NGƯỜI TRẺ SẴN SÀNG ĐỂ THAY ĐỔI?

Giuse Nguyễn Xuân Quang,sdb

    Bạn thân mến, chắc hẵn chúng ta đã từng nghe hoặc cũng từng khuyên nhủ một ai đó rằng: “Life changes when we change” (đời chỉ đổi khi chúng ta thay đổi). Trong bài viết này, tôi cũng muốn cùng các bạn đặt lại câu hỏi cho chính mình: “Are you ready to change your’life?”. Câu chuyện “Who moved my cheese[1] (Ai đã lấy miếng phô mát của tôi) nổi tiếng lan truyền khắp thế giới tuy rất đơn giản nhưng lại ẩn chứa một ý nghĩa vô cùng to lớn về mặt tích cực của việc thay đổi thái độ sống của chúng ta.

    Chính là khi bạn cảm thấy sợ hãi và bế tắc nhất, chỉ đơn giản vì một thói quen thường nhật bị thay đổi, cũng là lúc cuộc sống cho bạn hai lựa chọn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ tương lai. Và câu truyện về 04 người bạn sống trong một mê cung, với công việc mỗi ngày là đi tìm phô mát (cheese, fromage), thoạt nghe đơn giản, nhưng lại chứa đựng trong đó câu trả lời trọn vẹn nhất cho những tâm hồn đang lung lay. Giờ thì bạn hãy cùng tôi chúng ta cùng đi vào câu chuyện nhé!1

1. Cách tuyệt nhất để ứng phó với những thay đổi.

     Lúc ấy, trong một mê cung khổng lồ với hàng ngàn căn phòng có bốn người bạn cùng chung sống, họ là: hai chú chuột Khụt Khịt và Hối Hả, hai người tí hon E hèm và Ư Hừm. Giữa rất nhiều căn phòng, có một số chứa đầy phô mát – nguồn thức ăn chính của cả 04 bạn. Để tồn tại qua ngày, tất cả đều phải lần tìm quanh mê cung ngày này qua ngày khác kiếm nguồn dự trữ phô mát.

 Trong khi hai con người E hèm và Ư hừm vận dụng đầu óc phức tạp của mình để nghĩ ra một lộ trình hoàn hảo cho cuộc tìm kiếm kho phô mát thì hai chú chuột Khụt Khịt và Hối Hả cứ chăm chỉ mày mò, chạy quanh mê cung mỗi ngày, nếu ở hướng này không có gì, chúng sẽ lập tức chuyển hướng. Cho đến một ngày, bất ngờ cả hai nhóm đều cùng tìm được một kho chứa phô mát khổng lồ, nhưng ai trong chúng cũng nghĩ kho phô mát đó là của riêng nhóm mình.

Cuộc sống từ đó trở nên thư thả hơn cho 4 sinh vật trong mê cung, Khụt khịt và Hối Hả dù mỗi ngày vẫn dậy sớm nhưng không còn khó khăn trong việc tìm kiếm nữa mà đã có một quãng đường nhất định. E hèm và Ư hừm thì cực kì tận hưởng, họ dậy muộn hơn, mỗi ngày thong thả đi bộ đến kho phô mát, cả hai thậm chí còn dọn nhà đến gần nơi này vì xem nó như sở hữu riêng của mình.

Vì phục vụ cả 4 miệng ăn, nên chẳng mấy chốc kho phô mát cạn dần và đến một ngày nó không còn có khả năng cung cấp lương thực cho các cư dân trong mê cung nữa. Đây chính là lúc lựa chọn sống tiếp của nhóm người và nhóm chuột trở nên chính là cái cách mà nhiều cá nhân chúng ta trong cuộc sống chọn đối mặt với thử thách.

E hèm và Ư hừm trở nên suy sụp khi nhìn thấy kho phô mát trống không, chúng liên tục cố gắng điều tra xem tất cả phô mát đã biến đi đâu, mất rất nhiều thời gian để than vãn, tranh luận về một vấn đề đã là quá khứ. Một phần cũng là do họ đã quá toan tính nhưng lại chủ quan khi đạt được thành quả. Trong khi đó, Khụt Khịt và Hối Hả vẫn theo bản năng của mình, tiếp tục ra đi tìm nguồn thức ăn mới không một chút lưỡng lự.

Bạn đoán xem, kết cục của 04 sinh vật này như thế nào…?

Bạn thân mến, không cần nói chúng ta cũng đủ biết kết thúc câu chuyện này sẽ ra sao. Tuy nhiên rõ ràng chúng ta đều nhìn thấy rằng: Dù cuối cùng, ai cũng sẽ phải chấp nhận thay đổi để thích nghi với cuộc sống, thế nhưng chính thái độ và thời điểm bạn chọn để thay đổi mới là thứ quyết định thành công. Bốn nhân vật trong câu truyện ngụ ngôn truyền cảm hứng này chính là đại diện của 04 tính cách điển hình ở con người.

