Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật 19 Thường niên năm C

Đức tin quy hướng về Thiên Chúa
     Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần. Đối tượng đức tin của mọi Kitô hữu không phải là một tín lý hay một giáo điều, nhưng là chính Thiên Chúa, đấng chúng ta phải luôn quy hướng về. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố : “Ai tin thì có sự sống đời đời (Ga 3,15-16). Trong thư Rôma, Thánh Phaolô cũng dẫn giải rất nhiều về đức tin (xem chương 3,4,5) và Ngài kết luận rằng, nhờ tin chúng ta được nên công chính. Các bài đọc lời Chúa hôm nay cũng đề cập đến đức tin và chỉ dẫn cách thức thực hành đức tin cụ thể trong cuộc lữ hành hôm nay.

Đức tin đối kháng với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa hưởng thụ
     Trong một bài huấn đức, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã đề cập đến chủ nghĩa duy vật (materialism) và chủ nghĩa hưởng thụ (consumerism) như là những lối sống làm sói mòn đức tin, dần dần loại bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài. Triết gia vô thần Nietzche đã từng tuyên bố : “Thiên Chúa đã chết rồi”. Cũng vậy, chúng ta cũng sẽ từ từ khai tử Thiên Chúa, nếu chúng ta chỉ biết bám vào của cải vật chất trần gian.

     Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa nhắc nhở chúng ta: “Hãy sắm lấy túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không thể đục phá”. Một cuộc sống duy vật, lấy tiền bạc làm thước đo mọi giá trị, sẽ dần gặm nhấm đức tin, biến chúng ta trở nên những con người vô thần trong thực hành. Chúa Giêsu còn dùng 2 dụ ngôn ngắn với hình ảnh người đầy tớ tỉnh thức đợi ông chủ đi ăn cưới về, và người quản gia trung tín, để mời gọi chúng ta luôn biết đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng. Cũng tương tự, trong bài đọc thứ 2, tác giả thơ Do Thái nêu mẫu gương về đức tin nơi tổ phụ Abraham cũng như nơi bà Sara. Hai vị này đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa và Ngài đã thực hiện nơi họ những việc rất lạ lùng. Abraham trở thành tổ phụ một dân tộc đông đúc cho dù ông từng bị Thiên Chúa thử thách và toan tính sát tế Isaac, đứa con trai độc nhất. Bà Sara cũng đã tin vào lời hứa của Giavê và bà đã có một người con cho dù lúc ấy bà đã cao niên. Đức tin mà tác giả thơ Do Thái nói đến, diễn bày sự tín thác vào Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín. Ngài không bao giờ nuốt lời hứa hay phản bội. Vì vậy, trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta phải luôn đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng và không tôn thờ tiền bạc hay của cải vật chất như một thứ ngẫu tượng. Tỉnh thức và sẵn sàng là thái độ thiết yếu để chúng ta luôn biết hướng về Thiên Chúa trong bất cứ trạng hưống nào, vì “Chính vào lúc anh em không ngờ, Con người sẽ đến” (Lc 12,40).

Sống tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng
     Đứng trước sự cuốn hút của tiền bạc, chúng ta dễ rơi vào sa ngã dẫn đến tình trạng mất đức tin. Chắc chắn mỗi người chúng ta đã từng có những kinh nghiệm đau thương về tiền bạc cũng như về danh vọng trần gian. Lúc chúng ta ăn nên làm ra, có tiền dư của để, bạn bè lui tới nườm nượp, chén thù chén tạc, tay bắt mặt mừng rộn rã. Nhưng khi sa cơ thất thế, chẳng thằng bạn nào ngó ngàng tới, thậm chí anh em ruột thịt cũng coi nhau như người dưng nước lã. Biết bao gia đình tan vỡ hạnh phúc chỉ vì đồng tiền, bát gạo. Có những cặp tình nhân say sưa quấn quýt bên nhau, nhưng khi hết tiền cạn bạc, tình yêu cũng tự động vỗ cánh bay xa. Chữ ‘tiền’ thường luôn gắn liền với chữ ‘bạc’. Vì vậy, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ cảnh báo : “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí, hãy sắm lấy túi tiền không bao giờ bị rách, một kho tàng không thể hao hụt trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng và mối mọt không đục phá”. Tiền bạc, thời giờ, tài năng, hay sức khỏe chúng ta đang có, là những gì Thiên Chúa ban tặng như những nén bạc để chúng ta sinh lời. Gia sản mà chúng ta phải sinh lời là kho tàng đích thực ở trên trời, chứ không phải nơi trần thế. Đây không phải là một huấn dụ mang sắc thái bi quan, cũng không phải là chủ trương sống thụ động theo kiểu trốn chạy. Điều Chúa Giêsu muốn nhắc nhở là phải luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng, biết sử dụng những phương tiện vật chất như một quản gia trung tín, để luôn kiên định trong đức tin và hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa.

