(ANS – Rome) – Vào cuối Hội Nghị Truyền Thông Quốc Tế “Định Hình Ngày Mai” (Roma, ngày 1-7 tháng 8 năm 2024), Tổng Cố Vấn về Truyền Thông Xã Hội, Cha Gildasio Mendes, đã công khai trình bày hai tác phẩm văn học mới nhất của mình, cả hai đều được dành tặng cho Don Bosco và lấy cảm hứng từ kỷ niệm 200 năm Giấc mơ nổi tiếng lúc chín tuổi của ngài. Chúng là cuốn “Như Thể Nhìn Thấy Đấng Vô Hình” [As seeing who is invisible] và cuốn “Vĩ Tuyến 15 Và 20” [Parallels 15 and 20]. Hôm nay, ngài sẽ cho chúng ta biết chi tiết ý nghĩa và quan điểm của hai cuốn sách này.
Thưa Cha Gildasio, tại sao hai cuốn sách về Don Bosco lại ra mắt cùng lúc?
Đây là hai bản văn khác biệt và bổ sung cho nhau, mỗi cuốn đều có quan điểm riêng, dành cho giấc mơ của Don Bosco.
Như Thể Nhìn Thấy Đấng Vô Hình là một cuốn sách nói về tinh thần của Don Bosco thông qua một khoé nhìn mới, thiết lập một mối liên hệ với nhân vật Môsê trong Kinh Thánh. Theo cách này, tôi cố gắng đi ngược thời gian về với câu chuyện của Don Bosco trong Giấc Mơ Chín Tuổi, so sánh ngài với Môsê, một người hành hương trên con đường về “Miền Đất Hứa”. Bản văn được viết bằng các đoạn ngắn, chuyển ý nhanh, cung cấp những nét rõ ràng, đưa chúng ta vào cuộc sống hằng ngày của Don Bosco. Có thể nói rằng nó là một cuốn sách thông tin dành cho tất cả mọi người. Mặt khác, cuốn Vĩ Tuyến 15 và 20 nói về phương pháp sư phạm của Don Bosco, tiêu chí giáo dục, Hệ Thống Dự Phòng và tầm nhìn giáo dục của ngài, bắt đầu từ tầm nhìn địa lý của ngài về thế giới. Nó dành cho đối tượng độc giả chuyên biệt hơn: các học giả, những người trong thế giới văn hoá, nghiên cứu, khoa học, để bắt đầu một cuộc đối thoại với họ thông qua Don Bosco cùng với cách lý luận trực quan, sinh động và hoàn toàn hiện đại của ngài. Chúng ta có thể nói rằng chúng là đôi cánh giúp chúng ta có thể bay lên cùng Don Bosco.
Cuốn sách “Như Thể Thấy Đấng Vô Hình” ra đời như thế nào?
Tôi bắt đầu viết nó trên chuyến tàu lửa đi từ Roma về Turin trong suốt thời gian Ban Tổng Cố Vấn ở Valdocco. Tôi muốn hiểu Don Bosco hơn và cách ngài nội tâm hoá nỗ lực thực hiện mong muốn của Chúa dành cho cuộc đời ngài. Ý tưởng đến với tôi nhờ việc nghiên cứu về Don Bosco, đặc biệt nhờ đọc cuốn Hồi Ký Nguyện Xá, một số đoạn trong cuốn Hồi Sử của Cha Eugenio Ceria, những đoạn khác được viết bởi Pietro Braido và một số tác giả gần đây về Don Bosco.
Trong bản văn này, ngoài Giấc Mơ nổi tiếng lúc 9 Tuổi, còn nhiều chỗ cho một giấc mơ khác mà Don Bosco có vào năm 1844, khi đó ngài còn là một linh mục trẻ. Tại sao vậy?
