc” về
việc Bảo vệ Trẻ em và Những Người Dễ Bị Tổn Thương

Việc bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương làm nên một phần không thể thiếu được của sứ điệp Tin mừng, mà Giáo hội và mọi thành viên của mình được mời gọi quảng bá trong thế giới. Thực vậy, chính Chúa Kitô đã ủy thác cho chúng ta chăm sóc và bảo vệ những người bé nhỏ và không tự bảo vệ mình được: “Ai tiếp đón một em nhỏ này vì danh Thầy là tiếp nhận chính Thầy” (Mt 18,5). Vì thế, tất cả chúng ta đều có bổn phận quảng đại tiếp nhận trẻ em và những người dễ bị tổn thương, tạo cho họ môi trường an toàn, ưu tiên nhằm đến lợi ích của họ. Điều này đòi hỏi phải liên tục hoán cải sâu xa, trong đó sự thánh thiện của bản thân và nỗ lực luân lý có thể giúp thăng tiến tính khả tín của việc công bố Tin mừng và canh tân sứ vụ giáo dục của Giáo hội.

Vì thế, tôi muốn kiện cường lại trật tự về mặt tổ chức và luật lệ nhằm ngăn ngừa và  chống lại những việc lạm dụng trẻ em và những người dễ bị tổn thương, ngõ hầu Giáo triều Rôma và Nước-thành phố Vatican:

  • duy trì được một cộng đoàn đáng được tôn trọng, ý thức đến những quyền và nhu cầu của trẻ em và người dễ bị tổn thương cũng như lưu tâm ngăn ngừa bất kỳ mọi hình thức bạo lực hay lạm dụng thể lý hay tâm lý, bỏ rơi, ruồng bỏ, bạo hành hoặc bóc lột nào có thể xảy ra, hoặc trong tương quan con người với nhau hoặc trong những cơ cấu hoặc nơi chốn chung;
  • ý thức ngày càng trưởng thành nơi mọi người về bổn phận chỉ ra những lạm dụng cho giới chức thẩm quyền và cộng tác với họ trong hoạt động ngăn ngừa và ứng đối;
  • nhìn nhận quyền của những người quả quyết mình là nạn nhân của sự bóc lột, lạm dụng tình dục hoặc bị bạo hành, cũng như quyền của gia đình họ được tiếp nhận, lắng nghe và đồng hành;
  • các nạn nhân và gia đình được cung cấp việc chăm sóc mục vụ, cũng như sự hỗ trợ tương xứng về thiêng liêng, y khoa, tâm lý và pháp luật;
  • người bị cáo giác được bảo đảm quyền được xử án công minh không thiên vị, tôn trọng giả định là họ không có tội cũng như những nguyên tắc mang tính pháp lý và tỉ lệ giữa sự xâm phạm và hình phạt.
  • người bị kết tội sẽ bị tước khỏi mọi nhiệm vụ do đã lạm dụng trẻ em hoặc người dễ bị tổn thương, và cùng lúc đó, được cung cấp sự hỗ trợ tương xứng về tâm lý và hồi phục thiêng liêng, cũng như việc tái hội nhập vào xã hội;
  • làm tất cả mọi sự để hồi phục danh dự cho người bị tố giác cách bất công;
  • cung cấp việc đào tạo tương xứng để bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương.

Vì thế, với Lá thư này, tôi thiết định:

1. Các tòa án thẩm quyền của Nước Vatican thực thi quyền tài phán của mình trên những tội phạm thuộc Điều 1 và 3 của Bộ Luật 1997, về việc bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương, ra ngày 26 tháng Ba, 2019, mà từng cá nhân được nói đến trong điểm 4 của Tự Sắc ”Trong Thời Đại Chúng Ta,” ra ngày 11 tháng Bảy, 2013, phạm đến khi thực thi các chức năng của mình.

2. Ngoại trừ ấn tòa bí tích, những cá nhân được nói đến trong điểm 3 của Tự Sắc ”Trong Thời Đại Chúng Ta,” ra ngày 11 tháng Bảy, 2013 buộc phải trình bày không trì hoãn, bản cáo giác cho Viên Chức Tư Pháp của Tòa Án Nước Vatican bất cứ khi nào, khi thực thi chức năng của mình, họ có được thông tin hoặc có lý do cho rằng một trẻ em hay một người dễ bị tổn thương là nạn nhân của một trong những tội phạm mà Điều 1 Bộ Luật 1997 nói đến một cách khác xảy ra:

1. trong lãnh thổ Nước Vatican;
2. gây hại cho công dân hoặc cư dân Nước Vatican;
3. do những viên chức của Nước Vatican hoặc những cá nhân thực thi chức năng của mình mà điểm 3 của Tự Sắc “Trong Thời Đại Chúng Ta” ra ngày 11 tháng Bảy, 2013 nói đến.

3. Những nạn nhân của các tội liệt kê trong Điều 1 Bộ Luật 1997, được cung cấp sự trợ giúp về thiêng liêng, y khoa và xã hội, bao gồm cả sự trợ giúp khẩn cấp về trị liệu và tâm lý, cũng như những thông tin hữu ích về pháp luật qua Cơ quan Đồng hành của Văn Phòng Sức Khỏe và Vệ Sinh của Chính Quyền Thành Phố Vatican

4. Văn Phòng Lao Động của Tòa Thánh tổ chức, cùng với Cơ Quan Đồng Hành của Văn Phòng Sức Khỏe và Vệ Sinh, những chương trình đào tạo nhân viên Giáo Triều Tòa Thánh và Những Cơ Quan trực thuộc Tòa Thánh, về những nguy cơ về bóc lột, lạm dụng tình dục và bạo hành trẻ em và những người dễ tổn thương, cũng như những phương thế nhận diện và ngăn ngừa những xúc phạm đó và bổn phận phải tố giác chúng.

5. Trong việc tuyển chọn và thu nhận những nhân viên Giáo Triều Rôma và những Tổ Chức lệ thuộc Tòa Thánh, cũng như những ai cộng sự như là tình nguyện viên, phải chắc chắn về tính thích hợp của ứng viên làm việc được với trẻ em và những người dễ bị tổn thương.

6. Các Ban Ngành của Giáo Triều Roma và Những Tổ Chức lệ thuộc Tòa Thánh, nơi các trẻ em và những người dễ bị tổn thương có thể lui tới, phải tiếp nhận, cùng với sự hỗ trợ của Cơ quan Đồng Hành của Văn Phòng Sức Khỏe và Vệ Sinh, những thực hành và hướng dẫn về việc bảo vệ các em.

Tôi ấn định rằng Tông Thư dưới hình thức “Tự Sắc” này sẽ được phổ biến qua Báo Osservatore Romano và sau đó được đưa vào Công Báo Tòa Thánh. Tôi quyết định rằng những quy định này có giá trị trọn vẹn và vững bền, cũng như hủy bỏ tất cả những quy tắc nào nghịch lại, có hiệu lực từ ngày 1 tháng Sáu, 2019.

Làm tại Đền Thánh Phê-rô, Rôma, ngày 26 tháng Ba, 2018

Năm thứ bảy triều đại Giáo Hoàng

PHANXICÔ

Visited 3 times, 1 visit(s) today