Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Năm A – Lễ Chúa Ba Ngôi

‘Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Kh 1,8a)

Một đan sĩ nọ đã nói: “Nếu ngày xưa Moisen đã không bước vào chỗ tăm tối và mù mịt trên núi Sinai, ông đã không gặp thấy Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta không thấy mình dốt nát và mù tối khi suy hiểu về Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ nhận biết được Ngài”. Điều này rất đúng khi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi mà Giáo hội hôm nay mừng kính. Đây là mầu nhiệm căn bản nhất của đức tin Công giáo, đồng thời cũng là chân trời vĩ đại và tối tăm nhất đối với đầu óc suy lý của con người. Mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu và thực ra chúng ta không thể hiểu nổi. Khi đối diện trước các thực tại của Thiên Chúa, chúng ta không thể nhận thức bằng lý trí nhưng chỉ có thể trải nghiệm bằng đức tin. Thái độ cần thiết nơi chúng ta không phải là đứng lên cách ngạo nghễ để vắt óc tìm tòi, nhưng phải quỳ gối xuống cách khiêm tốn trong cung chiêm và thờ lạy.

Thực hành đức tin khi tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi

Trước khi bắt đầu làm bất cứ công việc gì, người Công giáo chúng ta luôn bắt đầu bằng dấu Thánh giá với lời tuyên tín : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Thánh Phaolô thường gửi lời chào thăm đến các cộng đoàn với văn thức xưng tụng Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo hội cũng dùng lại văn thức này để khởi đầu Thánh lễ khi vị linh mục chào chúc cộng đoàn : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (2 Cor 13,13; Eph 1,2). Chúng ta nhớ lại giai thoại về thánh Augustinô. Khi Ngài đi bách bộ bên bờ biển và suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Ngài gặp một em bé đang dùng cái vỏ sò để múc nước biển đổ vào một cái lỗ nhỏ tí xíu. Em bé nhắc nhở cho thánh nhân biết rằng, việc lấy một cái vỏ sò bé tí teo đong đầy nước biển xem ra khá xuẩn ngốc, nhưng việc dùng đầu óc chật chội của con người để cố nhét vào cả bầu trời bao la của mầu nhiệm Thiên Chúa còn xuẩn ngốc hơn gấp bội. Vì vậy, đi vào thế giới của mầu nhiệm, chúng ta phải hết sức khiêm tốn và nhận ra những bất toàn nơi đầu óc mình.

Các thánh giáo phụ vay mượn ý nghĩa của 3 lời khuyên phúc âm để minh họa tình yêu đối với Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống tinh thần khó nghèo chính là thể hiện niềm tin vào Chúa Cha, đấng quan phòng và luôn yêu thương con cái mình. Đức Khiết tịnh diễn bày tinh thần từ bỏ để sống với một tình yêu thuần khiết theo gương Chúa Giêsu. Sự Vâng phục của người tu sĩ mời gọi chúng ta mở lòng cho Chúa Thánh Thần tác động. Đó chính là ân ban của Thần Khí giúp chúng ta luôn biết tìm kiếm và quy thuận thánh ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho chúng ta về Chúa Cha và về Thần khí tác sinh. Khi Ngài lãnh phép rửa tại sông Giorđan, mầu nhiệm Ba Ngôi từ từ được vén mở, qua tiếng Chúa Cha từ trời vọng xuống và Thánh Thần đậu xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu. Ngoài những điều mà Kinh thánh mạc khải, giáo huấn của Giáo hội cũng đầy ắp những gợi mở cho chúng ta về mầu nhiệm cao cả này. Đây là giáo lý căn bản và chúng ta vẫn thường xuyên tuyên xưng mầu nhiệm ấy mỗi khi chúng ta giơ tay làm dấu Thánh giá để cầu nguyện cùng Chúa Ba Ngôi.

Phẩm tính căn bản của mầu nhiệm Ba Ngôi chính là tình yêu

Trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan, vị tông đồ đã định nghĩa về Thiên Chúa qua một hạn từ rất đơn giản và cô đọng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng quyết rằng, ‘Lòng thương xót’ là tên gọi thứ hai của Thiên Chúa, bởi vì thương xót là cách hiển thị rõ nét về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Khi chiêm niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta hãy cảm nghiệm như Thánh Phaolô đã từng diễn tả: “Thiên Chúa đã đổ đầy tình yêu của Người vào tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho chúng ta (Rm 5, 5b). Để mặc khải về tình yêu của Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói với Nicôđêmô : “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban chính con một của Ngài để ai tin vào người Con, sẽ được sống. (Ga 3,16). Vì thế khi chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, chúng ta bắt đầu sống ơn gọi làm con và khởi đầu sứ vụ thực hành tình yêu như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã nói: “Mỗi người chúng ta được trao ban một sứ vụ để chu toàn, đó là sứ vụ của tình yêu”.

Kết luận

Một bữa nọ, Ông Voltaire, một triết gia vô thần đi bách bộ với một anh bạn trên con đường quê ven rừng. Giữa giao lộ có một cây Thánh giá phủ đầy tuyết. Voltaire đã công khai bỏ đạo từ lâu, và hoàn toàn không còn tin vào Thiên Chúa nữa. Ông còn ngạo nghễ chế diễu niềm tin của các Kitô hữu. Nhưng người bạn đang đi với ông lại có niềm tin rất sâu xa. Voltaire chỉ vào cây Thánh giá phủ đầy tuyết và nói với anh bạn: “Đây là hình ảnh của tôn giáo ngày nay. Thiên Chúa của các anh đã bị văn minh khoa học phủ kín mặt mày và niềm tin tôn giáo đã bị sự lạnh lùng băng giá của con người hôm nay che lấp. Vì vậy, Thiên Chúa của các anh không còn lý do để hiện hữu nữa”. Chợt lúc đó, có một cơn gió mạnh thổi đến hất tung chiếc mũ trên đầu Voltaire và quăng xuống đất, đồng thời cơn gió đã làm tan chảy lớp tuyết bao phủ cây Thánh giá. Gương mặt Chúa Giêsu từ từ hiện lộ một cách rõ nét. Người bạn của Voltaire lúc đó mới trả lời ông :”Này bạn, đây mới là hình ảnh đích thực của niềm tin tôn giáo ngày hôm nay. Cho dù con người vẫn lạnh lùng và chai cứng như lớp tuyết trắng che kín Thánh giá, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn dư sức hất tung sự kiêu ngạo của con người và làm tan chảy sự lạnh lùng nơi con tim sỏi đá của mọi người. Ngài luôn hiện hữu cho dù con người vẫn đang ra sức loại trừ Ngài”.

Một nhà tu đức đã nói : “Chúng ta hãy kiếm tìm Thiên Chúa chứ đừng tìm nơi ở của Ngài”. Chúa ở khắp mọi nơi và đang ở trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta hãy không ngừng đi kiếm tìm Ngài.

Văn Hào, SDB

Visited 24 times, 1 visit(s) today