Chúng ta đều biết Giấc Mơ 9 Tuổi; nhưng trong giấc mơ năm 1844, vốn là sự tiếp nối của nó, Người Phụ Nữ đã xuất hiện trong giấc mơ trước đó giục Don Bosco, người đang bối rối và do dự tiếp tục hoạt động giữa những con sói, cừu và các động vật khác. Trong thực tế, một trong những chủ đề nền tảng của cuốn sách là tầm quan trọng thiết yếu của việc theo đuổi giấc mơ của chúng ta: sống cuộc đời của chúng ta với tình yêu to lớn và tấm lòng rộng lượng, mang lại ý nghĩa cho những việc chúng ta làm, tìm ra những thứ nuôi dưỡng trái tim, luôn luôn tìm kiếm những chân trời mới. Don Bosco, lúc bấy giờ thấy mình thật đơn độc, với nhiều nỗi băn khoăn, hiểu lầm và cả vấn đề về sức khoẻ, là một Môsê mới trên hành trình liên tục tìm kiếm đường về Đất Hứa: đó là một “cuộc hành hương”, dù là trong nội tâm, để đối mặt với những nghi ngờ của chính mình, hay cụ thể là để tìm kiếm một nơi để ở với các thanh thiếu niên của ngài.
Trong cùng một bản văn, cha đã nhấn mạnh một khía cạnh ít được biết đến của cuộc đời Don Bosco: lòng hiếu khách của ngài. Cha có thể cho chúng con biết về điều đó không?
Theo tôi, đây là một trong những đặc điểm ban đầu của cuốn sách này – khó nhất trong số 25 cuốn tôi đã viết cho đến nay, vì nó đòi hỏi tôi so sánh trực tiếp với tất cả các nghiên cứu trước đây về Don Bosco, và tôi đã thử xem xét Don Bosco qua lăng kính của Thần học về Lòng Hiếu Khách. Và rồi tôi nhận ra rằng đã không có đủ sự nhấn mạnh về mức độ khó khăn mà Don Bosco đã trải qua khi phải tỏ lòng hiếu khách cho những người xa quê: khi còn là một cậu bé chăn bò tại nhà Moglia, một người pha chế tại Caffè Pianta, khi là một người du mục tìm kiếm một nơi trú ngụ cho các trẻ của mình…
Vậy lòng hiếu khách có phải là một nét đặc biệt của đoàn sủng Salêdiêng không?
Đương nhiên, bởi vì tất cả các kinh nghiệm này đã hình thành nên Don Bosco và cho phép ngài đồng cảm với nhu cầu của hàng triệu thanh thiếu niên hội tụ tại Turin trong thời kỳ công nghiệp. Ngài hiểu những cậu bé ấy và dành cho chúng lòng hiếu khách trọn vẹn tại nguyện xá (chuyện ăn, chuyện ngủ, gia đình, công việc, giải trí…) Không phải ngẫu nhiên mà Valdocco vẫn được gọi là “Viện Tế Bần Salêdiêng”. Đây là lí do tại sao, theo tôi, lòng hiếu khách là và phải luôn được duy trì như một đặc điểm căn bản của mọi nhà Salêdiêng: thực hành lòng hiếu khách là bác ái, là sống Hệ Thống Dự Phòng. Bên cạnh thực tế rằng lòng hiếu khách là một vấn đề gắn liền với những thách thức của xã hội, với tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô, và cuối cùng là với toàn bộ sứ điệp Tin Mừng.
Bây giờ chúng ta đến với cuốn sách Vĩ Tuyến 15 và 20. Tại sao tiêu đề và bìa sách này lại miêu tả Don Bosco được bao quanh bởi tấm bản đồ?
Tiêu đề và bìa muốn đề cập một cách hấp dẫn đến một điểm đặc biệt: ngài có một trí tưởng tượng về không gian-địa lý, một trí thông minh trực quan. Don Bosco có một niềm đam mê lớn lao về địa lý; ngài giữ một quả địa cầu trong phòng của mình và ở Valdocco ngài đã cho Marchisio, một trong những học sinh của mình vẽ một trong những bản đồ chính xác nhất của nước Ý, sau đó đã được xuất bản bởi Tổng Cục Bưu Chính. Trong cuốn sách, tôi khẳng định rằng chính cách thức “nhìn nhận mọi thứ” này đã giúp ngài thiết kế hệ thống giáo dục như thể nó là môn hình học vĩ đại: nó định hình cách thức ngài tổ chức các bài viết của mình, xác định vai trò người giáo viên trong không gian giáo dục, ủng hộ vai trò của âm nhạc, như một loại toán học…
Vậy, tầm nhìn không gian của Don Bosco có ảnh hưởng đến ơn gọi và sự phát triển công cuộc Salêdiêng không?