Nếu “mê cung” đại diện cho cuộc sống hằng ngày, thì “phô mát” chính là những điều và mỗi người chúng ta vẫn luôn mong muốn (khát vọng), đó có thể là của cải vật chất hoặc chỉ đơn giản là một niềm vui tinh thần, là sự hạnh phúc. Chắc chắn khó khăn là điều luôn chờ ta phía trước, những rào cản vô hình dù dễ dàng vượt qua hay cam go thử thách cũng thứ mà mỗi người đều phải đối mặt vào một khoảng thời điểm nào đó trong đời. Bạn sẽ chọn nhanh chóng thay đổi để tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn, hay cố giữ khư khư cái cũ vì e dè những điều mới mẻ sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp. Hãy nhớ rằng: “Không có gì là mãi mãi”, bạn chỉ có thể tồn tại lâu dài khi học được cách thích nghi với hoàn cảnh nhanh chóng, không ngừng đấu tranh và giữ mình luôn cảnh giác khi mọi thứ đều có thể thay đổi. Mỗi việc xảy ra trong đời đều mang hai mặt tích cực và tiêu cực, theo đuổi hạnh phúc hay ở lại gặm nhấm thất vọng là lựa chọn mà bạn hoàn toàn có thể dành cho bản thân.

2. Đời chỉ đổi khi chúng ta thay đổi

    Hãy thử nghĩ lại xem có phải câu mà bạn thường bắt gặp nhất trong những lời than thở đầy rẫy trên mạng xã hội đó chính là: “Tại sao cuộc đời mình luôn gặp và yêu những người tồi tệ đến vậy?

Không cần pahi3 nghĩ đâu xa xôi, câu trả lời đơn giản hơn bạn tưởng rất nhiều. không phải do định mệnh, cũng không phải do số phận đã an bài bạn phải như thế, lý do chỉ đơn giản là: Bạn đang để “phần bị tổn thương” của mình làm nhiệm vụ thu hút sự chú ý của người khác.

Nếu đối với bạn, khái niệm “phần bị tổn thương” có vẻ quá xa lạ và khó hiểu, vậy thì hãy đọc và giải thích nó cùng với tôi nhé. Mỗi chúng ta đều có hai phần trong con người mình: “phần bản ngã” (hay tôi gọi là phần bị tổn thương, cái tôi) và “phần tinh thần” (hay còn gọi là phần thuộc về linh hồn). Phần bị tổn thương bên trong bạn sẽ luôn khiến bạn cảm thấy không bao giờ đủ. Nó khiến bạn tự hỏi mình rằng liệu bạn có giá trị gì trong cuộc sống này hay không, và thay vì cảm thấy mình thật tốt, nó sẽ khiến bạn cảm thấy mình có quá nhiều khuyết điểm. nói các khác, cái tôi của bạn chính là một góc nhìn mà ở đó bạn luôn tự hỏi: Liệu mình có thực sự xứng đáng?

Mặc khác, trong chúng ta vẫn tồn tại phần tinh thần. Đây chính là linh hồn và con người của bạn ở một mức độ “vĩ đại” và cao cả hơn. Phần tinh thần này giúp bạn cảm nhận được tình yêu, sự tin tưởng, tự do và hạnh phúc. Linh hồn bạn biết rõ bản thân bạn đáng được yêu và đáng được trân trọng biết bao nhiêu. Nó chính là đối nghịch của cái tôi phía trên.

Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta sẽ luân phiên tùy thời điểm và đứng ở góc độ của một trong hai phần bản ngã hoặc tinh thần mà suy nghĩ, đánh giá mọi việc. Vậy nhưng không may mắn là đa số chúng ta thường sẽ đứng ở góc nhìn của cái tôi để nhìn thế giới trong hầu hết cuộc đời mình. Chúng ta luôn bị ám ảnh rằng mình vô dụng và không có ý nghĩa gì với cuộc sống, và do đó chúng ta bắt đầu tìm cách để khỏa lấp tư tưởng tiêu cực này.

Cái tôi của bạn sẽ tìm kiếm vật chất bên ngoài nhằm khẳng định giá trị và sự hoàn thiện của bản thân bạn. Nó khiến bạn tin rằng một khi bạn đạt được nhiều hơn trong cuộc sống (như nhiều tiền hơn, người yêu tốt hơn, công việc xịn hơn, nhà to hơn, xe sang hơn…) thì bạn sẽ hạnh phúc hơn???

