TẦM NHÌN QUYẾT ĐỊNH BƯỚC CHÂN

       Con người có thể đi bao xa và tới đâu là mức giới hạn?

       Ai cũng có ước vọng vươn đạt đến những tiêu chuẩn cao hơn trong cuộc sống. Tiêu chuẩn được mặc nhiên công nhận là: Có tiền, có học vị, có việc làm ổn định, lương cao. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy đó không là chân lý mà nó chỉ có thể là một trong số các điều kiện thuận lợi mà thôi. Vậy đâu mới là yếu tố quyết định cho bước chân được đi xa, bay xa. Đó chính là “TẦM NHÌN”.

       Tầm nhìn bao xa?

       Nếu tầm nhìn bạn là 10 mét thì chân bạn bước tới đâu?

       Chắc chắn bạn chẳng đi được bao xa: Nhà bếp, nhà cơm, phòng ngủ, phòng khách… Nói chung là khuôn viên nhỏ bé của ngôi nhà riêng mình.

       Nhưng nếu tầm nhìn bạn trên 1 km, trên 100 km, 1.000 km thì sao? Với khoảng cách địa lý rộng như thế thì ngay lập tức những bước chân lên đường: Những chuyến dã ngoại, phiêu lưu, những cuộc thám hiểm và những chuyến bay đến những vùng đất mới. Tóm lại, chính tầm nhìn quyết định bước chân. Ước muốn cao sẽ đẩy những bước chân đến những nơi mà ánh mắt có thể chạm đến.

       Tầm nhìn của bậc vĩ nhân, các thánh

       Ngày hôm nay, nếu đọc tin trên mạng chúng ta bắt gặp rất nhiều bảng “phong thánh” kỳ dị cho những hiện tượng bất bình thường trên mạng xã hội: “Thánh rắc muối”, “siêu thánh SIM”, “thánh soi”, “thánh lầy”, “thánh ăn”… Đọc những tin này, ta hình dung ra một mớ lộn xộn các thứ thánh: Từ loại vớ vẩn đến hài hước.

       Vậy các vĩ nhân, các thánh mà chúng ta muốn nói đến ở đây là những ai? Đó là những người được sinh ra như muôn người, nhưng họ hơn hẳn người khác về chân trời ước mơ và ánh nhìn thực tại. Đôi mắt của vĩ nhân, hiền nhân nhìn thấy cái mà con người bình thường không thể thấy: Đó là niềm hy vọng, niềm vui, niềm tin và tình yêu ẩn chứa dưới những điều tưởng chừng rất bình thường. Ánh nhìn của các ngài không giới hạn ở khung trời địa lý, không giới hạn ở phận người, nhưng vươn xa hơn tới “Siêu việt” ở cả chiều cao lẫn chiều sâu. Nói cách khác: Các vĩ nhân “nhìn thấy” được tính linh thánh trong những gì là thường ngày.

       Với các vị thánh, chúng ta hay nhìn họ như người đã chết và được đặt trên bục để tôn vinh. Nhưng sẽ chẳng có vị thánh được tôn vinh sau khi chết nếu trong cả đời đã chẳng từng nỗ lực từng bước để trở nên thánh nhân.

       Chung quy, thánh nhân cũng là con người, nhưng điều làm cho các thánh vượt hẳn người thường đó chính là bởi tầm nhìn của các ngài vươn đến cả trời cao. Các thánh sống cuộc đời trần thế với mọi hệ luỵ của nó, đồng thời ánh mắt và tâm thức của các ngài quét trọn siêu việt, các ngài hít thở cả bầu khí thần linh trong nội tâm sâu thẳm. Tại đó, không gì có thể làm nó xáo trộn hay lung lay. Cũng vì lẽ đó mà các ngài nhìn thấy nơi vị thánh nơi người khác.

       Trời cao là tầm nhìn của các thánh. Tầm nhìn này đưa bước chân các ngài đến với từng cõi lòng con người, chạm đến cả cõi nhân sinh, và vươn đạt tới trời cao thẳm. Bí mật nơi các thánh là đôi mắt các ngài hướng về trời cao mà không trở thành hoang tưởng. Các ngài biết độ cao của trời để vươn tới, nhưng cũng biết con đường dài của trần thế nối trời cao để từng bước tiến tới.