Don Bosco là người mơ mộng! Vô số giấc mơ của ngài, với các cách diễn giải khác nhau, đầy hình ảnh, tranh vẻ, yếu tố địa lý (không gian, kích thước, mối quan hệ, khoảng cách, tương quan), yếu tố trực quan, âm thanh: Tất cả tạo thành một chiếc Kính vạn hoa thực sự. Và tư duy này cũng dẫn đến việc ngài hình dung sự mở rộng của Dòng Salêdiêng ra toàn cầu cùng với cấu trúc đặc trưng của các nhà Salêdiêng, bao gồm một sân chơi, nhà nguyện, không gian làm việc và môi trường cộng thể…
Cha cũng có viết rằng “trong một thế giới bị thống trị bởi khoa học và công nghệ… nỗ lực của tôi là nhằm mở ra một hay nhiều cánh cửa cho việc đối thoại với những người này, thông qua một khoé nhìn kỹ thuật hơn về cách giáo dục của Don Bosco, như ngài thiết kế phương pháp giáo dục của mình: Cha có thể giải thích điều này rõ hơn không?
Xã hội ngày nay là một xã hội ưa thích dữ liệu, các con số, các đo lường, phương pháp suy diễn…chúng ta đều bị nhấn chìm trong một thế giới không còn phải là thế giới siêu hình: mà đó là một thế giới công nghệ. Và để đối thoại với ai đó, bạn cần tìm ra điểm chung. Tại đây, ý định của tôi với cuốn “Vĩ Tuyến 15 và 20” chính là thiết lập điểm chung này, nhấn mạnh sự liên quan mật thiết của Don Bosco do sự hoà hợp giữa trí tưởng tượng không gian-địa lý của ngài và mọi thứ tạo ra cuộc sống hằng ngày của chúng ta ngày hôm nay. Từ sự đồng điệu này, tôi hy vọng bắt đầu một cuộc đối thoại với các nhà khoa học, các nhà toán học, các chuyên gia và các học giả, để có thể tiếp cận một khoé nhìn nhân bản, tạo ra một sự suy tư chung về việc giáo dục người trẻ hôm nay, ý nghĩa của cuộc sống và các mối tương quan của con người trong sự đa văn hoá…
Có phải do đó mà cuốn sách mở ra các cách nhìn mới trong việc nghiên cứu hình ảnh Don Bosco?
Có thể nói rằng đóng góp của tôi qua cuốn sách này cũng nhắm tới việc mở ra một cánh cửa về khía cạnh ít ai biết đến này của Don Bosco, để các học giả và các nhà nghiên cứu có thể đào sâu những lĩnh vực liên quan.
Vậy thì bây giờ giờ chúng ta chỉ cần đọc những cuốn sách này. Các ấn phẩm này sẽ được dịch ra bao nhiêu ngôn ngữ và có thể mua chúng bằng cách nào?
Chúng đang được in và các bản sao sẽ được gửi đến các Tỉnh Dòng, nhưng các phiên bản kỹ thuật số cũng sẽ được phân phối hoàn toàn miễn phí. Cuốn Như Thể Nhìn Thấy Đấng Vô Hình đã có sẵn bằng tiếng Ý, tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha, và chúng tôi đang tiến hành dịch sang tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Cuốn Vĩ Tuyến 15 và 20 sẽ chỉ có thể truy cập bằng ngôn ngữ gốc là tiếng Anh.
Cả hai bản văn đều có thể được tải xuống, bằng các ngôn ngữ đã đề cập ở trên, ở cuối trang.