Như sự thật là bạn sẽ không bao giờ thấy hạnh phúc. À mà cũng có chứ, nhưng chẳng được lâu bền. Bạn có bao giờ rơi vào tình trạng rất vui khi mua được món mình yêu thích nhưng rồi cũng rất nhanh cảm thấy trống rỗng trong lòng chưa? Bản năng của cái tôi là thúc đẩy cảm giác không hoàn thiện bên trong bạn. Vì vậy, khi bạn sống cả đời mà để cái tôi điều khiển, bạn sẽ mãi mãi cảm thấy mình thiếu đi một điều gì đó rất to lớn. Đó là cái mà thánh Augustino gọi là “nỗi khắc khoải khôn nguôi”. Trong tình yêu, cái tôi của bạn lại càng được dịp hoạt động mạnh mẽ hơn, bởi vì tình yêu chính là nơi chứa đựng nhiều vết thương lòng nhất. Chúng ta ai cũng từng cảm thấy thất vọng, hụt hẫng và đau lòng vì một tình cảm, một mối quan hệ đã qua trong quá khứ. Chúng ta đem hết những kỷ niệm và nỗi đau đó đến mãi sau này khi đã trưởng thành, dù rằng có khi chỉ là trong vô thức. Nếu vaet61 thương lòng của quá khứ vẫn còn âm ỉ tân sâu bên trong bạn, bạn sẽ dễ thu hút những người có khả năng khiến nỗi đau đó trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Chính tiềm thức của bạn được lập trình để thu hút những ai “lôi dậy” vết thương cũ trong lòng bạn. Lý do là gì ư? Là để bạn có cơ hội trưởng thành.

Đó đúng nghĩa là một phần thật oái ăm và ngang trái trong quá trình bạn lớn lên. Nguyên tắc của nó chính là: Bạn cứ lặp đi lặp lại cùng một kịch bản, chịu đựng cùng một vết thương, để rồi cuối cùng bạn sẽ chấp nhận được nó và tự chữa lành nó. Chúng ta không thể hàn gắn những gì chúng ta không thấy hay không cảm nhận được. Chúng ta không tự dưng mà vượt qua nỗi đau trong lòng mà không cần có sự cố gắng hay chấp nhận qua nhiều lần té ngã. Vậy thì làm cách nào để bạn trưởng thành sau tất cả những lần vấp ngã đó? Bằng cách củng cố lại phần tinh thần của bạn.

Hãy nhớ rằng, linh hồn bạn mới là thứ hiểu được con người thật sự của bạn. nó biết rằng bạn xứng đáng hay không với những điều tốt đẹp, rằng bạn có khả năng làm được những điều thật vĩ đại, rằng bạn tuyệt vời và mạnh mẽ. Dưới lăng kính của linh hồn, bạn chính là hiện thân của tất cả. Đúng, bạn có thể là một con người không hoàn hảo, nhưng sự thật to lớn hơn thế đó chính là: bạn là một linh hồn đẹp đẽ thật sự (Chúa tạo nên mọi sự đều thật tốt đẹp cơ mà)

Khi đã thành công trong việc nhìn đời dưới góc nhìn tích cực hơn, những nỗi đau trong lòng bạn sẽ giảm bớt đi và trong nhiều trường hợp có thể biến mất hoàn toàn. Từ đó, bạn cũng chẳng gặp phải những người toàn khiến mình đau lòng nhiều nữa. Bạn phải nhớ, bạn càng đau lòng vì kiểu người như thế nào, thì sau này cuộc đời sẽ càng đưa đẩy bạn gặp những người tương tự như thế. Cách tốt nhất để không va vào những người như vậy là bạn phải thoát ra khỏi những tổn thương cũ trong quá khứ. Đây là điều mà Don Bosco nhấn mạnh: Tha thứ là quên đi mãi mãi, còn hận là còn nhớ, còn nhớ là còn day dứt, còn va vấp.

Sau khi bản thân bạn được đánh thức bởi những sự thật đẹp đẽ đến từ tinh thần của chính bạn, bạn sẽ nhận ra rằng những người “sai” hay “ không dành cho bạn” rốt cuộc chỉ là người xuất hiện để dạy cho bạn biết cách làm thế nào để cân bằng được tâm trí của mình, cân bằng cuộc sống của bạn (biển nếu không còn sóng, có còn là biển được không?). Trên đời này, chẳng ai thực sự trưởng thành mà không trãi qua ít nhiều những kinh nghiệm của đôi lần vấp ngã. Bạn biết không? Nếu không thay đổi được hoàn cảnh, hãy cố gắng thay đổi thái độ của mình. Bởi vì bạn biết: đời chỉ đổi khi chúng ta thay đổi.

