CÓ MỘT VỊ ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG
Ga 1,19-28
Đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Ðức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”.
Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Ðấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.
SUY NIỆM
Có một bức tranh nổi tiếng về Gioan Tẩy Giả được Leonardo Da Vinci vẽ với một tông màu nhẹ nhàng, đang mỉm cười với người xem, và tay đang hướng lên phía trên. Việc trình bày Gioan đang chỉ tay đến Chúa Kitô, là người em họ của ông và là Thiên Chúa, như là một chủ đề được lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm của Da Vinci và nhiều nghệ thuật tôn giáo khác.
Lần đầu tiên, một ý tưởng đến trong tâm trí khi tôi đọc đoạn văn này, sự chú ý của tôi không dựa vào cử động của cánh tay và cử chỉ đối với một Đấng Kitô vô hình, mà thay vào đó là nụ cười của Gioan Tẩy Giả. Ngài mỉm cười rất tươi, nhưng tôi cảm thấy nghi ngờ, bởi vì những người ngài gặp đã đến với ngài mà không nhận ra được ai mới là người cần tìm kiếm. Theo một nghĩa nào đó, những người này như đang giễu cợt Gioan. Tuy nhiên, với khả năng của Da Vinci, ông đã là truyền tải trong cùng một khuôn mặt đó không chỉ sự vui tươi, mà còn là một sự mãn nguyện sâu sắc, đó là bối cảnh để đọc đoạn Tin mừng hôm nay.
Thánh Gioan Tẩy Giả tự giới thiệu mình với dân chúng bằng việc phủ nhận ba lần: Tôi không phải là Đấng Mêsia. Tôi không phải là Êlia. Tôi không phải là vị tiên tri. Việc từ chối danh tiếng và quyền hành ba lần này là sự nghịch lý về căn tính và sự hài lòng của ông. Vì lý do đó, Gioan được xem như là gương mẫu cho những người môn đệ của Chúa Kitô. Ngài dạy chúng ta rằng, muốn hướng đến Đức Kitô, chúng ta phải ra khỏi chính mình; và chỉ khi đó chúng ta mới có thể hướng đến người khác.
Nhu cầu cần được biến đổi của chúng ta được nhấn mạnh trong đoạn văn khi chúng ta được cho biết rằng, Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước, đến với chúng ta từ nơi hoang địa, nơi thanh tẩy và được biến đổi bởi yêu thương. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng, để yêu mến Đức Kitô, chúng ta phải thích ứng cuộc sống của chúng ta với dạng thái kỳ diệu và tình yêu hiến thân của Đức Kitô. Cách để trở nên môn đệ như thế là cội rễ thực sự của việc loan báo Tin Mừng: chỉ bằng cách yêu thương Đấng Cứu Độ cách khiêm tốn và bất ngờ, mới mang lại sự biến đổi cho chính chúng ta, chúng ta có thể vượt qua chính mình để đến với Thiên Chúa.
Thánh Basiliô và Grêgôriô, là những người mà chúng ta mừng lễ hôm nay, đã trở nên như một người môn đệ mẫu mực trong thời của các ngài bằng việc tìm cách làm giàu thêm cho trái tim và trí tuệ của các ngài thông qua những qui định của đời sống tu viện. Làm thế nào có thể bắt chước họ trong khi đang bắt chước Gioan Tẩy Giả theo cách riêng của chúng ta hôm nay?
Gregory Floyd ’07
Gia Thi, SDB chuyển ngữ