Tài Liệu Chuẩn Bị Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15: ”Người Trẻ, Đức Tin, và Sự Biện Phân Ơn Gọi”

Dẫn Nhập

 “Thầy nói với các con những điều này, để niềm vui của Thầy hiện diện trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn” (Ga 15:11). Đây là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mọi người nam và nữ ở mọi thời đại, trong đó, có mọi người nam nữ trẻ tuổi của thiên niên kỷ thứ ba, không trừ ai.

Loan báo niềm vui của Tin Mừng là sứ mệnh được Chúa ủy thác cho Giáo Hội của Người. Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa và Tông Huấn Evangelii Gaudium bàn đến việc làm cách nào để hoàn thành sứ mệnh này trong thế giới ngày nay. Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình và Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia, trái lại, được dành riêng cho việc giúp các gia đình tìm được niềm vui này. 

Để phù hợp với sứ mệnh này và để giới thiệu một phương thức mới thông qua một Thượng Hội Đồng với chủ đề: “Người trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi”, Giáo Hội quyết định tự kiểm tra mình về việc làm thế nào có thể dẫn dắt các người trẻ nhận ra và chấp nhận lời mời gọi sống và yêu thương viên mãn, và yêu cầu họ giúp Giáo Hội nhận diện các cách thế hữu hiệu để loan báo Tin Mừng ngày hôm nay. 

Bằng cách lắng nghe những người trẻ tuổi, Giáo Hội sẽ một lần nữa nghe Chúa nói trong thế giới ngày nay. Như trong thời Samuel (xem 1 Sm 3: 1-21) và Giêrêmia (Gr 1: 4-10), những người trẻ tuổi biết phải làm thế nào để biện phân các dấu chỉ thời đại của chúng ta, do Chúa Thánh Thần chỉ dạy. Lắng nghe các nguyện vọng của họ, Giáo Hội có thể thoáng nhìn thấy thế giới đang đứng ở phía trước và các nẻo đường mà Giáo Hội vốn được kêu gọi bước theo. 

Đối với mỗi người, ơn gọi tình yêu có hình thức cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, thông qua một loạt các lựa chọn, được phát biểu trong các bậc sống (hôn nhân, thừa tác vụ thụ phong, đời sống thánh hiến vv), trong ngành nghề, trong các hình thức cam kết xã hội và dân sự, trong lối sống, trong việc quản lý thời gian và tiền bạc, vv. Bất kể các lựa chọn này được cố ý đưa ra hoặc chỉ được chấp nhận, một cách hữu thức hay vô thức, không ai không phải thực hiện các lựa chọn này. Mục đích của việc biện phân ơn gọi là để tìm ra cách làm thế nào để biến đổi các lựa chọn này, dưới ánh sáng đức tin, thành những bước tiến đi vào sự viên mãn của niềm vui mà mọi người đều được mời gọi bước vào. 

Giáo Hội biết nền tảng của “sức mạnh và nét đẹp của những người trẻ tuổi, [tức là] khả năng hân hoan lúc khởi đầu một nhiệm vụ, khả năng tự hiến mình hoàn toàn mà không cần tháo lui, khả năng tự đứng lên và bắt đầu lại cuộc tìm kiếm các chinh phục mới của mình” (Thông điệp của Vatican II gửi Người Trẻ, ngày 8 tháng 12 năm 1965). Kho tàng phong phú trong truyền thống tâm linh của Giáo Hội cung cấp nhiều nguồn tài nguyên để hướng dẫn ta đào tạo lương tâm và sự tự do đích thực. 

Ý thức được điều trên, Tài Liệu Chuẩn Bị này khởi đầu giai đoạn tham khảo toàn bộ dân Chúa của Thượng Hội Đồng. Ngỏ cùng các thượng hội đồng và các hội đồng thượng phụ của các Giáo Hội Công Giáo tự trị Phương Đông, các hội đồng giám mục, các thánh bộ của Giáo Triều Rôma và Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền, Tài Liệu này kết thúc bằng một loạt câu hỏi. 

Việc tham khảo cũng sẽ bao gồm mọi người trẻ qua một trang mạng với các câu hỏi về các mong đợi của họ và cuộc đời của họ. Các câu trả lời cho cả hai loạt câu hỏi này sẽ là cơ sở để soạn thảo “tài liệu làm việc” hay Instrumentum laboris, dùng làm điểm tham chiếu trong cuộc thảo luận của các nghị phụ Thượng Hội Đồng. 

