NHỮNG NGƯỜI KỲ LẠ

          Trong một buổi lễ, tôi chợt nghe cha giảng rằng: “Nhiều khi tôi cũng tự hỏi, tại sao người Ki-tô hữu của mình bị “ghét” nhiều thế. Tôi nghe người ta bảo rằng, đó là do giáo dân của mình toàn làm điều trái khoáy, ngược đời. Mà phàm những gì không phù hợp với chuẩn mực chung, thì dễ bị kết tội”. Suy nghĩ về chuyện này, tôi cũng chợt nghĩ đến bản thân tôi cũng từng làm những chuyện “ngược đời” này.

          Năm 2009, vừa kết thúc kì thi tốt nghiệp phổ thông, sĩ tử chúng tôi lại lao đầu vào kì thi đại học. Với những bạn ở thành phố lớn – nơi được dùng để làm điểm thi – thì không nói, chứ với những đứa tỉnh lẻ như chúng tôi, cha mẹ cực kì lo lắng: Lên đó thi suốt nửa tháng, ăn đâu, ngủ đâu, ở đâu, đi lại thế nào, làm sao để đảm bảo rằng trong nửa tháng đó chúng tôi hoàn toàn thoải mái tập trung cho việc thi cử thật tốt chứ không phải lo lắng bất kì chuyện gì khác. Trong lúc đang bàn tính, thì một ông trùm của giáo xứ thông báo rằng có một nhà thờ trên thành phố nhận các thí sinh, chăm lo cho việc ăn ở. Cha mẹ chúng tôi mừng lắm, vì đang bàn nhau làm sao để kiếm được nhà trọ trong lúc cả nước đổ về một thành phố thế này. Rồi mọi người cùng thuê xe lớn để đưa chúng tôi đi thi, cha mẹ cũng đi cùng để “lên đó xem thực hư thế nào”, lòng cũng dự trù thêm những phương án nếu thông tin kia là không có thật.

          Sau 5 tiếng, chúng tôi cũng tới nơi, đó là nhà thờ Xây Dựng, ngay đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình. Đón chúng tôi là cha chánh xứ và các cô chú trong ban gọi là “Tiếp sức mùa thi”, cạnh đó là các anh chị tình nguyện viên từ các trường đại học. Chúng tôi thật sự bất ngờ khi được thông báo rằng chúng tôi sẽ được ăn ở miễn phí tại nhà thờ, và những ngày đi thi sẽ có các tình nguyện viên đưa đón chúng tôi, dĩ nhiên cũng là miễn phí luôn. Tuy nhiên, chỉ có chúng tôi ở lại, cha mẹ sẽ phải về, bởi vì “Ở đây phải tối ưu hóa để phục vụ cho các thí sinh, cha mẹ cứ yên tâm là chúng tôi sẽ được chăm sóc thật tốt”. Và thực sự, trong nửa tháng trời đó, chúng tôi như những đứa con trong một đại gia đình đông đúc, cùng ăn, cùng học, cùng chơi. Cha xứ ngày nào cũng nhắc nhở, quan tâm chúng tôi từng chút một, các bữa ăn được chính cha giám sát, rồi mời bác sĩ về kiểm tra sức khỏe cho chúng tôi. Trên trường thi, khi những bạn khác nghe chúng tôi kể rằng chúng tôi được chăm sóc như thế, nhiều người còn tỏ ý nghi ngờ, hoặc buông một câu “Chả có nơi nào tốt thế đâu, chắc để PR chứ gì?”, hoặc “Rồi các bạn có phải trả công gì lại không? Chứ đời này ai cho không ai cái gì bao giờ?”. Thực sự, nghe những câu đó, chúng tôi có chút buồn.

          Năm tiếp theo, tới hè, chúng tôi –những thí sinh năm ngoái đã đậu đại học – quay về Nhà thờ Xây Dựng, xin các cô chú cho chúng tôi được gia nhập đội ngũ “Tiếp sức mùa thi”. Dĩ nhiên là các cô chú quá vui. Và lúc đó, chúng tôi mới thấy rằng, chúng tôi đã làm những chuyện điên rồ và kì quái đến thế nào.

