THINH LẶNG ĐỂ LẮNG NGHE THINH LẶNG

“Em muốn nói chuyện với cô!”.

Ước muốn của em là mệnh lệnh. Tôi vội vã đi theo em vì thấy rằng đây là cơ hội để tôi có thể “đột nhập” vào pháo đài của lòng em. Làm việc với em cả năm rồi, nhưng tôi không thể nào nói chuyện sâu với em được. Em bất cần lại ranh mãnh. Em biết cách để chặn tôi khiến tôi không thể “moi” chút thông tin nào nơi em, ngoại trừ những điều người khác nói. Tận thâm tâm, tôi thấy cần phải gặp em nhưng chưa tìm ra phương cách. May thay, hôm nay em cho tôi cơ hội.

Nhưng tôi chưng hửng khi ngồi với em cả 10 phút rồi mà chỉ là vài lời chào hỏi bâng quơ rồi im lặng. Em muốn nói gì với tôi?!!! Có một điều lạ, tôi không hề cảm thấy sốt ruột hay khó chịu mà chỉ thấy thương em nhưng không biết phải thế nào. Một thời gian nữa lại trôi qua, có đến 20 phút. Cảm thấy đã đủ, tôi đứng lên nói: “Chắc là lúc này chưa tiện cho em phải không? Cô về nhé!”. Khi tôi vừa quay đi, em chộp vội lấy tôi, ánh mắt em nhìn tôi như ra lệnh: “Ngồi xuống!”. Và tôi ngồi xuống. Chẳng biết thế nào mà một dòng thác tâm sự tuôn ra từ lòng em. Tôi chợt khám phá ra: phía đằng sau của cái vẻ ngổ ngáo kia là một trái tim tan nát vì những dày vò, thương tổn, và cả sự thổn thức vì mối tình đầu đầy mơ mộng của tuổi mới lớn.

Cái thinh lặng của ngày hôm ấy trở thành một kinh nghiệm quý giá cho tôi. Tôi ngỡ ngàng về một thực tế này là: Trong thinh lặng chúng ta nghe được tiếng nói của thinh lặng!

Vấn nạn cuộc sống

Trong nhịp sống hối hả của hiệu quả, của công việc, chúng ta thường không có đủ thời gian để lắng nghe nhau. Lắng nghe những sứ điệp được diễn tả bằng ngôn từ đã khó, lắng nghe những sứ điệp không lời lại càng khó hơn.

Là nhà giáo dục đôi khi chúng ta ước muốn và tìm cách tạo áp lực để con cái, học sinh của mình phải nói ngay những gì các em cảm thấy. Chúng ta thoả mãn khi các em nói mà không hề đặt vấn đề em có nói đúng hay là chuyện bịa đặt. Chúng ta đã quên mất: em là một chủ thể cần được tôn trọng. Em là vùng “Đất Thánh”, qua đó chúng ta lắng nghe được tiếng nói từ Thiên Chúa. Vấn đề: chúng ta thiếu lắng nghe.

Đôi lúc do sợ hãi những giây phút thinh lặng, chúng ta cố đổ đầy khoảng trống ấy bằng lời mà không biết có cái gì đang xảy ra trong tâm hồn ấy. Theo các nhà tâm lý, những giây phút thinh lặng trong khi trò chuyện là điều rất cần thiết và có một ý nghĩa lớn để giúp người ta có thể thấu cảm lẫn nhau, nhất là trong những lúc chúng ta lo âu muộn phiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng thấu cảm được loại ngôn ngữ đặc biệt này.

Học biết ngôn ngữ của thinh lặng

Trong thực tế, có những cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi nhưng lại có thể giúp chúng ta giải quyết được biết bao khúc mắc và vỡ lẽ ra nhiều điều. Có những cuộc gặp gỡ rất ít lời mà để lại những sứ điệp và ấn tượng rất sâu đậm. Chẳng hạn, lần nọ, tôi gặp em H.T, theo trực giác và kinh nghiệm, tôi cảm thấy dường như em như có điều gì đang bực bội, buồn phiền trong lòng, tôi ngồi xuống bên em. Trong khi chia sẻ, nhiều lúc em ngưng lại không nói. Có những lúc em lặng im nhưng tôi biết, trong thâm tâm em muốn nói rất nhiều mà chưa tìm được lối diễn tả. Trong những lúc ấy tôi tiếp tục chăm chú lắng nghe trân trọng đón lấy điều em muốn nói.