       Bí quyết dẫn đường

       Vẫn biết cái đưa người ta đi xa phải là tầm nhìn, nhưng nếu chỉ có tầm nhìn mà không có kế hoạch hành động thì dẫn đến sự hoang tưởng. Vậy bí quyết nào làm cho tầm nhìn trở nên hiện thực?

       Thiết kế con đường từ bước chân đến tầm nhìn

       Nhìn thấy bầu trời cao, nhìn thấy mọi cảnh quang, nhìn thấy nỗi khổ và sự yếu kém của con người, biết mảnh đất người trẻ đang đặt chân là gì, Cha thánh Bosco đã thiết kế con đường để từng bước giúp người trẻ bước tới trời cao, với xác tín trong khi bước đi trên con đường nên thánh, họ là thánh. Cha Bosco dạy người trẻ: “Chu toàn bổn phận trong vui vẻ” là phương thức nên thánh đơn sơ và hiệu quả.

       Ngày hôm nay, nền công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã làm cho nhịp sống xã hội thành nhanh đến không tưởng: Mọi sự chỉ cần một cú Click! Sự đa phức, tốc độ truyền thông làm cho thế giới chỉ còn như ngôi làng nhỏ. Người trẻ muốn hội nhập cách thuận lợi cần phải có sự chuẩn bị về nhiều mặt: Cả về kiến thức, kỹ năng lẫn thái độ sống.

       Tuy nhiên, với biến cố dịch Covid-19, con người như bị “thắng lại”. Hoàn cảnh bắt người ta phải sống “Chậm lại một nhịp”, là điều mà trước đây là không tưởng, đã làm cho người thời nay phải dừng lại và phản tỉnh. Cũng từ đó, đòi người ta phải thay đổi suy nghĩ của mình.

       Trong giới thiệu hoa thiêng 2020, Cha Bề Trên Cả Ángel Fernández Artime lưu ý các thành viên trong Gia đình Sa-lê-diêng: “Anh chị em thân mến, chúng ta đừng chỉ nói với các người trẻ: Các con cứ vui chơi trên sân. Và chúng ta an lòng khi thấy các trẻ yên ổn. Không được như thế. Chúng ta phải nghĩ làm thế nào để đồng hành với người trẻ, giúp các em thành những con người có trách nhiệm với xã hội, với thế giới. Nếu ở đâu có tình trạng bị lạm dụng, bất công… thì chính người trẻ phải ra tay hành động can thiệp”.

       Từ những suy tư này, đôi mắt và tâm trí của nhà giáo dục phải rộng hơn việc ăn gì, làm gì, ở đâu, ngồi chỗ nào trong văn phòng… và ngay cả làm thế nào để có một cuộc sống an ổn, mỹ mãn nữa. Nhưng chúng ta còn phải quan tâm đến những điều rộng lớn hơn để giúp người trẻ sống có trách nhiệm đối với ngôi nhà chung, và với chính vận mệnh của mình, và đặc biệt nhận ra sự linh thánh trong đời sống với sự can thiệp của AI ĐÓ rất đỗi nhiệm màu vào thế giới.  

       Từ giờ, những vấn đề biến đổi khí hậu, nguồn nước cạn kiệt, vùng đất mới, ảnh hưởng công nghệ, nước sạch, rau sạch, để lá mãi xanh, an sinh, dịch bệnh… phải là vấn đề chung của mọi người chúng ta. Và đối với Don Bosco, giúp người trẻ “Mở rộng tầm nhìn đến trời cao” là bước đầu để nhà giáo dục cùng với họ nỗ lực xây dựng một thế giới mới: Có Thiên Chúa, có mình và có hạnh phúc của anh em. Đó chính là nền chính trị của Kinh Lạy Cha mà Don Bosco nói đến.

Bài viết: Speranza

Visited 1 times, 1 visit(s) today