Tài Liệu Chuẩn Bị này đề nghị một sự suy tư gồm ba bước, khởi đầu là việc phác họa có tính tổng lược một số năng động tính xã hội và văn hóa trong đó, người trẻ lớn lên và đưa ra các quyết định và đề nghị rằng các quyết định này được đọc dưới ánh sáng đức tin. Sau đó, Tài Liệu lần giở lại các bước căn bản của diễn trình biện phân, mà Giáo Hội cảm thấy như là phương tiện nền tảng mà mình có thể cung hiến để người trẻ có thể khám phá ra ơn gọi của họ, dưới ánh sáng đức tin. Sau cùng, Tài Liệu bàn đến các điểm chủ yếu trong chương trình mục vụ về ơn gọi dành cho giới trẻ. Như thế, Tài Liệu không bao trùm mọi vấn đề, nhưng phục vụ như một loại hướng dẫn để khuyến khích cuộc thảo luận xa hơn nữa, một cuộc thảo luận mà các hoa trái chỉ có thể có kết thúc Thượng Hội Đồng. 

Theo chân Người Môn Đệ Yêu Quí 

Hình ảnh Tin Mừng về Thánh Gioan Tông Đồ có thể dùng làm nguồn cảm hứng ở ngay lúc bắt đầu diễn trình này. Trong cách đọc Tin Mừng thứ tư của truyền thống, thánh nhân vừa là một điển hình về một người trẻ quyết định bước chân theo Chúa Giêsu vừa là “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến” (Ga 13:23, 19:26; 21:7). 

“… và thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa!’. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: ‘Các anh tìm gì thế?’ Họ đáp: ‘Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?’ Người bảo họ: ‘Đến mà xem’. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia’ (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn ông S-môn và nói: ‘Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha’ (tức là Phêrô) (Ga 1: 36-42)”. 

Trong khi đi tìm ý nghĩa cho đời sống của các ngài, hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả nghe Chúa Giêsu hỏi một câu hỏi thấu suốt: “Anh tìm điều gì?” Khi nghe câu trả lời của họ, “Thưa Rápbi (có nghĩa là Thưa Thầy), Thầy ở đâu?”, Chúa đáp bằng một lời mời: “Hãy đến mà xem” (Ga 1: 38-39). Đồng thời, Chúa Giêsu mời họ xuống thuyền làm một cuộc hành trình nội tâm và sẵn sàng tiến bước một cách thực tế, mà không thực sự biết nó sẽ dẫn họ tới đâu’. Đây sẽ là một cuộc gặp gỡ đáng nhớ, đến độ họ nhớ cả thời gian chính xác trong ngày (xem Ga 1:39). 

Nhờ lòng dũng cảm đến xem của họ, các môn đệ cảm nghiệm được tình bạn lâu dài của Chúa Kitô và có thể sống mỗi ngày với Người. Họ sẽ suy nghĩ các lời Người nói và được chúng linh hứng; và sẽ được các hành động của Người ảnh hưởng và đánh động sâu sắc. Cách riêng, Thánh Gioan sẽ được kêu gọi làm chứng cho sự thương khó và sự phục sinh của Thầy mình. Ở Bữa Tiệc Ly (x Ga 13,21-29), bản chất thân thiết trong mối quan hệ của ngài với Chúa Giêsu sẽ dẫn ngài tới chỗ tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và tín thác mọi lời Chúa nói. Khi theo Thánh Phêrô đến nhà thầy cả thượng phẩm, Thánh Gioan sẽ trực diện với đêm đau khổ và cô đơn (xem Ga 18: 13-27). Dưới chân Thánh Giá, ngài sẽ chịu đựng nỗi sầu muộn sâu sắc của Mẹ Chúa, đấng đã được ủy thác cho ngài, trong khi ngài chấp nhận trách nhiệm chăm sóc Mẹ (x Ga 19: 25-27). Vào buổi sáng Phục Sinh, ngài sẽ cùng Thánh Phêrô chia sẻ cuộc chạy bộ như điên cuồng nhưng đầy hy vọng tới ngôi mộ trống (Ga 20: 1-10). Cuối cùng, trong mẻ cá lạ lùng ở Biển Galilê (Ga 21: 1-14), ngài sẽ nhận ra Chúa Phục Sinh và sẽ làm chứng trưóc toàn bộ cộng đồng. 

Điển hình của Thánh Gioan có thể giúp ta hiểu điều này: cảm nghiệm ơn gọi là một diễn trình tiệm tiến của việc biện phân nội tâm và của việc lớn mạnh trong đức tin, một diễn trình sẽ dẫn đến việc ta khám phá ra sự viên mãn của niềm vui sống và của tình yêu, của việc tự hiến và dự phần vào việc công bố Tin Mừng. 

Visited 31 times, 1 visit(s) today