Trong thinh lặng, tôi đọc được cảm xúc dâng trào mà em đang dùng sự im lặng để kiềm chế. Cuộc đối thoại với nhiều nốt lặng vẫn tiếp diễn và em dần bình thản hơn. Rồi em đã bộc bạch rằng em hạnh phúc vì tìm thấy nơi tôi một sự lắng nghe thân tình. Rằng em rất quý những phút giây tôi im lặng lắng nghe và không sợ mất giờ.

Từ tình huống này, tôi học được kinh nghiệm là không cần phải vội vàng làm gì, cũng đừng sợ trống giờ. Bởi khi chúng ta tạo cơ hội cho người khác tự do nói, thì cũng đồng thời làm cho họ cảm thấy bình an. Chính điều này, với thời gian sẽ tạo nên sự tín nhiệm.

Quả thật, giờ đây tôi xác tín điều các nhà tâm lý nói về “thinh lặng để lắng nghe thinh lặng” thật là thâm thúy. Nó không phải là sự thinh lặng chết, cũng không phải là vô cảm trước tiếng lòng của người kia, lại càng không phải là chẳng có gì để nói. Ta đã từng kinh nghiệm rằng, càng lúc khó khăn hay đau khổ chúng ta càng khó diễn tả thành lời.

Đây cũng là kinh nghiệm khác tôi có với em D.T. Em chia sẻ rằng khi ba của em qua đời đột ngột, em đau khổ tột cùng đến câm nín. Nhưng em thật may mắn vì có một người bạn dám lặng lẽ ngồi bên em, giúp đỡ em và đôi lúc chỉ nói một vài câu rất ngắn gọn thân tình. Sự hiện diện thinh lặng đầy thấu cảm đó giúp em vượt qua và cảm được rằng nỗi đau trong lòng được vơi nhẹ một phần.  

Nói điều này không có ý là sự thinh lặng nào cũng như nhau, nhưng cần là sự thinh lặng ấy phải chân thành, phù hợp và chúng ta cần biết đánh giá những thời khắc đó đúng cách, đúng mức để trở nên những con người thấu cảm hơn.

Ý nghĩa của thinh lặng

Thinh lặng trong khi nói hay trong khi nghe luôn mang những ý nghĩa ẩn tàng. Chúng ta có kinh nghiệm là ngay cả khi cả hai bên cùng thinh lặng sự đối thoại vẫn còn tiếp tục. Khi nào thinh lặng được dùng để thay thế cho ngôn từ, thì lúc ấy ta còn có thể nghe được cách sâu hơn nỗi buồn phiền âu lo trong tâm hồn của người khác. Thinh lặng nhiều khi cũng được dùng như phương cách để giúp người khác làm chủ cảm xúc của họ, cũng có khi đó là một sứ điệp được phát ra với ước muốn xin ta đừng đụng tới vấn đề hay tổn thương của họ. Tắt một lời là những phút thinh lặng trong khi nói luôn mang trở một vài sứ điệp rất ý nghĩa, ta cần tinh tế lắng nghe để có thể nhận ra và trân quý nó.

Là những nhà giáo dục chúng ta cùng lưu ý

Là cha mẹ hay một nhà giáo dục chúng ta cần phải học biết ngôn ngữ của thinh lặng và cũng biết ở lại trong thinh lặng để lắng nghe. Sự thinh lặng không hấp tấp của chúng ta có thể giúp tạo một không gian bình an để người trẻ có thể tự do diễn tả chính mình.

Đứng trước đau khổ hay những vấn đề khó khăn của người khác chúng ta cần lưu ý tránh thái độ không mấy tích cực: Đó là khi đối diện với sự im lặng của người trẻ, chúng ta dễ có cảm giác không biết phải nói gì hay làm gì, nên rút lui và bỏ mặc họ một mình với những âu lo của họ. Hoặc là chúng ta tìm đủ mọi cách để nói và khuyên với ước muốn lôi họ ra khỏi tình trạng khổ sở đó ngay lập tức.

Hãy ý tứ vì trong trường hợp thứ nhất người trẻ có thể cảm thấy rất cô đơn. Còn trong trường hợp thứ hai có thể cảm thấy rất phiền toái. Khi người trẻ gặp đau khổ và khó khăn, nhiều lúc điều họ cần hơn cả đó là sự hiện diện chân tình và cảm thông của chúng ta, chứ không phải lời khuyên khôn ngoan của chúng ta. Chắc chắn sự hiện diện của chúng ta sẽ trở nên tích cực và hiệu quả hơn khi biết lắng nghe ngay cả những ngôn ngữ của thinh lặng.

Bài viết: Nhật Tâm


Visited 31 times, 1 visit(s) today