     Trong các tu viện thời xưa, để nhắc nhở các tu sỹ về ý nghĩa cuộc sống, người ta hay ghi hàng chữ để treo trên tường: ‘Thời gian đang qua, và vĩnh cửu đang tới’ hoặc câu ‘Nay tôi, mai người’ (hodie mihi, cras tibi). Thánh Phanxicô Borgia trước kia là lính cận vệ của nữ hoàng Izabella, một con người giàu có và nhan sắc mỹ miều. Khi nữ hoàng nằm xuống, Phanxicô được cắt đặt hộ tống thi thể của nữ hoàng về Granada để mai táng. Theo nghi thức thời bấy giờ, trước khi hạ huyệt, người ta cho mở nắp quan tài để mọi người vĩnh biệt người quá cố lần cuối. Một mùi hôi thối nồng nặc xông lên. Khuôn mặt xinh xắn của nữ hoàng ngày xưa bây giờ chỉ còn là một xác chết bất động, trông méo mó và rất xấu xí. Qua cái chết của nữ hoàng, Thánh Phanxicô Borgia đã nghe được tiếng Chúa mời gọi, giống như sứ điệp trong bài Tin mừng hôm nay. Ngài đã từ bỏ tất cả sự giàu sang chốn cung đình, rút lui vào sống trong tu viện và cuối cùng đã trở nên một vị thánh. Đức tin và con đường nên thánh của thánh nhân bắt đầu từ cái chết của một con người quyền quý và cao sang. Thánh Augustinô cũng đã từng nói : “Hãy để sự chết làm thầy dạy chúng ta”.

Kết luận
     Nhà văn Ernest Hemingway đã đoạt giải Nobel về văn học với tác phẩm nổi tiếng tựa đề ‘Lão già và biển cả’ (The old man and the sea). Câu chuyện khá đơn giản. Một ngư ông ra biển thả lưới. Suốt 84 ngày đêm ông không bắt được gì. Lão già chán nản tính quay vào bờ. Bỗng lưới của ông rung lên và một con cá kình rất to dính lưới. Con cá quá lớn khiến ngư ông không thể kéo lên thuyền. Ông tìm cách đưa con cá vào bờ bằng cách cột nó bên mạn thuyền để lôi vào. Trong lòng, ông vui mừng với nhiều mơ ước. Con cá khổng lồ này có thể giúp ông kiếm được một số tiền lớn, sửa lại căn nhà cũ và cải thiện cuộc sống của cả gia đình. Ông mải suy nghĩ vu vơ với một viễn ảnh tươi sáng. Về đến nhà, lão già kéo con cá lên nhưng bây giờ nó chỉ còn trơ lại bộ xương. Một đàn cá mập bám theo con thuyền và đã rúc rỉa hết. Cuối cùng, ngư ông trở về căn nhà cũ cũng chỉ với 2 bàn tay trắng. Đó là hình ảnh nói về thân phận hiện sinh của tất cả mọi người, không loại trừ ai. Hemingway đã đoạt giải Nobel vì lối hành văn của ông rất dung dị và mộc mạc, nhưng câu chuyện mang chở một bài học nhân văn sâu xa và lột tả một chân lý rất thực trong cuộc sống. Nội dung câu truyện cũng tương thích với sứ điệp lời Chúa hôm nay.

     Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, biết sử dụng những phương tiện vật chất với một thái độ đức tin chân thực. “Nếu chúng ta không có một trái tim giàu có, thì tất cả sự giàu sang bên ngoài sẽ biến chúng ta thành một tên ăn mày bẩn thỉu” (tư tưởng của ông Emerson). Xin Chúa cho chúng ta biết cách làm giàu với của cải chân thực mai sau như lời Chúa nhắn nhủ trong Tin mừng hôm nay.
✍Văn Hào, SDB

Visited 57 times, 1 visit(s) today