          Đầu tiên, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xem sẽ đón tiếp được bao nhiêu thí sinh. Hội các Bà mẹ Công giáo sẽ phụ trách vấn đề nấu nướng hàng ngày, các bác bên Hội Gia trưởng sẽ phụ trách kêu gọi “xe ôm” tình nguyện để đưa đón thí sinh những ngày đi thi, các cô bên Hội Hiền mẫu sẽ lo những chuyện liên quan đến việc tìm kiếm ngân sách: Tiếp nhận tài trợ, đi xin tài trợ, kêu gọi tài trợ. Còn chúng tôi, chúng tôi làm một tờ bướm về chương trình của giáo xứ, sau đó sẽ đi phát ở các trường đại học. Vào những ngày thí sinh tới đăng kí, các buổi tối chúng tôi sẽ cùng nhau đi dọc những con đường bất kì trong thành phố, nếu thấy bạn nào đang đi cùng phụ huynh, vai còn đeo ba lô, hoặc ngồi ở bến xe buýt, chúng tôi sẽ nhào tới ngay và hỏi xem các bạn đã có chỗ trọ chưa, nếu chưa, chúng tôi chở về nhà thờ và bố trí chỗ ngủ. Tôi nhớ có lần, tôi cùng bạn gặp một bạn đang bơ vơ, chúng tôi tiến tới, bạn hết hồn vì tưởng lừa đảo, chứ làm sao lại có thể được ăn ở đưa đón miễn phí ở Sài Gòn. Chúng tôi chở bạn về nhà thờ, bạn vẫn ôm khư khư cái ba lô của mình, đến khi được nghe chính các bạn đang ở xác nhận rằng nơi đây an toàn tuyệt đối (và vui nữa), bạn mới nới lỏng tay ôm ba lô, và thở nhẹ. Sau đó chúng tôi mới biết, bạn từ Nghệ An vào, một thân một mình đi thi, hôm rồi đi kiếm chỗ trọ và bị lừa hết một ít, nên đâm ra cảnh giác.

          Cứ thế, thành ra nhiều khi chúng tôi đưa ra chỉ tiêu là đón 500 thí sinh, nhưng con số thực tế có khi lên đến 600. Lúc đó, các cô chú trong nhà thờ lại bố trí tại nhà mình. Nhà nào sắp xếp được phòng nào thì mời các bạn về phòng đó. Có những khi nửa đêm, các anh chị trong ban tiếp sức mùa thi của trường đại học chở thí sinh tới, nhờ chúng tôi sắp xếp, cha xứ cũng bảo “Nhận hết đi con, Chúa thương, mình sắp xếp được hết à”. Mà Chúa thương thật, đỉnh điểm là kì thi cao đẳng, chúng tôi tiếp đón hơn 700 bạn, đang lo lắng đủ chuyện, nhất là vấn đề đưa đón thì vẫn có những cô chú anh chị cố gắng sắp xếp thời gian qua chở các bạn đi thi. Có những cô chú ở suốt bên nhà thờ với chúng tôi và các bạn thí sinh, nhắc nhở từng chút một về vấn đề ngủ nghỉ ăn uống cho hợp lý. Ngày nào cũng có người tới ủng hộ nhu yếu phẩm cho chúng tôi: người cho nửa con heo, người cho tạ gạo, người cho đường muối, người cho rau củ… và cứ thế, bữa ăn cho các thí sinh lúc nào cũng đầy đủ dưỡng chất và phong phú. Có khi chính Cha xứ ra kiểm tra thành phần bữa ăn, và tôi nhớ rõ rằng lần đó Cha phàn nàn rằng phần ăn sáng này hơi ít, nhiều em có nhu cầu ăn thêm thì thế nào, nên hội các bà mẹ phải đặt thêm gấp rưỡi.