3. Change the game, bạn đã sẵn sàng!

    Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kể về Mẹ Têrêxa Calcutta rằng: “Khi tôi hỏi Mẹ Têrêxa Calcutta xem phải làm gì để thay đổi trong Giáo Hội, Mẹ trả lời: chính cha và con!”

Bạn thân mến, mỗi chúng ta đều ít nhiều bị thế giới bên ngoài ảnh hưởng. Từ khi ta sinh ra, môi trường sống tạo nên nhân cách của chúng ta, nhưng đến một lúc nào đó, khi bạn trưởng thành hơn, có suy nghĩ của riêng mình, bạn sẽ phải học cách phân biệt đâu là “mình”, đâu là “người khác”. Chúng ta đều nên, đều cần trở nên tốt hơn, và thay đổi bản thân luôn là thử thách lớn nhất trong quá trình cải thiện chính mình. Nhưng thay đổi bản thân không có nghĩa là biến mình thành một người khác, mà là khiến mình trở nên tự chủ, giành lại quyền chủ động lựa chọn cách sống cuộc đời mình. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: «Một số người trẻ có lẽ chối từ giai đoạn này của cuộc đời vì họ muốn tiếp tục là trẻ con, hoặc muốn “kéo dài vô thời hạn tuổi niên thiếu và trì hoãn việc phải quyết định; như thế nỗi lo sợ trước những gì là dứt khoát và vĩnh viễn đã tạo ra một tình trạng tê liệt khiến họ không thể quyết định. Tuy nhiên, giới trẻ không thể sống lơ lửng lâu được: đây là tuổi phải lựa chọn và chính điều này làm nên sự hấp dẫn và cũng là nhiệm vụ lớn nhất của giới trẻ. Giới trẻ phải lấy quyết định trong các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội, chính trị, nhưng họ cũng phải lấy những quyết định khác, triệt để hơn, những quyết định mà sẽ định đoạt hướng đi dứt khoát cho cuộc đời họ”. Họ cũng đưa ra những quyết định liên quan đến tình yêu, việc lựa chọn người bạn đời hoặc quyết định về việc có những đứa con đầu tiên. Chúng ta sẽ đào sâu các chủ đề này trong những chương cuối, dành riêng cho ơn gọi cá nhân và sự phân định.»(ChV 140)

Suy cho cùng, mục đích của sinh mệnh này chính là hạnh phúc, bạn nắm trong tay khả năng làm chủ cuộc sống của mình, thực hiện điều mình muốn, sống thật hạnh phúc, bạn đã là “thần” rồi. “Tuổi trẻ, thời kỳ phát triển nhân cách, mang dấu ấn của những ước mơ đang dần dần hình thành, nhờ những tương quan ngày càng vững chắc và quân bình hơn, nhờ những nỗ lực và thử nghiệm, nhờ những chọn lựa để từng bước lập kế hoạch cho cuộc đời mình. Vào giai đoạn này trong đời, người trẻ được kêu gọi phóng mình đến tương lai, mà không cắt đứt với nguồn cội của mình, được kêu gọi trở nên tự lập, nhưng không cô độc”.(ChV 137). Mạnh hơn nữa, Đức Thánh Cha khuyên nhủ các bạn trẻ: «Các bạn trẻ thân mến, tốt hơn hết các con đừng đánh mất tuổi thanh xuân của mình, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Các con đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời mình trước cái màn hình. Ðừng để mình rơi vào cảnh tượng thê thảm như của một chiếc ôtô phế thải. Ðừng như những chiếc xe nằm trong bãi đậu xe, nhưng hãy ước mơ thoả chí và hãy đưa ra những quyết định. Các con hãy mạo hiểm, dù có thất bại. Ðừng tiếp tục sống với tâm hồn đã tê dại và đừng nhìn thế giới như những khách du lịch. Hãy lên tiếng! Hãy xua tan những nỗi sợ khiến các con tê liệt, để không trở thành những người trẻ như xác ướp. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở các cánh cửa lồng ra và bay đi! Làm ơn, đừng về hưu non các con nhé.» (ChV 143)

[1] Who Moved My Cheese? An Amazing Way to Deal with Change in Your Work and in Your Life, published on September 8, 1998, is a motivational business fable. The text describes change in one’s work and life, and four typical reactions to those changes by two mice and two “Littlepeople”, during their hunt for cheese. A New York Times business bestseller upon release, Who Moved My Cheese? remained on the list for almost five years and spent over 200 weeks on Publishers Weekly‘s hardcover nonfiction list. It has sold more than 26 million copies worldwide in 37 languages and remains one of the best-selling business books.

Visited 1 times, 1 visit(s) today