          Bốn năm như thế, tôi gắn bó với chương trình, nhiều khi nghe mọi người mỉa mai rằng “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, hoặc “toàn những đứa thích lo chuyện bao đồng, làm chuyện ngược đời, ai mướn không biết”, “nếu nhà thờ không làm thì cũng có ảnh hưởng đến ai đâu”. Đúng, nếu cha không khởi xướng, nếu chúng tôi không làm, chẳng ảnh hưởng tới ai cả. Các em thí sinh, cách này cách khác, vẫn có thể vật lộn qua mùa thi như từ trước tới giờ đó thôi. Không làm, cha xứ chẳng việc gì khản cổ kêu gọi giáo dân rộng tay giúp đỡ, Hội các Bà mẹ, Hội Gia trưởng, Hội Hiền mẫu chẳng việc gì thức khuya dậy sớm, có khi nửa đêm vẫn đang nhọc nhằn bố trí xe ôm đưa đón các thí sinh, chẳng việc gì chúng tôi mất ngủ trong nửa tháng trời cho một kì thi đại học mà người-thi-chẳng-phải-là-mình. Đã thế, đôi khi còn bị mọi người nói ra nói vào, như kiểu hội này làm việc gì dở hơi, quái đản, có người còn đồn rằng chúng tôi chỉ tiếp nhận những người Công giáo, những người ngoại đạo sẽ chẳng có cửa đâu.

          Đúng! Nếu nghĩ theo một khía cạnh nào đó thì chúng tôi hoàn toàn không cần nhọc công làm gì cho mệt cả. Tuy nhiên, thế thì sức lan tỏa của những hành động tốt đẹp sẽ chẳng bao giờ có được. Trong một bộ phim, tôi nhớ có một câu thế này “Những điều tốt đẹp thì sẽ luôn còn mãi và sẽ có cách lan tỏa của mình, và đó là cách để làm thế giới này tốt đẹp hơn”. Chúng tôi vẫn cứ kiên trì làm suốt 4 năm đó, vận động tài trợ, tiếp nhận thí sinh, không phân biệt tôn giáo, dân tộc (số liệu thực tế cho thấy rằng có năm số lượng thí sinh ngoại đạo còn nhiều hơn là có đạo). Đổi lại, những điều tiếng ban đầu cũng dần xóa bỏ, rồi có những nhà thờ khác cũng khởi động chương trình. Chúng tôi bố trí, trao đổi, linh động thí sinh để giảm được thời gian di chuyển tới điểm thi, rồi cả thành phố biết được chương trình của chúng tôi, rồi lan về những vùng quê, chỉ cần tới mùa thi là mọi người nghĩ ngay đến “Nhà thờ Xây Dựng”. Và những người tài trợ cho chúng tôi không chỉ gói gọn trong giáo xứ nữa, có những người biết chương trình, thấy hay thấy thương, tự động tới quyên góp, và có những người không biết về đạo nhưng cũng tới tài trợ và ủng hộ chương trình hết sức ý nghĩa của nhà thờ.

          Thế đấy, tôi đã trải qua một khoảng thời gian sống trong một môi trường mà nhiều người cho rằng “quái lạ” đó. Sau này không còn chia thành 3 kì thi nữa nên chương trình không còn, và trở thành một phần kí ức đẹp đẽ của chúng tôi. Tôi nhớ, đợt đó cha xứ đã nói với chúng tôi rằng “Mình cứ làm hết sức thôi chúng con, đây là một trong những cách để chúng ta làm rạng danh Cha trên trời, đạo nào cũng hướng con người ta đến điều thiện, nhưng chúng ta cố gắng hiện thực hóa những điều thiện đó, chứ không phải chỉ rao giảng lý thuyết chứ không có chút thực hành nào”. Chúng tôi luôn ghi nhớ điều ấy, đến tận sau này, đi làm ngoài xã hội, đôi khi cư xử tốt quá mức cũng bị nghi ngờ, cho rằng chúng tôi chiêu trò, lợi dụng để được thăng tiến, được ưu ái… Chúng tôi cũng kệ, cứ sống tốt là được.

           Vì, điều tốt sẽ chắc chắn được lan tỏa, cứ tin thế thì cuộc đời mới tốt đẹp được mà, đúng không?

          Tác giả: Tùy Phong-

Visited 16 times, 1 visit(s) today